Bài văn tả một món quà mà em thíchKỉ niệm về chiếc cặp mà em đựng sách vở đi học mãi mãi ở trong tâm trí em. Đã một năm trôi qua rồi, thế mà mỗi lần nghĩ đến, em vẫn còn cảm thấy nôn nao, bồn chồn đến lạ.
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Dàn ý Mở bài: Giới thiệu món quà em định tả - Ai là người tặng em? - Món quà đó em được nhận nhân dịp gì? - Món quà ấy là gì? Thân bài: - Đặc điểm của món quà: + Hình dáng + Kích thước + Màu sắc + Họa tiết trang trí - Cảm xúc của em khi nhận được món quà - Ý nghĩa của món quà đối với em Kết bài: Tình cảm của em với món quà
Bài siêu ngắn Nhân dịp sinh nhật vừa rồi, mẹ tặng em một chiếc cặp sách rất đẹp. Cặp có hình chữ nhật, lớn hơn tờ giấy A4 một chút. Em không chắc nó được làm bằng chất liệu gì, nhưng nó rất nhẹ và chắc chắn, lại còn chống nước nữa. Toàn thân cặp là một màu xanh sẫm, vừa đẹp lại sạch sẽ. Cặp chỉ có một ngăn lớn, có phéc kéo chắc chắn. Bên trong có tấm dựng chia thành ba ô lớn nhỏ khác nhau. Ô lớn nhất ở sau cùng, em dùng để cất sách vở. Ô lớn thứ hai em cất các tập giấy kiểm tra và bút thước. Ô nhỏ nhất, em để thẻ tên, thẻ thư viện, khăn quàng đỏ. Phía sau là hai quai đeo to bản, có nút điều chỉnh độ dài rất tiện lợi. Em sẽ giữ gìn cặp thật cẩn thận, để cặp luôn sạch đẹp như mới. Các bài mẫu Bài tham khảo 1: Đầu năm học lớp bốn, chú Hưng ghé qua nhà em chơi, tặng em một cái hộp đựng bút. Chú bảo: "Chú mua cho cháu để cháu tiện dùng vì lên lớp lớn rồi.". Em sung sướng cảm ơn chú và mở giấy gói ra xem. Hộp bút hình chữ nhật, làm bằng nhựa tốt màu xanh lơ, dài hơn một gang tay em, rộng bảy xăng-ti-mét, dày độ hai xăng-ti-mét. Vỏ ngoài của hộp in hình búp bê màu tím nhạt thật xinh xắn, nổi bật trên nền xanh của vỏ hộp. Hộp bút có thể đóng mở nhờ một thanh thép trắng ở nắp hộp và hai thanh nam châm ở phần thanh của hộp. Khi mở nắp, nắp hộp lộ ra một tầng nhỏ bắc xếp nối với đáy hộp. Tầng bé nhỏ này có thể đựng bút chì, nhãn vở, tẩy... Phần đáy hộp có cái giắt bút ép bằng nhựa dẻo và một ô nhỏ để đựng cái gọt bút chì. Em lau bút viết sạch sẽ rồi đặt tất cả dụng cụ học tập của em vào hộp bút cẩn thận. Ngắm nghía cái hộp bút, em rất hài lòng và tự nhủ từ đây không phải để viết máy vào ngăn cặp nữa. Có hộp bút, em lấy dụng cụ học tập nhanh hơn, việc giữ gìn bút viết tốt hơn nhiều. Mỗi khi học xong, em đều lau hộp bút bằng một mảnh vải mềm và để nó vào cặp nhẹ nhàng, ngay ngắn. Em giữ gìn hộp bút cẩn thận để nó không bị sờn, trầy lớp nhựa bóng bên ngoài. Như một dũng sĩ cận vệ, cái hộp bút bảo vệ dụng cụ học tập của em bền, đẹp. Mỗi buổi học, em như nghe hộp bút thì thầm: "Tiến lên, cô học trò nhỏ. Chúng tôi sẽ giúp cô bước vào sự nghiệp mai sau.". Món quà của chú Hưng thật thực tế và hữu dụng. Hộp bút còn giữ thẻ thư viện của em không bị cong, nhăn góc. Mỗi lần mở hộp bút ra dùng em đều nhớ chú Hưng. Em cố gắng học giỏi để bố mẹ vui lòng và đền đáp lại sự quan tâm của chú Hưng dành cho em. Bài tham khảo 2: Kỉ niệm về chiếc cặp mà em đựng sách vở đi học mãi mãi ở trong tâm trí em. Đã một năm trôi qua rồi, thế mà mỗi lần nghĩ đến, em vẫn còn cảm thấy nôn nao, bồn chồn đến lạ. Hồi ấy, em đang còn sử dụng chiếc cặp của chị Hai lúc chị học ở Tiểu học. Chiếc cặp vẫn còn sử dụng tốt, chỉ nứt một số đường may ở trong các ngăn cặp và miệng cặp. Sách vở và đồ dùng học tập thường bỏ lẫn với nhau vì chỉ còn lại có một ngăn. Nhưng không phải vì thế mà em buồn. Trái lại em rất quý và rất yêu chiếc cặp vì nó là vật kỉ niệm của chị em. Chị Hai bây giờ là sinh viên năm thứ nhất khoa Quản trị Kinh doanh rồi. Em muốn nâng niu vật kỉ niệm ấy bên mình như thầm hứa với chị Hai sẽ noi theo gương chị. Do vậy mà em không đòi hỏi bố phải mua cặp mới cho em. Nhưng rồi vào một buổi học cuối học kì II năm lớp Ba, tan học, mưa tầm tã sách vở và đồ dùng học tập ngày hôm ấy lại khá nặng, tất cả đều dồn vào cặp nên khi nước mưa thấm vào đã làm đường chỉ khâu dưới đáy cặp bị bung ra. Và thế là bao nhiêu sách vở, đồ dùng học tập của em bị rơi xuống mặt đường. Em nhặt sách vở và đồ dùng học tập lên gói chung vào tấm ni lông tất tả chạy về nhà. Thấy em ôm chồng sách vở trên tay, vai đeo chiếc cặp không, bố hỏi: “Sao con không bỏ vào cặp?”. Em vừa cởi quai đeo vừa nói với bố: “Cặp hỏng rồi bố ạ!”. Bố nhìn em, nhìn chiếc cặp đã thủng đáy, rồi quay sang âu yếm nói: “Đừng buồn nghe con! Bố bận công chuyện quá không để ý đến chiếc cặp của con. Mẹ con lại đi làm xa, chắc cũng không biết chuyện này, thông cảm cho bố mẹ. Chiều nay, bố đưa con ra chợ thị xã, mua chiếc khác”. Thế là em đành phải từ biệt chiếc cặp, đế nó lên giá sách như lưu giữ lại một vật kỉ niệm của chị mình. Chiếc cặp mà em có trong tay bây giờ là một chiếc cặp tuyệt đẹp! Có lẽ nó đẹp thuộc loại nhất, nhì trong lớp, bởi nó vừa mới lại vừa tốt, kiểu cặp trông rất xinh và rất tiện lợi. Chất liệu chiếc cặp được may bằng vải ni lông tổng hợp màu xanh lá cây. Chiều dài độ ba mươi lăm xăng-ti-mét, chiều rộng chừng hai mươi lăm xăng-ti-mét. Phía trên có quai xách. Đằng sau có hai quai đeo làm bằng chỉ dù to bản, vừa chắc lại vừa êm vai. Phía trước cặp có hai khoá móc láng bóng được mạ kền. Chỉ cần bấm nhẹ vào hai cái nút nhỏ lên như hai đầu đũa, móc bật ra là em có thể mở cặp một cách nhanh chóng, thuận tiện. Phía trong nắp cặp là một đường dây kéo tạo thành một cánh cửa đóng kín ba ngăn cặp. Nắp cặp được làm bằng một miếng mi-ca mỏng và được trang trí bằng một tấm hình chụp vị thuyền trưởng Sinbad trong bộ phim “Cuộc phiêu lưu của Sinbad” làm tăng thêm vẻ đẹp của chiếc cặp. Chiếc cặp được cấu tạo ba ngăn. Ngăn giữa rộng hơn, em dùng để toàn bộ sách vở trong buổi học. Còn hai ngăn kia dùng để đồ dùng học tập và tấm vải mưa. Thật là tiện lợi. Đã gần một năm rồi mà chiếc cặp vẫn còn y như mới mua tuần trước. Đi học về, bao giờ em cũng dùng một miếng vải mỏng lau sạch bụi bặm hoặc nước mưa rồi mới để vào góc học tập của mình. Chiếc cặp đã trở thành người bạn thân thiết của em từ dạo đó. Và bây giờ, ngày ngày, chiếc cặp lại cùng em tung tăng đến trường, rồi lại cùng em trở về nhà trong niềm vui vì những điểm mười mà em đạt được.
|