Phân tích đoạn trích "Nỗi oan hại chồng"

Phân tích đoạn trích "Nỗi oan hại chồng"

      Việt Nam nổi tiếng với nhiều các thể loại văn hóa dân gian độc đáo, đặc trưng cho mỗi vùng miền trên đất nước, ví như vùng Nam Bộ có đờn ca tài tử ngọt ngào, Huế có điệu Nam ai, Nam bằng say đắm lòng người, xứ Nghệ Tĩnh có câu hò ví dặm, đất Bắc Ninh có dân ca quan họ đậm tình truyền thống, thì cả vùng Bắc Bộ lại có những thể loại ca kịch đã lưu truyền biết bao đời này ấy là cải lương, chèo, tuồng,... Tuy nhiên do sự phát triển mạnh mẽ của nền âm nhạc hiện đại, đến ngày hôm nay các thể loại này dẫu đặc sắc mang nhiều dấu ấn truyền thống của dân tộc thế nhưng cũng dần bị mai một. Trong đó nhắc đến chèo có lẽ vở Quan m Thị Kính đã từng in sâu trong trí óc của không ít người dân Việt Nam, trở thành vở kịch kinh điển của chèo Việt Nam và từng được diễn đi diễn lại rất nhiều lần trên các sân khấu lớn nhỏ khác nhau, thu về sự tán thưởng của khán giả bởi nội dung sâu sắc và ý nghĩa nhân văn tốt đẹp mà nó gửi gắm.

       Vở Quan Âm Thị Kính có nguồn gốc từ một mẩu chuyện cổ tích cùng tên, chủ yếu xoay quanh trục bĩ cực - thái lai của kiếp nhân sinh, tập trung ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp, tài năng đức độ để mọi người trông đó mà noi theo. Cảm thông với số phận người lao động, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội cũ, đề cao phẩm chất và tài năng của họ. Đồng thời cũng lên án, tố cáo, đả kích một cách mạnh mẽ những oan trái, bất công và con người cường quyền xấu xa trong xã hội cũ. Quan m Thị Kính là câu chuyện kể về Thị Kính một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, nhưng lại có xuất thân bần hàn, được gả vào nhà phú ông giàu có, rồi bị vu tội giết chồng. Sau giả trai đi tu những tưởng đã thoát được nợ hồng trần thì lại vướng vào mối oan nghiệt với Thị Mầu, bị vu tội làm Thị Mầu chửa hoang, rồi bị đuổi khỏi chùa. Thị Kính lại tiếp tục nuôi con của Thị Mầu, cho đến khi chết thì được lên tòa sen trở thành Quan Thế m bởi tấm lòng đức độ, hy sinh, để tạo phúc cho muôn dân.

       Đoạn trích Nỗi oan hại chồng, là phần đầu tiên của tác phẩm kể về việc Thị Kính bị đổ oan giết chồng, rồi bị nhục mạ, xúc phạm và đuổi về nhà mẹ đẻ trong nỗi đớn đau tủi nhục, có oan khuất mà kêu trời trời không thấu, kêu đất đất không nghe. Trước hết nói về nhân vật Thị Kính, nhân vật chính của tác phẩm, trước hết chưa nói đến ngoại hình thế nhưng ta đã thấy hiện lên Thị Kính là một người phụ nữ tỉ mỉ, săn sóc và hết mực yêu thương chồng con. Sự tỉ mỉ ta có thể thấy ở việc nàng cẩn thận ngắm dung nhan chồng, rồi chợt phát hiện ra một sợi râu nhỏ mọc ngược, lòng săn sóc, yêu thương chồng là ở cách Thị Kính suy nghĩ cầm quạt quạt cho chồng an giấc, lại cẩn thận suy nghĩ đến thể diện của chồng với chiếc râu mọc ngược (vốn cái gì ngược ngạo cũng dễ cản trở cuộc sống). Và đặc biệt tình yêu thương ấy được thể hiện rất rõ nét trong câu hát của nàng rằng "Dạ thương chồng lòng thiếp sao an".

       Tuy nhiên tình yêu, sự một lòng ấy của nàng lại trở thành tai vạ, đôi lúc thiết nghĩ Thị Kính vì quá thương chồng thành ra nghĩ chẳng chu toàn, lại mất đi cái cẩn thận. Phải chăng nàng đợi chồng dậy rồi nói về chiếc râu, rồi với cắt thì có lẽ tình cảm vợ chồng lại càng trở nên khăng khít chứ chẳng đến nỗi. u cũng phải nói rằng sự chịu đựng, hy sinh âm thầm của người phụ nữ xưa đôi lúc đã trở thành cái cớ khiến họ khổ sở cả một đời. Đến khi bị vu tội giết chồng, thì Thị Kính lại tỏ rõ là một người phụ nữ yếu đuối, tội nghiệp, nàng cũng từng nhiều lần mở miệng thanh minh với cha mẹ chồng và với chồng, thế nhưng đáng thương cho kiếp đàn bà, lại còn là kiếp nghèo khó thế nên người ta cứ mặc nhiên là nàng âm mưu giết chồng vì trót có lang chạ với ai.

       Như vậy, ngay trong trích đoạn này ta đã thấy được thông qua lời buộc tội của Sùng bà, thì Thị Kính đã phải gánh trên lưng hai nỗi oan khuất, thứ nhất là giết chồng, thứ hai ấy là tội bất trung, bất trinh, lén lút tư tình với kẻ khác. Mà đối với người phụ nữ ngày xưa, vướng phải hai tội ấy thì coi như thanh danh cả đời đem bỏ, phải chịu bị người đời phỉ nhổ, cuộc đời về sau coi như hết. Đến cao trào của phần Nỗi oan hại chồng ấy là cảnh Sùng ông gọi Mãng ông đến, nói kháy và đuổi trả Thị Kính về nhà mẹ đẻ. Lúc này đây Thị Kính đứng trước viễn cảnh vô cùng đớn đau, bị nhà chồng ruồng bỏ lại phải gánh trên lưng hai nỗi oan khó lòng hóa giải, khiến nàng vô cùng đau khổ. Trước là đau xót nối duyên vợ chồng mới bén chưa lâu đã đứt gánh giữa đường, sau là nhìn đến tương lai cuộc đời nếu có trở về nhà thì cũng phải gánh điều tiếng xấu xa cả đời. Thị Kính với tấm lòng hiếu thảo, thương xót cha mẹ, không muốn để cha mẹ trở thành nơi cho người ta bàn ra tán vào, tuổi già lại còn phải chịu uất ức, một phần là nàng muốn lánh đi để quên hết sự đời.

       Thế nên ngay lúc trên đường trở về nhà cùng Mãng ông nàng đã giãi bày với cha xin được giả thân trai lên chùa đi tu, chấm dứt hết mọi đau khổ. Điều đó thể hiện sự tuyệt vọng và chán chường của Thị Kính với cuộc đời, với người chồng mình hết lòng thương yêu, thế nhưng trong suốt buổi chàng ta đã chẳng hề lên một tiếng thanh minh cho mình. Bên cạnh đó cách xử sự của Thị Kính cũng là biểu hiện của sự bất lực, đớn đau của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến quá hà khắc, nơi mà người quyền thế giàu sang trở thành kẻ định đoạt số phận cuộc đời của những kẻ nghèo hèn bằng những lý do, những suy luận trái khuấy oan nghiệt.

       Nhân vật thứ hai có đóng góp vô cùng quan trọng, đóng vai trò đẩy vở kịch lên cao trào đó chính là Sùng bà, nhân vật mụ ác tiêu biểu trong thể loại chèo. Trong Nỗi oan hại chồng, Sùng bà chính là nhân vật có nhiều thoại nhiều cảnh hát và nói lệch nhất, có thể nói đây chính là nhân vật tiêu biểu cho giai cấp thống trị trong xã hội cũ. Sùng bà hiện lên với dáng vẻ độc ác, cay nghiệt vô cùng, lời thoại nhiều và dài, thậm chí liên tục cắt lời minh oan của nhân vật Thị Kính. Khi mới nghe con trai là Thiện sĩ tố Thị Kính toan giết mình, Sùng bà đã lập tức tin ngay và mặc định đó là sự thật không thể chối cãi, sự ghê gớm độc ác thể hiện qua việc bà ta quay sang gắt và trách móc chồng việc chọn dâu con, thứ hai nữa là hành động đẩy ngã Thị Kính đang đứng ở một bên rồi liên tục dùng lời lẽ nhiếc móc.

       Trong lời lẽ cay nghiệt của nhân vật này ta có thể nhận ra rất rõ sự phân biệt tầng lớp, giàu nghèo sâu sắc, đem ví nhà mình là giống phượng, giống công, trái lại ví Thị Kính là dòng mèo mả gà đồng không ra gì. Không chỉ vậy sự độc ác của Sùng bà còn thể hiện ở những lời lẽ đay nghiến, bịa chuyện vu oan cho Thị Kính tằng tịu với trai, cho rằng nàng giết chồng để thuận việc chăng hoa mặc dầu điều đó là không hề có. Bên cạnh đó ta thấy rằng lời lẽ của nhân vật này không tầm thường, chuyên lấy chuyện ví von so sánh để làm câu chữ cho mình ra sức nhiếc móc Thị Kính, khiến Thị Kính không thể minh oan, cũng không thể nào giải thích. Và cuối cùng Sùng bà đã đưa vở kịch lên cao trào bằng việc lệnh cho chồng gọi Mãng ông để trả Thị Kính trở về nhà mẹ với hai tội giết chồng và lăng loàn.

       Những nhân vật phụ khác góp phần làm cho vở chèo thêm sống động và nhiều màu sắc bao gồm Thiện Sĩ, nhân vật thư sinh điển hình, là chồng của Thị Kính, chỉ có thoại trong phần mở đầu. Thông qua đó ta có nhận xét rằng đây là một nhân vật có tính cách nhu nhược, thiếu sáng suốt, không có tiếng nói trong gia đình, rõ ràng đã chung sống với Thị Kính lau thế nhưng vẫn không rõ tính cách của vợ, lại đi cho rằng vợ giết mình. Không chỉ vậy khi thấy vợ kêu oan cũng không nảy lòng ngờ mà xem xét lại sự tình, chỉ một mực im lặng, để cho Sùng bà tự biên tự diễn, cuối cùng mặc cho vợ mình bị đuổi ra khỏi nhà. Nhân vật thứ hai chính là Sùng ông, đây là một người cũng có tính cách giống Thiện Sĩ, nhu nhược, sợ vợ, không có quyền quyết định, lại tối ngày lơ mơ trong rượu chè cờ bạc, chẳng được tích sự gì, và cũng dễ dàng bị Sùng bà dắt mũi. Cuối cùng là nhân vật Mãng ông, cha của Thị Kính là một người nông dân tội nghiệp, chân chất, thật thà và nghèo khổ. Tuy nghe Thị Kính bị vu tội giết người, lăng loàn và bị đuổi ra khỏi nhà, thế nhưng nghe con gái kêu oan ông đã tin tưởng và có ý dẫn con về nhà, từ đó có thể thấy đây là một nhân vật có tấm lòng thương con vô hạn, dẫu có xảy ra chuyện gì cũng vẫn muốn bảo bọc cho con gái mình.

       Như vậy kết lại, Quan Âm Thị Kính nói chung cũng trích đoạn Nỗi oan hại chồng nói riêng là vở diễn và trích đoạn chèo rất tiêu biểu trong sân khấu chèo truyền thống, trở thành dấu ấn đặc sắc trong nền văn hóa nghệ thuật dân gian của Việt Nam ta. Nó không chỉ thể hiện được vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ, mà còn là nỗi đau đớn về số phận éo le và bế tắc của họ trong cuộc sống gia đình, trong hôn nhân và trong xã hội phong kiến quá đỗi hà khắc. Đồng thời cũng lên án, phê phán sâu sắc những cái ác, cái oan nghiệt trong xã hội cũ dẫn tới bi kịch của người phụ nữ.

Nguồn: sưu tầm

HocTot.Nam.Name.Vn

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close