Thuyết minh về một số trái cây có hương vị thơm ngon trong vườn quêCây mơ thuộc họ tường vi, lá nhỏ, dài màu xanh nhạt. Trên thế giới, rất ít nước trồng được mơ. Ở nước ta nơi nào cũng trồng được mơ, nhưng ngon và thơm, giòn đặc biệt là mơ Hương Tích. Bài tham khảo Quả mơ: Cây mơ thuộc họ tường vi, lá nhỏ, dài màu xanh nhạt. Trên thế giới, rất ít nước trồng được mơ. Ở nước ta nơi nào cũng trồng được mơ, nhưng ngon và thơm, giòn đặc biệt là mơ Hương Tích. Giêng, hai mơ nở hoa trắng cành. Hương hoa toả lâng lâng. Quả mơ hình cầu, phía đầu lõm vào, phía cuối chụm lại như cái vuốt nhọn rất xinh. Khi chưa chín, quả mơ màu xanh, bao bọc bởi một lớp lông trăng trắng, lúc chín chuyển màu vàng, dậy hương thơm. Vào đầu mùa hè, mơ chín rộ. Quả mơ nhỉnh hơn đầu ngón tay cái người lớn; quả tươi ăn chua chua, thơm giòn. Mơ tươi ướp đường là một trong những thứ đồ uống giải nhiệt, giải khát được nhiều người yêu thích. Mơ đem phơi khô, sấy khô, chế biến thành ô mai, thoại mai, mai trần bì hoặc rượu thanh mai. Mơ ngâm muối rồi đem hong, đem phơi, đem sấy, phía ngoài có lớp phấn trắng, gọi là bạch mai, mai sương, mai muối, vừa làm thuốc vừa để ăn, để giải khát, chống ho. Mơ dễ trồng. Quả mơ rất quý. Vài quả ô mai ngậm miệng lúc ho, lúc khát, một chén rượu thanh mai thiết đãi khách quý, càng cho ta thấy giá trị đặc biệt của cây mơ, quả mơ nơi vườn quê. Quả mận: Cũng như cây mơ, cây mận đều thuộc họ tường vi. Quả mận hình cầu dẹt, vỏ màu tím, vàng thẫm hoặc xanh nâu, nhẵn bóng: nhìn kĩ thấy phủ một lớp phấn sáp mịn màu trắng. Phần thịt quả mận màu vàng ươm hoặc màu lục, phần bao bọc quanh hạt có màu hồng tía. Mơ, mận, mỗi quả chỉ có một hạt; hạt có vỏ cứng. Hoa mận trắng phau, như ngôi sao nhỏ lấm tấm, nở vào đầu xuân. Quả mận chín vào cuối hè, đầu thu. Ở nước ta hầu như nơi nào cũng trồng được mận; nhưng trồng nhiều nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Mận ở vùng Lạng Sơn ngon nổi tiếng. Quả màu tím, to như quả bóng bàn, vị ngọt như mật. Chọn mua quả to, mọng, vỏ có lớp phấn mỏng, vị ngọt hơi chua chua, nhiều nước mới là mận quý, mận ngon. Mận để ăn tươi. Mận được chế biến thành mận hộp, có giá trị kinh tế cao. Hạt mận dùng làm thuốc lợi tiểu, nhuận tràng, khô miệng... Ca dao nói đến mơ, mận: “Gặp đây mận mới hỏi đào...", “Cô mơ, cô mận, cô đào - Ba cô đều đẹp, cô nào anh mê, v.v...". Quả mận vườn quê, cô mận làng quê đều đậm đà, ý vị, đều đáng mến, đáng yêu. Cây dừa: Dừa là cây thuộc họ cọ, có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á, ở Ma-lai-xi-a. Miền Nam nước ta trồng nhiều dừa; ở Bến Tre dừa trồng thành rừng. Dừa xiêm to quả, dừa lửa nhiều quả. Gốc dừa to, mốc thếch, có nhiều khoanh, nhiều ngấn. Tàu dừa uốn cong, lá dài, cứng và bóng, có thể lợp nhà. Hoa dừa trắng phau như hoa cau, mỗi năm có hai lứa. Mỗi cây dừa có nhiều buồng; mỗi buồng dừa có thể trên dưới mười quả. Quả dừa hình tròn, hình trứng hoặc có dáng ba cạnh, quả dài độ 20-35 cm, đường kính có thể từ 20-25 cm. Khi non màu xanh lục, khi già màu cọ vàng đậm; vỏ ngoài mềm, mỏng và nhẵn, có thể bảo vệ quả khi rơi không bị vỡ nát. Vỏ giữa là tầng chất xơ, dày và mềm, rất nhẹ, chịu được ẩm ướt, làm cho quả nổi, không bị chìm. Vỏ trong cùng (vỏ dừa) có chất sừng rất cứng. Cơm dừa màu trắng nõn, béo ngậy, thơm và bùi. Nước dừa, sữa dừa trắng trong, ngọt, rất bổ, một thứ nước thiên nhiên giải khát tuyệt vời. Dừa có giá trị kinh tế cao. Xơ dừa, vỏ dừa là nguyên liệu quý. Cơm dừa, nước dừa để ăn, để uống, ép thành dầu dừa, làm mút dừa, kẹo dừa, làm thuốc bổ dưỡng, trị được nhiều thứ bệnh, nhất là bệnh sán dây. Kẹo dừa Bến Tre là hàng đặc sản xuất khẩu nổi tiếng. Cây ớt: Cây ớt dễ trồng. Hầu như ờ vườn quê nào cũng trồng ớt. Cây ớt là loại cây thuộc họ cà, thân mềm lá nhỏ dài màu xanh nhạt. Cây ớt cao độ hai mươi, ba, bốn mươi xăng-ti-mét. Hoa ớt trắng phau. Khi chưa chín, quả ớt màu xanh; khi chín có màu đỏ hoặc vàng chanh. Ớt có nhiều loại. Loại ớt chỉ thiên, mỗi cây có thể trĩu cành hàng chục, thậm chí hàng trăm quả, màu trắng ngà, như ngọn giáo búp đa nhỏ tí, nhọn hoắt chĩa lên trời. Có loại ớt quả dài, loại quả tròn, giống chiếc đèn lồng. Ớt có vị cay nồng, là thứ gia vị được nhiều người ưa thích. Món lẩu cá, canh chua cá không thể thiếu vị ớt. Ngày nay có rất nhiều loại ớt được du nhập vào Việt Nam như ớt ngọt, màu xanh, không có hạt, giàu vi-ta-min, dùng để ăn sống hay xào nấu, rất ngon. Sống và làm việc ở nơi ẩm ướt, lạnh lẽo nên ăn thêm ớt vừa ngon miệng vừa làm toát mồ hôi phòng ngừa bệnh phong thấp, viêm khớp, nứt nẻ. Câu ca “Ớt nào mà ớt chẳng cay..." càng ngẫm nghĩ càng thấy ý vị đậm đà. Phật thủ: Phật thủ là loại cây thuộc họ cây vân hương. Mỗi năm cho trái một lứa; chín vào mùa đông. Trái phật thủ có hình dáng kì lạ: phía dưới gần cuống hình tròn, phía trên mọc như hình bàn tay mở ra có các ngón. Phật thủ nghĩa là tay phật. Trái phật thủ chưa chín có màu xanh, khi chín chuyển màu vàng tươi, vỏ ngoài nổi lên các núm vú, không có múi và hạt. Trái phật thủ chín cũng không ăn tươi được, nhưng rất thơm, hương dìu dịu lâng lâng. Quả chín đem thái thành miếng nhỏ, đem sấy hoặc phơi khô, càng để lưu niên càng tốt, gọi là trần phật thủ. Trần phật thủ đem hãm hoặc sắc thành vị thuốc để trừ đờm, giảm ho, chữa trị chứng buồn nôn, tức ngực. Phật thủ được trồng nhiều ở miền Nam nước ta. Mâm ngũ quả ngày Tết trên bàn thờ tổ tiên không thể không có trái phật thủ. Nó được bày ở vị trí trung tâm. Màu vàng tươi, mùi thơm ngát của phật thủ như làm đẹp, làm thơm lên nhiều lần cam, quýt, hồng, bưởi... trên mâm ngũ quả. Chọn phật thủ phải chọn quả to, có dáng hình xinh đẹp, mềm và dai, vỏ xanh hoặc vàng mà lòng trắng, mùi thơm ngát, mới là quả quý. Quả vải: Vải là loài cây thuộc họ vô hoạn tử. Quả vải còn gọi là quả tu hú. Tháng 6, tháng 7 hằng năm, tu hú kêu tha thiết bồi hồi trên đồng quê cũng là mùa vải chín rộ. Mùa vải, trên những vùng đồi Bắc Giang, vải chín đỏ đất trời. Vải thiều Thanh Hà thuộc tỉnh Hải Dương là thơm ngon nhất. Quả vải hình cầu hoặc hình trứng, vỏ trông sần sùi như có gai trên bề mặt, khi chín chuyển thành màu đỏ. Thịt quả vải tươi gần như trong suốt, màu trắng mềm, mọng nước, vị ngọt, mùi thơm. Quả vải càng nhỏ hạt càng quý. Cành vải giòn, nếu quả nhiều quá sẽ làm gãy cành nên cần phải dùng cây chống đỡ. Cùi vải có thể ăn tươi, sấy khô, hoặc làm vải hộp, có giá trị kinh tế cao. Vải tươi, quả to, múi dày trắng, có vị ngọt thơm là vải quý, vỏ và hạt vải, phơi khô, tán bột làm thuốc chữa trị bệnh lị, bệnh mẩn ngứa, đái dắt, đái nhiều. Vải là đặc sản của phương Nam được các vua chúa đời Đường hết sức trọng trọng coi là “Vua của các loại quả". Nhà thơ Bạch Cư Dị đã ca ngợi như sau: "Bóc ra múi trắng như thuỷ tinh, ăn lại mềm như tuyết xốp, mùi vị thật tuyệt vời, thật không hổ danh”. Nhà văn Vũ Bằng trong tác phẩm “Thương nhớ mười hai" coi quả vải là thời trân của Bắc Việt. Quả mít: Khắp mọi miền trên đất nước ta, ở nơi nào cũng trồng được mít. Ở Hà Tĩnh, Quảng Trị và Tây Nguyên mít được trồng nhiều vô kể. Mít là loại cây thuộc họ dâu, cây thân gỗ. Lá mít tương tự như lá đa. Quả mít có thể mọc từ gốc lên tới tận các cành cao. Có những cây mít cho thu hoạch vài chục quả. Quả mít thuộc loại quả phức có hình trứng, quả có thể dài từ 30-60 cm, nặng khoảng vài cân, có quả to nặng đến hai, ba yến. Ngoài vỏ có những chiếc gai hình lục giác nhô lên, đều tăm tắp. Các múi xếp thành lớp hình những chiếc túi, nhiều có thể lên tới vài trăm múi to như quả táo; mỗi múi lại có một hạt màu vàng sẫm. Bà Chúa thơ Nôm có thơ vịnh quả mít rất hóm hỉnh, mở đầu là hai câu: “Thân em như quả mít trên cây - Da nó xù xì, múi nó dày”. Mít có nhiều loại: mít dai, mít mật, mít mỡ, mít tố nữ. Mít tố nữ quả nhỏ tròn, ngọt ngon là loại mít được quý chuộng nhất. Mít chín có vị ngọt thơm. Hạt mít được phơi khô làm lương thực. Mít non có thể thái nhỏ để xào nấu, để ủ thành dưa ăn rất ngon miệng. Người ta có thể chế biến thành mứt mít, rượu mít vàng sánh như mật ong. Quả nhãn: Nhãn là loài cây thuộc họ vô hoạn tử. Ở nước ta có nhiều nơi trồng được nhãn, nhưng ngon nhất, nổi tiếng nhất là nhãn lồng Hưng Yên. Nhãn ra hoa vào tháng hai, từ tháng 7 đến tháng 9 là mùa nhãn chín. Khi hoa quế nở trắng phau dâng hương ngào ngạt là mùa nhãn chín. Quả nhãn bóc vỏ tựa con mắt rồng. Vì thế, quả nhãn mới có tên gọi là quế viên hoặc long nhãn. Quả nhãn hình cầu, vỏ màu nâu, cùi màu trắng sữa gần như trong suốt, có một hạt màu nâu đen. Nhãn quý có cùi dày, ngọt và thơm, hạt nhỏ. Cùi nhãn gọi là quế viên nhục, long nhãn nhục. Quả nhãn thuộc loại thời trân, dùng để ăn tươi, khó để lâu, đem phơi khô, sấy khô làm long nhãn. Long nhãn là một vị thuốc quý, chữa được nhiều thứ bệnh như lao lực, mất ngủ, hay quên, đau dạ dày, an thần, v.v... Chè nhãn hạt sen rất bổ dưỡng và quý. Quả bưởi: Quả bưởi còn gọi là quả bòng. Bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn (miền Bắc), bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), bưởi Năm Roi (miền Nam) ngon nổi tiếng, tất cả đều là thứ quả xuất khẩu có thương hiệu. Bưởi là cây họ vân hương. Giêng, hai bưởi ra hoa; hoa trắng phau như cúc bạch ngọc, hương thơm ngào ngạt. Tháng 8, tháng 9 là mùa thu hoạch bưởi. Mâm cỗ trung thu của trẻ em không thể không có bưởi. Nhà thơ Nguyễn Duy viết: "Bao giờ cho tới mùa thu - Trái hồng, trái bưởi đánh đu giữa rằm". Quả bưởi to, dài, hình quả lê hay hình tròn bằng đầu đứa trẻ con lên một tuổi. Có quả bưởi hình tròn nhưng hơi dẹt, vỏ màu vàng nhạt hoặc màu vàng chanh bóng, dày, khó tách! Tép bưởi trong, múi màu vàng nhạt hoặc màu đào; mỗi quả có từ 12-18 múi, các múi dễ tách rời nhau, trong mỗi múi có vài hạt. Múi bưởi dùng để ăn, vỏ và hạt dùng làm vị thuốc chữa trị các bệnh như ăn không tiêu, chướng bụng, buồn nôn, ho nhiều đờm. Bưởi có múi to, tép dày, vị ngọt lẫn chua là bưởi ngon. Trên mâm ngũ quả bày trên bàn thờ gia tiên không thể thiếu quả bưởi. HocTot.Nam.Name.Vn
|