Đề số 9 - Đề kiểm tra học kì 2 - Lịch sử 10Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 9 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) - Lịch sử 10 Đề bài Câu 1: Trình bày những nét mới của truyền thống yêu nước Việt Nam thời phong kiến. Truyền thống yêu nước Việt Nam được phát triển như thế nào trong giai đoạn hiện nay? Câu 2: Chứng minh thời kì chuyên chính Gia-cô-banh là đỉnh cao của Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII. Câu 3: Trình bày nguyên nhân, kết quả và ý nghĩa cuộc Chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ. Lời giải chi tiết ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT Câu 1. a) Những nét mới của truyền thống yêu nước Việt Nam thời phong kiến: Phương pháp: sgk Lịch sử 10, trang 137. Cách giải: - Nếu tinh thần yêu nước của nhân dân ta thời Bắc thuộc được thể hiện trong các cuộc khởi nghĩa để giành lại độc lập thì nét mới trong thời kì phong kiến độc lập là lòng yêu nước được thể hiện trong các cuộc kháng chiến chủ yếu để bảo vệ độc lập và xây dựng một nền chính trị, kinh tế, văn hoá độc lập, tự chủ. - Trong khoảng hơn 9 thế kỉ thời độc lập thì nhân dân ta đã phải chống ngoại xâm 10 lần và trong đó duy nhất chỉ có một cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nhằm mục đích giành lại độc lập, còn lại các cuộc kháng chiến đều nhằm bảo vệ nền độc lập dân tộc. - Nếu thời Bắc thuộc do chưa giành được độc lập, tự chủ lâu dài nên lòng yêu nước chưa được thể hiện nhiều trong xây dựng đất nước thì nét mới trong thời kì này là lòng yêu nước được biểu hiện rõ nét trong xây dựng và phát triển đất nước. Sự nghiệp xây dựng và phát triển một nền kinh tế tự chủ, một nền văn hoá truyền thống đã đòi hỏi sự thể hiện của lòng yêu nước, quyết tâm vươn lên. b) Truyền thống yêu nước Việt Nam được phát triển trong giai đoạn hiện nay: Phương pháp: Liên hệ. Cách giải: - Trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, truyền thống yêu nước được thể hiện: + Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. + Ra sức thi đua học tập, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế. + Xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết ở gia đình, nhà trường và toàn xã hội. - Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc: + Thực hiện nghĩa vụ quân sự theo đúng độ tuổi. + Tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc gia và quốc tế. + Đấu tranh chống lại các biểu hiện tham nhũng, lãng phí, diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ,… Câu 2. Phương pháp: Phân tích, chứng minh. Cách giải: - Giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân: Đạo luật 3/6 quy định tịch thu ruộng đất của quý tộc phong kiến chia thành nhiều mảnh nhỏ, bán theo phương thức trả dần trong 10 năm. Do vậy, mỗi người dân đều có quyền sở hữu một mảnh ruộng. - Tháng 6/1793, thông qua Hiến pháp mới, tuyên bố chế độ Cộng hòa, ban bố quyền dân chủ rộng rãi, xóa bỏ chế độ phân chia đẳng cấp đã tồn tại ở nước Pháp từ lâu. - Ban hành luật về giá tối đa đối với lương thực, thực phẩm để chống nạn đầu cơ tích trữ, ban hành luật về mức lương tối đa của công nhân. - Thông qua sắc lệnh Tổng động viên, dập tắt các cuộc nổi loạn và giành nhiều thắng lợi trên chiến trường, đuổi quân xâm lược ra khỏi biên giới. => Thời kì chuyên chính Gia-cô-banh là đỉnh cao của Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII. Câu 3. Phương pháp: SGK Lịch sử 10, trang 147 – 150. Cách giải: * Nguyên nhân: - Nguyên nhân sâu xa: + Đến giữa thế kỉ XIII, nền công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa ở 13 thuộc địa có những bước tiến đáng kể. Do kinh tế phát triển, nhu cầu trao đổi giữa các thuộc địa ngày càng tăng. Cùng với sự tiến bộ về hệ thống giao thông vận tải và thông tin liên lạc đã đặt ra yêu cầu hình thành 1 thị trường thống nhất ở Bắc Mĩ. + Sự phát triển kinh tế của các thuộc địa làm cho Bắc Mĩ trở thành nơi cạnh tranh đối với nước Anh. Vì vậy, bằng mọi biện pháp, Chính phủ Anh cấm Bắc Mĩ sản xuất nhiều loại hàng công nghiệp, cấm mở doanh nghiệp, cấm đem máy móc và thợ lành nghề từ Anh sang, ban hành chế độ thuế khóa nặng nề. Bên cạnh đó, các thuộc địa ở Bắc Mĩ cũng không được tự do buôn bán với các nước khác và không được khai hoang những vùng đất ở miền Tây => Làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân thuộc địa nên đã gây ra sự phản ứng mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân thuộc địa. - Nguyên nhân trực tiếp: Sự kiện “chè Bô-xtơn” cuối năm 1773 đã thổi bùng lên ngọn lửa chiến tranh ở Bắc Mĩ. * Kết quả: - Tháng 9-1783, Hòa ước Vec-xai được kí kết, Anh công nhận nền độc lập của 13 thuộc địa ở Bắc Mĩ. - Năm 1787, Hiến pháp nước Mĩ được thông qua, củng cố vị trí nhà nước mới. * Ý nghĩa: - Giải phóng Bắc Mĩ khỏi sự thống trị của thực dân Anh, thành lập quốc gia tư sản, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển. - Góp phần thúc đẩy cách mạng chống phong kiến ở châu Âu, phong trào đấu tranh của nhân dân Mĩ La-tinh cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX. Nguồn: Sưu tầm HocTot.Nam.Name.Vn
|