Đề kiểm tra giữa kì 2 lịch sử 6 - Đề số 4 có lời giải chi tiết

Đề kiểm tra giữa kì 2 lịch sử 6 - Đề số 4 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Đề bài

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ II

MÔN LỊCH SỬ - LỚP 6

Câu 1. Trang phục phụ nữ dưới thời kỳ Văn Lang là gì?

A. Áo sơ mi, quần âu, đi giầy.

B. Mặc váy, áo sơ mi.

 

C. Mặc quần, áo xẻ có yếm che ngực.

D. Mặc váy, áo xẻ có yếm che ngực

Câu 2. Trong nhiều hang động ở Hòa Bình - Bắc Sơn, người ta phát hiện được những lớp vỏ ốc dày 3 - 4m, chứa nhiều công cụ, xương thú điều đó cho thấy

A. Người nguyên thủy thường định cư lâu dài ở một nơi.

B.  Người nguyên thủy thường ăn ốc.

C. Thức ăn chủ yếu của người nguyên thủy là ốc.

D. Người nguyên thủy đã sống thành bầy rất đông.

Câu 3. Tại sao gọi là Âu Lạc?

A. Ghép tên hai tộc người Tây Âu và Lạc Việt.

B. Muốn an cư lạc nghiệp.

C. Cư dân chủ yếu là người Tây Âu.

D. Cư dân chủ yếu là người Lạc Việt.

Câu 4. Việc đúc một số đồ dùng bằng đồng hay làm một bình đất nung có gì khác so với làm một công cụ đá?

A. Đòi hỏi sự toàn kết của toàn bộ lạc.

B. Chỉ đòi hỏi sức lao động của một người.

C. Đòi hỏi sức khỏe và công sức của nhiều người hơn.

D. Chỉ đòi hỏi sức lao động của toàn làng xã.

Câu 5. Những dấu vết của người tối cổ được phát hiện ở đâu?

A. Nam Phi.

B. Gia-va (Indonexia).

C. Thái Lan.

D. Tây Âu.

Câu 6.Trong quá trình sinh sống của mình, cư dân ở Địa Trung Hải thường tập trung đông nhẩt ở

A.  Nông thôn.

B. Miền núi.

C. Trung du.

D. Thành thị.

Câu 7.Tại sao nhà nước Văn Lang chưa có pháp luật?

A. Do nhà nước Văn Lang mới thành lập, chưa thể đưa ra các hình thức pháp luật hợp lí.

B. Do điều kiện tổ chức nhà nước còn đơn giản, uy tín của vua và quý tộc quan liêu còn lớn nên mới chỉ có hình thức pháp luật khẩu truyền.

C. Do các vua Hùng muốn xây dựng một đất nước tự do, không bị lệ thuộc khuôn khổ pháp luật.

D. Do người dân chưa hiểu rõ pháp luật là gì nên chưa thể có pháp luật.

Câu 8. Những thành tựu văn hóa thời cổ đại còn được sử dụng đến ngày nay

A. Lịch, hình học, số học, chữ viết A, B, C.

B. Chữ tượng hình Ai Cập.

C. Thành Ba-bi-lon.

D. Đấu trường Rô-ma.

Câu 9.Di chỉ cục đồng, dây đồng, xỉ đồng được tìm thấy ở

A. Sơn Vi.

B. Óc Eo.

C. Phùng Nguyên.

D. Đồng Nai

Câu 10.Việc sáng tạo ra chữ viết có không có ý nghĩa gì?

A. Là một phát minh lớn của con người.

B. Là biểu hiện đầu tiên và cơ bản của văn minh loài người.

C. Là nhu cầu không thể thiếu khi xã hội phát triển.

D. Là cơ sở quan trọng tạo ra lịch pháp.

Câu 11. Nguyên tắc nào là cơ bản quan trọng trong việc tìm hiểu và học tập lịch sử?

A. Xác định không gian diễn ra các sự kiện.

B. Xác định mối quan hệ giữa các sự kiện.

C. Xác định chủ thể của sự kiện đã diễn ra.

D. Xác định thời gian xảy ra các sự kiện.

Câu 12. Kinh tế chủ đạo của các quốc gia phương Tây cổ đại là

A. buôn bán nô lệ.

B. nông nghiệp trồng cây lâu năm.

C. thủ công nghiệp và buôn bán bằng đường biển.

D. nông nghiệp trồng lúa nước.

Câu 13. Một thiên niên kỉ là bao nhiêu năm ?

A. 100 năm.

B. 1000 năm.

C. 10 năm.

D. 10000 năm. 

Câu 14. Từ thế kỉ VIII đến thế kỉ VII nước ta có rất nhiều bộ lạc. Trong đó bộ lạc Văn Lang cư trú ở

A. vùng đất ven sông Mã.

B. vùng đất trung du miền núi phía Bắc.

C. vùng đất ven sông Hồng - từ Ba Vì (Hà Tây) đến Việt Trì (Phú Thọ).

D. vùng đất ven sông Cửu Long.

Câu 15. Công cụ sản xuất thuộc nền văn hóa Đông Sơn không có đặc điểm nào sau đây?

A.  Số lượng công cụ đồng ngày càng tăng nhanh.

B. Các công cụ ngày càng phong phú, đa dạng về loại hình.

C. Có sự tiến triển về trình độ kĩ thuật và mĩ thuật.

D. Thuật luyện kim được phát minh từ sự phát triển của nghề làm gốm.

Câu 16. Bài học lớn nhất sau thất bại của An Dương Vương chống quân xâm lược Triệu Đà là

A. phải cảnh giác với quân thù.

B. phải có lòng yêu nước.

C. phải có tướng giỏi.

D. phải có vũ khí tốt

Câu 17. Điểm mới trong việc chế tác công cụ thời Hoà Bình - Bắc Sơn - Hạ Long là

A. Kĩ thuật mài đá.

B. Kĩ thuật cưa đá.

C.  Thuật luyện kim.

D.  Làm đồ gốm.

Câu 18. Trong lĩnh vực sử học, ở các nước Hi Lạp và Rô-ma cổ đại có các nhà sử học nổi tiếng nào?

A. Hê-rô-đốt,Tu-xi-đít.

B.  Hê-rô-đốt, Pla-tôn.

C. Tu-xi-đít, Stơ-ra-bôn. 

D. Tu-xi-đít, A-ri-xtốt.

Câu 19. Trong bộ luật Ham-mu-ra-bi có hai điều luật sau:

“Điều 42. Dân tự do thuê ruộng cày, nếu không có thóc thì người này bị coi là chưa hết sức chăm bón, phải lấy người bên cạnh làm tiêu chuẩn để nộp thóc cho chủ ruộng.

Điều 43. Nếu không cày cấy mà bỏ ruộng hoang thì người này phải căn cứ theo người bên cạnh để nộp thóc cho chủ ruộng và còn phải cày bừa ruộng đã bỏ hoang cho bằng phẳng rồi trả lại cho chủ ruộng”.

Hai điều luật trên cho thấy điều gì?

A. Chính sách cải cách ruộng đất thường xuyên của nhà nước.

B. Chinh sách chú trọng công tác thủy lợi của nhà nước.

C. Chính sách bảo vệ sức kéo trong nông nghiệp.

D. Chính sách quan tâm phát triển nông nghiệp của nhà nước.

Câu 20. Một trong những nguồn gốc xuất thân của tầng lớp nô lệ trong xã hội cổ đại phương Đông là

A. Tù binh của chiến tranh.

B. Nông dân không đóng đủ thuế.

C.  Buôn bán từ các nước khác đến.

D.  Quý tộc phản động.

Lời giải chi tiết

1. D

2. A

3. A

4. C

5. B

6. D

7. B

8. A

9. C

10. D

11. D

12. C

13. B

14. C

15. D

16. A

17. A

18. A

19. D

20. A

 

Câu 1

Phương pháp: SGK Lịch sử 6, trang 39.

Cách giải:

Trang phục phụ nữ dưới thời kỳ Văn Lang là mặc váy, áo xẻ có yếm che ngực.

Chọn D

Câu 2

Phương pháp: SGK Lịch sử 6, trang 28.

Cách giải:

Trong nhiều hang động ở Hòa Bình - Bắc Sơn, người ta phát hiện được những lớp vỏ ốc dày 3 - 4m, chứa nhiều công cụ, xương thú điều đó cho thấy người nguyên thủy thường định cư lâu dài ở một nơi.

Chọn A

Câu 3

Phương pháp: Dựa vào kiến thức đã học về nhà nước Âu Lạc để giải thích.

 Cách giải:

Tên nhà nước Âu Lạc xuất phát từ việc ghép tên hai tộc người Tây Âu và Lạc Việt. => Điều này thể hiện tinh thần hợp nhất dân tộc.

Chọn A

Câu 4

Phương pháp: SGK Lịch sử 6, trang 33, suy luận. 

Cách giải:

Việc đúc một số đồ dùng bằng đồng hay làm một bình bằng đất nung có nhiều điểm khác so với việc làm một công cụ đá:

- Công việc nặng nhọc, đòi hỏi sức khỏe và công sức của nhiều người hơn:

+ Một số công đoạn đúc đồng: làm khuôn - lọc quặng - nấu quặng - đổ khuôn.

+ Làm một bình đất nung: tìm đất sét - nhào nặn – nung dưới nhiệt độ cao.

- Làm một công cụ bằng đá nhẹ nhàng hơn, chỉ đòi hỏi sức lao động của một người: tìm đá - ghè đẽo hoặc mài.

Chọn C

Câu 5

Phương pháp: SGK Lịch sử 6, trang 8.

Cách giải:

Những dấu vết của người tối cổ được phát hiện ở miền Đông châu Phi, trên đảo Gia-va (In-đô-nê-xi-a), ở gần Bắc Kinh (Trung Quốc),…

Chọn B

Câu 6

Phương pháp: phân tích, đánh giá.

Cách giải:

Xuất phát từ nền kinh tế chính của các quốc gia cổ đại phương Tây là thủ công nghiệp và thương nghiệp. Các hoạt động buôn bán trao đổi hàng hóa khiến con người cần tụ tập xung quanh các khu vực buôn bán sầm uất, đó chính là các thành thị. Khác với cứ dân trong xã hội cổ đại phương Đông do lấy nghề nông làm chính nên có xu hướng quần cư ở nhưng vùng đồng bằng màu mỡ.

Chọn D

Câu 7

Phương pháp: Giải thích.

Cách giải:

- Đáp án A loại vì trải qua 18 đời vua Hùng là thời kì dài, nếu nói mới thành lập chưa thể đưa ra luật pháp hợp lí thì có chăng chỉ đúng ở thời kì đầu.

- Đáp án B chọn vì nhà nước Văn Lang chưa có pháp luật do điều kiện tổ chức nhà nước còn đơn giản, uy tín của vua và quý tộc quan liêu còn lớn nên mới chỉ có hình thức pháp luật khẩu truyền.

- Đáp án C loại vì nếu không có luật pháp thì đất nước sẽ rối ren, khó bề cai trị, điều hành và triển khai các hoạt động.

- Đáp án D loại vì để điều hành đất nước thì chắc chắn phải dựa vào 1 hệ thống luật pháp, dù lúc này chưa có luật thành văn như thời phong kiến.

Chọn B

Câu 8

Phương pháp: liên hệ.

Cách giải:

Những thành tựu văn hóa thời cổ đại còn được sử dụng cho tới ngày nay bao gồm: Lịch, hình học, số học, chữ viết A, B, C.

Chọn A

Câu 9

Phương pháp: SGK Lịch sử 6, trang 32.

Cách giải:

Di chỉ cục đồng, dây đồng, xỉ đồng được tìm thấy ở Phùng Nguyên, Hoa Lộc.

Chọn C

Câu 10

Phương pháp: suy luận.

Cách giải:

- Đáp án A, B, C đều là ý nghĩa sự ra đời của chữ viết.

- Đáp án D: cơ sở hình thành lịch pháp là do con người biết quan sát các hiện tượng thiên nhiên (sự di chuyển của Trái Đất, Mặt Trời) và ghi lại chúng.

Chọn D

Câu 11

Phương pháp: sgk trang 4.

Cách giải:

Muốn hiểu và dựng lại lịch sử cần phải sắp xếp tất cả các sự kiện đó lại theo thứ tự thời gian. Xác định thời gian xảy ra các sự kiện là một nguyên tắc cơ bản quan trọng trong việc tìm hiểu và học tập lịch sử.

Chọn D

Câu 12

Phương pháp: SGK Lịch sử 6, trang 15.

Cách giải:

Kinh tế chủ đạo của các quốc gia phương Tây cổ đại là thủ công nghiệp và buôn bán bằng đường biển.

Chọn C

Câu 13

Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 7, suy luận.

Cách giải:

- 1 thế kỉ: 100 năm

- 1 thập kỉ: 10 năm

- 1 thiên niên kỉ: 1000 năm

Chọn B

Câu 14

Phương pháp: SGK Lịch sử 6, trang 36.

Cách giải:

Từ thế kỉ VIII đến thế kỉ VII nước ta có rất nhiều bộ lạc. Trong đó bộ lạc Văn Lang cư trú ở vùng đất ven sông Hồng - từ Ba Vì (Hà Tây) đến Việt Trì (Phú Thọ).

Chọn C

Câu 15.

Phương pháp: nhận xét, đánh giá.

Cách giải:

Công cụ sản xuất của nền văn hóa Đông Sơn mang những đặc điểm sau đây:

- Công cụ sản xuất, đồ đựng, đồ trang sức đều phát triển hơn trước.

- Đồ đồng gần như thay thế đồ đá.

- Các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng loạt công cụ, vũ khí đồng như: lưỡi cày, lưỡi giáo, mũi tên, … có hình dàng và trang trí hoa văn giống nhau ở nhiều nơi trên đất Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, nhất là ở vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã, sông Cả.

=> Như vậy công cụ sản xuất của nền văn hóa Đông Sơn có những đặc điểm sau:

- Số lượng công cụ bằng đồng tăng nhanh.

- Công cụ ngày càng phong phú, đa dạng về loại hình.

- Có sư tiến triển về trình độ kĩ thuật và mĩ thuật.

Chọn D

Chú ý khi giải:

Đáp án D là đặc điểm của công cụ thời kì Phùng Nguyên, Hoa Lộc.

Câu 16

Phương pháp: Liên hệ, rút ra bài học.

Cách giải:

Bài học lớn nhất sau thất bại của An Dương Vương chống quân xâm lược Triệu Đà là phải cảnh giác với quân thù.

Chọn A

Câu 17

Phương pháp: sgk trang 27, suy luận.

Cách giải:

Trước đó, con người mới biết ghè đẽo những hòn cuội, đá dùng để chặt đập. Trong khi đó, thời Hoà Bình - Bắc Sơn - Hạ Long con người đã biết đến kĩ thuật mài đá, số công cụ đá được mài ở lưỡi như rìu ngắn, rìu có vai ngày càng nhiều. Đây cùng chính là điểm mới trong việc chế tác công cụ thời Hòa Bình – Bắc Sơn – Hạ Long.

Chọn A

Câu 18

Phương pháp: sgk trang 18.

Cách giải:

Trong lĩnh vực sử học, ở các nước Hi Lạp và Rô-ma cổ đại có các nhà sử học nổi tiếng như: Hê-rô-đốt,Tu-xi-đít.

Chọn A

Chú ý khi giải:

- Platon, A-ri-xtốt: triết học.

- Stơ-ra-bôn: địa lý.

Câu 19

Phương pháp: nhận xét, đánh giá

Cách giải:

Qua hai điều luật: điều 42, 43 trong bộ Luật Ham-mu-ra-bi cho thấy: Nhà nước rất quan tâm phát triển nông nghiệp. Người cày thuê ruộng phải làm việc hết sức vất vả. Ruộng đất giao cho nông dân đảm bảo người dân phải tích cực cày cấy, không được bỏ hoang và hết sức chăm bón.

Chọn D

Câu 20

Phương pháp: suy luận. 

Cách giải:

Nô lệ trong xã hội cổ đại phương Đông chiếm số lượng không nhiều, chủ yếu xuất thân từ hai nguồn:

- Tù binh của chiến tranh.

- Nông dân nghèo không trả được nợ.

Chọn A

 HocTot.Nam.Name.Vn

Tham Gia Group Dành Cho 2K13 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close