Bài văn tả một cảnh đẹp mà em thíchTrên đường lên Sa Pa, xe qua nhiều nơi có phong cảnh đẹp. Qua cửa xe, em say sưa ngắm nhìn những tràn ruộng bậc thang trên sườn núi và những ngôi nhà nhỏ xinh xắn của đồng bào dân tộc.
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Dàn ý Mở bài: Giới thiệu cảnh đẹp mà em định tả - Đó là cảnh gì? - Cảnh đó ở đâu? Thân bài: a. Tả bao quát: Nêu đặc điểm nổi bật của cảnh b. Tả chi tiết: - Cảnh bao gồm địa hình gì? - Nhìn xa cảnh như thế nào? - Khi đến gần cảnh thế nào? - Cảnh vật nơi đó như thế nào? - Con người sinh hoạt thế nào? Kết bài: Cảm nghĩ của em về cảnh đẹp đó Bài siêu ngắn Bài tham khảo 1: Đà Lạt nằm cách thành phố Hồ Chí Minh về phía Bắc 300km. Thành phố nghỉ mát này được thành lập vào khoảng những năm 1915-1920. Nơi đây khí hậu mát mẻ, trong lành nên thực dân Pháp đã kéo tới xây dựng nhiều biệt thự theo kiểu miền núi ở châu Âu. Sau ngày giải phóng miền Nam, ta đã xây dựng mở rộng thành phố Đà Lạt để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi của du khách trong và ngoài nước. Thành phố Đà Lạt nằm ở độ cao 1500m xây dựng trên một vùng đồi thoải. Trung tâm thành phố có hồ Xuân Hương rất thơ mộng. Từ trung tâm thành phố có nhiều đường ô tô chạy men theo các sườn đồi và đi về nhiều ngả, có thể đi tới nhiều thắng cảnh trong vùng như hồ Than Thở, thác Prenn, thác Cam Li và trèo lên đỉnh núi Lang-bi-ang cao 2100m và các đĩnh núi khác quanh vùng. Đà Lạt có nhiều loại rau, quả. Rau thuộc loại rau xứ lạnh như xà lách, bắp cải, củ cải trắng, củ cải đỏ, tỏi tây, hành tây... Quả thì có dâu tây, quả to, mọng nước, xơ-ri chín đỏ, ăn rất ngon, mơ, mận, cam chanh... rất nhiều. Đà Lạt là thành phố hoa. Hoa Đà Lạt nở quanh năm và có nhiều loại hoa khác nhau như hồng, cúc, thược dược, mẫu đơn, lay-ơn, cẩm nhung, anh đào, đỗ quyên... Hoa Đà Lạt đẹp và quý hiếm. Hiện nay nhân dân Đà Lạt đang phát triển nghề xuất khẩu giống hoa quý ra các nước. Phét-ti-van hoa Đà Lạt hằng năm gần đây đã được du khách các nơi kéo về dự rất đông vui. Bài tham khảo 2: Cách chúng ta ngày nay hôm 2.000 năm về trước, An Dương Vương đã xây thành cổ Loa (thành Ốc) - kinh đô nước Âu Lạc. Di tích thành cổ Loa và đền thờ An Dương Vương hiện còn ở xã cổ Loa, huyện Đông Anh, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng mười tám cây số. Hành hương về cố đô Âu Lạc, chúng ta bồi hồi nhớ lại chuyện Thần Kim Quy giúp An Dương Vương xây thành Ốc và chế Nỏ Thần, chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy,... Du khách sẽ đến thăm đền tướng công Cao Lỗ, người có công rất lớn trong lịch sử triều đại An Dương Vương. Trước đền có một hồ nhỏ được xây bờ kè bằng gạch, giữa hồ có tượng tướng quân đang giương nỏ thần về phía xa. Cách đền thờ Cao Lỗ độ 300m là khu đền Thượng thờ An Dương Vương. Ở đây có một hồ nước trong khá rộng được xây bờ kè, và giữa hồ có giếng tròn xây bằng gạch. Đinh Ngự Triều Di Quy và am Mỵ Châu nằm sát nhau trên cùng một khu đất cách đền Cao Lỗ khoảng 100m. Giếng Ngọc, am Mỵ Châu mang tính thần bí linh thiêng gợi lên bao bồi hồi, thương cảm, xót xa... Nỏ Thần xưa, chăn lông ngỗng và tiếng thét của thần Kim Quy... như đưa hồn du khách nhớ về truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy. Giếng Ngọc còn đây, bài học lịch sử của cha ông còn đây. Bước chân của khách hành hương dùng dằng cứ vương vấn mãi... Các bài mẫu Bài tham khảo 1: Hè vừa qua, em được bố thưởng cho đi thăm Sa Pa. Sa Pa là thị trấn nghỉ mát cao nhất ở miền Bắc nước ta và nằm ở giữa sườn núi Hoàng Liên Sơn - nơi có đỉnh Phan-xi-pan cao nhất Việt Nam và Đông Dương. Từ Hà Nội bố và em đi xe lửa lên thị xã Lào Cai và từ Lào Cai đi tiếp 38km bằng ô tô lên Sa Pa. Trên đường lên Sa Pa, xe qua nhiều nơi có phong cảnh đẹp. Qua cửa xe, em say sưa ngắm nhìn những tràn ruộng bậc thang trên sườn núi và những ngôi nhà nhỏ xinh xắn của đồng bào dân tộc. Sau hai giờ ngồi xe, đoàn chúng em tới thị trấn Sa Pa. Đường phố Sa Pa nhà gạch san sát, khách sạn Sa Pa nằm cạnh chợ. Trên đồi thấy rải rác dấu vết di tích của những biệt thự xưa kia rất xinh xắn, xây dựng từ sau năm 1922 trở đi và đã bị tàn phá trong chiến tranh. Thay vào đó là những biệt thự, khách sạn mới được xây dựng từ sau ngày hoà bình chờ đón du khách khắp nơi đến thăm. Tới Sa Pa, em được đi thăm thác Bạc, nước ở trên cao đổ xuống theo sườn núi tựa như một dải lụa trắng. Bố và em đi đúng vào mùa mưa. Sau một trận mưa lớn, trên đường từ Sa Pa tới đèo Ô Quy Hồ, em được chiêm ngưỡng vô số những thác bạc chảy nhất thời, đổ nước từ trên sườn núi cao xuông thấp. Đi qua một chút nữa là cầu Mây, một chiếc cầu treo bắc qua thũng lũng sông, cầu bắc chênh vênh, đi qua thấy đu đưa bồng bềnh khiến em không quen thấy sợ Thị trấn Sa Pa vui nhất vào ngày phiên chợ cuối tuần. Chợ họp ngay giữa phố. Chợ bán nhiều sản vật địa phương, như rau, quả, măng, nấm tươi, mộc nhĩ, các vị thuốc... Sa Pa là một thị trấn nghỉ mát lí tưởng. Khí hậu mùa hạ mát mẻ, ngay giữa mùa mà cũng không thấy nóng bức. Còn tối đến lại rét. Lên nghỉ mát ở Sa Pa, bố cho em đi chơi suốt ngày vẫn không thấy mệt. Em rất yêu quý thị trấn tươi đẹp này và hi vọng có thể quay lại đây vào một ngày gần nhất. Bài tham khảo 2: Mời bạn đến chơi hồ thủy điện Thác Bà. Chắc bạn đã tới thăm Hồ Tây ? Bạn có còn nhớ huyền thoại về hồ Xác Cáo, về huyền tích Trâu Vàng ? Bạn đã đến thăm hồ Ba Bể lần nào chưa, nhưng chắc bạn còn nhớ câu hát của bà, lời ru của mẹ: "Bắc Cạn có suối đãi vàng, Có Hồ Ba Bể, cố nàng áo xanh". (Ca dao) Lần này, Mình mời bạn đến tham quan hồ thủy điện Thác Bà của quê hương mình nhé. Nước ta hiện nay có hàng chục nhà máy thủy điện, tương lai sẽ có đến hàng trăm. Nhà máy thủy điện Thác Bà tuy công suất còn khiêm tốn, nhưng nó là đứa con cả của thủy điện Việt Nam đấy các bạn ạ ! Hồ Tây chỉ rộng có 535 mẫu tây thì hồ thủy điện Thác Bà rộng tới hàng hai vạn bốn nghìn héc-ta, chứa trong lòng nó 1301 hòn đảo đấy nhé. Khi trời nổi gió, những lớp sóng cồn cao tới hai, ba mét. Đáy hồ ngày nay là một khúc của con sông Chảy ngày xưa đấy. Năm 1973, lần đầu tiên nhà thơ Quang Dũng khi đến thăm Thác Bà đã ngưỡng mộ ngợi ca là "Đại hồ trên cao nguyên". Thăm thủy điện Thác Bà, thú nhất là ngồi ca nô du lịch, đến chơi nhà nổi của đội cá Mông Sơn. Xung quanh nhà nổi là mấy chục con thuyền, Ca nô và bè cá. Trong nắng chiều, những cheo lưới, vàng lưới phơi trên những con sào dài, bay nhấp nhánh trong nắng lụa. Ngư phủ là những chàng trai tuổi ngoài hai mươi, bắp tay bắp chân cuồn cuộn, ngực nở vòng cung như đô vật. có thể bơi hàng giờ từ đảo này qua đảo khác, vượt qua vài cây số như chơi. Bình minh đi chơi hồ, du khách có cảm giác chiếc ca nô như được lưới trên một mặt nước thủy ngân để lại phía sau một luồng sóng vàng cuồn cuộn. Gió mát rượi như muốn nâng hồn người bay lên. Tháng 7 tháng 8, hồ Thác Bà thường có nhiều gió xoáy và những cơn dông bất chợt. Sóng lượn qua những đảo, cuồn cuộn dâng lên ào ào có thể lật úp những ca nô, những thuyền đánh cá trong chớp mắt. Độ nửa giờ sau mưa tạnh, mặt hồ lại êm ả xanh lơ. Những núi đảo gần xa như hàng trăm chiếc nấm khổng lồ màu nâu thẫm hiện ra giữa mênh mông trời nước. Mùa thu thì ở hồ nào cũng đẹp. Hồ Thác Bà đêm thu rất đẹp. Trăng sáng vằng vặc, muôn ngàn vì sao nhấp nhánh. Trời trong xanh, nước trong xanh, bao la mênh mông. Du khách như cảm thấy mình đang bồng bềnh trôi giữa cõi thiên hà bát ngát. Nước hồ Thác Bà làm cho làn da dịu lại, mỡ màng hơn. Chén trà như ủ thêm hương ngan ngát. Sóng vỗ lao xao, rì rầm vỗ vào vách đảo, vách núi. Cái âm thanh ấy hòa cùng tiếng mõ rừng chiều, tiếng xe trâu... trên đoạn đường Lục Yên Châu nào vọng tới, vừa quen vừa lạ. Những ngày mưa lũ, cây cối, củi cành cuồn cuộn trôi về. Mặt hồ dâng cao ba bốn mét. Nước hồ đã ngả sang màu đục vì thác, suối đang bào mòn đất đỏ, đất vàng đổ vào hồ. Những đàn cá đang về theo củi, cành, lá rừng và bọt nước. Săn cá lũ là hoạt động hào hứng nhất của anh chị em đội cá Mông Sơn. Dậy từ lúc gà gáy. Dầm mưa suốt cả ngày. Cá từng đàn, từng đàn như nước mã hồi về phía hạ nguồn. Những đàn chiên, măng nheo, anh vũ, mè, trôi, trắm, chép đang từng đàn cuộn sóng lên mà xuôi. Bầy cá chiên, có cái đầu to như quả dừa, thịt vàng tựa lòng đỏ trứng gà, thơm ngon, rắn chắc mà đậm, bùi. Những con cá quất có hai cái râu như hai chiếc ăng-ten, có con to một hai yến, hai cái ngạnh màu vàng nhọn hoắt chĩa về phía trước, trông như một tên thủy tặc ! Những con cá trắm cỏ, cá mè hoa, có con nặng đến hàng yến... là nguồn lợi lớn về thủy sản bấy lâu nay trên "đại hồ cao nguyên''. Trên một số đảo đã có những vườn cây ăn quả. Bưởi Đoan Hùng, hồng Hạc, cam Bố Hạ, hồng xiêm,... đã bói quả. Những đàn vịt bầu hàng nghìn con. Mùa xuân đã đến rồi. Điện Thác Bà đã hòa vào mạng lưới điện quốc gia, tuy còn khiêm tốn nhưng rất đáng tự hào. Mời bạn đến chơi Yên Bái quê mình. Mình sẽ dẫn bạn đi chơi hồ thủy điện Thác Bà và hái trám trên đảo. Vui lắm nhé ! Bài tham khảo 3: Mùa hè ở Hạ Long là mùa gió nồm nam. Ngọn gió vô tận thổi từ đại dương, vượt qua lớp lớp đảo núi, mang vào đất liền cái mát lành của biển cả. Những sớm hè, khi các vì sao còn thắp sáng đỉnh núi Bài Thơ, dọc bờ Bãi Cháy, trên kè đá, du khách đã ngồi đón gió và ngắm mặt trời mọc. Khi tiếng gà rừng trên đảo đều cất lên te te lần chót, khi tiếng đôi chim từ quy lảnh lót đối đáp trên vòm thông cạnh những biệt thự du lịch, ấy là lúc từ mặt biển dưới chân các đảo đá xa lắc về phía Cửa Giữa, rực lên một màu hồng ấm áp - bình minh ! Phút chốc, chân trời phía đông xòe rộng những cột sáng vàng hình nan quạt. Rồi mặt trời đột ngột nhô lên tựa một quả cầu lửa. Ánh nắng mặt trời buổi sớm mịn màng như lụa, trải lên mặt vịnh từng khoảnh xen kẽ xanh, tím và sáng ánh như gương. Bóng các đảo đá in xuống mặt nước lung linh những hình thù xanh đen, ngoằn ngoèo kì dị. Buồm trắng, buồm nâu, buồm tím từ nhiều cửa biển, lách rừng đảo, ùa vào bến nhộn nhịp. Trưa hè, hàng cây phượng vĩ uốn theo bờ vịnh, mang tán hoa đỏ rực. Đảo vươn dài trong nắng, với đỉnh nhọn, vách gồ ghề, trần trụi. Phong lan vảy rồng, phi điệp... bám trên sườn núi, nở bung hoa vàng, hoa trắng giống đàn bướm nhiều màu. Chiều hè, khi nắng tắt, mặt vịnh chuyển từ màu xanh lục sang màu huyết dụ, đảo đá từ màu lam ngả dần sang màu tím sẫm. Mùa hè của Hạ Long là mùa của du lịch và bơi lội. Trên đường bộ cũng như trên đường thủy, khách tham quan tấp nập đổ về Hạ Long với niềm háo hức ngắm cảnh, tắm biển và đón gió. Dọc bãi tắm dài hơn hai ki-lô-mét, lộng gió và chan hòa ánh nắng, du khách trong những bộ quần áo tắm nhiều màu sắc bơi đùa náo nhiệt như ngày hội. Mặt vịnh rộng mênh mông nhưng yên tĩnh tựa mặt hồ. Bạn có thể thả sức sải đôi cánh tay khỏe vùng vẫy. Bạn có thể nằm bồng bềnh trên chiếc phao cao su dùng đôi bàn tay làm mái chèo, ra xa bờ hàng ki-lô-mét. Bạn có thể nằm trên bãi cát, dưới hàng phi lao để sưởi nắng và đón gió, áp tai vào bờ nghe vọng âm thanh trầm hùng của biển cả. Giữa mùa hè, khi gió đại dương đột ngột ngừng thổi và cái oi nồng trùm lên bờ bãi, ấy là dấu hiệu báo trước một trận mưa rào sẽ tới, hay cơn bão đã xuất hiện từ nơi này đó trên Thái Bình Dương, ở Hạ Long, mưa rào thường đến vào lúc gần trưa hoặc khi mặt trời vừa nghiêng bóng. Trời đang trong xanh, bỗng từng đám mây đen tụ lại. Gió chướng nổi lên. Rồi nước sầm sầm đổ xuống. Có lúc dông kèm theo mưa đá. Có những cơn dông phát triển dữ dội và mặt vịnh bỗng vọt lên những cột nước cao như vòi rồng. Nhưng trận mưa thường rất ngắn, chỉ trong hai ba mươi phút rồi dứt. Đảo vịnh trở nên trong xanh và quang đãng lạ thường. Bài tham khảo 4: Hùng vĩ của Sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời. Có chỗ vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách.Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia. Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện. Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đấy. Quãng này mà khinh suất tay lái, thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra. Lại như quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La. Trên sông bỗng có những cái hút nước, có những hút nước giống như cái giếng bê-tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu. Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc. Trên mặt cái hút xoáy tít đáy, cũng đang lừ lừ những cánh quạ đàn. Không thuyền nào dám men gần những cái hút nước ấy... Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gầm mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng. Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân giời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào vào đường ngoặt sóng là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền... Bài tham khảo 5: Cứ nói đến Hồ Gươm là em lại nhớ đến những kỉ niệm ngày thơ ấu đẹp đẽ, êm đềm. Hồ Gươm nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội. Mặt hồ trông như chiếc gương soi lớn hình bầu dục. Giữa hồ, Tháp Rùa nổi lên lung linh. Khi mây bay gió thổi, Tháp Rùa như dính vào nền trời bồng bềnh xuôi ngược gió mây. Có lúc hồ trong veo như tấm kính, phản chiếu cảnh trời xanh mây trắng. Trên bờ hồ, dưới những tán lá cây phượng vĩ là những chiếc ghế đá mà sau mỗi buổi chiều đi học về, em cùng các bạn ngồi đó để khoe điểm với nhau. Khi hè về, tiếng ve râm ran hoà lẫn tiếng chim trong các lùm cây tạo thành một bản hoà tấu kéo dài. Buổi sáng, khi ông mặt trời thức dậy chiếu những tia nắng đầu tiên xuống, mặt hồ như được dát vàng. Xa xa, cầu Thê Húc cong cong, màu đỏ son như chiếc lược đồi mồi. Đó là đường vào đền Ngọc Sơn, một di tích lịch sử. Trên cầu, em đã cùng chị thả những hạt cơm cho cá. Mỗi khi gió thổi, mặt hồ lại lăn tăn gợn sóng gợi cho em nhớ cảnh cá đớp mồi. Những chị liễu ở gần đó, rủ mái tóc dài thướt tha xuống mặt đất như đang chải chuốt. Những anh cọ thẳng đứng, cao vút, như muốn vươn tới trời cao. Vào những ngày hội, hồ lung linh, rạo rực giữa muôn ngàn ánh đèn màu. Mọi người vui mừng ca hát, reo hò. Em cùng mẹ đến ngồi trên nhà hàng nổi ở mặt nước. Đó là nhà hàng Thuỷ Tạ. Cách đó không xa, một toà nhà lớn mọc lên, đó là Bưu điện thành phố. Trên nóc nhà, chiếc đồng hồ lớn ngân nga điểm giờ. Lan tỏa đâu đây, mùi hương hoa dìu dịu. Những bông hoa sữa đậu xuống vai áo người đi đường. Thảo nào, cái Hương bạn em cứ chun mũi vào hít lấy hít để như muốn tận hưởng cái giây phút kì thú. Mai đây dù có đi xa, em cũng không thể nào quên được Hồ Gươm với mùi hương hoa sữa quen thuộc, nơi đã gắn bó với em trong suốt quãng đời thơ ấu với bao kỉ niệm đẹp. |