Về truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao - Ngữ Văn 12

Chí Phèo là tác phẩm xuất sắc nhất của Nam Cao về đề tài người nông dân, là một kiệt tác của nền văn học Việt Nam hiện đại.

Đề bài

Về truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao - Ngữ Văn 12

Lời giải chi tiết

DÀN BÀI

1. Mở bài

   Chí Phèo là tác phẩm xuất sắc nhất của Nam Cao về đề tài người nông dân, là một kiệt tác của nền văn học Việt Nam hiện đại.

   Viết truyện ngắn này, Nam Cao đã đưa ra một hình tượng về hình dạng người dưới đáy xã hội, có một không hai trong lịch sử văn học dân tộc.

2. Thân bài

   1) Ý nghĩa điển hình của nhân vật Chí Phèo

   -  Hình tượng Chí Phèo rất độc đáo, được cá tính hoá sắc nét. Chí Phèo không giống ai: từ lai lịch, ngoại hình, dáng đi, tiếng chửi, thậm chí cả cách uống rượu đến cách rạch mặt ăn vạ, trả thù, cách đến với Thị Nở...

   - Chí Phèo bị bần cùng hoá. lưu manh hoá đi đến con đường cùng thê thảm, có tính phổ biến đối với một tầng lớp người trong xã hội thời bấy giờ. Qua hình tượng Chí Phèo, tác phẩm đã khái quát được quy luật tha hoá con người đầy chua xót. Những người nghèo khổ, tối tắm khi gặp phải kẻ thống trị cao tay, xảo quyệt thì rất dễ bị lợi dụng, bị biến thành công cụ mù quáng. Chí Phèo khó mà cưỡng lại con đường tha hoá khi ở trong môi trường xã hội xấu xa, với những kẻ gian ngoan, lọc lõi như Bá Kiến. Hình ảnh những Năm Thọ, Binh Chức ngang ngược trước khi xuất hiện Chí Phèo như góp phần khắc đậm cái quy luật tha hoá nghiệt ngã này. Đó là những bậc đàn anh nhãn tiền của Chí Phèo. Chi tiết kết thúc tác phẩm: Thị Nở khi nghe tin Chí Phèo chết đã “nhìn nhanh xuống bụng”và đột nhiên “thấy thoáng hiện ra cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua”, lại nói rõ thêm sự luẩn quẩn, khổ đau của những kiếp người.

   2) Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo

   a. Một thân phận cô độc

   Chí Phèo đang tồn tại giữa làng Vũ Đại, giữa xã hội mà không một ai coi y là người nữa. Nam Cao mở đầu truyện ngắn bằng hình ảnh “Hắn vừa đi vừa chửi…”. Qua năm tiếng chửi của Chí Phèo với cấp độ ngày càng cao, càng đau, Nam Cao đã làm nổi bật một thân phận cô độc đến tuyệt đối. Chí Phèo những mong tìm mối dây liên hệ với xã hội loài người chỉ bằng một tiếng chửi thôi mà cũng không có.

   Tồn tại trong tủi nhục, cô độc và Chí Phèo cũng chết đi trong tủi nhục, cô độc. Còn gì đau xót bằng khi chết mà người ta mừng, mà không được lấy một giọt nước mắt.

   b. Bị cự tuyệt chung sống với Thị Nở

   Cuộc gặp gỡ tình cờ với Thị Nở tạo nên bước ngoặt lớn trong tâm lí, trong cuộc đời Chí Phèo. Người cố nông lương thiện bấy lâu nay bị vùi lấp trong con quỷ dữ Chí Phèo dần dần được thức dậy. Chí Phèo biết tự nhìn lại, dự tính tính cảm của đời mình và tha thiết muốn “làm hoà”với mọi người. Tất cả niềm tin được Chí Phèo đặt vào Thị Nở. Không chỉ là người mà Chí Phèo yêu thích, Thị còn là chiếc cầu dẫn Chí Phèo trở lại cái xã hội bằng phẳng và thân thiện của loài người. Diễn tả những điều này, Nam Cao đã viết nên những trang văn thấm thiết lòng nhân đạo và giàu chất trữ tình.

   Hiểu khát vọng làm người của Chí Phèo, hiểu niềm tin Chí Phèo đặt vào Thị Nở, chúng ta mới thấm thía nỗi đau của con người nay khi đột ngột bị cự tuyệt. Chí Phèo rơi vào tấn bi kịch đau đớn nhất. Nam Cao đã diễn tả chân thực diễn hiến tâm trạng Chí Phèo thời điểm này:

   - Cười (bởi tưởng Thị Nở đùa mình, bởi đang say với nguyện ước trở lại làm người).

   - Ngẩn người (ngỡ ngàng vì chợt hiểu ra).

   - Kéo Thị Nở lại (như muốn níu cái hi vọng cuối cùng).

  - Uống rượu nhưng càng uống lại càng tỉnh, thâm thìa buồn, cứ thoang thoảng hơi cháo hành (hương vị của hạnh phúc lớn lao mà ngắn ngủi, mong manh).

   - Ôm mặt khóc rưng rức (mấy mươi năm nay Chí Phèo mới biết khóc và khóc như thế này).

   Đây là giây phút sự ý thức đầy đủ nhất tấn bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Giải quyết bi kịch này bằng cái chết (sau khi trả thù đích đáng kẻ thù đích thực của mình là hành động có tính tất yếu của Chí Phèo).

   3) Chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc của tác phẩm Chí Phèo

   -  Kết án đanh thép xã hội đã huỷ hoại nhân phẩm, tước đoạt quyền sống của con người.

   - Ngay ở những kẻ không còn nguyên vẹn bộ dạng người, trượt dài trên con  đường tha hoá, Nam Cao vẫn phát hiện ra mầm sáng lương thiện còn le lói. Chính tình thương, tình yêu của con người, của đồng loại sẽ nhen dậy mầm sáng ấy, thổi nó lên thành ngọn lửa.

3. Kết bài

   Có thể xem truyện ngắn Chí Phèo là một bài ca về sức mạnh cảm hoá kì diệu của tình người. Giá trị nhân văn của tác phẩm cũng chính là ở đó.

HocTot.Nam.Name.Vn

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close