Bài văn kể về một câu chuyện mà em thấy cảm phục

Đầu học kì II năm ngoái có một học sinh mới chuyển về lớp tôi. Đó là Nguyễn Thu Trang. Nhìn nước da đen đen, người lùn lùn, áo quần không có gì tươm tất, tôi đã cảm thấy không thấy ưa Trang rồi.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

Mở bài: Giới thiệu chuyện định kể

Thân bài: 

- Giới thiệu nhân vật và câu chuyện định kể

- Kể diễn biến trình tự diễn ra câu chuyện

- Câu chuyện đã khiến em suy nghĩ thế nào

Kết bài: Cảm nghĩ và bài học em nhận được từ câu chuyện trên

Bài siêu ngắn

Câu chuyện mà em cảm thấy vô cùng cảm phục là chuyện về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký.

Nguyễn Ngọc Ký bị liệt hai cánh tay từ nhỏ. Thấy các bạn cắp sách đến trường, Ký thèm lắm. Ký quyết định đến lớp xin cô giáo vào học. Cô giáo cầm tay Ký thấy hai cánh tay mềm nhũn, buông thõng, bất động cô không dám nhận em vào học. Ký thất vọng trở về vừa đi vừa khóc.

Mấy hôm sau, cô giáo đến nhà Ký. Bất chợt cô thấy Ký ngồi ở giữa sân hí hoáy dùng chân tập viết. Cô rất cảm động cho em mấy viên phấn. Một thời gian sau, Ký lại đến lớp. Lần này, cô giáo nhận em vào học. Cô dọn cho Ký một chỗ riêng ở góc lớp, trải chiếu cho Ký ngồi tập viết ở đó. Ký cặp cây bút vào chân luyện viết. Lúc đầu cây bút không theo ý Ký, Bàn chân dẫm lên trang giấy nhàu nát, mực giây bê bết. Mấy ngon chân mỏi chuột rút, bàn chân co quắt lại, đau điếng. Kí quẳng bút chì vào góc lớp, chán nản. Nhưng nhờ cô giáo và các bạn động viên Ký lại lao vào tập luyện một cách kiên nhẫn và bền bỉ.

Sau một thời gian Ký đã thành công. Hết lớp Một Ký đuổi kịp các bạn. Chữ của Ký mỗi ngày đẹp hơn. Bao năm khổ luyện Ký đã tốt nghiệp phổ thông và thi đậu vào trường Đại học Tổng hợp.

Nguyễn Ngọc Ký là tấm gương sáng về ý chí vượt khó. Ngay Bác Hồ còn sống, đã hai lần Bác gửi tặng huy hiệu của Người cho cậu học trò dũng cảm giàu nghị lực ấy.

Các bài mẫu

Bài tham khảo 1:

Đầu học kì II năm ngoái có một học sinh mới chuyển về lớp tôi. Đó là Nguyễn Thu Trang. Nhìn nước da đen đen, người lùn lùn, áo quần không có gì tươm tất, tôi đã cảm thấy không thấy ưa Trang rồi.

Ông trời thật bất công - tôi nghĩ thế khi cô giáo xếp Trang ngồi cạnh tôi. Mấy ngày sau, tôi đến lớp muộn vì mải xem một vụ tai nạn giao thông trên đường đi học. Oái oăm thay cũng vì cái vụ đi muộn ấy mà cô giáo cách chức tổ trưởng của tôi, và chính Trang lại được cô phân công giữ chức tổ trưởng thay thế tôi. Điều đó càng làm tôi thấy ghét Trang hơn. Đã thế, trong giờ học, ngồi buồn, tôi mới nói chuyện một chút mà nó đã lên mặt dạy đời" nhắc nhở tôi:

- Ấy chú ý nghe giảng đi, đừng nói chuyện nữa mà không hiểu bài đâu. Không hiểu bài chỗ nào ấy cứ bảo tớ sẽ giúp.

Từ đó, tôi không bao giờ nói chuyện và nhìn mặt nó nữa. Khi nghe tôi kể, đứa nào cũng đồng tình với tôi và bọn con gái chúng tôi quyết định "tẩy chay !" Trang.

Một hôm, trời mưa, khi mẹ đi làm về, tôi liền rót mời mẹ cốc nước ấm để nịnh mẹ cho tiền đến tối mua quà tặng sinh nhật cái Lan. Mẹ quay ra lấy tiền thì hốt hoảng kêu lên: "Trời ơi Cái ví của tôi đâu rồi ! Con ơi, toàn bộ tiền lương tháng này mẹ vừa lĩnh xong, thế là mất hết". Mẹ vội vàng lấy xe đi tìm dọc con đường vừa đi nhưng không thấy ví đâu. Không còn cách nào khác, mẹ tôi liền đi báo công an. May sao, đã có người nhặt được ví của mẹ tôi và nộp lại cho các chú công an đầy đủ không thiếu một xu. Theo lời các chú ấy thì người nhặt được ví là một cô bé đi bán vé số. Tôi thầm nghĩ: Con bé đó tốt thật đấy, đi bán vé số mà nhặt được ví tiền còn đem trả lại thì quá tốt còn gì.
Tối hôm đó, theo địa chỉ mà các chú công an cho biết, tôi cùng mẹ đi đến nhà đứa bé để cảm ơn. Vòng vèo mãi, đến một con hẻm nhỏ, mẹ và tôi đứng trước một ngôi nhà lụp xụp. Soi lại đúng số nhà, mẹ mạnh dạn gõ cửa. Thật bất ngờ ! Người ra mở cửa chính là Trang, đứa bạn gái ngồi cạnh mà tôi luôn ghét bỏ. Bước vào nhà, tôi sững sờ vì thấy trong nhà quá đơn sơ. Ngoài hai chiếc giường chỉ có một chiếc tủ, một bộ bàn ghế cũ kĩ và một góc bếp con. Trên giường là một đứa bé chừng hơn một tuổi đang nằm ngủ. Còn trên chiếc bàn con là một mâm cơm với một đĩa rau muống luộc, một đĩa trứng tráng, một bát nước chấm và mấy chiếc bát, đôi đũa đã sắp sẵn. Tôi đoán nhà Trang mới chuẩn bị ăn cơm tối.

Mẹ tôi bỗng bật khóc khi nghe bà Trang kể. Thì ra bố Trang đã mất vì tai nạn giao thông, để mẹ Trang ở lại với bà nội và hai chị em Trang. Vì mới sinh em bé lại gặp phải hoàn cảnh éo le nên mẹ Trang ngã bệnh trầm trọng phải đi nằm viện luôn. Ở nhà, bà nội Trang tuy già nhưng vẫn phải đi bán hàng ăn vào buổi sáng và bán ốc luộc vào buổi chiều. Còn Trang lúc không phải đến lớp học là tranh thủ đi bán vé số phụ giúp bà, giúp mẹ nuôi em.

Từ sau buổi đến nhà Trang, tôi tự cảm thấy mình thật có lỗi với bố mẹ vì bố mẹ đã tạo điều kiện để cho tôi ăn học, thế mà tôi lại học chẳng ra gì. Còn với Trang, tôi thấy thật xấu hổ vì bạn vừa đi làm vừa đi học mà vẫn học giỏi. Tôi tự trách mình không biết và thông cảm với hoàn cảnh của Trang mà lại còn luôn ghen tị với bạn.

Đem chuyện của Trang kể cho các bạn ở lớp nghe, từ đó lũ con gái chúng tôi không những không ghét Trang mà còn luôn luôn tìm cách giúp đỡ bạn mỗi khi có thể. Năm nay lên lớp 5, cô giáo chủ nhiệm cho bầu lớp trưởng, tất cả chúng tôi đều nhất trí bầu Nguyễn Thu Trang.

Bài tham khảo 2:

Trận bão số 6 tràn qua như một cơn ác mộng đối với bà con xã Ngọc Hải. Đê ngăn biển bị đánh sạt nhiều đoạn, đồng lúa chín ngập đầy nước, hơn hai chục ngôi nhà dân bị tốc mái, đổ sập, nhà hộ sinh và trường học bị hư hỏng nặng.

Tỉnh, huyện đã mang hàng cứu trợ về giúp dân. Hàng ngàn đoàn viên thanh niên các xã lân cận đem theo liềm hái kéo về giúp bà con gặt lúa, cứu lấy cái ăn. Cứu lúa như cứu hỏa. Gặt đêm và gặt ngày. Chỉ sau hai ngày một đêm, cánh đồng lúa chín hơn 200 mẫu đã được gặt xong. Hình ảnh các cô gái, chàng trai bơi trong nước để gặt lúa trông thật cảm động. Sức dân thật là vô địch.

Bộ đội Biên phòng đồn 105 đã kéo quân về. Các anh đi trong mưa bão để sơ tán các cụ, em nhỏ đến đình Vệ an toàn. Các sĩ quan, các chiến sĩ quân y có mặt những nơi khó khăn nhất. Chị Hòa đẻ con trong đêm mưa bão. Đứa con của chị sắp chào đời thì nhà hộ sinh xã bị tốc mái. Thiếu tá Dũng đồn trưởng, cô Mỹ bác sĩ quân y và hai nữ hộ sinh đã cáng chị Hòa đi trong mưa đêm. Chị Hòa đẻ trong mưa bão mà may quá, mẹ tròn con vuông. Chị xin đặt tên con là Mỹ để nhớ ơn cô bác sĩ đã hết lòng cứu hai mẹ con chị qua cơn nguy kịch.

Trường Tiểu học bị tốc mái, đổ tường, sổ sách nhà trường, sách thư viện, bàn ghế các lớp học bị bão tàn phá tan hoang. Nhiều em nhỏ nhìn ngôi trường thân yêu của mình mà khóc. Các thầy cô giáo đứng lặng nhìn ngôi trường đổ nát. Các cán bộ về hưu, hội viên hội Cứu chiến binh, trai tráng trong xã đã kéo đến hỗ trợ các thầy, cô giáo. Bộ đội Biên phòng chở tôn tráng kẽm đến lợp lại các lớp học. Sau bốn ngày bị mưa bão, ngôi trường đã được sửa sang lại, học sinh được đi học lại, bà con ai cũng vui mừng.

Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã quần xắn cao, lội trong mưa bão, có mặt những nơi khó khăn nhất để huy động thanh niên, dân quân toàn xã chặt tre đóng cọc hàn đê. Mặt mũi người nào cũng hốc hác, nhưng tiếng nói vẫn oang oang.

Mùa xuân này, Ngọc Hải đã hồi sinh. Đê ngăn mặn, bãi sú, bãi vẹt phòng hộ đã hoàn thành. Trường học kiên cố hai tầng đã xây xong... Qua cơn hoạn nạn, tình quân dân càng bền chặt. Cháu Mỹ con chị Hòa đã biết đi rồi đó. Có điều là cái rốn của nó hơi lồi to như hạt ngô nếp.

Bài tham khảo 3:

Ở làng trẻ em Béc-la Hà Nội, chẳng ai là không biết tới Nguyễn Bá Lý bởi em có thành tích học tập thật đáng nể. Như bao đứa trẻ khi được nuôi dạy ở Làng, Nguyễn Bá Lý xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn cũng có một hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Không thể chịu được những trận đòn liên tiếp của một ông chồng nát rượu, mẹ Lý bỏ nhà ra đi, để lại ba đứa con nhỏ nheo nhóc. Khi đó Lý mới 2 tuổi.

Một thời gian, sau khi chia tay với mẹ, bố Lý cũng lên Thái Nguyên lập gia đình tại đó. Ba đứa trẻ nhỏ sống dựa vào người ông nội gầy gò ốm yếu (bà nội đã mất). Do hoàn cảnh khó khăn nên anh và chị của Lý phải sớm bỏ học để làm ruộng lấy thóc gạo nuôi 4 ông cháu. Rất may niên học 1999- 2000, khi Lý đang học lớp 4 thì em vào Làng trẻ Béc-la Hà Nội.

Những ngày đầu vào học ở Trường Tiểu học Héc-man (Cầu Giấy), tuy lạ trường, lạ bạn nhưng Lý đã sớm chứng tỏ trí thông minh và khả năng học tập của mình. Năm học lớp 5, Lý thi đoạt giải Ba cấp Quận và giải Khuyến khích học sinh giỏi cấp Thành phố cả 2 môn Văn và Toán. Lớp 6, đỗ vào Trường điểm Lê Quý Đôn của quận Cầu Giấy, được chọn vào đội tuyển của Trường và rồi Lý tiếp tục đoạt giải Khuyến khích học sinh giỏi cấp Quận về môn Hóa học.

Được các mẹ trong Làng chăm sóc và yêu thương, Lý luôn luôn cố gắng học giỏi và tới năm lớp 9 vừa rồi, kết quả học tập của Lý đạt rất cao: giải Nhất cấp Quận, giải Ba học sinh giỏi cấp Thành phố môn Vật lí.

Ở trường em cũng được các thầy cô rất quan tâm, nhất là cô giáo Thủy. Cô Thủy nhận phụ đạo cho các bạn học sinh giỏi trong trường, nhưng với Lý không những cô đã dạy miễn phí mà còn quan tâm hơn so với các bạn khác.

Ước mơ của em là được học tập trong một môi trường tốt nên năm học vừa qua, em rất muốn khi chuyển cấp lên Trung học phổ thông sẽ được học ở một trường chuyên nào đó. Rất may, qua buổi đến thăm Làng của một tổ chức phi Chính phủ của Ca-na-đa, biết em có nguyện vọng như thế, họ đã đồng ý cấp kinh phí nếu em thi đỗ. Được các mẹ trong Làng giúp đỡ, Lý làm đơn thi vào hai trường Am-stéc-đam và khối Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Kết quả, Lý thi đỗ cả hai trường nhưng chọn vào Đại học Sư phạm. Là con nhà nghèo nhất khối, Lý không bị các bạn khinh mình nghèo mà còn được các bạn rất yêu thương, quý mến và đặc biệt được cô chủ nhiệm hết sức quan tâm, động viện khiến em càng cố gắng để học tốt hơn.

Bài tham khảo 4:

Là một thương binh nặng được gia đình đón về chăm sóc, anh Quang đã phấn đấu trở thành một kĩ sư nông nghiệp của xã An Bình.

Anh bị thương tại chiến trường biên giới Tây Nam, mất hẳn một chân phải và tay phải; ngực, bụng, lưng còn nhiều mảnh đạn. Năm đó, anh mới 18 tuổi, đang học dở lớp 10 cấp Ba phổ thông.

        Anh nói: "Có thời kì nằm ở trại thương binh, mấy lần anh định tự tử vì thấy buồn và thất vọng quá.'". Nhưng rồi, các bạn thương binh cùng cảnh ngộ, một số bác sĩ ân cần chăm sóc, an ủi động viên, cuối cùng anh đã tìm ra ánh sáng cuộc đời mình. "Tàn mà không phế", anh nhớ nhất lời dạy của Bác Hồ.

Trở về quê, anh vẫn buồn, nhất là những khi bạn bè cũ đi công tác xa trở về thăm gia đình, đến thăm anh. Nhiều đêm cứ thao thức trằn trọc mãi. Thầy giáo cũ năm học lớp 10 đã đến thăm anh. Rồi được lắp thêm chân giả. Anh chủ động đi lại dễ dàng hơn. Thầy giáo cũ đã giúp anh ôn tập, anh đã thi đỗ bằng Trung học Bổ túc văn hóa.

Đọc báo, Quang biết trường Đại học Tại chức tỉnh đang chiêu sinh lớp đào tạo kĩ sư Nông nghiệp. Anh viết thư cho Ban Giám hiệu nhà trường nói rõ hoàn cảnh và nguyện vọng tha thiết của một thương binh. Chỉ 5 ngày sau, một cán bộ của trường đã đến tận gia đình giúp Quang hoàn chỉnh hồ sơ. Và anh đã xin theo học khoa Chăn nuôi.

Với chiếc túi vải khoác vai đựng sách vở, tài liệu, có mũ tai bèo Giải phóng quân, dù mưa hay nắng, Quang cũng lặn lội đến trường học tập. Anh vẫn tham gia đầy đủ các đợt thực tập. Có những ngày tháng mùa đông rét buốt, những vết thương cũ đau nhức nhối ê ẩm, nhưng quyển sách, cây bút không rời tay. Đúng là "Không có việc gì khó - Chỉ sợ lòng không bền", sau 6 năm học tập, Quang đã tốt nghiệp loại Khá, trở thành kĩ sư chăn nuôi duy nhất của xã nhà.

Xã An Bình phát triển nghề chăn nuôi đứng đầu huyện. Nhiều trại chăn nuôi lợn quy mô trăm con, nhiều hộ nuôi gà đến mấy trăm con. Mọi việc như chọn giống, kĩ thuật, chăn nuôi, phòng dịch... chỉ một mình anh lo toan tất cả. Danh tiếng "Anh kĩ sư chân gỗ" nức tiếng gần xa. Anh được bầu là Chiến sĩ thi đua toàn tỉnh. Gương sáng học tập và vươn lên sống đẹp của anh Quang thương binh được nhiều người nhắc đến với bao cảm phục, tự hào.

Bài tham khảo 5:

 Suốt năm năm nay, người dân ở quanh Trường tiểu học Ya Chim 1 (xã Ya Chim, thị xã Kon Tum) rất cảm động trước tình bạn của hai cậu học sinh. Thấy bạn mình có đôi chân què quặt, cậu bé A Byưh đã tình nguyện cõng bạn đến trường hàng ngày. Dù mưa gió hay mùa khô nắng gắt, người ta vản thấy A Trâm tươi cười trên lưng A Byưh đến trường. Nhà A Byưh nghèo khó, bố mẹ lam lũ rẫy nương, nhà của A Trâm cũng chẳng khá gì hơn. Không một ai bắt A Byưh phải làm thế, nhưng vì thương bạn, cậu bé đã làm điều đó một cách tự nguyện và vui vẻ.

“Em muốn mình là đôi chân của bạn”, A Byưh tâm sự.

“Yàng không phạt người tốt đâu!”.        

A Byưh và A Trâm ở cùng làng Klâu Ngoh Zố. Vì thế, từ nhỏ hai cậu đã kết thân với nhau. Nhà A Byưh nghèo, anh em lại đông nên cậu bé phải vất vả từ nhỏ. Còn hoàn cảnh A Trâm cũng chẳng khá hơn. Khi vừa sinh ra, chẳng hiểu vì sao đôi chân của em cứ teo tóp rồi không thể đi được, chỉ lết quanh quẩn trong nhà. Thấy con bị tật nguyền, ba của em trốn biệt, chỉ còn lại hai mẹ con trong căn nhà sàn trống trơ. Hằng ngày, sau giờ xua bò lên rẫy, A Byưh lại đến chơi với A Trâm. Trò chơi của nhũng đứa trẻ vùng quê giữa Tây Nguyên bạt ngàn chỉ là mấy cái lá cây vàng rụng, vài cục đất sét lượm được quanh vùng. Vậy mà tình bạn giữa hai đứa cứ ngày càng thắm thiết.

Đến tuổi đi học, A Byưh vui mừng khi mẹ cho chiếc cặp mới để chuẩn bị đến trường, cậu mang đến nhà A Trâm để hai đứa cùng vui. Nhưng A Trâm không thể nào vui được, cậu lết ra sau căn nhà sàn rồi ngồi bệt giữa đất mà khóc. A Byưh lên tiếng: “Mầy không vui khi tao được đi học hả A Trám? Tại sao mày lại khóc?”. A Trâm sụt sùi trả lời: “Không phải tao không vui vì mầy được đi học, mà tao buồn vì tao không có đôi chân như mày để đi học. Tao buồn lắm A Byưh!”. Thương bạn, A Byưh suy nghĩ nhiều lắm. Rồi bỗng dưng mấy hôm sau A Byưh đến nhà A Trâm với nét mặt hớn hở: “Tao có đôi chân, hai đứa mình dùng chung. Cả hai cùng đi học nhé!”. Nghe bạn nói, cái bụng A Trâm mừng như được quà.

Chị Y Thanh, mẹ A Trâm, nhớ lại: “Thương con lắm nhưng nó tật nguyền, trường lớp lại xa, mình thì suốt ngày lên rẫy. Nhà chỉ có hai mẹ con, ai đưa nó đến trường! Mình nghĩ cái số nó bị Yàng phạt nên có học cũng chẳng làm được gì. Thôi thì mặc cho Yàng vậy”. Nhưng rồi một hôm thây A Byưh đứng chần chừ trước cửa như muốn nói điều gì đó, chị Y Thanh lên tiếng: “A Byưh, mày có chuyện gì muốn nói à?”. Sau một hồi ngập ngừng, A Byưh lên tiếng: “Dì cho thằng A Trâm đi học với con nhé? Con sẽ cõng nó tới trường!”.

Tuy ưng cái bụng nhưng chị Y Thanh vẫn lo lắng: “A Byưh à, cái số thằng A Trâm bị Yàng phạt rồi, mày giúp nó không sợ Yàng hả?”. Chẳng một phút đắn đo, A Byưh trả lời: “Không đâu, Yàng không phạt người tốt đâu! Con sẽ cõng A Trâm tới trường”.

Thấy A Byưh nhất quyết xin cho A Trâm tới trường, cuối cùng chị Y Thanh cũng đồng ý. Ngày khai trường, A Trâm rạng rỡ nụ cười trên lưng A Byưh, chị Y Thanh thấy vui vô cùng! Tuy khuyết tật nhưng A Trâm cũng lớn ngang ngửa với A Byưh. Để đến được trường, nhiều khi đôi bạn nhỏ phải ngồi bệt giữa đường nghỉ lấy hơi.

Thấy dáng A Byưh cõng bạn đi liêu xiêu trên con đường đất đỏ của làng, ai cũng thầm thán phục và lo lắng cho lòng tốt của A Byưh có ngày bị Yàng phạt. Nhưng A Byưh và A Trâm thì không, hai đứa vẫn cười đùa hồn nhiên trong suốt hành trình năm năm đi tìm con chữ.

Anh Tuấn, một người sửa xe đạp ở làng và cũng là nhân chứng của đôi bạn này trên con đường đầy bụi đỏ kể: “A Trâm ngày càng lớn nên nhiều lúc A Byưh cõng cũng thấm mệt. Những lúc như vậy A Trâm cởi quần dài, ngồi lết từng đoạn chờ bạn nghỉ mệt.

Ở quê, trẻ con có được ăn sáng trước khi đến trường đâu, khi tan học cũng đã thấm cơn đói. Vậy mà chưa bao giờ tôi thấy A Byưh bỏ bạn cả, mệt lắm thì nó lấy cái mo cau kéo bạn về. Có những hôm mưa lớn, thấy hai đứa lem luốc bùn đất, thương quá tôi lấy xe chở về. Tôi vẫn thường chỉ vào tụi nó mà dạy con tôi, nhưng nói thật để làm được như A Byưh thì hiếm lắm!”.

Năm nay, cả A Byưh và A Trâm đã bước vào lớp 6, trường lại xa nhà hơn 6 km. Hôm tôi đến chỉ còn gần một tuần nữa là vào năm học mới, A Trâm nói với giọng buồn buồn: “Trường xa quá, chắc con phải nghỉ học thôi. Đi xa vậy mà bắt bạn cõng thì tội lắm”. Nói rồi cậu bé thút thít khóc. Đúng lúc đó A Byưh từ rẫy chạy về: “A Trâm à, mày có nhà không? Đi chăn bò tao thấy có mấy trái này chín ngon quá, tao mang về cho mày này”. Rồi cả hai cùng chia nhau mớ trái cây trên rừng ăn ngon lành. A Trâm quên cả buồn.

Sau khi ăn xong trái cây, A Byưh nói với bạn: “Mày đừng buồn nữa A Trâm à, dù trường có xa tao cũng cõng mày đi học, vì mày là bạn tốt của tao mà”. Nói rồi A Byưh lôi chiếc xe đạp hư của chị Y Thanh vứt ở góc nhà ra ngắm nghía. A Byưh nói sẽ xin chị Y Thanh tiền để sửa lại chiếc xe đạp, sẽ tập đi xe đạp cho kịp ngày khai trường.

Nhìn chiếc xe gỉ sét tôi chợt chạnh lòng. Nhưng khi nhìn thẳng vào đôi mắt đen nhánh và to tròn của A Byưh, tôi biết cậu bé sẽ làm được. Vì cậu đã hứa: mãi là đôi chân của bạn.

Tham Gia Group Dành Cho 2K14 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close