Đề số 19 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) - Ngữ văn 9Tải vềĐáp án và lời giải chi tiết Đề số 19 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Ngữ văn 9 Đề bài Câu 1: (3 điểm) a. Sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh có tác dụng như thế nào? b. Viết một đoạn văn thuyết minh (khoảng 10 dòng), đề tài: Mùa thu xứ Huế, có yếu tố miêu tả để thuyết minh. Câu 2: (2 điểm) a. Nêu điểm giống nhau và khác nhau giữa phép tu từ ẩn dụ và hoán dụ. b. Chỉ ra biện pháp tu từ và phân tích giá trị nghệ thuật của biện pháp tu từ đó trong hai câu thơ sau: Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng. (Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm) Câu 3: (5 điểm) Hãy tưởng tương em gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Viết bài văn kể lại cuộc gặp gỡ và trò chuyện đó. Lời giải chi tiết Câu 1: (3 điểm)
Phương pháp: Nhớ lại khái niệm, tác dụng của yếu tố miêu tả. Vận dụng phương thức thuyết minh để viết đoạn văn với đề tài trên. Lời giải chi tiết: a. (0,5 điểm) Yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh: - Giúp cho thuyết minh được cụ thể hơn, sinh động hơn và hấp dẫn hơn. - Bài thuyết minh có thể kết hợp yếu tố miêu tả. - Yếu tố miêu tả có tác dụng làm cho đối tượng thuyết minh được nổi bật, gây ấn tượng. b. (2,5 điểm) * Yêu cầu viết đoạn văn: Hình thức: - Đoạn văn khoảng 10 dòng. - Không sai các lỗi: dùng từ, ngữ pháp, chính tả, viết tắt. Nội dung: - Đề tài: Mùa thu xứ Huế. - Đoạn văn có tính chất thuyết minh kết hợp yếu tố miêu tả để minh hoạ vẻ đẹp thơ mộng của cảnh vật mùa thu ở xứ Huế. Câu 2: (2 điểm)
Phương pháp: Vận dụng kiến thức về biện pháp tu từ ẩn dụ và hoán dụ Lời giải chi tiết: * Yêu cầu cần đạt: a. (1 điểm) - Điểm giống nhau: Đều là phương thức lấy tên gọi của sự vật này để gọi tên cho sự vật khác. - Sự khác nhau giữa phép tu từ ẩn dụ và hoán dụ: + Ẩn dụ: Dựa vào mối quan hệ tương đồng (giống nhau về một khía cạnh nào đó) giữa hai sự vật. + Hoán dụ: Dựa vào mối quan hệ tương cận (gần gũi, luôn đi đôi) giữa hai sự vật. b. (1 điểm) - Chỉ ra biện pháp tu từ: ẩn dụ: “Mặt trời của mẹ”. - Giá trị nghệ thuật của biện pháp tu từ đó: Hình ảnh “mặt trời của mẹ” được chuyển nghĩa, tượng trưng. Em Cu tai là mặt trời của mẹ. Em là nguồn hạnh phúc ấm áp, vừa gần gũi, vừa thiêng liêng của đời mẹ. Chính em đã góp phần sưởi ấm lòng tin yêu, ý chí của mẹ trong cuộc sống. Câu 3: (5 điểm)
Phương pháp: Nhớ lại bối cảnh, nội dung bài thơ và kết hợp trí tưởng tượng phong phú Lời giải chi tiết: 1. Về hình thức - Nắm vững kĩ năng làm bài văn tự sự, biết kết hợp, đan xen các yếu tố miêu tả, thuyết minh, biểu cảm, nghị luận một cách chân thực, sinh động để bài viết đạt kết quả cao. - Trình bày đúng, đủ bố cục ba phần của bài làm; phân đoạn hợp lí. - Xác định ngôi kể: Ngôi thứ nhất, đan xen “tôi” là người kể, bác hoặc chú là người lính. - Biết sử dụng lời văn đốì thoại, độc thoại từ ngôi kể thích hợp. - Hành văn mạch lạc, trong sáng. Không có quá nhiều lỗi sai: lỗi dùng từ, ngữ pháp, diễn đạt, sai chính tả. - Thứ tự kể: có thể kể xuôi hoặc kể ngược. 2. Về nội dung - Kể chuyện: Cuộc gặp gỡ xúc động giữa em với người lính lái xe Trường Sơn. Cuộc gặp gỡ diễn ra vào lúc nào? Thời gian, địa điểm? Ấn tượng về cuộc gặp gỡ đó? - Không khí cuộc gặp gỡ, sự xuất hiện của người lính lái xe sau nhiều năm chiến tranh đã kết thúc: hình dáng, trang phục, nét mặt, nụ cười, đôi mắt, giọng nói... - Nội dung cuộc gặp gỡ: (kết hợp miêu tả, biểu cảm, đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm...) (bám vào nội dung của Bài thơ về tiểu đội xe không kính). + Người lính kể cho nhân vật “tôi” nghe về những chiếc xe không kính, biến dạng. + Cuộc sống sinh hoạt, đời sống tinh thần, tình cảm đồng đội. (Học sinh sáng tạo thêm dựa trên thực tế cuộc chiến tranh chống Mĩ ở Trường Sơn). + Hoàn cảnh chiến trường: bom đạn, con đường đầy bụi do bom đạn cày xới; mưa Trường Sơn và đặc biệt là những cơn mưa bom địch oanh tạc ngày đêm như thế nào... (Học sinh có thể liên tưởng đến sự hi sinh của những người lính Trường Sơn, sự hi sinh của đồng đội trong hoàn cảnh nguy hiểm, lòng dũng cảm, sự thông minh gan dạ đã vượt qua những hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ như thế nào? Những vết thương chiến tranh còn hằn trên thân thể của những người lính ra sao...). + Suy nghĩ của nhân vật “tôi” khi nghe kể những ngày tháng trong lửa đạn chiến tranh. + Công việc của những người lính trong hiện tại: cống hiến hết sức mình cho cuộc đời, cho dân tộc... - Kết thúc cuộc gặp gỡ: Suy nghĩ về cuộc chiến oanh liệt, hào hùng của dân tộc. - Tâm trạng của nhân vật “tôi” khi chia tay.
|