Theo quan điểm duy vật lịch sử, cái gì đóng vai trò là cơ sở nền tảng của đời sống xã hội? Tại sao? Quan niệm đó của chủ nghĩa duy vật lịch sử có ý nghĩa phương pháp luận gì?

Theo quan điểm duy vật lịch sử, cơ sở nền tảng của mọi xã hội và của toàn bộ lịch sử xã hội loài người chính là quá trình sản xuất ra của cải vật chất của xã hội đó (gọi tắt là sản xuất vật chất).

Theo quan điểm duy vật lịch sử, cơ sở nền tảng của mọi xã hội và của toàn bộ lịch sử xã hội loài người chính là quá trình sản xuất ra của cải vật chất của xã hội đó (gọi tắt là sản xuất vật chất).

-     Khái niệm sản xuất vật chất

Theo nghĩa rộng, sản xuất vật chất không chỉ riêng một quá trình cụ thể riêng biệt nào mà là chỉ toàn bộ quá trình hoạt động vật chất với mục tiêu làm cải biến môi trường tự nhiên, cải biến các đối tượng vật chất của giới tự nhiên của con người.

Quá trình sản xuất vật chất được tiến hành thông qua lao động sản xuất ra của cải vật chất của con người. Đó là hoạt động có tính khách quan, tính xã hội, tính lịch sử và tính sáng tạo.

-     Khẳng định sản xuất vật chất là cơ sở nền tảng của đời sống xã hội, vì:

+ Một là, sản xuất vật chất là hoạt động giữ vai trò đảm bảo sự sinh tồn, phát triển của con người, nó đặc trưng cho phương thức sinh tồn, phát triển của xã hội loài người, khác căn bản với phương thức sinh tồn tự nhiên, bản năng của loài vật.

Theo C. Mác: “...tiền đề đầu tiên của mọi sự tồn tại của con người, và do đó là tiền đề của mọi quá trình lịch sử, đó là: người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể "làm ra lịch sử”. Nhưng muốn sống được thì trước hết cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa. Như vậy, hành vi lịch sử đầu tiên là việc sản xuất ra những tư liệu để thỏa mãn những nhu cầu ấy, việc sản xuất ra bản thân đời sống vật chất”.

+ Hai là, sản xuất vật chất là cơ sở làm nảy sinh tất yếu sự liên kết con người thành xã hội. Quá trình sản xuất là quá trình con người cải biến giới tự nhiên, quá trình đó tất yếu làm xuất hiện nhu cầu khách quan: con người buộc phải liên kết lại với nhau theo những cách thức nhất định - tức là tất yếu làm nảy sinh những quan hệ sản xuất (quan hệ kinh tế). Từ nhu cầu đó làm nảy sinh hệ thống các quan hệ khác giữa người với người trên các phương diện: đạo đức, tín ngưỡng, văn hoá, chính trị, pháp luật,...; tức là làm nảy sinh tổ chức cộng đồng xã hội, như: thị tộc, bộ lạc, bộ tộc, quốc gia, dân tộc,...

Theo C. Mác: “việc sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt vật chất trực tiếp và do thế, mỗi một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định của một dân tộc hay một thời đại đều tạo ra một cơ sở, từ đó mà người ta phát triển các thể chế nhà nước, các quan điểm pháp quyền, nghệ thuật và thậm chí cả những quan niệm tôn giáo của con người ta”.

-      Ý nghĩa phương pháp luận

+ Để phân tích cơ sở cuối cùng của mọi hiện tượng xã hội, quan hệ xã hội, cần phải xuất phát từ thực tế nền sản xuất vật chất đã làm nảy sinh ra chúng.

+ Để cải tạo xã hội cũ - lạc hậu và xây dựng xã hội mối - văn minh tiến bộ thì mấu chốt căn bản của quá trình cách mạng ấy cần phải cải tạo căn bản trình độ lạc hậu của nền sản xuất cũ và xây dựng được trình độ phát triển của nền sản xuất mới.

HocTot.Nam.Name.Vn

close