Đề số 6 - Đề kiểm tra học kì 2 - Lịch sử 10

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 6 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) - Lịch sử 10

Đề bài

PHẦN I: TRẮC NGHIỆM

Câu 1. Quốc gia đầu tiên của người Việt Nam được hình thành trên cơ sở nền văn hóa nào?

A. Văn hóa Đông Sơn.

B. Văn hóa Phùng Nguyên.

C. Văn hóa Đồng Đậu.

D. Văn hóa Gò Mun.

Câu 2. Những chính sách cai trị của các triều đại phong kiến Trung Quốc đối với nước ta từ năm 179 TCN đến thế kỷ X nhằm thực hiện âm mưu gì?

A. Sát nhập nước ta vào lãnh thổ của chúng.

B. Biến nước ta thành thuộc địa kiểu mới của chúng.

C. Biến nước ta thành thị trường tiêu thụ hàng hóa của chúng.

D. Biến nước ta thành căn cứ quân sự để xâm lược các nước khác.

Câu 3. Vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê là ai?

A. Lê Thái Tổ.              B. Lê Đại Hành.

C. Lê Thánh Tông.      D. Lê Nhân Tông.

Câu 4. Ai là tác giả của hai câu thơ sau:

"Tướng võ, quan hầu đều biết chữ,

Thợ thuyền, thư lại cũng hay thơ".

A. Trần Nhân Tông.

B. Trần Quang Khải.

C. Trần Nguyên Đán.

D. Phạm Sư Mạnh.

Câu 5. Tại sao Nguyễn Huệ chọn Rạch Gầm - Xoài Mút làm trận địa quyết chiến với địch?

A. Đây là vị trí chiến lược quan trọng của địch.

B. Đó là một con sông lớn.

C. Hai bên bờ sông có cây cối rậm rạp.

D. Địa hình thuận lợi cho việc đặt phục binh.

Câu 6. Nguyên nhân chủ yếu nào làm cho phong trào Tây Sơn bị thất bại trước cuộc tấn công của Nguyễn Ánh?

A. Các thế lực phong kiến nổi dậy giành quyền lực.

B. Quân của Nguyễn Ánh rất mạnh.

C. Nguyễn Ánh được sự giúp đỡ của quân Tây Sơn.

D. Quang Trung mất, Quang Toản nối ngôi nhưng không đủ năng lực.

Câu 7. Ngày 4-7-1776 ghi vào lịch sử nước Mĩ là:

A. Ngày quốc khánh nước Mĩ.

B. Ngày bùng nổ chiến tranh.

C. Các thuộc địa tuyên bố tách khỏi nước Anh.

D. Đại hội lục địa lần hai thành công.

Câu 8. Điều kiện cần và đủ để nước Anh tiến hành cách mạng công nghiệp là gì?

A. Tư bản, nhân công.

B. Vốn, đội ngũ công nhân làm thuê.

C. Tư bản, nhân công và sự phát triển khoa học, kỹ thuật.

D. Tư bản và các thiết bị máy móc.

PHẦN II: TỰ LUẬN

Câu 9. Ý nghĩa lịch sử của cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII?

Câu 10. Máy hơi nước ra đời có ý nghĩa như thế nào? Nêu hệ quả của cách mạng công nghiệp ở Châu Âu.

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

PHẦN I: TRẮC NGHIỆM

Câu

1

2

3

4

5

6

7

8

Đáp án

A

A

B

C

D

D

A

C

Câu 1.

Phương pháp: sgk trang 75.

Cách giải:

Cư dân văn hóa Đông Sơn đã sử dụng phổ biến công cụ bằng sắt -> năng suất lao động tăng -> sản phẩm dư thừa -> xã hội có sự phân hóa giàu – nghèo, công xã thị tộc bị giải thể, công xã nông thôn (làng, xóm) và các gia đình nhỏ theo chế độ phụ hệ ra đời -> đời hỏi cấp thiết phải có các hoạt động trị thủy + chống giặc ngoại xâm -> nhà nước Văn Lang ra đời.

Chọn: A

Câu 2.

Phương pháp: Nhận xét chính sách cai trị của các triều đại phong kiến Trung Quốc, đánh giá.

Cách giải:

Những chính sách cai trị của các triều đại phong kiến Trung Quốc đối với nước ta từ năm 179 TCN đến thế kỉ X, đặc biệt là chính sách “đồng hóa” đều nhằm mục đích cuối cùng là biến nước ta thành một quận, huyện của Trung Quốc, sáp nhập nước ta vào lãnh thổ của chúng.

Chọn: A

Câu 3.

Phương pháp: Liên hệ hiểu biết lịch sử

Cách giải:

Nhà Tiền Lê trị vì đất nước ta trong 29 năm, trải qua 3 đời vua, bao gồm:

- Lê Đại Hành (980-1005)

- Lê Trung Tông (1005)

- Lê Ngọa Triều (1005-1009) 

Chọn: B

Câu 4.

Phương pháp: Liên hệ hiểu biết lịch sử, văn học.

Cách giải:

Hai câu thơ trên là của Trần Nguyên Đán.

Chọn: C

Câu 5.

Phương pháp: sgk trang 117, suy luận.

Cách giải:

Đoạn sông từ Rạch Gầm đến Xoài Mút dài khoảng 6 km, rộng hơn 1km. Hai bờ sông cây cối rậm rạp, giữa dòng có cù lao Thới Sơn. Địa hình thuận lợi cho việc đặt phục binh.

=> Nguyễn Huệ là chọn khúc sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút làm trận địa quyết chiến.

Chọn: D

Câu 6.

Phương pháp: sgk trang 120, suy luận.

Cách giải:

Quang Trung mất, Quang Toản nối ngôi nhưng không đủ năng lực để lãnh đạo đất nước, trong khi đó nội bộ Tây Sơn chia rẽ, mâu thuẫn người càng gay gắt. Vì thế trước sự tấn công của Nguyễn Ánh, Tây Sơn thất bại, triều Tây Sơn chấm dứt.

Chọn: D

Câu 7.

Phương pháp: sgk trang 148.

Cách giải:

Ngày 4-7-1776, Đại hội lục địa lần thứ hai thông qua bản Tuyên ngôn độc lập, chính thức tuyên bố 13 thuộc địa thoát khỏi chính quốc, thành lập một quốc gia độc lập - Hợp chúng quốc Mĩ. Sự kiện này được ghi trong lịch sử là ngày quốc khánh của nước Mĩ.

Chọn: A

Câu 8.

Phương pháp: sgk trang 159, suy luận.

Cách giải:

Do cách mạng tư sản Anh bùng nổ sớm, tạo những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất: tư bản, nhân công và sự phát triển kĩ thuật. Đây là điều kiện cần và đủ để cách mạng công nghiệp Anh diễn ra bắt đầu vào những năm 60 của thế kỉ XVIII và kết thúc vào những năm 40 của thế kỉ XIX.

Chọn: C

PHẦN II: TỰ LUẬN

Câu 9.

Phương pháp: sgk trang 158.

Cách giải:

Ý nghĩa lịch sử của cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII:

- Là cuộc cách mạng dân chủ tư sản điển hình.

+ Lật đổ chế độ phong kiến cùng với những tàn dư của nó

+ Giải quyết được vấn đề dân chủ (ruộng đất cho nông dân, quyền lợi của công nhân)

+ Hình thành thị trường dân tộc thống nhất, mở đường cho lực lượng sản xuất TBCN phát triển

+ Giai cấp tư sản lãnh đạo nhưng quần chúng nhân dân quyết định tiến trình phát triển của cách mạng

- Mở ra thời đại mới - thời đại thắng lợi và củng cố quyền thống trị của giai cấp tư sản trên phạm vi thế giới.

Câu 10.  

Phương pháp: sgk trang 159 – 162, suy luận.

Cách giải:

 * Ý nghĩa của việc phát minh ra máy hơi nước:

 - Máy hơi nước đã tạo ra nguồn động lực mới, làm giảm sức lao động cơ bắp của con người.

 - Lao động bằng thủ công dần được thay thế bằng máy móc, khởi đầu quá trình công nghiệp hóa ở nước Anh và các nước châu Âu.

 - Làm cho năng suất lao động ngày càng tăng.

 - Làm thay đổi bộ mặt kinh tế nước Anh nói riêng và các nước tư bản châu Âu nói chung.

 - Dẫn đến sự ra đời các ngành công nghiệp mới.

 * Hệ quả của cách mạng công nghiệp ở Châu Âu:

 - Về kinh tế:

 + Thay đổi bộ mặt các nước tư bản, nhiều trung tâm công nghiệp mới và thành thị đông dân xuất hiện.

 + Làm chuyển biến nền sản xuất nhỏ thủ công sang sản xuất lớn bằng máy móc, nâng cao năng suất lao động, làm ra khối lượng sản phẩm lớn cho xã hội.

 + Đưa các nước có nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp phát triển.

 - Về xã hội:

 + Hình thành hai giai cấp mới là tư sản công nghiệp và vô sản công nghiệp.

 + Tư sản công nghiệp nắm tư liệu sản xuất và quyền thống trị.

 + Vô sản công nghiệp làm thuê, đời sống cơ cực dẫn đến đấu tranh giữa vô sản với tư sản.

Nguồn: Sưu tầm

HocTot.Nam.Name.Vn

Tham Gia Group Dành Cho 2K9 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close