Lý thuyết: Tư tưởng triết học thời kỳ xuân thu - chiến quốc

Từ thế kỷ thứ VIII tr. CN, xã hội Tây Chu bước vào một thời kỳ có nhiều biến động lớn lao, toàn diện kéo dài cho đến giữa thế kỷ thứ III tr. CN ... Lịch sử gọi là thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc

Từ thế kỷ thứ VIII tr. CN, xã hội Tây Chu bước vào một thời kỳ có nhiều biến động lớn lao, toàn diện kéo dài cho đến giữa thế kỷ thứ III tr. CN ... Lịch sử gọi là thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc. Đồ sắt xuất hiện phổ biến, công cụ sản xuất bằng sắt tham gia vào thế giới công cụ đồng, đá trước đây đã đem lại sự phát triển mạnh mẽ của nền sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp. Đây cũng là thời kỳ khởi sắc của nền kinh tế thương nghiệp. Vào thế kỷ VI - V tr.CN xuất hiện những thành thị thương nghiệp buôn bán xuất nhập nhộn nhịp ở các nước Hàn - Tề - Tần – Sở. Thành thị đã có một cơ sở kinh tế tương đối độc lập, từng bước tách ra khỏi chế độ thành thị thị tộc của quý tộc thị tộc, thành những đơn vị khu vực của tầng lớp địa chủ mới lên (Hiển tộc). Đó là hiện tượng trong Kinh Thi nói "Hai đô thị sánh nhau trong nước". Sự phát triển của sức sản xuất, kinh tế phát triển đã tác động mạnh mẽ đến hình thức sở hữu ruộng đất và kết cấu giai tầng của xã hội. Nếu như vào đầu thời Chu, "Đất đai ở khắp dưới gầm trời này không đâu không phải là thần dân của nhà vua" thì nay cái quyền sở hữu tối cao (về đất và dân) ấy đã bị một lớp người mới lên có tiền tấn công và chiếm làm tư hữu. Giai cấp quý tộc thị tộc Chu bị mất đất, mất dân, địa vị kinh tế ngày càng sa sút - và đương nhiên - vai trò chính trị, ngôi Thiên tử của nhà Chu chỉ còn là hình thức. Sự phân biệt sang - hèn dựa trên tiêu chuẩn huyết thống của chế độ thị tộc tỏ ra không còn phù hợp nữa mà đòi hòi phải dựa trên cơ sở tài sản. Các nước chư hầu của nhà Chu không chịu phục tùng vương mệnh nữa, không chịu cống nạp, mang quân thôn tính lẫn nhau, tự xưng là Bá ("Vương đạo suy vi"); tầng lớp địa chủ mới lên ngày càng giàu có, lấn át quý tộc thị tộc cũ ("trên yếu dưới mạnh"), thậm chí còn chiếm cả chính quyền như họ Quý thị ở nước Lỗ, họ Trần ở nước Tề.

Như vậy, kết quả của những biến động kinh tế đã dẫn đến sự đa dạng trong kết cấu giai tầng của xã hội. Nhiều giai tầng mới xuất hiện; mới - cũ đan xen và mâu thuẫn ngày càng gay gắt. Có thể tóm tắt mấy mâu thuẫn chính nổi lên trong thời kỳ này là:

-           Mâu thuẫn giữa tầng lớp mới lên có tư hữu tài sản, có địa vị kinh tế trong xã hội (Hiển tộc) mà không được tham gia chính quyền với giai cấp quý tộc thị tộc cũ của nhà Chu đang nắm chính quyền.

-           Mâu thuẫn giữa tầng lớp sản xuất nhỏ, thợ thủ công, thương nhân với giai cấp quý tộc thị tộc Chu.

-          Trong bản thân giai cấp quý tộc thị tộc Chu có một bộ phận tách ra, chuyển hóa lên giai tầng mới; một mặt họ muốn bảo lưu nhà Chu, một mặt họ cũng không hài lòng với trật tự cũ của nó. Họ muốn cải biến nó bằng con đường cải lương, cải cách.

-          Tầng lớp tiểu quý tộc thị tộc, một mặt họ đang bị tầng lớp mới lên tấn công về chính trị và kinh tế, mặt khác họ cũng có mâu thuẫn với tầng lớp đại quý tộc thị tộc đang nắm chính quyền.

-           Mâu thuẫn nông dân công xã thuộc các tộc bị người Chu nô dịch với nhà Chu và tầng lớp mới lên đang ra sức bóc lột, tận dụng sức lao động của họ.

Đó là những mâu thuẫn của thời kỳ lịch sử đang đòi hỏi giải thể chế độ nô lệ thị tộc, tiến nhập vào xã hội phong kiến; đòi hỏi giải thể nhà nước của chế độ gia trưỏng (còn gọi là Tông pháp), xây dựng nhà nước của giai cấp quốc dân, giải phóng lực lượng sản xuất, mở đường cho xã hội phát triển.

Xã hội đang chuyển mình dữ dội, kinh tế phát triển, tầng lớp dân tự do xuất hiện, đặc biệt là sự ra đời của các thành thị tự do phồn vinh và những thành quả đạt được trên lĩnh vực khoa học tự nhiên (nhất là về thiên văn học và y học) là nguồn động lực quan trọng cho sự phát triển có tính chất đột biến của tư tưởng thời kỳ này. Trong nước xuất hiện những trung tâm (như Tắc Hạ của nước Tề), những tụ điểm (như nhà Mạnh Thường Quân) mà ở đó "kẻ xử sĩ bàn ngang" hay "bàn việc nước". Nhìn chung họ đều đứng trên lập trường của giai cấp mình, tầng lớp mình mà phê phán (để cải tổ hay để lật đổ) trật tự xã hội cũ, xây dựng (trong tư tưỏng) xã hội tương lai và tranh luận, phê phán, đả kích lẫn nhau. Lịch sử gọi là thời kỳ Bách gia chư tử" (trăm nhà trăm thầy), "Bách gia tranh minh" (trăm nhà đua tiếng). Chính trong quá trình "tranh minh ’ đó đã đẻ ra những nhà tư tưỏng vĩ đại, hình thành nên những hệ thống triết học khá hoàn chỉnh, mở đầu cho lịch sử tư tưởng Trung Quốc có ngôn ngữ và ý nghĩa chặt chẽ. Có thể nói, trừ Phật giáo được du nhập từ ngoài vào, các hệ thống triết học được thành lập ở thời kỳ này, với những tư tưởng cơ bản của nó, còn tồn tại và ảnh hưỏng sâu đậm trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc mãi cho tới thời cận đại. Mỗi nhà tư tưởng sau này đều tự xếp mình vào (hoặc được xếp vào) một trường phái nào đó để giải thích (nhiều khi là sai lệch) ý của thầy và phát triển nó lên. Sau đây chúng ta nghiên cứu một số trường phái của thời kỳ này.

HocTot.Nam.Name.Vn

  • Tư tưởng Nho gia

    Thời Xuân Thu là thời kỳ nở rộ xuất hiện các nhà tư tưởng, các tư trào triết học, trong đó có Khổng Tử - nhà tư tưởng vĩ đại mở đường cho thời kỳ cổ đại ở Trung Quốc.

  • Tư tưởng Mặc gia

    Sau Khổng Tử mấy chục năm, trên quê hương nước Lỗ xuất hiện nhà tư tưởng nổi tiếng Mặc Địch mà tư tưởng của ông cùng học phái Mặc gia do ông sáng lập không những có những ảnh hưởng lớn lúc bấy giờ mà còn kéo đài đến sau này.

  • Tư tưởng Đạo gia

    Trong quá trình tan rã của chế độ nô lệ thị tộc, một bộ phận của tầng lớp quý tộc nhỏ không chuyển biến kịp sang giai cấp địa chủ. Họ bị hai thế lực chèn ép: Đại quý tộc áp bức và địa chủ mới lên uy hiếp, địa vị kinh tế và xã hội rất mỏng manh ("Triêu bất bảo tịch").

  • Tư tưởng Pháp gia

    Cuối thời Chiến Quốc là giai đoạn hình thành quan hệ sản xuất phong kiến. Giai cấp địa chủ đã giành được vai trò chủ đạo ở cơ sở hạ tầng của xã hội, nhiệm vụ còn lại của họ là lật đổ kiến trúc thượng tầng, hoàn thành quá trình phong kiến hóa.

  • Tư tưởng triết học của pháp Âm dương - Ngũ hành và tác phẩm "Dịch truyện"

    Thuyết Âm dương - Ngũ hành là thuyết thể hiện quan niệm duy vật chất phác về tự nhiên, và ở đó cũng thể hiện tư tưởng biện chứng sơ khai về tự nhiên, con người và xã hội của người Trung Quốc thời cổ đại.

close