Đề kiểm tra 1 tiết Văn 9 - Đề số 15Tải vềĐáp án và lời giải chi tiết Đề kiểm tra 45 phút - Đề số 15 - Học kì 2 - Ngữ văn 9 Đề bài Đề 1: Phân tích vẻ đẹp của bài thơ Sang thu - Hữu Thỉnh. Đề 2: Suy nghĩ của em về bài thơ Nói với con của Y Phương. Lời giải chi tiết Đề số 1:
Phương pháp: Nhớ lại nội dung bài thơ Lời giải chi tiết: Dàn bài chi tiết a. Mùa thu đến thường mang sắc vàng mơ phai của lá được tạo hoá dệt nên giữa muôn ngàn cây. Nhưng với Hữu Thỉnh lại là: Bỗng nhận ra hương ổi Phả vào trong gió se. - Hương ổi của vườn quê phả vào trong làn gió thu se lạnh. Cái hương vị nồng nàn ấy nơi vườn quê miền Bắc, mà có lẽ mỗi tuổi thơ của ta sẽ mang theo suốt đời. Nó gợi nhớ về quê hương quen thuộc. - Nhà thơ dùng từ “phả” gợi, đem đến cho người đọc những liên tưởng về màu vàng khươm của lá, về hương ổi thơm lừng, tỏa ra từ những trái ổi chín trong những ngày cuối hạ đầu thu. Vì gió thu se lạnh nên hương ổi mới thơm nồng lên “phả” vào đất trời và hồn người. Hương ổi trong bài là một tứ thơ mới, đậm đà màu sắc dân dã của Hữu Thỉnh. Sương chùng chình qua ngõ Hình như thu đã về. “Sương thu” nhỏ li ti được nhân hoá. Hai từ láy “chùng chình” diễn tả rất thơ bước đi chầm chậm của mùa thu về. Thiên nhiên được cảm nhận từ vô hình “hương ổi, gió thu se lạnh” đến mờ ảo “sương chùng chình”. Nếu “bỗng nhận ra” biểu lộ cảm xúc ngạc nhiên thì hai chữ “hình như” thể hiện sự phỏng đoán, một nét thu mơ hồ, vừa chợt phát hiện và cảm nhận. Vần điệu và nhạc điệu của đoạn thơ đã khiến giọng thơ nhẹ nhàng, mênh mang, gợi cảm; bộc lộ tâm trạng ngỡ ngàng, cảm xúc bâng khuâng, lưu luyến và bịn rịn của nhà thơ. b. Không gian nghệ thuật của bức tranh sang thu được mở rộng bởi chiều cao, độ rộng của bầu trời, ở chiều dài của dòng sông, ở cánh chim bay và đám mây trôi: Sông được lúc dềnh dàng Chim bắt đầu vội vã Có đám mây mùa hạ Vắt nửa mình sang thu. Sông ở miền Bắc vào thu trong xanh, êm đềm trôi. Sông “dềnh dàng”, nhẹ nhàng trôi như cố tình chậm lại. Chim bay “vội vã” để đổi mùa tránh rét. “Dòng sông - cánh chim - đám mây mùa hạ” đều được nhân hoá, làm cho bức tranh đầu thu trở nên hữu tình, chan chứa thi vị. Cách chọn từ ngữ độc đáo, sáng tạo. Tác giả cảm nhận khoảnh khắc giao mùa không chỉ bằng thị giác mà còn là sự cảm nhận bằng chính tâm hồn tinh tế, nhạy cảm bằng một tình yêu thiên nhiên tha thiết của tác giả. c. Nhà thơ cảm nhận và suy ngẫm khi nhìn cảnh vật trong những ngày thu: Vẫn còn bao nhiêu nắng Đã vơi dần cơn mưa Sấm cũng bớt bất ngờ Trên hàng cây đứng tuổi. “Nắng, mưa, sấm” là hiện tượng của thiên nhiên trong thời điểm giao mùa được thi sĩ cảm nhận rất tinh tế. Các từ ngữ: vẫn còn, đã vơi dần, cũng bớt bất ngờ đã gợi tả rất hay thời lượng hiện hữu của sự vật, của thiên nhiên như của mưa thu, nắng thu, tiếng sấm của buổi đầu thu. Mùa hạ như níu giữ mùa thu, vương vấn mùa thu đất trời. Cảnh vật thiên nhiên vào thu không còn giật mình, bất ngờ bởi tiếng sấm mùa hạ. “Hàng cây đứng tuổi” là hình ảnh gợi tả, mang tính ẩn dụ sâu sắc và kín đáo. Khi con người đã từng trải, được tôi luyện trong nhiều gian khổ, khó khăn thử thách thì cũng vững vàng, bình tĩnh hơn trước những tác động bất thường của ngoại cảnh cuộc đời. Hai câu thơ không chỉ tả cảnh sang thu mà còn chất chứa suy nghiệm về con người, về cuộc sống. d. Bài thơ kết hợp hài hoà những phương thức tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận gợi lên cảm xúc thu nhẹ nhàng, bình dị mà cũng rất trí tuệ. Cả bài thơ viết về khoảnh khắc buổi giao mùa nhưng nhà thơ không hề sử dụng màu sắc để vẽ lên cảnh thu mà chỉ là một vài nét chấm phá. Tả ít mà gợi nhiều, làm hiện lên cái hồn thu thanh nhẹ, trong sáng, êm đềm, đầy đủ dư vị của mùa thu trên miền Bắc nước ta. Đề số 2:
Phương pháp: Nhớ lại nội dung bài thơ Lời giải chi tiết: Dàn bài chi tiết: a. Tình thương của cha mẹ đối với con và quê hương đối với con từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành. - Tình thương của cha mẹ đối với con: Chân phải bước tới cha Chân trái bước tới mẹ ... Hai bước tới tiếng cười. ⟶ Cách diễn đạt của người miền núi bình dị, hồn nhiên, mộc mạc. Điệp ngữ “bước tới” và từ gợi tả “chạm” dùng rất khéo làm nổi bật cái hồn của một gia đình hạnh phúc; không khí gia đình thật ấm áp, thật êm đềm. - Tình thương của quê hương đối với con: Người đồng mình yêu lắm con ơi... Con đường cho những tấm lòng... ⟶ Từ “hoa”, “câu hát”, “tấm lòng” trong đoạn thơ rất ý vị. “Con đường” không chỉ để đi ngược về xuôi, lên non xuống biển mà còn cho những tấm lòng nhân hậu, bao dung. Đó là con đường tình nghĩa. Thiên nhiên, núi rừng, con đường che chở, nuôi dưỡng tâm hồn con người lẫn lối sống. Đối với Y Phương, “con đường” mà nhà thơ nói với con là hình bóng thân thuộc của quê hương. Con đường tình nghĩa ấy được nhà thơ Y Phương nói lên một cách hàm súc, giản dị: “Con đường cho những tấm lòng”. b. Phẩm chất cao quý của người “đồng mình” và mong ước của người cha đốì với con. - Phẩm chất cao quý của người “đồng mình”: ... Sống trên đá không chê đá gập ghềnh Sống trong thung không chê thung nghèo đói Sống như sông như suối Lên thác xuống ghềnh Không lo cực nhọc... ⟶ Người đồng mình không những khéo léo, tình nghĩa, tài hoa mà còn có những phẩm chất vô cùng cao quý, đáng thương lắm con ơi! “Cao đo nỗi buồn/ Xa nuôi chí lớn” đúc kết một thái độ, một phương châm ứng xử cao quý, thể hiện bản lĩnh sống đẹp của người dân tộc Tày. Các từ “cao đo, xa nuôi” là cách nói cụ thể của người dân tộc Tày. ⟶ Người đồng mình thô sơ da thịt ... Còn quê hương thì làm phong tục. Trải dài bao năm tháng sống cơ cực, người “đồng mình” vẫn gìn giữ một nếp sông tốt đẹp, giữ gìn bản chất dân tộc, tinh thần nhân văn và bản lĩnh của dân tộc Tày. Cách nói mộc mạc, giản dị “thô sơ da thịt”, “chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con/ Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương” để khẳng định và ngợi ca tinh thần cần cù, chịu khó trong lao động. Sống giản dị, chất phác, thật thà thì không hề nhỏ bé trước thiên hạ. ⟶ Hình ảnh so sánh “Sống như sông như suôi”, điệp ngữ “sống, không chê”. Những thành ngữ dân gian “lên thác xuống ghềnh” đã khẳng định một tâm thế, bản lĩnh, môt dáng đứng của dân tộc Tày. - Niềm mong ước của người cha đối với con: Con ơi tuy thô sơ da thịt Lên đường Không bao giờ nhỏ bé được Nghe con. ⟶ Lời cuối nói với con của người cha càng trở nên tha thiết, với lời thơ giản dị, chắc nịch mà thấm thía lòng người. Hai tiếng “nghe con” là cả một tấm lòng của người cha rất thương con, một không khí ấm áp tình cha con. c. Tràn ngập bài thơ là tình thương con, là niềm tự hào của quê hương xứ sở và những lời ngợi ca về phẩm chất cao đẹp của "người đồng mình" như một điệp khúc ngân vang dào dạt: Người đồng mình yêu lắm con ơi Người đồng mình thương lắm con ơi Người đồng mình thô sơ da thịt Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương. Đó là lời nhắc nhở con hãy sống xứng đáng với tình yêu mà cha mẹ và quê hương đã dành cho con. Cha khuyên con phải có cốt cách, giản dị của người đồng mình. Cha nhắc con khi nên người không được sống tầm thường nhỏ bé mà phải biết sống có tình nghĩa, chung thủy với quê hương. Nguồn: Sưu tầm
|