Những tác phẩm văn học dân gian ấy là nơi “Cho tôi nhận mặt ông cha của mình”. Do điều kiện lịch sử xã hội, do quan niệm thẩm mĩ và đặc điểm văn hoá riêng chúng tôi không có được những bộ sử thi đồ sộ như Ramayana, Ôđixê… song chúng tôi cũng rất đỗi tự hào với kho báu văn học dân gian vô cùng đa dạng, phong phú và vô cùng quý giá của chúng tôi.
Văn học dân gian cho chúng tôi những lời ru ngọt ngào từ thủa còn nằm nôi. Đó là ca dao, một bộ phận quan trọng làm nên nền văn học và văn hoá dân gian của dân tộc. Ca dao không chỉ là khúc hát du dương đưa em thơ và giấc ngủ mà đó còn là những câu nói hàm súc chứa đựng bao lời khuyên dạy về đạo lí làm người, những bài học nhân sinh. Ví dụ:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Rất nhiều nét văn hoá của dân tộc có lúc có nơi bị ai đó coi là xa lạ, thì chúng tôi lại tìm thấy trong truyện dân gian Việt Nam. Truyện dân gian là nơi thể hiện và lưu giữ những tư tưởng nhân sinh cao cả của người xưa như “ở hiền gặp lành”, “người ngay thì được Phật Tiên độ trì”, là nơi gửi gắm một niềm tin bất diệt “cái Thiện luôn chiến thắng cái ác”.
Tục ngữ lại là nơi chứa đựng những đúc kết kinh nghiệm sản xuất, những triết lí về cuộc sống, những thái độ ứng xử, quan niệm về cuộc sống… Mỗi thế hệ góp thêm một phần và cho đến nay, dân tộc tôi đã có một kho tàng tục ngữ rất đáng tự hào. Các bạn có thể tìm thấy rất nhiều điều hay trong những câu nói rất ngắn gọn, mộc mạc, gần gụi mà có những ý nghĩa rất sâu xa của cha ông chúng tôi. Đó là “Không Thầy đố mày làm nên”, “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn”…
Truyện cười dân gian sẽ mang đến cho các bạn những phút giây thư giãn vô cùng bổ ích. Bằng những câu chuyện vui kể về những tình huống rất đời thường, truyện cười không chỉ có tác dụng giải trí mà ý nghĩa sâu xa hơn còn là những lời khuyên răn, những bài học làm người, châm biếm thói hư tật xấu trong xã hội, những tính xấu của con người. Truyện cười phần lớn hướng đến mục đích phê phán và châm biếm cái xấu…
Các dân tộc thiểu số ở miền núi thì có truyện thơ, người Tây Nguyên thì có các pho sử thi kể một cách đầy tự hào về các anh hùng dân tộc và ca ngợi sức mạnh cộng đồng…
Chúng tôi rất tự hào về kho tàng văn học dân gian của dân tộc mình. Bởi văn học dân gian giúp cho chúng tôi hiểu dân tộc mình hơn và tự hào với những gì cha ông đã để lại cho chúng tôi.
HocTot.Nam.Name.Vn