Phương pháp giải bài tập về liên kết ionBài tập về liên kết ion * Một số lưu ý cần nhớ: Liên kết ion: Là liên kết được hình thành do lực hút tĩnh điện giữa các ion mang điện tích trái dấu. ● Điều kiện hình thành liên kết ion : Liên kết được hình thành giữa các kim loại điển hình và phi kim điển hình. Quy ước hiệu độ âm điện giữa hai nguyên tử liên kết lớn hơn hoặc bằng 1,7 là liên kết ion (trừ một số trường hợp). ● Đặc điểm của hợp chất ion : Các hợp chất ion có nhiệt độ nóng chảy và nhiệt độ sôi cao, dẫn điện khi tan trong nước hoặc nóng chảy. * Một số ví dụ điển hình Ví dụ 1: Nguyên tử của nguyên tố X có cấu hình electron 1s22s22p63s2, nguyên tử của nguyên tố Y có cấu hình electron 1s22s22p5. Liên kết hoá học giữa nguyên tử X và nguyên tử Y thuộc loại liên kết A. cho nhận. B. kim loại. C. cộng hoá trị. D. ion. Hướng dẫn giải chi tiết X có chứa 2 e lớp ngoài cùng => X là kim loại Y có 7 e lớp ngoài cùng => Y là phi kim Vậy liên kết giữa X và Y thuộc loại liên kết ion. Đáp án D Ví dụ 2: Z là một nguyên tố mà nguyên tử có chứa 12 proton, còn Y là một nguyên tố mà nguyên tử có chứa 9 proton. Công thức của hợp chất hình thành giữa các nguyên tố này là : A. Z2Y với liên kết cộng hoá trị. B. ZY2 với liên kết ion. C. ZY với liên kết cho nhận. D. Z2Y3 với liên kết cộng hoá trị. Hướng dẫn giải chi tiết Cấu hình e của Z là: 1s22s22p63s2 => Z là kim loại. Z có xu hướng nhường 2 e để được cấu hình bền Cấu hình e của Y là: 1s22s22p5 => Y là phi kim. Y có xu hướng nhận 1 e để được cấu hình bền => Liên kết với Y và Z là liên kết ion, tạo phân tử ZY2 Đáp án B Ví dụ 3: Trong liên kết giữa hai nguyên tử, nếu cặp electron chung chuyển hẳn về một nguyên tử, ta sẽ có liên kết A. cộng hoá trị có cực B. cộng hoá trị không có cực. C. ion. D. cho – nhận. Hướng dẫn giải chi tiết: Trong liên kết giữa hai nguyên tử, nếu cặp electron chung chuyển hẳn về một nguyên tử, ta sẽ có liên kết ion. Đáp án C Ví dụ 4: Liên kết hóa học trong phân tử KCl là : A. Liên kết hiđro. B. Liên kết ion. C. Liên kết cộng hóa trị không cực. D. Liên kết cộng hóa trị có cực. Hướng dẫn giải chi tiết: K là một kim loại điển hình, Clo là một phi kim điển hình => Liên kết hóa học trong phân tử KCl là liên kết ion. Đáp án B Ví dụ 5: Nhóm hợp chất nào sau đây đều là hợp chất ion ? A. H2S, Na2O. B. CH4, CO2. C. CaO, NaCl. D. SO2, KCl. Hướng dẫn giải chi tiết: Liên kết ion được hình thành giữa kim loại điển hình và phi kim điển hình Đáp án C Ví dụ 6: Cho các chất : HF, NaCl, CH4,Al2O3, K2S, MgCl2. Số chất có liên kết ion là (Độ âm điện của K: 0,82; Al: 1,61; S: 2,58; Cl: 3,16 và O: 3,44; Mg: 1,31; H: 2,20; C: 2,55; F: 4,0) : A. 3. B. 2. C. 1. D. 4. Hướng dẫn giải chi tiết Một chất có liên kết ion khi hiệu độ âm điện giữa nguyên tử 2 nguyên tố phải lớn hơn bằng 1,7 => Các chất có chứa liên kết ion là: NaCl, Al2O3, K2S, MgCl2. Đáp án D Ví dụ 7: Cho các phân tử sau : LiCl, NaCl, KCl, RbCl, CsCl liên kết trong phân tử mang nhiều tính ion nhất là A. CsCl. B. LiCl và NaCl. C. KCl. D. RbCl. Hướng dẫn giải chi tiết Liên kết trong phân tử mang nhiều tính ion nhất khi hiệu độ âm điện giữa nguyên tử 2 nguyên tố có giá trị cao nhất. Trong nhóm IA, Cs là nguyên tố có độ âm điện bé nhất => CsCl là chất mang nhiều tính ion nhất. Đáp án A Ví dụ 8: : Nếu nguyên tử X có 3 electron hoá trị và nguyên tử Y có 6 electron hoá trị, thì công thức của hợp chất ion đơn giản nhất tạo bởi X và Y là : A. XY2. B. X2Y3. C. X2Y2. D. X3Y2. Hướng dẫn giải chi tiết Nguyên tử X có 3 electron hoá trị => X có xu hướng nhường 3 e khi tham gia liên kết hóa học thành ion X3+ nguyên tử Y có 6 electron hoá trị => Y có xu hướng nhận 2 e khi tham gia liên kết hóa học thành ion Y2- Ta có phương trình: 2X3+ + 3Y2- → X2Y3 Đáp án B HocTot.Nam.Name.Vn
|