Đề thi học kì 1 Lịch sử 12 - Đề số 3

Tải về

Quyết định nào dưới đây của Hội nghị Ianta (2–1945) đã tạo điều kiện cho thực dân Pháp trở lại xâm lược Đông Dương? A. Quân Anh sẽ mở đường cho thực dân Pháp chiếm lại Đông Dương.

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 12 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài

PHẦN I: CÂU TRẮC NGHIỆM NHIỀU PHƯƠNG ÁN LỰA CHỌN

Câu 1: Quyết định nào dưới đây của Hội nghị Ianta (2–1945) đã tạo điều kiện cho thực dân Pháp trở lại xâm lược Đông Dương?

A. Quân Anh sẽ mở đường cho thực dân Pháp chiếm lại Đông Dương.

B. Đồng ý cho quân Trung Hoa Dân quốc và quân Anh vào Đông Dương.

C. Liên Xô không được đưa quân đội vào Đông Dương.

D. Đông Nam Á vẫn thuộc phạm vi ảnh hưởng của các nước phương Tây.

Câu 2: Đâu là một trong những nguyên tắc hoạt động của Liên Hợp quốc?

A. Tiến hành hợp tác quốc tế giữa các nước thành viên.

B. Hợp tác phát triển có hiệu quả về kinh tế, văn hóa và xã hội.

C. Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.

D. Chung sống hòa bình, vừa hợp tác vừa đấu tranh.

Câu 3: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra đời trong hoàn cảnh nào sau đây?

A. Thế giới và khu vực đang có những chuyển biến quan trọng.

B. Tất cả các nước khu vực Đông Nam Á đều giành được độc lập.

C. Chiến tranh lạnh kết thúc, các dân tộc đang hòa hợp, hòa giải.

D. Xu thế hòa hoãn Đông - Tây trở thành chủ đạo trên thế giới.

Câu 4: Ngày 8 - 8 - 1967, tại Băng - Cốc (Thái Lan) đã diễn ra sự kiện nào?

A. Tuyên bố thành lập tổ chức ASEAN.                    

B. Vấn đề Cam-pu-chia được giải quyết.

C. Lễ kết nạp Việt Nam làm thành viên.                    

D. Hiệp ước Ba-li đã được thông qua.

Câu 5: Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc (1979 - 1989), quân dân Việt Nam phải đối phó chống lại âm mưu nào sau đây của đối phương?

A. Hoa quân nhập Việt.                                              

B. Chinh phục từng gói nhỏ.

C. Giành đất, giành dân.                                             

D. Đánh nhanh, thắng nhanh.

Câu 6: Đa cực là gì?

A. Thuật ngữ trong quan hệ quốc tế dùng để chỉ một trật tự thế giới có sự tham gia của các quốc gia, các trung tâm khác nhau, trong đó không một quốc gia nào có quyền lực áp đảo đối với các quốc gia khác, cũng như chi phối sự phát triển của thế giới.

B. Thuật ngữ trong quan hệ quốc tế dùng để chỉ một trật tự thế giới mà trong đó chỉ có một trung tâm quyền lực, một trung tâm sức mạnh và một trung tâm thông qua quyết định, đã tác động rất lớn tới nền an ninh của tất cả các quốc gia.

C. Thuật ngữ trong quan hệ quốc tế dùng để chỉ một trật tự thế giới với những xu thế phát triển chính (kinh tế là trọng tâm; toàn cầu hóa; đối thoại, hợp tác; đa cực trong quan hệ quốc tế) và không một quốc gia nào có quyền lực áp đảo đối với các quốc gia khác, cũng như chi phối sự phát triển của thế giới.

D. Thuật ngữ trong quan hệ quốc tế dùng để chỉ một trật tự thế giới mà trong đó chỉ có một trung tâm quyền lực.

Câu 7: Hiện nay, mối đe dọa tiềm tàng đến an ninh của các quốc gia Đông Nam Á là

A. sự khác biệt về thể chế chính trị.                           

B. chênh lệch về trình độ phát triển.

C. vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.                              

D. xung đột biên giới trên đất liền.

Câu 8: Nội dung nào sau đây là mục tiêu hướng tới của các nước Đông Nam Á khi xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN?

A. thu hẹp khoảng cách giữa các nước ASEAN trên mọi lĩnh vực.

B. xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nước ASEAN.

C. xây dụng một ASEAN lành mạnh, hòa bình, không có vũ khí hạt nhân.

D. đưa ASEAN trở thành tổ chức liên kết lớn nhất thế giới.

Câu 9: Nội dung nào sau đây là hạn chế trong quá trình phát triển của ASEAN từ khi thành lập (1967) đến nay?

A. Tranh chấp lãnh thổ diễn ra thường xuyên ở Đông Nam Á.

B. Sự chênh lệch trình độ phát triển giữa các nước thành viên.

C. Mâu thuẫn gay gắt về vấn đề xây dựng các đập thủy điện.

D. Sự chi phối và tác động của một số cường quốc bên ngoài.

Câu 10: Đâu không phải là một trong những trụ cột của Cộng đồng ASEAN?

A. Cộng đồng Chính trị - An ninh.                             

B. Cộng đồng Văn hóa - Xã hội.

C. Cộng đồng An ninh - Quốc phòng.                        

D. Cộng đồng Kinh tế.

Câu 11: Nội dung nào sau đây là bài học kinh nghiệm từ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954) tiếp tục được Đảng Lao động Việt Nam vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)?

A. Kết hợp hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh dân vận.

B. Phát huy hiệu quả sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

C. Vận động sự giúp đỡ của phe xã hội chủ nghĩa ngay từ đầu.

D. Xây dựng mặt trận ngoại giao từ đầu cuộc kháng chiến.

Câu 12: Một trong những điểm giống nhau giữa Cách mạng tháng Tám (1945) ở Việt Nam và Cách mạng tháng Mười Nga (1917) là gì?

A. Đưa nhân dân lao động làm chủ đất nước.            

B. Đã góp phần đánh bại chủ nghĩa phát xít.

C. Đã mở ra thời kỳ hiện đại trong lịch sử.                

D. Làm xoay chuyển lớn cục diện thế giới.

Câu 13: Nhận định “Cách mạng tháng Tám là ăn may, là lấp lỗ trống quyền lực”. Đúng hay sai? Vì sao?

A. Đúng, vì khi đó trên đất nước chưa hề có một chính quyền nào hợp pháp.

B. Đúng, vì quân Nhật đã đầu hàng, quân Đồng Minh chưa vào Đông Dương.

C. Sai, vì Đảng, nhân dân đã có sự chuẩn bị tốt, chu đáo suốt mười lăm năm.

D. Sai, vì Cách mạng tháng Tám đã nhận được sự hỗ trợ của phe Đồng minh.

Câu 14: Nội dung nào sau đây là nhân tố hàng đầu bảo đảm cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam (từ năm 1930 đến năm 1975)?

A. Sự ủng hộ của các dân tộc yêu chuộng hoà bình trên thế giới.

B. Truyền thống yêu nước và quyết đánh thắng kẻ thù của dân tộc.

C. Truyền thống đoàn kết của dân tộc qua các mặt trận thống nhất.

D. Vai trò lãnh đạo của Đảng với đường lối khoa học và sáng tạo.

Câu 15: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam (1954 - 1975) kết thúc thắng lợi đã

A. mở ra xu thể hoà hoãn Đông – Tây và xu thế toàn cầu hoá trên thế giới.

B. mở ra kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.

C. tạo điều kiện để cả nước hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

D. chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của chủ nghĩa thực dân mới trên thế giới.

Câu 16: Sự kiện nào sau đây đánh dấu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập?

A. Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945).

B. Đại hội quốc dân họp ở Tân Trào (8/1945).

C. Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng (8/1945)    

D. Tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội (1/1946).

Câu 17: Trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, thắng lợi ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn có ý nghĩa

A. Tổng khởi nghĩa giành chính quyền được thắng lợi trong cả nước.

B. ảnh hưởng lớn và quyết định đến các địa phương trong cả nước.

C. đó là các cuộc khởi nghĩa hình mẫu trong Cách mạng tháng Tám.

D. đánh dấu Cách mạng tháng Tám giành được thắng lợi hoàn toàn.

Câu 18: Sau thất bại của chiến lược Chiến tranh cục bộ (1965 – 1968) ở miền Nam Việt Nam, Mĩ chuyển sang áp dụng chiến lược chiến tranh nào sau đây?

A. Chiến tranh đặc biệt.                                              

B. Việt Nam hoá chiến tranh.

C. Chiến tranh đơn phương.                                         

D. Chiến tranh đặc biệt tăng cường.

Câu 19: Nội dung nào sau đây là bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo Tổng khởi giành chính quyền năm 1945 của Đảng Cộng sản Đông Dương?

A. Phải xây dựng được khối liên minh công - nông, xây dựng đoàn kết quốc tế.

B. Tổ chức, lãnh đạo quần chúng đấu tranh công khai và hợp pháp, nửa hợp pháp.

C. Phải chú ý xây dựng lực lượng vũ trang hùng mạnh để quyết định chiến trường.

D. Khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền từng bộ phận, chớp thời cơ khởi nghĩa.

Câu 20: Nhận xét nào sau đây là đúng khi đánh giá về lực lượng chính trị trong Cách mạng tháng Tám (1945) ở Việt Nam?

A. Là lực lượng xung kích, thực hiện vai trò kết hợp vũ trang với tuyên truyền cách mạng.

B. Là một trong những cơ sở của bạo lực cách mạng trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám.

C. Là lực lượng chủ yếu, giữ vai trò hỗ trợ quần chúng nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền.

D. Tuy số lượng không nhiều nhưng là nguồn bổ sung quan trọng cho lực lượng vũ trang.

Câu 21: Chiến dịch nào sau đây được mở nhằm khai thông biên giới Việt – Trung?

A. Chiến dịch Việt Bắc thu – đông năm 1947.           

B. Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

C. Chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950.           

D. Chiến dịch Hoàng Hoa Thám năm 1951.

Câu 22: Tổ chức hợp tác nào mang tính khu vực trên thế giới đã cổ vũ các nước Đông Nam Á tìm cách liên kết lại với nhau ?

A. Diễn đàn hợp tác kinh tế Á - Âu.                           

B. Diễn đàn kinh tế Thái Bình Dương.

C. Cộng đồng các quốc gia độc lập.                            

D. Cộng đồng kinh tế Châu Âu.

Câu 23: Chiến thắng nào của quân dân miền Nam cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam đã buộc Mỹ phải tuyên bố “phi Mỹ hóa”?

A. Cuộc Tiến công chiến lược năm 1972.                  

B. Chiến thắng Vạn Tường năm 1965.

C. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968.          

D. Chiến thắng Ấp Bắc năm 1963.

Câu 24: Các chiến dịch quân sự của quân dân Việt Nam mở trong những năm 1951 – 1953 có ý nghĩa quan trọng nào sau đây

A.  Buộc thực dân Pháp phải chuyển sang kế hoạch đánh lâu dài.

B.  Đánh bại nhiều cuộc tiến công lên Việt Bắc của thực dân Pháp.

C.  Giúp Việt Nam giữ vững quyền chủ động trong quan hệ với các nước trên thế giới.

D.  Giữ vững quyền chủ động trên chiến trường chính ở Bắc Bộ Việt Nam.

PHẦN II: CÂU TRẮC NGHIỆM ĐÚNG SAI

Câu 25: Đọc đoạn tư liệu, chọn đúng hoặc sai

“Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả của sự kết hợp giữa ý chí đấu tranh kiên cường của nhân dân ta với sự lãnh đạo tài tình của Đảng. Đây không phải chỉ là một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thông thường mà còn là một cuộc cách mạng xã hội, lật đổ chế độ cũ và đặt nền móng cho một chế độ mới. Thắng lợi ấy mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.”

(Phạm Văn Đồng, Một số bài nói và viết về Cách mạng Tháng Tám, NXB Sự Thật, 1980)

a.  Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám chỉ là kết quả của ý chí đấu tranh của nhân dân mà không có sự lãnh đạo của Đảng.

b.  Cách mạng Tháng Tám là một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thông thường.

c.  Cách mạng Tháng Tám không chỉ lật đổ chế độ cũ mà còn đặt nền móng cho một chế độ mới.

d.  Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam vì nó không chỉ là chiến thắng chính trị mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự thay đổi toàn diện trong xã hội.

Câu 26: Đọc đoạn tư liệu, chọn đúng hoặc sai

“Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ nhưng vô cùng anh dũng của dân tộc ta. Đây là một cuộc chiến không chỉ nhằm giành lại độc lập, tự do cho đất nước mà còn nhằm bảo vệ những giá trị cao cả của con người. Chính tinh thần toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến đã giúp chúng ta vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất để từng bước chuyển bại thành thắng, biến thế bị động thành thế chủ động.”

(Trường Chinh, Bàn về cách mạng Việt Nam, NXB Sự Thật, 1954)

a.   Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là một cuộc chiến đấu gian khổ nhưng anh dũng của dân tộc Việt Nam.

b.  Mục tiêu duy nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp là giành lại độc lập, tự do cho đất nước.

c.  Tinh thần toàn dân kháng chiến và toàn diện kháng chiến đã giúp dân tộc ta chuyển từ thế bị động sang thế chủ động trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

d.  Thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chủ yếu nhờ vào yếu tố quân sự và các chiến thắng trên chiến trường.

Câu 27: Đọc đoạn tư liệu, chọn đúng hoặc sai

“Cuộc kháng chiến chống Pháp là cuộc đấu tranh không chỉ vì độc lập dân tộc mà còn vì sự tự do, công lý của nhân dân. Đây là cuộc chiến kéo dài hơn 9 năm, từ những cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao đến những trận đánh ác liệt. Chiến thắng của chúng ta không phải là một sự tình cờ mà là kết quả của một quá trình chuẩn bị chiến lược lâu dài, với sự tham gia của toàn thể dân tộc.”

(Bùi Thiện Ngộ, Lịch sử kháng chiến chống Pháp, NXB Quân đội Nhân dân, 1985)

a.  Cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài hơn 9 năm.

b.  Chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Pháp là một sự tình cờ và may mắn.

c.  Cuộc kháng chiến chống Pháp không chỉ là cuộc đấu tranh vũ trang mà còn bao gồm cả đấu tranh chính trị và ngoại giao.

d.  Yếu tố then chốt để chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Pháp là sự tham gia của quân đội, độc lập với các tầng lớp nhân dân.

Câu 28: Đọc đoạn tư liệu, chọn đúng hoặc sai

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

a.    Bản Tuyên ngôn độc lập chỉ được tuyên bố trước nhân dân Việt Nam.

b.  Nội dung bản Tuyên ngôn khẳng định quyền tự do và độc lập của Việt Nam, đồng thời thể hiện quyết tâm của nhân dân trong việc bảo vệ nền độc lập.

c.   Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập đã ngay lập tức khiến các quốc gia khác công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập.

d.  Bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ ràng quyền tự do, độc lập của Việt Nam, nhưng không đề cập đến bất kỳ mối quan hệ nào với các quốc gia khác.

Đáp án

Phần I: Câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn

1.D

2.C

3.A

4.A

5.A

6.A

7.C

8.B

9.B

10.C

11.B

12.A

13.C

14.D

15.B

16.A

17.B

18.B

19.D

20.B

21.C

22.D

23.A

24.D

 

 

 

 

 

 

Câu 1 (NB):

Phương pháp:

SGK Lịch sử 12, nội dung Hội nghị Ianta (2 – 1945).

Cách giải:

Quyết định Đông Nam Á vẫn thuộc phạm vi ảnh hưởng của các nước phương Tây của Hội nghị Ianta (2– 1945) đã tạo điều kiện cho thực dân Pháp trở lại xâm lược Đông Dương.

Chọn D.

Câu 2 (NB):

Phương pháp:

SGK Lịch sử 12, nội dung Liên hợp quốc.

Cách giải:

Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình là một trong những nguyên tắc hoạt động của Liên hợp quốc.

Chọn C.

Câu 3 (NB):

Phương pháp:

SGK Lịch sử 12, nội dung Quá trình hình thành tổ chức ASEAN.

Cách giải:

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra đời trong hoàn cảnh thế giới và khu vực đang có những chuyển biến quan trọng.

ASEAN được thành lập vào ngày 8 tháng 8 năm 1967 trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến chuyển quan trọng. Các nước Đông Nam Á nhận thấy cần phải hợp tác để phát triển kinh tế và hạn chế ảnh hưởng của các cường quốc bên ngoài.

Chọn A.

Câu 4 (NB):

Phương pháp:

SGK Lịch sử 12, nội dung Quá trình hình thành tổ chức ASEAN.

Cách giải:

Ngày 8 – 8 – 1945, tại Băng Cốc (Thái Lan), Ngoại trưởng năm nước: In-đô-nê-xi-a, Ma-lay-xi-a, Phi-lip-pin, Xin- ga-po và Thái Lan đã thông qua Tuyên bố ASEAN chính thức thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Chọn A.

Câu 5 (NB):

Phương pháp:

SGK Lịch sử 12, nội dung Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 – 1975 đến nay. Một số bài học lịch sử của cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay.

Cách giải:

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc (1979 - 1989), quân dân Việt Nam phải đối phó chống lại âm mưu Hoa quân nhập Việt.

Chọn A.

Câu 6 (NB):

Phương pháp:

SGK Lịch sử 12, nội dung Xu thế đa cực trong quan hệ quốc tế.

Cách giải:

Đa cực là thuật ngữ trong quan hệ quốc tế dùng để chỉ một trật tự thế giới có sự tham gia của các quốc gia, các trung tâm khác nhau, trong đó không một quốc gia nào có quyền lực áp đảo đối với các quốc gia khác, cũng như chi phối sự phát triển của thế giới.

Chọn A.

Câu 7 (TH):

Phương pháp:

Suy luận.

Cách giải:

Hiện nay, mối đe dọa tiềm tàng đến an ninh của các quốc gia Đông Nam Á là vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Chọn C.

Câu 8 (TH):

Phương pháp:

Suy luận.

Cách giải:

Mục tiêu hướng tới của các nước Đông Nam Á khi xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN là xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nước ASEAN.

Chọn B.

Câu 9 (TH):

Phương pháp:

Suy luận dựa trên những hạn chế trong quá trình phát triển của ASEAN từ khi thành lập.

Cách giải:

Một trong những hạn chế chính trong quá trình phát triển của ASEAN từ khi thành lập đến nay là sự chênh lệch trình độ phát triển giữa các nước thành viên.

Chọn B.

Câu 10 (TH):

Phương pháp:

Suy luận dựa trên Ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN.

Cách giải:

Cộng đồng An ninh - Quốc phòng không phải là một trong những trụ cột của Cộng đồng ASEAN.

Chọn C.

Câu 11 (VD):

Phương pháp:

Liên hệ giữa hai cuộc kháng chiến.

Cách giải:

Trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bài học về việc kết hợp sức mạnh dân tộc (tinh thần yêu nước, ý chí quật cường) với sức mạnh thời đại (sự giúp đỡ của phe xã hội chủ nghĩa, phong trào hòa bình thế giới) đã được vận dụng hiệu quả. Đây là bài học chiến lược, giúp Việt Nam huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước để giành thắng lợi.

Chọn B.

Câu 12 (TH):

Phương pháp:

So sánh, tìm điểm giống nhau.

Cách giải:

Cả Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam và Cách mạng tháng Mười Nga đều là các cuộc cách mạng do lực lượng nhân dân lao động lãnh đạo và đều hướng tới mục tiêu đưa giai cấp lao động lên nắm quyền, thiết lập chính quyền của nhân dân.

Chọn A.

Câu 13 (VD):

Phương pháp:

Nhận xét, giải thích.

Cách giải:

Nhận định cho rằng “Cách mạng tháng Tám là ăn may” là không đúng. Đảng và nhân dân Việt Nam đã chuẩn bị lâu dài, tổ chức các phong trào và xây dựng lực lượng trong suốt 15 năm. Chiến thắng là kết quả của sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tổ chức chu đáo.

Chọn C.

Câu 14 (TH):

Phương pháp:

Suy luận.

Cách giải:

Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng đã đề ra những đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, tập hợp và phát huy được sức mạnh đoàn kết của dân tộc và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Chọn D.

Câu 15 (TH):

Phương pháp:

Suy luận.

Cách giải:

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam (1954 - 1975) kết thúc thắng lợi đã mở ra kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chiến thắng này không chỉ chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm mà còn đánh dấu sự kết thúc của chế độ thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Sau khi đất nước thống nhất, Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là một bước ngoặt lịch sử quan trọng, mở ra cơ hội phát triển mới cho cả nước.

Chọn B.

Câu 16 (TH):

Phương pháp:

SGK Lịch sử 12, nội dung Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954).

Cách giải:

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, chính thức tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu sự ra đời của nước Việt Nam độc lập và chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở Việt Nam.

Chọn A.

Câu 17 (TH):

Phương pháp:

Suy luận.

Cách giải:

Thắng lợi tại các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, và Sài Gòn có ý nghĩa quan trọng, không chỉ vì đây là các trung tâm chính trị và kinh tế lớn của cả nước, mà còn vì nó đã cổ vũ và tạo động lực cho các địa phương khác trên cả nước tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thành công.

Chọn B.

Câu 18 (NB):

Phương pháp:

SGK Lịch sử 12, nội dung Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975).

Cách giải:

Sau thất bại của chiến lược Chiến tranh cục bộ (1965 – 1968), Mỹ chuyển sang áp dụng chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh

Chọn B.

Câu 19 (TH):

Phương pháp:

Phân tích.

Cách giải:

Đảng Cộng sản Đông Dương đã khởi nghĩa từng phần, tiến hành giành chính quyền một cách từng bước và biết chớp lấy thời cơ thuận lợi, đưa phong trào đến thắng lợi toàn diện. Đây là bài học lớn về sự linh hoạt trong lãnh đạo và tổ chức khởi nghĩa của Đảng.

Chọn D.

Câu 20 (TH):

Phương pháp:

Nhận xét.

Cách giải:

Lực lượng chính trị, tức là các tổ chức quần chúng được tuyên truyền và giác ngộ, đã đóng vai trò quan trọng trong bạo lực cách mạng. Các cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng góp phần làm suy yếu chính quyền địch và hỗ trợ đắc lực cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Chọn B.

Câu 21 (NB):

Phương pháp:

SGK Lịch sử 12, nội dung Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954).

Cách giải:

Chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950 được mở nhằm khai thông biên giới Việt – Trung.

Chọn C.

Câu 22 (TH):

Phương pháp:

Suy luận dựa trên tư liệu, kiến thức đã học.

Cách giải:

Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC) đã cổ vũ các nước Đông Nam Á tìm cách liên kết lại với nhau, dẫn đến sự ra đời của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào ngày 8 tháng 8 năm 1967.

Chọn D.

Câu 23 (TH):

Phương pháp:

Suy luận.

Cách giải:

Cuộc Tiến công chiến lược năm 1972 của quân dân miền Nam Việt Nam đã giáng một đòn mạnh vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, làm thất bại các kế hoạch bình định. Trước sức ép của chiến sự và dư luận quốc tế, Mỹ buộc phải tuyên bố “phi Mỹ hóa” (từng bước rút quân Mỹ khỏi chiến trường và chuyển giao chiến tranh cho chính quyền Sài Gòn).

Chọn A.

Câu 24 (TH):

Phương pháp:

Suy luận dựa trên nội dung Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954).

Cách giải:

Các chiến dịch quân sự của quân dân Việt Nam mở trong những năm 1951 – 1953 có ý nghĩa giữ vững quyền chủ động trên chiến trường chính ở Bắc Bộ Việt Nam.

Chọn D.

Phần II: Câu trắc nghiệm đúng sai

Câu 25 (VD):

Phương pháp:

Suy luận dựa trên đoạn tư liệu.

Cách giải:

a) Sai, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là “kết quả của sự kết hợp giữa ý chí đấu tranh kiên cường của nhân dân ta với sự lãnh đạo tài tình của Đảng”, nhấn mạnh vai trò quan trọng của cả nhân dân và Đảng trong thắng lợi này.

b) Sai, Cách mạng Tháng Tám “không phải chỉ là một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thông thường”, mà là một cuộc cách mạng xã hội, mang lại sự thay đổi sâu rộng về cả chế độ xã hội và chính trị.

c) Đúng, Cách mạng Tháng Tám “lật đổ chế độ cũ và đặt nền móng cho một chế độ mới”, thể hiện sự thay đổi không chỉ về chính quyền mà còn về cấu trúc xã hội và chính trị.

d) Đúng, Phạm Văn Đồng khẳng định thắng lợi này “mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam”, bởi nó không chỉ là chiến thắng chính trị mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc thay đổi chế độ xã hội, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước.

Câu 26 (VD):

Phương pháp:

Suy luận dựa trên đoạn tư liệu.

Cách giải:

a) Đúng, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là “cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ nhưng vô cùng anh dũng” của dân tộc, khẳng định sự dũng cảm và kiên cường của nhân dân ta.

b) Sai, cuộc kháng chiến không chỉ nhằm giành lại độc lập, tự do mà còn bảo vệ “những giá trị cao cả của con người”. Điều này thể hiện mục tiêu toàn diện hơn của cuộc chiến, bao gồm cả việc bảo vệ các giá trị nhân văn và nhân quyền.

c) Đúng, tư liệu chỉ rõ rằng nhờ tinh thần “toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”, Việt Nam đã vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất, “chuyển bại thành thắng, biến thế bị động thành thế chủ động”. Đây là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của cuộc kháng chiến.

d) Sai, chiến thắng không chỉ nhờ yếu tố quân sự mà còn dựa vào tinh thần “toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”. Điều này cho thấy sự kết hợp giữa nhiều yếu tố như chính trị, quân sự, tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước đã tạo nên thành công của cuộc kháng chiến.

Câu 27 (VD):

Phương pháp:

Suy luận dựa trên đoạn tư liệu.

Cách giải:

a) Đúng, cuộc kháng chiến chống Pháp “kéo dài hơn 9 năm”, từ các hoạt động chính trị, ngoại giao đến các trận đánh lớn, khẳng định tính lâu dài của cuộc chiến.

b) Sai, chiến thắng không phải là một sự tình cờ mà là "kết quả của một quá trình chuẩn bị chiến lược lâu dài" với sự tham gia của toàn dân tộc, thể hiện tính khoa học và chủ động trong cuộc kháng chiến.

c) Đúng, cuộc kháng chiến bao gồm “những cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao” bên cạnh các trận chiến ác liệt, thể hiện sự kết hợp đa dạng và toàn diện trong chiến lược đấu tranh của dân tộc.

d) Sai, chiến thắng là “kết quả của một quá trình chuẩn bị chiến lược lâu dài, với sự tham gia của toàn thể dân tộc”. Điều này cho thấy vai trò quyết định của sự đoàn kết dân tộc, bao gồm cả quân đội, nhân dân, và các lực lượng khác trong xã hội.

Câu 28 (VD):

Phương pháp:

Suy luận dựa trên đoạn tư liệu.

Cách giải:

a) Sai, trong tư liệu, bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố “trước quốc dân và thế giới,” cho thấy đây không chỉ là một lời tuyên bố đối với nhân dân Việt Nam mà còn là một thông điệp gửi đến cộng đồng quốc tế.

b) Đúng, trong đoạn trích của Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự quyết tâm của toàn thể dân tộc sẽ “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.”

c) Sai, mặc dù bản Tuyên ngôn độc lập được đọc vào ngày 2-9-1945 là một bước quan trọng trong việc tuyên bố độc lập của Việt Nam, nhưng sự công nhận chính thức từ các quốc gia khác là một quá trình lâu dài, phải đối mặt với các thách thức từ thực dân Pháp và các thế lực quốc tế khác.

d) Sai, mặc dù Tuyên ngôn chủ yếu nhấn mạnh quyền tự do và độc lập của Việt Nam, nhưng nó cũng có giá trị ngoại giao, thể hiện với thế giới rằng Việt Nam là một quốc gia độc lập, đồng thời khẳng định lập trường của Việt Nam trước quốc tế. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra một thông điệp mạnh mẽ đối với các quốc gia khác.

Tải về

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

close