Văn bản Xin lập khoa luậtBất luận quan hay dân, mọi người đều phải học luật nước và những luật mới bổ sung thêm từ thời Gia Long đến nay. Xin lập khoa luật (trích Tế cấp bát điều) Nguyễn Trường Tộ Bất luận quan hay dân, mọi người đều phải học luật nước và những luật mới bổ sung thêm từ thời Gia Long đến nay. Ai giỏi luật sẽ được làm quan. Vì luật bao gồm cả kỉ cương, uy quyền, chính lệnh của quốc gia, trong đó tam cương ngũ thường cho đến việc hành chính của sáu bộ đều đầy đủ. Quan dùng luật để trị ; dân theo luật mà giữ gìn. Bất cứ một hình phạt nào trong nước đều không vượt ra ngoài luật. Bởi vậy ở các nước phương Tây, phàm những ai đã nhập ngạch Bộ Hình xử đoán các vụ kiện tụng thì chỉ có thăng trật chứ không bao giờ bị biếm truất. Dù vua, triều đình cũng không giáng chức họ được một bậc. Như vậy là để giúp cho các vị này được thong dong trong việc chấp hành luật pháp không bị một bó buộc nào cả. Phàm những tội ngũ hình đều do các vị này xử. Vua cũng không được đoán phạt một người nào theo ý mình mà không có chữ kí của các quan trong bộ ấy. Làm thế là để cho dân chúng thấy rõ đạo công bằng. Vả lại vua không dự vào những việc ngũ hình để tỏ đạo nhân ái. Như chế độ xưa, vua có “tam hào”. Bởi vì nếu có tội phải giết thì đó là quốc dân giết. Biết rằng đạo làm người không gì lớn bằng trung hiếu, không gì cần thiết bằng lễ nghĩa. Nhưng các sách nho chỉ nói suông trên giấy, không làm cũng chẳng bị ai phạt, có làm cũng chẳng được ai thưởng. Bởi vậy xưa nay học đã nhiều mà mấy ai đổi được tâm tính, sửa được lỗi lầm? Cho nên Khổng Tử có nói: “Ta chưa hề thấy ai nhận được lỗi mình mà biết tự trách phạt”. Từ xưa đến nay các vua chúa nắm quyền thống trị cứu nước giúp đời đều nhờ hiểu luật, còn các sách vở khác cũng chỉ là phụ thuộc. Nếu trong nước không có luật, thì dù có vạn quyển sách cũng không thể trị được dân. Điều này quá rõ. Bởi vì sách vở chỉ chép nào là sự tích chính sự thời xưa của cổ nhân, nào là những bài luận hay ho của người xưa để lại, nào những áng văn chương trau chuốt của chư tử, nào những tiểu thuyết dã sử của những người hiếu sự đặt bày. Trong đó, hay có, dở có, kẻ nói này, người nói khác, xét kĩ những thứ sách vở đó chỉ làm rối trí thêm chẳng được tích sự gì. Cho nên Khổng Tử nói : “Chép những lời nói suông chẳng bằng thân hành ra làm việc”. Thử xem có những nhà nho suốt đời đọc sách, đáng lẽ cử chỉ của họ phải làm khuôn thước cho đời, vậy mà tại sao có nhiều người, cuộc đời của họ và sự ứng xử của họ còn tệ hơn những người quê mùa chất phác? Nếu bảo luật chỉ tốt cho việc cai trị chứ không có đạo đức tinh vi, thế là không biết rằng trái luật là tội, giữ đúng luật là đức. Nếu tận dụng cái lẽ công bằng ở trong luật mà xử sự thì mọi quyền, pháp đều là đạo đức. Có cái đức nào lớn hơn chí công vô tư không ? Chí công vô tư là đức trời. Trong luật cái gì cũng công bằng hợp với đức trời, như vậy mà không đáng gọi là đạo đức tinh vi sao ? Chỉ sợ con người không tận dụng luật mà thôi. Nếu tận dụng cũng đủ trọn vẹn đạo làm người rồi, bất tất phải đi tìm cái gì khác. (Theo TRƯƠNG BÁ CẦN, Nguyễn Trường Tộ, con người và di tháo, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1998) |