Đề thi kì 2 môn Văn lớp 9 năm 2019 - 2020 Sở GD & ĐT Bến Tre

Tải về

Giải chi tiết đề thi kì 2 môn văn lớp 7 năm 2019 - 2020 Sở GD & ĐT Bến Tre với cách giải nhanh và chú ý quan trọng

Đề bài

Câu 1. (4 điểm)

         Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu a, b, c:

         Ở một làng nọ có những người nông dân chuyên làm nghề trồng bắp. Có một bác nông dân nhờ biết áp dụng khoa học kĩ thuât nên cuối mùa đã thu được những trái bắp tốt. Trong khi đó những người nông dân trong làng, vì không nắm được kĩ thuật nên bắp bị sâu rầy mất mùa, đói kém. Và thế là bác nông dân kia một mình một chợ tha hồ giàu to. Thế nhưng đầu mùa sau người ta lại thấy bác nông dân kia đem những hạt giống tốt tặng những người hàng xóm và lại còn vui vẻ bày cho họ cách chăm sóc ruộng bắp của mình nữa. Ngạc nghiên trước việc làm của bác, một phóng viên đã hỏi bác: “Sao ông lại cho láng giềng những hạt bắp giống tốt nhất của mình như vậy, trong khi họ cũng tham gia cạnh tranh với ông?”. “Ồ!”, người nông dân trả lời, anh không biết rằng những luồng gió thổi những hạt phấn hoa từ những cây bắp này sang những cây bắp khác sao? Nếu láng giềng tôi trồng toàn những cây bắp kém chất lượng thì sự thụ phấn có thể khiến những cây bắp của tôi cũng sản sinh ra những trái bắp kém chất lượng. Do đó nếu muốn có những trái bắp tươi tốt, tôi phải giúp những người hàng xóm tôi có những trái bắp tươi tốt. Lý do chỉ là đơn giản vậy thôi."

(Theo https://thanninhd.pgcdhauthanh.edu.vn)

a. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản?

b. Việc làm và câu trả lời của bác nông dân gợi cho em suy nghĩ gì?

c. Viết đoạn văn bàn luận về bài học được rút ra từ văn bản trên.

Câu 2 (6 điểm)

Phân tích đoạn thơ sau:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.

(Viễn Phương – Viếng lăng Bác, Theo Ngữ Văn 9, tập 2, NXB Giáo dục)

……………..Hết……………..

Lời giải chi tiết

Câu 1

a. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản?

Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học (Tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ)

Cách giải:

- Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên: tự sự.

b. Việc làm và câu trả lời của bác nông dân gợi cho em suy nghĩ gì?

Phương pháp: Đọc kĩ văn bản.

Cách giải:

- Việc làm của bác nông dân gợi cho em suy nghĩ về sự sẻ chia trong cuộc sống.

c. Viết đoạn văn bàn luận về bài học được rút ra từ văn bản trên.

Phương pháp: - Sử dụng các thao tác lập luận phân tích, bình luận để viết đoạn văn.

Cách giải:

- Về kiến thức: Từ hành động của bác nông dân trong truyện, suy nghĩ và trình bày ý kiến về sự sẻ chia trong cuộc sống. Có thể tham khảo một số ý sau:

+ Giới thiệu: về sự sẻ chia trong cuộc sống.

+ Giải thích: sẻ chia là san sẻ những gì mình khó, giúp người khác qua cơn khó khăn.

+ Biểu hiện của sự chia sẻ:

. Về vật chất: chúng ta có thể quyên góp, ủng hộ bằng nhiều cách để giúp đỡ những người gặp hoạn nạn, khó khăn.

. Về tinh thần: chúng ta biết lắng nghe, mở lòng để thấu hiểu họ, thể hiện tình cảm, sự thấu hiếu đối với những người gặp khó khăn

. Về công sức: có thể góp sức xây dựng nên nơi cư trú hay xây dựng trường học cho những nơi khó khăn,…

+ Ý nghĩa:

. Đối với người nhận: những người gặp khó khăn sẽ rất vui, họ cảm thấy được an ủi, được quan tâm và chia sẻ

. Đối với người cho: những người ủng hộ sẽ được an lòng, cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản và sống tốt hơn.

=> Chia sẻ đều mang lại lợi ích cho cả hai bên, giúp cho tinh thần của học trở nên thư thái và được yêu thương hơn.

+ Liên hệ bản thân.

Câu 2.

Phân tích đoạn thơ sau:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.

(Viễn Phương – Viếng lăng Bác, Theo Ngữ Văn 9, tập 2, NXB Giáo dục)

Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận, …) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

Cách giải:

- Yêu cầu hình thức:

+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.

+ Sử dụng các yếu tố tự sự, miêu tả và biểu cảm cho văn bản nghị luận.

+ Văn bản đầy đủ bố cục 3 phần; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

- Yêu cầu nội dung:

1. Mở bài

- Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm

+ Viễn Phương (1928 - 2005) là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng miền Nam thời kì chống Mĩ cứu nước.

+ Bài thơ Viếng lăng Bác (1976) không chỉ là nén hương thơm thành kính dâng lên Bác Hồ kính yêu mà còn là khúc tâm tình sâu nặng của Viễn Phương thay mặt đồng bào miền Nam gửi đến Bác trong những ngày đầu thống nhất.

- Dẫn dắt, giới thiệu khổ thơ đầu: Khổ thơ đã bộc lộ tâm trạng nhà thơ khi nhìn thấy hàng tre bên lăng Bác.

2. Thân bài

a. Khái quát về bài thơ

- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được sáng tác năm 1976 khi Viễn Phương được vinh dự cùng đoàn đại biểu miền Nam ra thủ đô Hà Nội viếng lăng Bác sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất và lăng Bác vừa được hoàn thành.

- Giá trị nội dung: Bài thơ thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sắc của nhà thơ nói riêng và mọi người nói chung khi đến thăm lăng Bác.

b. Phân tích khổ thơ đầu:

Cảm xúc của tác giả trước không gian, cảnh vật bên ngoài lăng

- “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” -> lời tự giới thiệu như lời tâm tình nhẹ nhàng.

+ Cách xưng hô “con - Bác” thân thương, gần gũi, diễn tả tâm trạng xúc động của người con ra thăm cha sau bao nhiêu năm xa cách.

+ “Con” ở đây cũng là cả miền Nam, là tất cả tấm lòng của đồng bào Nam Bộ đang hướng về Bác, hướng về vị cha già kính yêu của dân tộc với một niềm xúc động lớn lao.

+ Nhà thơ sử dụng từ “thăm” thay cho từ “viếng” một cách tinh tế -> Cách nói giảm, nói tránh nhằm làm giảm nhẹ nỗi đau thương mất mát.

=> Bác đã mãi mãi ra đi nhưng hình ảnh của Người vẫn còn mãi trong trái tim nhân dân miền Nam, trong lòng dân tộc.

- Cảnh quang quanh lăng Bác:

"...Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng."

+ Hình ảnh hàng tre

  • Trong màn sương trắng, hình ảnh gây ấn tượng nhất đối với tác giả là hàng tre.
  • Từ “hàng tre” được điệp lại hai lần trong khổ thơ gợi lên vẻ đẹp đẽ vô cùng của nó.
  • Phép nhân hóa trong dòng thơ: “Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng” giúp hình ảnh hàng tre hiện lên càng thêm đẹp đẽ vô cùng.

=> Hình ảnh hàng tre là hình ảnh thực hết sức thân thuộc và gần gũi của làng quê, đất nước Việt Nam; bên cạnh đó còn là một biểu tượng con người, dân tộc Việt Nam kiên trung bất khuất.

+ Thành ngữ “bão táp mưa sa” nhằm chỉ những khó khăn thử thách của lịch sử dân tộc tộc.

+ Dáng “đứng thẳng hàng” là tinh thần đoàn kết đấu tranh, chiến đấu anh hùng, không bao giờ khuất phục của một dân tộc tuy nhỏ bé nhưng vô cùng mạnh mẽ.

=> Niềm xúc động và tự hào về đất nước, dân tộc, con người Nam Bộ, những cảm xúc chân thành, thiêng liêng của nhà thơ và cũng là của nhân dân đối với Bác kính yêu.

c. Đặc sắc nghệ thuật

- Cảm xúc dâng trào, cách diễn đạt thật chân thật, tha thiết

- Ngôn từ giản dị, giọng điệu thành kính, thiết tha.

- Hình ảnh ẩn dụ đẹp đẽ - biểu tượng vừa quen thuộc, vừa gần gũi với hình ảnh thực, vừa sâu sắc, có ý nghĩa khái quát và giá trị biểu cảm, tạo nên niềm đồng cảm sâu sắc trong lòng người đọc.

3. Kết bài

- Đánh giá giá trị nghệ thuật, nội dung.

- Đoạn thơ đã góp phần làm nên thành công tác phẩm.

Tải về

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close