Lý thuyết: Hành trình đi tới sự giải trừ hệ tư tưởng và cái chết của triết học

Để xây dựng hệ tư tưởng của mình, chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước hiện đại đã lấy sự tiến hoá công nghệ làm nền tảng cho xã hội. Người ta dành cho kỹ thuật một tầm quan trọng đặc biệt.

Để xây dựng hệ tư tưởng của mình, chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước hiện đại đã lấy sự tiến hoá công nghệ làm nền tảng cho xã hội. Người ta dành cho kỹ thuật một tầm quan trọng đặc biệt. Nhưng giai cấp tư sản hiện đại không làm chủ lực lượng sản xuất như thời kỳ đang lên. Chủ nghĩa duy khoa học lạc quan của thế kỷ XIX không còn nữa. Giờ đây, tiến bộ khoa học, kỹ thuật được trình bày phù hợp với quy luật hiện đại về lợi nhuận. Quả vậy, nó được xem như một sự bắt buộc không cho con người được lựa chọn mà phải phục tùng những gì là “duy lý” và cũng được xem như nguồn gốc của những biến đổi thường là xấu, từ đó buộc phải coi nhiều tư tưỏng, nhiều lo lắng và nhiều xung đột ở kỷ nguyên của xã hội công nghiệp là đã lỗi thời. Xã hội duy lý có biến đổi thì những ứng xử khác với nó cũng đổi thay.

1. Chủ đề về sự duy lý được phân ra thành nhiều tư tưởng nhằm khẳng định rằng, ở ngoài mọi xung đột chính trị, nhất là xung đột giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, có những quy luật khoa học được ứng dụng trong mọi xã hội và hiện nay có thể nhận biết được, do vậy, chỉ còn một việc là chấp nhận chúng mà thôi.

Trước hết, ở đây có một sự đối lập giữa duy lý kinh tế và lợi nhuận trực tiếp, ở thế kỷ XIX, lợi nhuận trực tiếp là quy luật duy nhất của chủ nghĩa tư bản. Ngày nay, các nhà kỹ trị có một quan niệm bao quát hơn về xã hội, do đó không chỉ tìm cách tăng lợi nhuận cho một xí nghiệp riêng lẻ nào đó mà thực hiện một sự duy lý kinh tế tổng thể. Như vậy, lợi nhuận không còn giá trị là động cơ kinh tế. Động lực phải tìm trong “quản lý”, trong chỉ đạo “kỹ thuật”. Gắn liền với thành tựu duy lý này là sự tổ chức ứng xử về sự hiệp nghị, một cơ chế hệ tư tưởng để tích hợp mọi nhóm người vào xã hội công nghiệp hiện đại.

Đây là chủ đề cơ bản của hệ tư tưởng tư sản hiện đại bởi vì hình thức mới đó của chủ nghĩa duy khoa học cho phép che lấp mối liên hệ giữa việc sử dụng khoa học và lợi ích tài chính và xoá nhòa tầm quan trọng của sở hữu tư bản chủ nghĩa. Việc che giấu vừa nói là rõ ràng, bởi vì, có ý thức hoặc không ý thức, các nhà kỹ trị có lúc đối lập với chủ nghĩa tư bản không phải nhân danh lợi ích chung duy lý nào đó mà là làm cho chủ nghĩa tư bản thích ứng tốt nhất với sự tiến hoá kỹ thuật.

Tuân theo cái “logos kỹ thuật”, hệ tư tưởng của những nhà độc quyền tự trình bày không còn là hệ tư tưởng nữa, mà là cái gì vượt qua mọi hệ tư tưởng: hệ tư tưởng đã bị giải trừ. Người ta nói rằng, đã đến lúc con người đi tới một xã hội đạt tới kỷ nguyên duy lý, khoa học, ở đó mọi vấn đề đều có thể tìm được lời giải đáp kỹ thuật mà không cần kêu gọi tới lý luận. Sự giải trừ hệ tư tưởng là điều tự nhiên.

Tự trình bày như sự vượt qua mọi hệ tư tưởng, hệ tư tưởng của chủ nghĩa tư bản hiện đại muốn lên án cả bản thân khái niệm hệ tư tưởng bao gồm không chỉ chủ nghĩa Mác - được coi như chỉ phù hợp với điều kiện của chủ nghĩa tư bản ở thế kỷ trước - mà cả hệ tư tưởng tự do của cánh hữu bảo thủ cổ điển. Hệ tư tưởng đã bị giải trừ nên thế giới ngày nay chỉ còn những xung đột giả. Những vấn đề thực sự chỉ còn là những vấn đề kỹ thuật và chúng chỉ biến thành xung đột chính trị do tác động của những hệ tư tưởng, dù đó là hệ tư tưởng mácxít hay hệ tưởng tự do cổ điển.

Hệ tư tưởng và chính trị đã biến mất thì sự nhất trí xã hội sẽ thực hiện trên cơ sở tìm về một tổ chức duy lý nhất của xã hội. Chủ đề về sự nhất trí làm rõ sự phân tích của Mác đã từng chỉ ra rằng, giai cấp tư sản luôn luôn muốn đồng nhất dự kiến xã hội và chính sách của nó đối với lợi ích của toàn xã hội. Cách mạng tư sản ở thế kỷ XVIII đã thực hiện điều nói trên dưới hình thức sự bình đẳng về pháp luật đối với mọi người. Nhưng, tiếc rằng, sự bình đẳng đó chưa thực hiện được đầy đủ cho toàn xã hội. Vì vậy ngày nay, người ta muốn trỏ lại chủ đề đó dưới một hình thức mới; việc hoàn thiện, việc duy lý hoá kinh tế sẽ đưa lại phúc lợi chung cho mọi người.

Khi những xung đột xã hội không còn là sự đối lập giữa các giai cấp mà chỉ giữa các nhóm xã hội thì cách mạng sẽ không còn nữa và chủ nghĩa cải lương là kiểu tổ chức duy nhất về ứng xử giữa con người trong xã hội.

Khi hệ tư tưởng đă được giải trừ, sự duy lý đã lấy chủ nghĩa cải lương làm điểm tựa thì những “quy tắc trò chơi chính trị” khác cũng xuất hiện. Chủ nghĩa đa nguyên về nguyên tắc được trình bày như một hình thức dân chủ nhất bảo đảm cho sự nhất trí xã hội, bởi vì nó là “sự luân phiên” của những người cùng bên trong cuộc đua xã hội. Rồi chủ nghĩa tổng thống là một thủ tục để đồng nhất nhân dân và nguyên thủ quốc gia thích hợp với xã hội công nghiệp phát triển.

Chủ để về sự hội tụ cũng gắn liền với tư tưỏng về sự duy lý. Vì vậy các chế độ xã hội, dù là chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội, đều buộc phải phục tùng những đòi hỏi của sự duy lý kỹ thuật chứ không phải sự đối lập đã lỗi thời giữa hai kiểu hệ thống xã hội. Tuy nhiên, sự hội tụ sẽ là một luận chứng trừu tượng nếu người ta quy mọi đặc điểm lịch sử cụ thể thành số không.

Hệ tư tưởng của chủ nghĩa công nghiệp đã dựng lên một loạt mô hình. Người ta có thể kể ra: “xã hội công nghiệp thống nhất” của R.Arông (R.Aron), “xã hội hậu công nghiệp” của D.Ben (D.Bell), “Nhà nước công nghiệp mới” của Gi.Ganbrai (J. Galbraith) v.v..

Chủ nghĩa thực chứng mới đã cung cấp cho chủ nghĩa công nghiệp những tiền đề phương pháp luận cần thiết. Các trường phái của chủ nghĩa thực chứng mới tuy có khác nhau về chi tiết, nhưng đều thống nhất ở chỗ phủ định, loại trừ bất cứ sự nảy nở nào của triết học. Nó tuyên bố: “Triết học đã chết”. Một khi triết học đã lùi về quá khứ thì thời đại ngày nay chỉ còn khoa học, khoa học thực chứng với những tìm tòi có tính kinh nghiệm và những thăm dò có tính công cụ mà thôi.

Từ luận đề về đặc quyền tối thượng của khoa học thực chứng, chủ nghĩa thực chứng đã thực hiện một chương trình thủ tiêu triết học.

Trước hết, nó ra sức làm rõ triết học và khoa học. Theo nhà thực chứng, khoa học khác triết học ở chỗ khoa học không đi tìm “cái vì sao”. Câu trả lòi độc nhất của nó chỉ liên quan tới những vấn đề xảy ra chứ không biết “vì sao” lại xảy ra. Trái lại triết học quan tâm tới. “cái vì sao” cho nên tìm cách giải thích dựa trên nguyên tắc duy trí (phản nghĩa với kinh nghiệm). Triết học không tách rời hoàn toàn, phải phù hợp với lương tri, với lẽ thông thường. Còn khoa học xuất hiện như sự sáng tạo thuần túy của nhà khoa học tuỳ thuộc vào thời điểm trực giác. Do vậy, quyết đoán khoa học là một kết cấu lý tính, chủ quan và có tính quy ước.

Sự khác biệt trên khẳng định nguyên tắc chứng thực trực tiếp của khoa học. Đó là nguyên tắc cơ bản của mọi trường phái triết học thực chứng. Từ nguyên tắc này, chủ nghĩa thực chứng cho rằng, những mệnh đề triết học là mệnh đề vô nghĩa khoa học, ngoài khoa học. Về hình thức, triết học có đặt ra vấn đề có nghĩa, nhưng không có phương pháp giải quyết cho nên chỉ là vấn đề giả. Trái lại, mệnh đề khoa học là mệnh đề có ý nghĩa khoa học, là vấn đề chân thực. Và có nghĩa là có ích, còn vô nghĩa là có hại. Kết luận này là điểm đỉnh của chương trình triệt tiêu triết học của chủ nghĩa thực chứng mới.

Tóm lại, chủ nghĩa thực chứng mới không thừa nhận chức năng thế giới quan của triết học, chỉ thừa nhận chức năng của lôgíc khoa học, của "triết học khoa học", tức chức năng phương pháp luận của khoa học. Nhưng đặc trưng lớn nhất này của chủ nghĩa thực chứng vẫn chưa tránh được vấn đề mối liên hệ giữa phương pháp luận và thế giới quan, giữa phương pháp luận và lý luận bởi vì chúng là hai mặt của sự nhận thức của con người.

Tất cả các nhà lý luận về chủ nghĩa công nghiệp đều lấy nguyên tắc chứng thực trực tiếp của chủ nghĩa thực chứng làm tiêu chuẩn của chân lý sự việc. Mọi phát biểu khoa học của họ đều tương ứng, đều quy giản về "sự việc". Có thể nói, sự việc là những "đồng tiền” của nội dung kinh nghiệm. Mọi chủ đề khoa học của họ đều được đặt trên cơ sở của những mệnh đề kinh nghiệm.

Hệ tư tưởng của chủ nghĩa công nghiệp đã nhanh chóng đạt tới những mục tiêu đã định so với hệ tư tưởng tư sản cổ điển. Vì vậy, nó cũng không chậm gặp những bế tắc mà người ta gọi là cuộc khủng hoảng.

Thực ra, cuộc khủng hoảng này không phải là một tai biến tình thế mà từ lâu đã là một thành tố của bản thân hệ thống tư bản chủ nghĩa. Giai cấp tư sản một lần nữa buộc phải xét lại hệ tư tưởng của mình để thích ứng với cuộc khủng hoảng vừa nảy sinh.

2. Từ khi nổ ra, cuộc khủng hoảng đã có một tầm hệ tư tưởng to lớn ở hai cấp độ khác nhau.

Cuộc khủng hoảng là nguồn gốc trực tiếp của nhiều chủ đề tư tưởng nhằm giải thích về chính cuộc khủng hoảng. Trước hết, người ta coi cuộc khủng hoảng như một hiện tượng toàn cầu của các nước tư bản chủ nghĩa. Không phải một cuộc khủng hoảng mà có nhiều cuộc khủng hoảng đan xen nhau: về kinh tế, về xã hội, về sinh thái về đạo đức v.v.. Tất cả các cuộc khủng hoảng bộ phận đó chỉ là đấu hiệu của "cuộc khủng hoảng của nền văn minh" (chứ không chỉ của hệ thống tư bản chủ nghĩa). Rồi nhiều chủ đề khác cũng được từ đây triển khai như: chủ đề về định mệnh của cuộc khủng hoảng, trách nhiệm và về sự đoàn kết của mọi ngưòi trước thảm họa đó.

Tiếp theo cuộc khủng hoảng là cơ hội để giai cấp tư sản kỹ trị phát triển những chủ đề khó hiểu ở thời kỳ mà sự tăng trưởng kinh tế tạo ra chủ nghĩa lạc quan, nhưng giờ đây những chủ đề ấy lại tương ứng với những nhu cầu hiện đại của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước.

Điều cơ bản là hệ tư tưởng đó thực hiện một sự phê phán đối với xã hội công nghiệp. Xã hội ấy đã đi đến những giới hạn của nó. Ngày nay, nó sinh ra những điều ác vượt xa những ưu thế ở bên lề mà nó còn có thể tạo ra. Nó là nguồn gốc của ô nhiễm, của bạo lực, của sự phình ra của chủ nghĩa quan liêu. Nhà nước vừa bị sung huyết vừa bất lực, xã hội bị "xiết chặt", cá nhân là nạn nhân của sự tiêu thụ và lãng phí. Đây rõ ràng là sự thể hiện hiện đại về một chủ nghĩa chống nhà nước và một chủ nghĩa chống vật chất, những hằng số của những hệ tư tưởng của cánh hữu. Bởi vì, ngày nay, xã hội đã thay đổi cho nên nhiều nhu cầu mới đã xuất hiện và một sự đột biến tương đương về ứng xử trở nên cần thiết. Người ta đi tới kết luận rằng, từ nay phải từ bỏ cuộc chạy đua vô ích về những thỏa mãn vật chất, trái lại phải hướng tới "chất lượng sống". Vì vậy, những đòi hỏi số lượng của đời sống là đã quá thời.

Lý luận về "sự đột biến" đã được phản ánh trong chủ nghĩa cấp tiến "tả" từ cuộc bạo loạn tháng Năm - tháng Sáu 1968 ở Pháp đến phong trào cánh tả mới, phong trào phản văn hóa ở Mỹ.

Nhiều phần tử cực tả phân tán thành nhiều tổ chức không hợp thành một phong trào thống nhất trong từng nước riêng biệt cũng như trên quy mô quốc tế. Những quan niệm của họ nhiều khi trái ngược nhau, hoặc chiết trung tạo nên một sự hỗn tạp đặc biệt. Nhưng xu hướng cơ bản của tất cả là chủ nghĩa phi lý.

Những trào lưu cực tả phi lý đã thực hiện sự phê phán xã hội công nghiệp. Sự phủ định đó đôi khi không khỏi gây đôi chút phiền hà cho quyền lực. Không phải không có lý do để P.Giônxơn (P.Johnson), một môn đồ của chủ nghĩa thực chứng, có lúc đã bực tức mắng nhiếc từ Mácquygiơ (Marcuse), Satrơ (Sartre), Phanông (Fanon), Ivan Ilít (Ivan Ilith) đến những sinh viên "tả", những trí thức "nổi giận", những nhà sinh thái học là "những kẻ thù của nền văn minh".

Nhưng, thực ra và xét tới cùng thì sự chống đối đó chỉ là sự phê phán nội bộ, là bộ phận hợp thành của hệ tư tưởng công nghiệp. Nếu chủ nghĩa cải lương là cánh phải của hệ tư tưởng ấy thì phong trào cực tả là cánh trái không thể thiếu.

Chủ nghĩa hiện sinh đã đóng vai trò đặc biệt trong việc xác lập cơ sở tư tưởng cho nhiều trào lưu cực tả, như phong trào Phản văn hóa ở Mỹ. Đây là một trào lưu triết học phi lý quan trọng nhất của triết học phương Tây trong những năm 50 - 60, thế kỷ XX.

Chủ nghĩa hiện sinh kỳ vọng vào quan niệm triết học nhân học thống nhất trong thế giới ngày nay để mô tả quá trình phi nhân cách hóa của cá nhân con người mà nguyên nhân của sự tha hóa đó là sự phát triển của kỹ thuật. Như vậy, chủ nghĩa hiện sinh đứng trên lập trường của chủ nghĩa phi lý để phê phán sự duy lý của xã hội và bằng cách đó, nó đã đem sự đối kháng giữa con người và máy móc thay cho những mâu thuẫn xã hội hiện thực.

Chủ đề "sự giải trừ hệ tư tưởng", "cái chết của triết học" cũng được chủ nghĩa hiện sinh chia sẻ, mặc dù nó xuất phát từ lập trường của chủ nghĩa phi lý.

Từ khái niệm về "cái chết của triết học", chủ nghĩa hiện sinh đi tới lý giải bản thể học về ý thức và về sự hiện hữu của con người. Đó là "cái tôi chủ thể", là "ý thức thuần túy", là "trực giác bản thể". Biến thể phi lý này phản ứng lại triết học, phản ứng lại "chủ nghĩa bản chất khái niệm”. M.Haiđécghe (M.Heidegger) cho rằng, về cơ bản, triết học Hy Lạp xa lạ với hiện đại. Chủ nghĩa Platôn (Platon) là siêu hình học vừa mở đầu cho sự vận động của triết học, vừa là sự tận cùng của đời sống tinh thần của loài người.

Vẫn theo Haiđécghe, từ cổ đại, triết học đã thực hiện một đường cong đi xuống. Sự tiến bộ không ngừng của khoa học, kỹ thuật đã làm xuất hiện ở loài người điều kiện sống hoàn toàn mới, ở đó không còn chỗ cho sự chiêm ngưỡng triết học về bản thể. Haiđécghe cho rằng, có hai khả năng nghiên cứu: khoa học của hiện sinh, và khoa học của bản thể tức khoa học bản thể, hay triết học. Chân lý ẩn náu ở những vực thẳm nên không một công cụ thăm dò nào, không một chứng minh thực nghiệm nào đạt tới được. Cái mà người ta gọi là"tính chặt chẽ của khoa học" theo Haiđécghe, hoàn toàn chỉ là hình thức và thao tác.

Về cái hư vô cũng vậy, Haiđécghe cho rằng, khoa học đã gạt bỏ nó và coi nó như vô nghĩa. Nhưng theo ông, cái hư vô gần với cái bản thể. Do từ chối cái hư vô, khoa học đã làm cho sự xa cách giữa nó và bản thể của hiện sinh trở nên trầm trọng. Xét về mặt đó, sự cáo chung của triết học là lãng quên sự quyết định của hiện thực con người: nó đã đem một tai họa tiềm tàng chống lại sự tồn tại của bản thân loài người. Nhà triết học Đức đã miêu tả sự tương phản, sự đối lập giữa những hệ tư tưởng do nền văn minh no say tạo nên như sau: "mặt này là sự nghi ngờ và sự thất vọng chạm trán với mặt khác là, sự điên rồ gắn bó mù quáng với những nguyên tắc không được chứng minh. Sự sợ hãi và sự lo âu hoà với hy vọng và niềm tin chắc chắn”.

Những nhà triết học thuộc trưòng phái Phranphuôc (Frankfurt) chịu nhiều ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh, cũng từ lập trường của chủ nghĩa phi lý nói về “cái chết của triết học” và về “sự giải trừ hệ tư tưởng”.

E.Phrôm (E.Fromm) cho rằng, trong những thập kỷ qua, con người đã biến thành cái máy không tư duy, không tình cảm; vấn đề của thế kỷ XIX là Chúa đã chết, còn vấn đề của thế kỷ XX, là con người đã chết. Ở thế kỷ XIX, chủ nghĩa phản nhân đạo là sự tàn bạo, còn ở thế kỷ XX là sự tự tha hóa của con người. Trong quá khứ, hiểm họa đến với con người ở chỗ con người trở thành nô lệ, trong tương lai con người có nguy cơ trở thành người máy.

E.Mácquygiơ (E.Marcuse) cho rằng, tiến bộ khoa học, kỹ thuật đã thực hiện sự cải tạo duy lý khoa học. Sự hoàn thiện duy lý ấy không có gì chung với sự nhân đạo hóa con người và những điều kiện sống của nó. Mọi lý trí mà người ta phải phục tùng để cải tạo hiện thực xã hội chỉ là một công cụ kỹ thuật quan liêu. Xã hội xây dựng trên nguyên tắc của nó chỉ là một xã hội bị thao tác, ở đó con người bị mất cá tính, bị tha hóa đến mức cuộc sống của họ trở nên ngày một bấp bênh.

Như vậy, đối với trường phái Phranphuốc, tư duy triết học về sự cải tạo duy lý thế giới chỉ là một ảo tưởng. Vì vậy, để có thể tiếp tục sống ở giữa một thế giới bị tha hóa hoàn toàn, chủ nghĩa nhân đạo phải chống triết học, chống không tưởng. Triết học không còn đối tượng, vì lý trí đã trở thành hiện thực. Vì đã trở thành hiện thực, phạm trù cơ bản của triết học tức lý trí sẽ làm cho triết học chấm dứt một cách tất yếu bằng sự tự phủ định.

Trước sự duy lý do những hạn chế của lịch sử và do những đối kháng của sự quản lý của xã hội công nghiệp ở phương Tây, những người thuộc trường phái Phranphuốc cho rằng, mọi mưu đồ nhằm tổ chức lại xã hội một cách duy lý đều chỉ có tính chất chức năng, kỹ thuật, quan liêu và do đó hoàn toàn không thay đổi gì nền móng của tòa nhà xã hội. Vì vậy, bảo vệ triết học, đào xới lên những vấn đề hòng tìm kiếm cứ liệu cho sự vận động để giải phóng con người không những là một việc làm tương ứng với việc vun đắp cái không tưởng, gieo rắc sự sai lầm mà còn làm trầm trọng thêm cái ác xã hội. Lôgíc của Mácquygiơ là phải vứt bỏ triết học bởi vì nó chỉ là một đa tạp sảo trá nhất của cái ác xã hội, cho nên cần phải chống lại nó.

Dưới con mắt của các nhà triết học Phranphuốc, sản xuất tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa về bản chất đều đi theo con đường tư bản chủ nghĩa để cuối cùng trở thành chủ nghĩa siêu tư bản. Tất cả chỉ là "xã hội công nghiệp hiện đại", là "nền văn minh kỹ thuật". Từ đây, một kết luận bi quan và phi lý là: bất cứ cải tạo xã hội nào cũng không tránh khỏi viễn cảnh về một tai biến”.

Chủ nghĩa phi lý với trào lưu triết học từ chủ nghĩa hiện sinh đến trường phái Phranphuốc đều thể hiện không che đậy sự quy định thực chứng chủ nghĩa đế cùng đi tới khẳng định "cái chết của triết học", "sự giải trừ hệ tư tưởng" dưới hai bộ mặt: chủ nghĩa lạc quan về chủ nghĩa bi quan, cả hai chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa phi lý đều là trụ cột chống đỡ cho xã hội công nghiệp phương Tây trong cơn sóng bập bềnh của cuộc khủng hoảng. Xã hội phương Tây lại gặp cơ may khi bắt gặp được sự song hành lý tưởng giữa chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa phi lý ở chủ nghĩa Tômát mới. Trong nửa đầu của thê kỷ chúng ta, giáo hội Công giáo đã tìm lại được từ thời trung cổ, học thuyết của Tômát Đacanh (Thomas d’ Aquin). Và, từ trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của nhà thần học, người ta có thể, như Giáo hoàng Lêông XIII chủ trương, lấy cái mới làm giàu cho cái cũ tạo thành một sản phẩm mới là chủ nghĩa Tômát mới. Trước yêu cầu đó của Giáo hội, đương nhiên phái bảo thủ đành phải rời bỏ "chủ nghĩa Tômát nghiêm túc".

Cái cũ là thần học, là tín ngưỡng, là đức tin. Cái mới là khoa học, là lý trí. Người ta đã ra sức "làm giàu”, làm "hài hòa" giữa tín ngưỡng và lý trí để tạo ra một "thần học duy lý”.

Trước hết, người ta tuyên bố theo đuổi chủ nghĩa duy lý, nhân danh chủ nghĩa duy khoa học chống lại chủ nghĩa tín ngưỡng được hiểu theo nghĩa: đối tượng của tôn giáo là đức tin thuần túy, tinh thần không bao giờ đưa lại cho đức tin sự duy lý nào cả. Cũng vì đặt dưới cái nhãn chủ nghĩa duy khoa học, cho nên chủ nghĩa Tômát mới cũng thông biện bạch một cách lộ liễu cho cơ cấu xã hội tư bản chủ nghĩa như các triết học tôn giáo khác, nhưng nó cũng đủ để "canh gác" cho sự ổn định của xã hội kỹ trị phương Tây.

Trên diễn đàn triết học ở phương Tây không chỉ có chủ nghĩa Tômát mới, chủ nghĩa thực chứng mới, chủ nghĩa hiện sinh mà còn có chủ nghĩa nhân cách, chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa thực dụng và nhiều triết học khác. Nhưng ba trào lưu triết học trên đã tạo thành "cỗ xe tam mã" kéo hệ tư tưởng của phương Tây bước vào một giai đoạn phát triển chưa từng biết tới trong lịch sử.

HocTot.Nam.Name.Vn

close