Văn bản Tranh Đông Hồ - nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt NamTranh dân gian Đông Hồ hấp dẫn người xem ở màu sắc, bố cục, khuôn hình với các chất liệu hoàn toàn tự nhiên. Vẻ đẹp của tranh Đông Hồ gần gũi, ấm áp nhưng cũng rất độc đáo. Đó là một di sản quý giá cần được gìn giữ, phát huy . Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 10 tất cả các môn - Chân trời sáng tạo Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa...
Tranh Đông Hồ - nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam Tranh dân gian Đông Hồ hấp dẫn người xem ở màu sắc, bố cục, khuôn hình với các chất liệu hoàn toàn tự nhiên. Vẻ đẹp của tranh Đông Hồ gần gũi, ấm áp nhưng cũng rất độc đáo. Đó là một di sản quý giá cần được gìn giữ, phát huy . 1. Đề tài dân dã, hình tượng sinh động, ngộ nghĩnh Từ những hình ảnh mộc mạc, bình dị của làng quê như gà, lọn, trâu, bò, tôm, cá,... các nghệ nhân Đông Hồ đã vẽ nên những bức tranh ngộ nghĩnh, tràn đầy sức sống và gửi gắm nhiều ước mong. Khi vào tranh, gà thì thành Gà đại cát, Gà thư hùng; trâu thành Trâu sen, lọn thành Lợn đàn, Lợn độc; em bé âu yếm, đùa nghịch với con gà, con tôm thì thành các hình tượng Bé ôm gi, Bé ôm tôm,... Những mặt trái, những góc khuất của đời sống nông thôn vào tranh trở thành những câu chuyện hài hước được kể bằng đường nét màu sắc trong Đám cưới chuột, Trạng chuột vinh quy, Thầy đồ Cóc, Truyện Trê – Cóc, Hứng dừa, Đánh ghen,… 2. Chất liệu tự nhiên, sắc màu bình dị, ấm áp Phong vị dân gian của tranh Đông Hồ thấm nhuần trong ý tưởng, cảm hứng nghệ thuật, đường nét, bố cục cũng như chất liệu giấy, màu sắc, quá trình chế tác,... Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp: vỏ con điệp (sò biển) được nghiền nát, trộn với hồ rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên lấy từ cây có: màu đen từ than xoan hay than lá tre; màu xanh từ gỉ đồng, lá chàm; màu vàng từ hoa hoè; màu đỏ từ sỏi son, gỗ vang,... Bốn gam màu cơ bản này tương ứng với một bộ thường gồm bốn bản khắc gỗ để in tranh Đông Hồ. 3. Chế tác khéo léo, công phu Các nghệ nhân đã lấy đề tài và ý tưởng ngay trong cuộc sống hằng ngày hoặc từ các truyện dân gian (truyện cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười,...) để vẽ mẫu. Khi đã hoàn chỉnh bản thảo, người sáng tác can lại rõ ràng, mạch lạc từng nét, từng bảng màu bằng mực nho lên giấy bản mỏng và sắp xếp đưa vào bản khắc gỗ. Mỗi màu được tách riêng thành một bản khắc, một tranh có bao nhiêu màu là có bấy nhiêu bản khắc. Khi in, người làm tranh đặt cả xấp giấy in thành từng chồng trước mặt, tay phải cầm “tay co” đóng sau lưng ván in, úp ván xuống “bìa” đã quét đẫm màu, được làm theo kiểu hộp mực dấu để lấy màu vào bản khắc, rồi úp mặt ván khắc đã thấm màu đó lên mặt giấy như cách đóng triện, xong lật ngửa ván khắc lên, tờ giấy đã dính vào ván khắc vì màu được pha bằng hồ nếp đặc quánh. Thợ in lấy xơ mướp xoa đều lưng mặt giấy để mực màu thấm đều mặt giấy, sau đó nhẹ nhàng bóc tờ giấy khỏi ván in, sẽ được một lần in. Tranh bao nhiêu màu, in bấy nhiêu lần. 4. Rộn ràng tranh Tết Cứ khoảng tháng 7, tháng 8 hằng năm, là cả làng đã tất bật để chuẩn bị cho mùa tranh Tết, khắp làng rực rỡ sắc màu của giấy điệp, không một mảnh đất trống nào không được người dân làng Hồ tận dụng để phơi giấy: từ sân nhà, sân đình, ven các ngõ xóm, đường làng, dọc theo triền đê cho đến các nóc nhà, nóc bếp,... Mỗi năm một lần, chợ tranh họp vào tháng Chạp trong các ngày 6, 11, 16, 21, 26. Chợ tranh đông vui, sầm uất được tổ chức ngay trong đình làng. Người buôn tranh mua ở chợ và còn vào từng gia đình đặt và chọn mua. Họ mang cả những đặc sản địa phương tới bán và đổi tranh. Người dân thôn quê mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới. 5. Lưu giữ và phục chế Làng tranh Đông Hồ từng có một thời cực thịnh: vào khoảng cuối thế kỉ XIX đến những năm 40 của thế kỉ XX. Tuy nhiên, xu thế thương mại hoá thời kinh tế thị trường gần đây đặt dòng tranh Đông Hồ cũng như các dòng tranh dân gian khác trước nguy cơ mai một, thất truyền. Rất may là ở Đông Hồ, còn có những nghệ nhân, những dòng họ vẫn giàu tâm huyết với nghề. Họ đã cố gắng vượt qua nhiều khó khăn, chật vật của đời sống thường ngày để duy trì, nuôi dưỡng nghề tranh mà bao thế hệ đã góp công gây dựng. Đặc biệt, việc kịp thời thu mua lại, lưu giữ cả trăm bản khắc cổ, đồng thời phục chế hàng trăm bản khắc gỗ khác,... là một trong những cách đầu tiên và hiệu quả để cứu nghề tranh Đông Hồ. (Nhóm biên soạn tổng hợp từ Tranh dân gian Đông Hồ – Đông Hồ Folk Paintings của An Chương, NXB Mĩ thuật, 2010, tr. 13 – 22, và Tranh Đông Hồ – Nét tinh hoa văn hoá dân gian Việt Nam của Khánh An, https://thinhvuongvietnam.com/Content tranh-dong-ho-net-tinh-hoa-van-hoa-dan-gian-viet-nam-521022) |