Đề thi giữa kì 1 Văn 11 Cánh diều - Đề số 3

Đề thi giữa kì 1 Văn 11 bộ sách cánh diều đề số 3 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 11 tất cả các môn - Cánh diều

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ I

Môn: Ngữ văn lớp 11; Năm học 2022 - 2023

Thời gian làm bài: 90 phút - Không kể thời gian phát đề

I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

                                          Tấm vé tàu Thống Nhất dành cho cha

Ngày Cha ra trận
giọt máu của Người chưa bật khóc!

Mẹ lẻ loi 
vượt cạn
đất phương Nam
Cha
ngã xuống miệt vườn…

 

Bốn mươi năm sau
Cha trở lại quê hương
trên con tàu Thống Nhất
Chiếc ba lô từng theo Cha đánh giặc
nay ấp iu Cha trong cuộc trở về

Tấm vé tàu con mua cho cha
cũng bình thường như bao tấm vé khác.
Chỉ khác
nó không bị xé đi một góc khi Cha bước lên tàu
suất cơm kèm theo dành cho khách vẫn còn nguyên

ngồi thay Cha
trên ghế mềm
là chiếc ba lô đựng hài cốt!

 

Con tàu đi trong rập rình cơn bão
mây ngoài kia như hương khói bay cùng
chiếc ba lô rưng rưng
qua bao dải đất nghèo
sông 
núi
nghiêng 
nghiêng
mộ
bia 
trùng
điệp

bên cánh rừng già
bập bùng ngọn bếp
trầu cau nào
thắm lại 
Vọng phu?

 

Chiếc ba lô rưng rưng
Cha nghe lại cuộc đời
Cha nhận lại một thời trai trẻ
bên ngực trái
phập phồng
tờ nhập ngũ
bên ngực phải
buôn buốt tờ báo tử
và, bây giờ
một tấm vé hồi hương!

 

Cha ơi!
Trong hình dung của con
chiếc vé tàu Thống Nhất
là tấm chứng minh thư của người lính chiến trường
ra đi là Cha
trở về cũng là Cha
không mất!

Một tấm vé tàu
chỉ một
đưa Cha về với Mẹ

Mùa ngâu…

                                                (Thơ Nguyễn Hữu Quý)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt trong bài thơ trên?

A. Miêu tả.

B. Biểu cảm.

C. Tự sự.

D. Nghị luận.

Câu 2: Những hình ảnh được nhắc tới trong khổ thơ thứ 2 là:

A. Con tàu, ba lô, tấm vé, suất cơm, hài cốt.

B. Con tàu, ba lô, ấp iu, ghế mềm, suất cơm.

C. Con tàu, ba lô, tấm vé, ghế mềm, hài cốt, cha.

D. Con tàu, bình thường, tấm vé, suất cơm, cha.

Câu 3: Các biện pháp tu từ trong khổ thơ thứ 3 là gì ?

A. Nhân hóa, so sánh, ẩn dụ.

B. Nhân hóa, so sánh, điệp.

C. So sánh, ẩn dụ, câu hỏi tu từ.

D. So sánh, nhân hóa, câu hỏi tu từ.

Câu 4: Câu thơ nào thể hiện rõ nhất sự đau xót của người con khi đón Cha trở về?

A. Chiếc ba lô rưng rưng
Cha nghe lại cuộc đời

B. Ngồi thay Cha trên ghế mềm
Là chiếc ba lô đựng hài cốt!

C. Bên ngực phải
Buôn buốt tờ báo tử

D. Đất phương Nam
Cha
Ngã xuống miệt vườn…

Câu 5: Giọng điệu nổi bật trong bài thơ là gì?

A. Da diết, mãnh liệt.

B. Nghẹn ngào, xúc động.

C. Hào hùng, tha thiết.

D. Sâu lắng, bồi hồi.

Câu 6: Tại sao tác giả lại viết hoa từ “Cha”?

A. Thể hiện sự trân trọng, kính yêu của người con dành cho cha của mình.

B. Thể hiện tình cảm thiêng liêng, trân trọng của người con trước sự hi sinh của người cha.

C. Đó là cách viết thay cho tên gọi của người cha.

D. Hình ảnh người Cha có giá trị biểu tượng cho Tổ quốc thiêng liêng.

Câu 7: Vì sao tác giả lại cho rằng tấm vé tàu Thống Nhất lại là “tấm chứng minh thư của người lính chiến trường”?

A. Tấm vé tượng trưng hình ảnh của người cha.

B. Đó là tấm vé không bị xé đi một góc, không giống với những tấm vé tàu bình thường khác.

C. Trên tấm vé tàu có ghi tên hành khách.

D. Tấm vé là cách người con nhận diện sự trở về, hiện hữu của cha mình.

Trả lời câu hỏi/ thực hiện các yêu cầu:

Câu 8: Anh/ chị hiểu như thế nào về nội dung dòng thơ sau:

Chiếc ba lô từng theo Cha đánh giặc
nay ấp iu Cha trong cuộc trở về

Câu 9: Vì sao tấm vé tàu Thống Nhất trong bài thơ lại không bị xé đi một góc? Trình bày ngắn gọn (3-5 câu) những cảm nhận của anh chị về hình ảnh tấm vé tàu này?

Câu 10: Từ nội dung bài thơ trên, trình bày cảm nhận của anh chị về ý nghĩa sự hi sinh của những thế hệ đi trước(Trình bày trong khoảng 3-5 câu).

II. VIẾT: (4,0 điểm)

“Điều rất quý mà văn chương có thể làm được là giúp con người có tâm thế sống an nhiên, tự chủ, thấy kiếp nhân sinh cũng “nhẹ bồng”, sau khi nó đã phơi trải dưới mắt ta toàn bộ cái mà ta thường vẫn gọi là sự phức tạp của con người, của cuộc đời”.

(Phan Huy Dũng –Văn chương giúp con người thấy kiếp nhân sinh cũng “nhẹ bồng”, Văn nghệ quân đội  số 911, tháng 2/2019)

Qua các sáng tác của Nguyễn Du, anh/ chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.

Đáp án

 Phần I. ĐỌC HIỂU

Câu 1

(0.5đ)

Câu 2 (0.5đ)

Câu 3

(0.5đ)

Câu 4

(0.5đ)

Câu 5

(0.5đ)

Câu 6

(0.5đ)

Câu 7

(0.5đ)

B

C

D

B

B

A

D

 

Câu 1 (0.5 điểm)

Xác định phương thức biểu đạt trong bài thơ trên?

A. Miêu tả.

B. Biểu cảm.

C. Tự sự.

D. Nghị luận.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Xác định phương thức biểu đạt chính

Lời giải chi tiết:

Phương thức biểu đạt chính của văn bản là: Biểu cảm

→ Đáp án B

Câu 2 (0.5 điểm)

Những hình ảnh được nhắc tới trong khổ thơ thứ 2 là:

A. Con tàu, ba lô, tấm vé, suất cơm, hài cốt.

B. Con tàu, ba lô, ấp iu, ghế mềm, suất cơm.

C. Con tàu, ba lô, tấm vé, ghế mềm, hài cốt, cha.

D. Con tàu, bình thường, tấm vé, suất cơm, cha.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ khổ 2

Xác định những hình ảnh được nhắc tới trong khổ  2

Lời giải chi tiết:

Những hình ảnh được nhắc tới trong khổ thơ thứ 2 là: Con tàu, ba lô, tấm vé, ghế mềm, hài cốt, cha.

→ Đáp án C

Câu 3 (0.5 điểm)

Các biện pháp tu từ trong khổ thơ thứ 3 là gì?

A. Nhân hóa, so sánh, ẩn dụ.

B. Nhân hóa, so sánh, điệp.

C. So sánh, ẩn dụ, câu hỏi tu từ.

D. So sánh, nhân hóa, câu hỏi tu từ.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ khổ 3

Xác định biện pháp tu từ trong khổ 3

Lời giải chi tiết:

Các biện pháp tu từ trong khổ thơ thứ 3 là: So sánh, nhân hóa, câu hỏi tu từ.

→ Đáp án D

Câu 4 (0.5 điểm)

Câu thơ nào thể hiện rõ nhất sự đau xót của người con khi đón Cha trở về?

A. Chiếc ba lô rưng rưng
Cha nghe lại cuộc đời

B. Ngồi thay Cha trên ghế mềm
Là chiếc ba lô đựng hài cốt!

C. Bên ngực phải
Buôn buốt tờ báo tử

D. Đất phương Nam
Cha
Ngã xuống miệt vườn…

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Câu thơ thể hiện rõ nhất sự đau xót của người con khi đón Cha trở về:

Ngồi thay Cha trên ghế mềm
Là chiếc ba lô đựng hài cốt!

 

→ Đáp án B

Câu 5 (0.5 điểm)

Giọng điệu nổi bật trong bài thơ là gì?

A. Da diết, mãnh liệt.

B. Nghẹn ngào, xúc động.

C. Hào hùng, tha thiết.

D. Sâu lắng, bồi hồi.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời câu hỏi.

 Lời giải chi tiết:

Giọng điệu nổi bật trong bài thơ là: Nghẹn ngào, xúc động.

  → Đáp án B

Câu 6 (0.5 điểm)

Câu 6: Tại sao tác giả lại viết hoa từ “Cha”?

A. Thể hiện sự trân trọng, kính yêu của người con dành cho cha của mình.

B. Thể hiện tình cảm thiêng liêng, trân trọng của người con trước sự hi sinh của người cha.

C. Đó là cách viết thay cho tên gọi của người cha.

D. Hình ảnh người Cha có giá trị biểu tượng cho Tổ quốc thiêng liêng.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Tác giả lại viết hoa từ “Cha” vì: Thể hiện tình cảm thiêng liêng, trân trọng của người con trước sự hi sinh của người cha.

→ Đáp án B

Câu 7 (0.5 điểm)

Vì sao tác giả lại cho rằng tấm vé tàu Thống Nhất lại là “tấm chứng minh thư của người lính chiến trường”?

A. Tấm vé tượng trưng hình ảnh của người cha.

B. Đó là tấm vé không bị xé đi một góc, không giống với những tấm vé tàu bình thường khác.

C. Trên tấm vé tàu có ghi tên hành khách.

D. Tấm vé là cách người con nhận diện sự trở về, hiện hữu của cha mình.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết:

Tác giả cho rằng tấm vé tàu Thống Nhất lại là “tấm chứng minh thư của người lính chiến trường” vì: Tấm vé là cách người con nhận diện sự trở về, hiện hữu của cha mình.

→ Đáp án D

Câu 8 ( 0.5 điểm)

“Anh/ chị hiểu như thế nào về nội dung dòng thơ sau:

Chiếc ba lô từng theo Cha đánh giặc
nay ấp iu Cha trong cuộc trở về

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời.

Lời giải chi tiết:

- Chiếc ba lô luôn gắn bó với người Cha trong mọi hành trình của cuộc đời, từ chặng đường chiến đấu đến đến cả lúc đựng hài cốt.

- Qua hình ảnh chiếc ba lô, thể hiện lòng thành kính, trân trọng của người con đối với sự hi sinh của người Cha.

Câu 9: (1.0 điểm)

Vì sao tấm vé tàu Thống Nhất trong bài thơ lại không bị xé đi một góc? Trình bày ngắn gọn (3-5 câu) những cảm nhận của anh chị về hình ảnh tấm vé tàu này?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời.

Lời giải chi tiết:

Học sinh có thể trình bày nhiều cách, đảm bảo nội dung sau:

- Tấm vé không bị xé đi một góc là bởi chủ nhân của nó đã không còn, chỉ có bộ hài cốt của người cha.

- Tấm vé tượng trưng cho sự trở về, thống nhất nước nhà và ý nghĩa đoàn viên gia đình.

Câu 10: (1.0 diểm)

Từ nội dung bài thơ trên, trình bày cảm nhận của anh chị về ý nghĩa sự hi sinh của những thế hệ đi trước(Trình bày trong khoảng 3-5 câu).

 Phương pháp giải:

HS vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời.

Lời giải chi tiết:

- HS nêu quan điểm của bản thân

Gợi ý:

Học sinh có thể trình bày nhiều cách, có thể tham khảo một số gợi ý sau:

- Sự hi sinh của những thế hệ đi trước là một nghĩa cử cao cả, thiêng liêng cho sự độc lập, tự do của đất nước.

- Sự hi sinh đó để lại nhiều giá trị sống tích cực cho thế hệ sau, nhắc nhở họ phải nỗ lực, cố gắng để gìn giữ và phát huy những thành quả mà cha ông để lại.

II. VIẾT (4đ)

“Điều rất quý mà văn chương có thể làm được là giúp con người có tâm thế sống an nhiên, tự chủ, thấy kiếp nhân sinh cũng “nhẹ bồng”, sau khi nó đã phơi trải dưới mắt ta toàn bộ cái mà ta thường vẫn gọi là sự phức tạp của con người, của cuộc đời”.

(Phan Huy Dũng –Văn chương giúp con người thấy kiếp nhân sinh cũng “nhẹ bồng”, Văn nghệ quân đội  số 911, tháng 2/2019)

Qua các sáng tác của Nguyễn Du, anh/ chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

 

Phương pháp giải:

 Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học để thực hiện bài văn

Lời giải chi tiết:

Phân tích sáng tác của Nguyễn Du để làm sáng tỏ nhận định

Phần chính

Điểm

Nội dung cụ thể

Mở bài

0,5

- Dẫn dắt và nêu vấn đề cần bàn luận

Thân bài

2,5

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý:

Giải thích ý kiến

 -Ý kiến đã khẳng định chức năng tác động, hay giá trị nhận thức của văn học.

- “Văn chương phơi trải dưới mắt ta toàn bộ cái mà ta thường gọi là sự phức tạp của con người, cuộc đời” nghĩa là qua quá trình tiếp nhận tác phẩm độc giả được trải nghiệm, chứng kiến biến cố, mặt trái của cuộc đời và những éo le, phức tạp của lòng người. Đến với văn chương ta được mở rộng tâm hồn, sống nhiều cuộc đời, ở nhiều thế kỉ. Con người không chỉ trải nghiệm nỗi đau của một mà còn là nhiều nhân vật với đủ mọi cung bậc cảm xúc.

- Và sau đó “văn chương giúp con người có tâm thế sống an nhiên, tự chủ, tự thấy kiếp nhân sinh cũng “nhẹ bồng”: Sau khi trải qua, được tiếp xúc và sống sâu với hiện thực trong tác phẩm, độc giả sẽ bớt bất ngờ trước những biến cố cuộc đời, tôi luyện được thái độ sống chủ động, mạnh mẽ, tự tin, một tâm hồn thanh thản, thoải mái. -Để một ngày cảm thấy “nhẹ bồng” trước những biến thiên dâu bể của cuộc đời thì ta cần thực sự đồng cảm, yêu thương cho những nhân vật, phải “nung nấu tâm can vò võ trán”. Đây cũng là yêu cầu văn chương đặt ra với người đọc – đồng sáng tạo cùng tác giả.     

Bàn luận về ý kiến:

 - “Văn học là cuốn sách giáo khoa của đời sống”. Nó như chiếc chìa khóa vàng mở ra muôn cánh cửa giúp người đọc tự khám phá những điều bí ẩn từ thế giới xung quanh. Qua những tác phẩm nghệ thuật chân chính ta có thể thấy cuộc sống như đang phập phồng trong từng con chữ. Tiếp xúc với thế giới trong tác phẩm lớn ta tiếp cận gần hơn với cuộc sống, hiểu sâu, thấu đáo, kĩ càng hơn về cuộc sống con người và chính bản thân mình. Từ đó nắm bắt được chân lý, hiểu và khám phá ra quy luật cuộc sống.

- Con đường tác động của văn chương dù là nhận thức thì vẫn qua cảm xúc của con người, tức đó là quá trình tự nhận thức, chiêm nghiệm bản thể của con người. Từ việc thể hiện cuộc đời trong văn chương với cảm xúc của cái tôi trữ tình mang nghĩa phổ quát đã khơi dậy những rung động sâu sắc, những cảm xúc phong phú, những ước mơ được sống hết mình cho cuộc đời và con người, làm cho cuộc đời ngày càng tốt đẹp, nhân đạo hơn. Văn chương phải thực sự hướng con người đến ánh sáng dẫu rằng cuộc đời còn nhiều u ám “văn học cần phải phát hiện ra mặt sáng sủa từ phía u ám của nhân loại, đem lại sức mạnh cho con người…văn học cho dù viết ra bao điều u ám của nhân loại, vừa viết về những âm thanh dòng sông đang cuốn trôi trong đêm khuya dễ sợ, vừa phải ngẫm nghĩ sao cho đến trang cuối cùng kết cục hiện ra trước mắt nhân loại phải là niềm hoan lạc lớn lao” ( Kenzaburo Oe)

- Để có thể truyền đến người đọc những tình cảm, cảm xúc sâu sắc, văn chương còn cần một sự công phu, tinh tế trong nghệ thuật biểu hiện. Nghĩa là tài năng của người nghệ sĩ còn thể hiện ở việc công phu tìm tòi, lựa chọn được một hình thức nghệ thuật độc đáo, cuốn hút. Bởi một tác phẩm nghệ thuật chân chính “bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung” (Lêônít Lêônốp)       

Chọn và phân tích thơ Nguyễn Du để làm sáng tỏ vấn đề

            Chọn được dẫn chứng hợp lí, tiêu biểu

- Qua thơ Nguyễn Du gợi suy ngẫm về lẽ đời bể dâu thay đổi: Nỗi dâu bể của tạo hóa, của đời người và của cả xã hội. Ông đã phản ánh về hiện thực đau đớn, một xã hội “nhiều tà dương và mưa bụi” ( Chế Lan Viên): xã hội vì tiền diễn ra nhiều phi lý bất công đã vùi dập không thương tiếc những giá trị cao quý trong cuộc sống là cái Đẹp, cái Tài.

- Nguyễn Du đã thể hiện cái nhìn thấu suốt về con người khi nhìn nhận con người toàn vẹn ở 3 phương diện thân – tâm- phận. Từ những phận người đó  ta thấy được con người nói  chung, những cảm xúc hay tâm thức phổ biến.

Như phận Kiều, Tiểu Thanh xét cho cùng là bi kịch của phụ nữ, rộng hơn là của cá nhân trong một xã hội bạo tàn. Ta có thể tìm thấy ở nhiều thời đại khi xã hội và con người xung đột, xã hội và thể chế trì trệ tước đi quyền tự do biểu đạt , quyền sống của họ. Và có thể không riêng gì con người bất hạnh, ở mỗi chúng ta, có một khoảng thời gian nào đó cũng giống như con người trong tác phẩm của Nguyễn Du mang một hay nhiều bi kịch của cá thể nhỏ bé, lạc lõng, phôi pha.

Nguyễn Du không chỉ nói đến một cá nhân, con người thời đại ông mà nói đến con người nhân loại, bi kịch muôn thuở của kiếp nhân sinh.      

Đánh giá, mở rộng:

-  Đó là nhận định đúng đắn bởi đã chỉ ra nét đặc trưng, chức năng của văn chương.

- Ý kiến là kim chỉ nam cho độc giả khi tiếp nhận văn chương: đọc thơ văn giúp ta hiểu đời, hiểu người và hiểu mình. Vì hiểu mình, hiểu con người và cuộc sống phức tạp nên chấp nhận nó, đón nhận nó một cách tự nhiên, nhẹ nhàng theo đúng quy luật. Đây chính là sự tự nhận thức của độc giả. Đồng thời ý kiến cũng đặt ra yêu cầu đối với người nghệ sĩ khi cầm bút sáng tác: cần có một trái tim nhạy cảm, giàu xúc động, giàu yêu thương trước cuộc đời để có thể tạo ra nét riêng độc đáo mới lạ trong tác phẩm của mình.        

Kết bài

0,5

- Khẳng định lại vấn đề

Yêu cầu khác

0,5

- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ, sáng tạo.

 

HocTot.Nam.Name.Vn

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close