Tôn giáo là gì? Vì sao có sự ra đời và tồn tại của tôn giáo? Trình bày quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với việc giải quyết các vấn đề tôn giáo trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa?

- Khái niệm tôn giáo Chủ nghĩa Mác - Lênin xác định khái niệm tôn giáo với tư cách là một yếu tố thuộc thượng tầng kiến trúc của xã hội.

-   Khái niệm tôn giáo

Chủ nghĩa Mác - Lênin xác định khái niệm tôn giáo với tư cách là một yếu tố thuộc thượng tầng kiến trúc của xã hội.

Với tư cách đó, có thể nói bất cứ một tôn giáo nào, với hình thái phát triển của nó, cũng đều bao gồm: ý thức tôn giáo (thể hiện ở quan niệm về các đấng thiêng liêng cùng những tín ngưỡng tương ứng) và hệ thống tổ chức tôn giáo cùng với những hoạt động mang tính chất nghi thức tín ngưỡng của nó.

Tiêu biểu cho tôn giáo với nghĩa như vậy là Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Đây là những tôn giáo có tầm ảnh hưởng quốc tế, vượt qua phạm vi nhiều quốc gia dân tộc. Ngoài ra, tại một số quốc gia hay các khu vực còn có những tôn giáo có tầm ảnh hưởng ít hơn.

Khi phân tích bản chất tôn giáo với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, Ph. Ăngghen đã cho rằng: “Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo vào trong đầu óc của con người - của những lực lượng bên ngoài chi phối cuộc sống của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang những hình thức của lực lượng siêu trần thế'.

-    Nguồn gốc ra đời và tồn tại của tôn giáo

         Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, sự ra đời và tồn tại của tôn giáo có nguồn gốc khách quan và chủ quan của nó; đó là:

Thứ nhất, do sự hạn chế về khả năng chinh phục của con người trước sức mạnh tự phát của giới tự nhiên hay xã hội đã khiến cho con người sợ hãi trước sức mạnh ấy, từ dó dẫn tới sự hình thành tín ngưỡng và cao hơn là sự ra đời và tồn tại của tôn giáo.

(Khái niệm tín ngưỡng dùng để chỉ lòng tin và sự ngưỡng vọng của con người về các đấng siêu nhiên; khái niệm này không đồng nghĩa với khái niệm mê tín, dị đoan - là khái niệm dùng để chỉ lòng tin mù quáng của con người về những điều thần bí trong tự nhiên hay xã hội).

Thứ hai, trong xã hội có sự thống trị của các giai cấp áp bức, bóc lột, giai cấp này đã lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng,... để ru ngủ sức phản kháng của nhân dân lao động trước sự áp bức bóc lột đó.

Thứ ba, khả năng nhận thức của con người trước thế giới vô cùng tận là có hạn. Trong những giới hạn lịch sử nhất định, con người chưa thể giải thích được hết mọi bản chất của các hiện tượng tự nhiên và xã hội, do đó dẫn tới sự sùng bái chúng đến mức biến thành tín ngưỡng và tôn giáo.

Thứ tư, sự sợ hãi, bất lực và bất hạnh trong cuộc đời của mỗi cá nhân khiến con người ta tìm đến tôn giáo như một chỗ dựa tinh thần hay như một sự “đền bù hư ảo” trước cái gọi là “số phận”.

Thứ năm, trong tiến trình phát triển văn hoá truyền thống của các dân tộc, các tộc người, tôn giáo, tín ngưỡng đã trở thành một thành tố của sự phát triển văn hoá, nó hoà đồng và bám rễ sâu chắc vào các sinh hoạt đó và đồng hành cùng sự phát triển văn hoá của các cộng đồng người trong lịch sử.

-    Các quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với việc giải quyết các vấn đề tôn giáo trung tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa:

Giải quyết những vấn đề tôn giáo trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội cần dựa trên những quan điểm cơ bản sau đây:

Một là, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, xét về mặt hình thái ý thức xã hội thì ý thức tôn giáo là hình thái ý thức có nhiều hạn chế vì thế trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội cần phải được khắc phục và vượt qua.

Tuy nhiên, cũng theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, cần phải xem xét tôn giáo một cách toàn diện không chỉ trên những phương diện còn có những hạn chế của nó mà còn phải là trên mặt tích cực của nó.

Hai là, khi tín ngưỡng tôn giáo còn là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân thì nhà nước xã hội chủ nghĩa cần phải tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của nhân dân; bảo đảm sự bình đẳng pháp luật về quyền lợi và nghĩa vụ giữa những người theo tôn giáo khác nhau cũng như giữa người có tôn giáo với người không có tôn giáo; nghiêm cấm những hành vi lợi dụng tôn giáo để xâm phạm lợi ích của nhân dân;...

Ba là, thực hiện đoàn kết những người có tôn giáo với những người không có tôn giáo; đoàn kết các tôn giáo; đoàn kết những người theo tôn giáo với những người không theo tôn giáo;... đồng thời, nghiêm cấm mọi hành vi chia rẽ cộng đồng vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

Bốn là, trong việc giải quyết các vấn đề tôn giáo cần phải phân biệt rõ mặt chính trị và mặt tư tưởng của nó. Mặt tư tưởng của vấn đề tôn giáo phản ánh nhu cầu tín ngưỡng và nhận thức của con người - đó là công việc lâu dài và cần phải có thái độ tôn trọng; còn mặt chính trị của vấn đề tôn giáo là nói sự lợi dụng tôn giáo (tư tưởng, tín ngưỡng hay hoạt động tôn giáo,...) để xâm hại lợi ích của nhân dân lao động, chống lại tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội,... thì cần phải giải quyết ngay, giải quyết triệt để với những biện pháp thích hợp.

Năm là, phải có quan điểm lịch sử - cụ thể khi giải quyết vấn đề tôn giáo vì rằng một mặt trong mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau, vai trò và sự tác động của từng tôn giáo cũng có sự khác nhau; mặt khác, ngay cả đối với một tôn giáo nào đó, thậm chí một vấn đề cụ thể nào đó của một tôn giáo nhất định cũng có thể có vai trò khác nhau trong những điều kiện lịch sử khác nhau.

HocTot.Nam.Name.Vn

close