Phân tích Thương Vợ của nhà thơ Trần Tế xươngGiọng thơ Tú Xương trong “Thương vợ” trào dâng một niềm thương tha thiết đối với vợ. Ngôn ngữ thơ giản dị, mang đậm chất ca dao, hình ảnh gợi trường liên tưởng khá rộng. I. GIỚI THIỆU 1. Thể loại - Bài “Thương vợ” thuộc thể loại thơ trữ tình. 2. Nội dung và chủ đề - Bài thơ bộc lộ tình thương yêu lẫn quý trọng người cần cù, đảm đang, chịu thương chịu khó. Tác giả dựng lên bức chân dung người vợ đảm đang thành hình tượng tiêu biểu cho người phụ nữ truyền thống Việt Nam tháo vát và giàu đức hi sinh, II. PHÂN TÍCH - Bài thơ thuộc thể loại trữ tình, theo lối thất ngôn bát cú Đường luật. - Nói đến Tú Xương là nói đến sự hợp nhất của tính “trào phúng và trữ tình". Giọng cười mỉa mai chua chát, trong thơ ông là nụ cười mang theo nước mắt trước thực trạng xã hội. Bên giọng cười chua cay có một không hai ấy, Trần Tế Xương cũng là người đi tiên phong trong việc đưa đời sống cá nhân - gia đình vào thơ của mình. Những bài thơ trữ tình của ông tràn ngập thứ tình cảm gia đình, tồn tại song hành với nỗi đau vì nghèo đói, đã tạo cho thơ ca Việt Nam những nét mới mẻ và thú vị: “Thương vợ” là bài thơ thuộc thể loại tình cảm ấy a. Câu đề (1, 2) - Bài thơ được mở đầu khá ấn tượng, bằng cái vòng thời gian khép kín “quanh năm” của người đàn bà buôn bán, tảo tần lại gói trong một không gian nhò hẹp “mom sông”, vì hai chữ “chồng - con” : Quanh năm buôn bán ở mom sông Nuôi đủ năm con với một chồng - Hơn thế nữa, cái "danh” bà Tú quả cũng xứng với “cành vàng”. Thế mà, trong buổi lao lụng, phải mua bán trong cảnh chen chúc thì quả là đáng thương. Ấy vậy mà bà Tú cũng chỉ “Nuôi đủ năm con với một chồng”. “Nuôi đủ” là nuôi đủ cả con lẫn chồng. “Nuôi đủ” là nuôi đầy đủ (không thiếu thốn), hay nuôi chỉ vừa đủ. Hiểu theo nghĩa nào đi nữa, ta cũng thấy gánh nặng đè lên vai bà Tú quả là quá lớn. Nghĩa vụ này đương nhiên là Tú Xương phải gánh, thế nhưng con người tài hoa này gặp buổi chợ chiều của Nho học, chỉ biết than thân, tiêu biểu trong bài “Cảnh cùng quẫn”. b. Câu thực (3, 4) - Thế cho nên, bà Tú không biết từ lúc nào đã hóa thân thành: “Thân cò” để lặn lội nơi sóng nước eo sèo, nơi quãng vắng thưa người, đã gợi lên nỗi đau thân phận: Lặn lội thân cò khi quãng vắng Eo sèo mặt nước buổi đò đông. - Câu thơ thứ ba, với thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ, đã gợi rất nhiều đến hình ảnh con cò trong ca dao: Con cò lặn lội bờ sông Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non (Ca dao) - Bà Tú hẳn là không khóc nỉ non như người đàn bà trong câu ca dao kia, nhưng ai dám bảo bà chưa từng khóc trong lòng, ở cái chốn “eo sèo” buổi “đò đông” ? Danh phận một bà Tú, lại như thân cò nơi quãng vắng đã gợi lên sự hẩm hiu, vất vả, đơn chiếc, lại phải mặc cả buôn bán khi đò đông thì hàng hiếm. c. Câu luận (5,6) - Tú Xương “gợi nhờ” gánh nặng lên vai người vợ, còn mình mải vui chơi, hưởng lạc và “hư hỏng”. Biết thuốc lá, biết chè tàu Cao lâu biết vị hồng lâu biết mùi (Hỏi Ông Trời) - Tú Xương đã ái ngại để rồi sự cảm thông ấy đã đến chỗ cao trào của lòng thương và tự trách mình vì mang đến cho vợ thứ duyên nợ không trọn đạo. Câu thơ rơi vào chỗ luận lí về chữ “duyên” với nhiều tầng nghĩa: Một duyên hai nợ âu dành phận Năm nắng mười mựa dám quản công. - Duyên theo nghĩa của dân gian hay nghĩa triết học Phật giáo hoặc nói cách khác: Duyên trong “duyên phận”, hay duyên trong “duyên số”, thì trong văn cảnh này, đối với Tú Xương vẫn chỉ sự thiệt thòi về phía vợ. Vậy cái nguyên nhân hay sự tiền định ở đây đều từ cái "nợ”, mà Tú Xương đã sử dụng phép đối thật tuyệt vời. Dù duyên chỉ một mà nợ đến hai, hạnh phúc chồng mang đến quá ít, nhọc nhằn lại quá nhiều, thế nhưng người đàn bà ấy “âu đành phận”. d. Câu kết (7, 8) - Tú Xương tự trách mình: Cha mẹ thói đời ăn ở bạc Có chồng hờ hững cũng như không. - Chữ “bạc” của Tú Xương dùng trong câu thơ chính là sự trách mình chửi mình nhưng lời trách, chửi ấy rất đỗi chân thành. Để rồi, Tú Xương đi đến sự chế giễu cái “vô tích sự” của mình. Ta cũng từng nghe Tú Xương có lần chế giễu cái “chức quan” tại gia, quanh năm chỉ được phép ra “chiếu chỉ” cho con và ăn lương vợ. Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ Đem chuyện trăm năm trở lại bàn. (Quan tại gia) III. TỔNG KẾT - Thơ Tú Xương cay độc mà chân thành, trào phúng mà trữ tình, phong lưu mà chung thủy, chửi đời mà chửi mình, cười mình mà khóc mình, trong nỗi đau công danh lận đận, trong nỗi đau thân phận, trong nỗi đau cùng đường tuyệt lối của cảnh cơ hàn. - Giọng thơ Tú Xương trong “Thương vợ” trào dâng một niềm thương tha thiết đối với vợ. Ngôn ngữ thơ giản dị, mang đậm chất ca dao, hình ảnh gợi trường liên tưởng khá rộng. Độc đáo nhất ở bài thơ là hình tượng người phụ nữ hóa thân vào “thân cò” đã gợi nhiều nỗi niềm thương cảm, một thứ tình cảm thương thân và chua chát. Thành công nhất của bài thơ là xây dựng được hình tượng nghệ thuật có tính đột phá, bất ngờ và mới mẻ. Thành công đó cùng chính là việc: Đưa người phụ nữ vào thơ ca, mà hình tượng đạt đến trình độ mẫu mực và thấm đượm chất nhân vãn. - Hình ảnh người vợ thân yêu của ông đã chiếm trọn tình cảm của người đọc cho đến mãi bây giờ! Cái công ấy của Tú Xương, có thể bù vào cái tội “hờ hững" được chăng? HocTot.Nam.Name.Vn
|