Phương pháp giải một số dạng bài tập về lực – hai lực cân bằngTổng hợp cách giải một số dạng bài tập về lực – hai lực cân bằng hay, chi tiết Dạng 1: Nhận biết lực - Nếu một vật bị thay đổi về hình dạng hoặc thay đổi về chuyển động thì vật đó đã chịu tác dụng của lực. - Khi vật chịu tác dụng của một hay nhiều lực, ta cần phải biết lực nào là lực hút, lực đẩy, lực nâng, lực kéo hay lực ép,… Ví dụ 1: Dùng các từ thích hợp như: lực đẩy, lực kéo, lực hút, lực nén, lực uốn, lực nâng để điền vào chỗ trống trong các câu sau đây: a) Để nâng một tấm bê tông nặng từ mặt đất lên cao, cần cẩu đã phải tác dụng vào tấm bê tông một …… b) Trong khi cày, con trâu đã tác dụng vào cái cày một …… c) Khi một lực sĩ bắt đầu ném một quả tạ, lực sĩ đã tác dụng vào quả tạ một…… Hướng dẫn giải a) Lực nâng b) Lực kéo c) Lực đẩy Dạng 2: Xác định phương và chiều của lực Căn cứ vào sự nhận biết lực, vào những kết quả tác dụng của lực để ta xác định phương và chiều của lực tác dụng. - Khi chịu tác dụng của một lực, nếu vật bị nén hay giãn theo phương và chiều nào thì thường lực đó cũng có phương và chiều đó. - Khi chịu tác dụng của lực và vật bị biến đổi chuyển động (chuyển động nhanh dần, chậm dần hay đổi hướng…) thì tùy theo từng trường hợp cụ thể để ta xác định đúng phương và chiều của lực. Ví dụ 2: Gió tác dụng vào cánh buồm một lực có phương và chiều như thế nào? Hướng dẫn giải Gió tác dụng vào cánh buồm một lực có phương song song với mạn thuyền, có chiều cùng chiều chuyển động của thuyền. Dạng 3: Cách xác định hai lực cân bằng Hai lực cân bằng là hai lực phải có đủ 4 yếu tố: - Hai lực phải tác dụng lên cùng một vật. - Phương của hai lực phải cùng nằm trên một đường thẳng. - Chiều của hai lực phải ngược nhau. - Độ lớn của hai lực phải bằng nhau. Lưu ý: - Khi vật này tác dụng lực lên vật kia một lực thì đồng thời vật kia cũng tác dụng ngược lại lên vật này một lực => hai lực đó có cùng phương, cùng độ lớn và cũng ngược chiều nhưng tác dụng lên hai vật khác nhau nên hai lực này không phải là hai lực cân bằng. - Không phải cứ hai vật chạm vào nhau thì mới tác dụng lực lên nhau mà có thể có trường hợp chúng không hề chạm vào nhau nhưng vẫn tác dụng được với nhau chẳng hạn như nam châm hút sắt. Ví dụ 3: Một người kéo và một người đẩy cùng một chiếc xe lên dốc. Xe không nhúc nhích. Cặp lực nào dưới đây là cặp lực cân bằng? A. Lực người kéo và lực người đẩy lên chiếc xe. B. Lực người kéo chiếc xe và lực chiếc xe kéo lại người đó. C. Lực người đẩy chiếc xe và lực chiếc xe đẩy lại người đó. D. Cả ba cặp lực nói trên đều không phải là các cặp lực cân bằng. Hướng dẫn giải - Lực người kéo và lực người đẩy lên chiếc xe: hai lực này cùng chiều => Không phải là hai lực cân bằng. - Lực người kéo chiếc xe và lực chiếc xe kéo lại người đó: hai lực này đặt vào hai vật khác nhau => Không phải là hai lực cân bằng. - Lực người đẩy chiếc xe và lực chiếc xe đẩy lại người đó: Hai lực này đặt vào hai vật khác nhau => không phải là hai lực cân bằng. Chọn D HocTot.Nam.Name.Vn
|