Suy nghĩ về khổ cuối bài thơ Ánh trăng - Nguyễn Duy

Suy nghĩ về khổ cuối bài thơ Ánh trăng - Nguyễn Duy

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về Nguyễn Duy.

- Khổ cuối bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy đã để lại trong lòng người đọc ấn tượng sâu sắc.

2. Thân bài:

a. Khái quát về nội dung, nghệ thuật của bài thơ:

- Diễn tả những suy ngẫm sâu sắc về thái độ của con người đối với quá khứ nghĩa tình.

- Mang nét đặc trưng riêng: có sức khái quát lớn, hàm súc,giàu chất triết lí:

b. Trình bày những suy nghĩ, đánh giá về nội dung, nghệ thuật của khổ thơ:

* Suy nghĩ về hình ảnh vầng trăng ( mang nhiều tầng ý nghĩa):

- Là hình ảnh của thiên nhiên hồn nhiên, tươi mát, đẹp rạng ngời.

- Là người bạn tri kỉ thưở ấu thơ, hồi chiến tranh ở rừng.

- Là biểu tượng của quá khứ nghĩa tình tròn đầy, bất diệt.

- Là vẻ đẹp bình dị và vĩnh hằng của đời sống.

- Là biểu tượng của nhân dân, đất nước bình dị, hiền hậu.

* Suy nghĩ về cái “giật mình” của nhân vật trữ tình:

- Cái “giật mình” đã khẳng định truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta

- Cái “giật mình” thấm chất nhân văn sâu sắc.

* Cảm nhận về ngôn ngữ, giọng điệu, cách gieo vần, ngắt nhịp của khổ thơ:

c. Ý nghĩa của khổ thơ cuối và thông điệp của tác giả:

3. Kết bài:

- “Ánh trăng” không chỉ là tiếng lòng của một người mà là tiếng lòng của muôn người.

- Khổ thơ cuối cùng khép lại nhưng dư âm vẫn ngân lên, tạo sức ám ảnh thật lớn với người đọc: sống ở đời phải biết trọng ân nghĩa, thủy chung.

- Cảm xúc, ấn tượng của người viết.

Bài mẫu

                    Trăng cứ tròn vành vạnh

                    kể chi người vô tình

                    ánh trăng im phăng phắc

                    đủ cho ta giật mình.

           Dường như khổ thơ cuối dồn nén biết bao niềm tâm sự. Trăng vẫn thế, trăng nhìn cố nhân vô tình kia vẫn bằng con mắt trong trẻo. Chỉ có lương tâm thi nhân đang lên tiếng, những lời sám hối ăn năn dù không cất lên nhưng chính vì thế càng trở nên ám ảnh, day dứt.

           Thà rằng trăng cất lời trách móc hay ẩn mình sau đám mây nào đó, có lẽ lòng kẻ vô tình kia đỡ ân hận. Nhưng không, trăng lặng im không nói, cái lặng im làm “ta giật mình”. Nếu như người đọc đã từng giật mình như một phản xạ thì đến đây có lẽ sẽ cảm nhận được cái giật mình của lương tâm. Vẫn biết rằng vầng trăng trên kia khi ta chưa sinh ra cũng cứ khuyết lại tròn, khi ta tồn tại hay sau này ta có thành cát bụi thì trăng vẫn cứ khuyết lại tròn vậy thôi. Nhưng chính cái giật mình thức tỉnh đáng trân trọng của tác giả khiến lòng ta cảm động. Một sự thức tỉnh đầy ý nghĩa. Có người sẽ hỏi rằng nếu không mất điện liệu nhà thơ có được sự thức tỉnh ấy không? Một lần nữa xin đừng “mổ xẻ” câu chữ, hãy gượng nhẹ mà đón lấy niềm tâm sự sâu kín của thi nhân. Nguyễn Duy đã diễn tả rất thành công những biến thái tinh vi của một tâm hồn trong quá trình ăn năn,hối hận. Nếu ai đã có lần đọc “Hơi ấm tổ rơm” của tác giả sẽ nhận thấy cảm xúc của Nguyễn Duy rất dễ rung với những tình huống giản dị mà có lẽ ít nhà thơ có được:

                    Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm 

                    Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng 

                    Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm 

                    Của những cọng rơm xơ xác gầy gò

                    Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no 

                    Riêng cái ấm nồng nàn như lửa 

                    Cái mộc mạc lên hương của lúa 

                    Đâu dễ chia cho tất cả mọi người.

      Lớn lên trong cảnh nghèo ở nông thôn Thanh Hóa, tác giả thường có những băn khoăn, trăn trở về đời sống lam lũ, vất vả của bà con lao động. Chính vì thế, những lời thơ của Nguyễn Duy thường rất mộc mạc, dân dã mà vẫn rất xúc động. Người đọc cảm nhận sâu sắc những gì tâm hồn nhà thơ muốn chia sẻ có lẽ nhờ vào mạch nguồn chân thành ấy.

      Trở lại với “Ánh trăng”, có lẽ niềm tâm sự sâu kín giờ đây không chỉ còn là của riêng Nguyễn Duy nữa. Ý kết của bài thơ đã nâng những suy nghĩ của tác giả lên tầm khái quát – triết lí: ai cũng có những vô tình quên đi những gì tốt đẹp của ngày xưa. Nếu như không có sự thức tỉnh, những lúc “giật mình” nhìn lại của lương tâm thì biết đâu chúng ta sẽ đánh mất chính mình? Và với Nguyễn Duy nếu tác giả không phải là người từng có một thời sống như thế, làm sao có được niềm tâm sự đáng quý như vậy? Những chặng đường của quá khứ và hiện tại cứ nối tiếp nhau, lúc thì đan xen, khi thì tách rời khiến ta nhìn rõ nét băn khoăn, rối bời của tâm trạng. Cả bài thơ thấm đẫm trong ánh trăng trong trẻo, ngời mát và ám ảnh. Lí Bạch đã từng có hai câu thơ rất nổi tiếng:

                    Cử đầu vọng minh nguyệt,

                    Đê đầu tư cố hương,

                    (Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

                    Cúi đầu nhớ quê hương.)

        Giữa miền đất xa lạ dẫu vẫn nằm trên đất Trung Hoa, Lí Bạch nhìn vầng trăng mà nhớ quê hương mình, như níu lấy chút gì thân quen để sưởi ấm tâm hồn người lữ khách. Với Nguyễn Duy, vầng trăng ngời tỏ trên bầu trời kia gợi lại cả một thời quá khứ và đặc biệt làm cho tâm hồn thi nhân bừng tỉnh và trở về chính mình. Có bao giờ ta tự hỏi tại sao cũng chỉ là vầng trăng ấy thôi, con người lại có thể nhìn thấy nhiều điều khác nhau đến thế…

        Đọc “Ánh trăng” của Nguyễn Duy, người đọc như một lần được đối diện với chính mình và cũng đồng thời giao cảm với một tâm hồn đáng trọng. Vẫn còn trong trẻo trên cao, vầng trăng tròn vành vạnh, vẫn còn vương vấn đâu đây ánh sáng trong mắt, nhẹ nhàng, im ắng quấn quyện trong tâm hồn mỗi chúng ta.

HocTot.Nam.Name.Vn

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close