Đề số 9 - Đề kiểm tra 45 phút (1 tiết) - Học kì 1 - Ngữ văn 6Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 9 - Đề kiểm tra 45 phút (1 tiết) - Học kì 1 - Ngữ văn 6 Đề bài 1. Qua bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của nhà thơ Minh Huệ, em hiểu thêm gì về Bác Hồ kính yêu của chúng ta ? (1,0 điểm) 2. Sau khi bài thơ Đêm nay Bác không ngủ ra đời và phổ biến rộng rãi, nhà thơ Minh Huệ có ý định sửa lại câu thơ : “Mái lều tranh xơ xác” thành “Lều tranh sương phủ bạc” ; nhưng rồi nhà thơ đã không sửa. Theo em, tại sao nhà thơ lại không sửa như vậy ? (3,0 điểm) 3. Nêu những đặc điểm của nhân vật Lượm trong bài thơ cùng tên của Tố Hữu. (1,0 điểm) 4. Bài thơ Lượm đã gợi cho em những suy nghĩ gì ? (2,0 điểm) 5. Vẻ đẹp của con người trước thiên nhiên được thể hiện như thế nào ở cuối bài thơ Mưa (Trần Đăng Khoa) ? (1,0 điểm) 6. Hãy nhận xét về nghệ thuật của bài thơ Mưa (Trần Đăng Khoa). (2,0 điểm) Lời giải chi tiết 1. (1,0 điểm) Cần nêu được những điểm nổi bật của hình tượng Bác Hồ trong bài thơ: - Là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, nhưng Người vẫn luôn ân cần, chu đáo quan tâm tới các chiến sĩ (dém chăn cho mọi người, đi lại nhẹ nhàng sợ các anh giật mình tỉnh giấc,…). - Người thương các đoàn dân công đang phải sống và chiến đấu trong hoàn cảnh khắc nghiệt (Bác thương đoàn dân công / Đêm nay ngủ ngoài rừng / Rải lá cây làm chiếu / Manh áo phủ làm chăn ; Càng thương càng nónẹ ruột ;...). - Người nóng lòng, không yên lo cho cuộc kháng chiến của dân tộc ; lo cho vận mệnh của đất nước. - Tình thương yêu lớn lao, sâu sắc của Bác Hồ dành cho bộ đội, cho dân công, cho nhân dân. Ở Bác lòng yêu thương con người luôn gắn với tình yêu đất nước. 2. (3,0 điểm) Có thể đưa ra những lí do sau : - Tác giả đã giữ lại câu thơ vì : + Từ láy “xơ xác” gợi tả khung cảnh một căn lều tranh tạm bợ giữa rừng, giúp người đọc hình dung một nơi trú ngụ đơn sơ, giãi dầu sương gió, không lấy gì làm chắc chắn, gió rét dễ dàng len lỏi vào. + Về giá trị gợi cảm, từ láy “xơ xác” giúp người đọc cảm nhận được rõ hơn cái gió, cái rét, sự gian khổ, thiếu thốn, sự hi sinh cao cả của chiến sĩ, đồng bào ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. + Âm hưởng câu thơ giản dị, chân thực, tự nhiên, phù hợp với thể vè, hát dặm xuyên suốt trong toàn bộ bài thơ. - Câu thơ định sửa lại có một số đặc điểm : + Câu thơ gợi sự tròn trịa, đẹp thanh nhã, mang hơi hướng của thơ cổ điển phương Đông. Vì thế sẽ “lạc điệu” nếu đặt trong toàn mạch bài thơ. + Âm hưởng câu thơ mang vẻ đẹp trang trọng không phù hợp với âm hưởng chung của bài thơ. 3.(1,0 điểm) Cần nêu được những đặc điểm nổi bật sau : - Lượm là một chú bé rất hồn nhiên, tươi vui và có tâm hồn trong sáng (thể hiện qua hình dáng, cử chỉ, lời nói, hành động,...). - Lượm là một người thiếu niên gan dạ, dũng cảm (không sợ hiểm nguy nơi mặt trận, vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ,...). 4.(2,0 điểm) HS có thể trình bày những suy nghĩ của bản thân xoay quanh các phương diện về : - Giá trị nội dung : Cảm phục một tấm gương thiếu niên đã hi sinh dũng cảm quê hương, đất nước. - Giá trị nghệ thuật : Thể thơ bốn chữ kết hợp miêu tả với kể chuyện, tạo nên tự nhiên, gần gũi như lời kể ; cách biểu hiện cảm xúc khi cuộn trào, khi lắng nghe ; sử dụng từ láy giàu hình ảnh và giàu âm điệu ; cấu trúc trùng điệp,...). 5. (1,0 điểm) HS cần nêu được vẻ đẹp, tư thế, sức mạnh của con người trước thiên nhiên hiện lên ở phần cuối bài thơ : - Tư thế khoẻ khoắn của người lao động trước thiên nhiên, tư thế ấy thể hiện vẻ đẹp tâm hồn phóng khoáng, mạnh mẽ của con người. - Con người không hề bé nhỏ, đáng thương trước thiên nhiên với mưa, gió. sấm chớp mà mang vẻ đẹp của phong thái chủ động, hiên ngang. 6.(2,0 điểm) Nêu được những đặc sắc nghệ thuật của bài thơ : - Sử dụng hiệu quả phép nhân hoá, so sánh tạo nên những hình ảnh độc đáo, gợi tả, gợi cảm (ông trời, cây mía, cây dừa, bụi tre, đàn kiến,...). - Thể thơ tự do, cách ngắt nhịp ngắn và nhanh như nhịp điệu của cơn mưa rào khiến cho lời thơ sinh động, có hồn. - Thể hiện năng lực quan sát tinh tế, tài hoa của tác giả. HocTot.Nam.Name.Vn
|