Đề kiểm tra 15 phút - Đề số 5 - Chương I - Phần 2 - Lịch sử 10Đáp án và lời giải chi tiết Đề kiểm tra 15 phút - Đề số 5 - Chương 1 - Việt Nam từ thời nguyên thủy đến thế kỉ X - Lịch sử 10 Đề bài I. TRẮC NGHIỆM (6 điểm) Câu 1. Nhà Triệu đã tổ chức bộ máy cai trị như thế nào sau khi chiếm được Âu Lạc? A. Chia Âu Lạc thành 2 quận, sáp nhập vào quốc gia Nam Việt. B. Chia Âu lạc thành nhiều châu để dễ bề cai quản. C. Cử quan lại cai trị đến cấp huyện. D. Âu Lạc sáp nhập vào quân Giao Chỉ. Câu 2. Đâu là mâu thuẫn bao trùm trong xã hội nước ta thời kì Bắc thuộc? A. địa chủ với nông dân. B. tư sản với công nhân. C. quý tộc với nông dân. D. nhân dân với chính quyền đô hộ phương Bắc. Câu 3. Tôn giáo nào được các triều đại phong kiến phương Bắc truyền bá vào nước ta từ thế kỉ I TCN đến thế kỉ X? A. Phật giáo. B. Đạo giáo. C. Nho giáo. D. Kitô giáo. Câu 4. Mục đích cuối cùng của các triều đại phong kiến phương Bắc khi thiết lập bộ máy cai trị trên đất nước ta là gì? A. Thành lập quốc gia riêng của người Hán. B. Thành lập quốc gia mới thần phục phong kiến Trung Quốc. C. Sáp nhập nước ta vào lãnh thổ của chúng. D. Phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân Âu Lạc. Câu 5. Ý nào không phản ánh đúng chuyển biến về thủ công nghiệp và thương nghiệp của nước ta thời Bắc thuộc? A. Một số nghề thủ công mới xuất hiện. B. Việc giao thương với nước ngoài khởi sắc hơn hẳn. C. Đường giao thông thủy bộ giữa các vùng, quận được hình thành. D. Thủ công nghiệp có bước phát triển mới. Câu 6. Đặc trưng nào khiến các làng xóm người Việt trở thành nơi xuất phát của các cuộc đấu tranh giành độc lập dưới thời kì Bắc thuộc? A. Tính khép kín và có tính bền vững. B. Tính mở rộng và có sự lỏng lẻo nhất định. C. Tính cố hữu và ảnh hưởng từ bên ngoài. D. Tình phát triển và là trung tâm buôn bán quan trọng. II. TỰ LUẬN (4 điểm) Trình bày những chính sách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc đối với nhân dân ta về kinh tế và văn hóa. Vì sao nhân dân ta vẫn giữ được tiếng nói, phong tục tập quán của mình trước những âm mưu và thủ đoạn đồng hóa về văn hóa của phong kiến phương Bắc? Lời giải chi tiết ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT I. TRẮC NGHIỆM
Câu 1. Phương pháp: sgk trang 80. Cách giải: Sau khi chiếm được Âu Lạc, nhà Triệu chia Âu Lạc thành 2 quận, sáp nhập vào quốc gia Nam Việt. Chọn: A Câu 2. Phương pháp: sgk trang 82. Cách giải: Mâu thuẫn bao trùm trong xã hội nước ta thời kì Bắc thuộc là mâu thuẫn giữa nhân dân ta với chính quyền đô hộ phương Bắc. => Mặc dù chính quyền phương Bắc đã tăng cường các biện pháp cai trị nhưng cũng không khống chế được các cuộc đấu tranh giành độc lập diễn ra mạnh mẽ. Chọn: D Câu 3. Phương pháp: sgk trang 81. Cách giải: Các triều đại phong kiến phương Bắc truyền bá Nho giáo vào nước ta, bắt nhân dân phải theo phong tục của người Hán. Chọn: C Câu 4. Phương pháp: sgk trang 80, suy luận. Cách giải: Sau khi chiếm được Âu Lạc, nhà Triệu chia thành hai quận, sáp nhập vào quốc gia Nam Việt. Thời nhà Hán, Âu Lạc được chia thành 3 quận, sáp nhập vào bộ Giao Chỉ cùng một số quận của Trung Quốc. Đến thời nhà Tùy và nhà Đường, nước ta bị chia thành nhiều châu. Như vậy, việc chia nhỏ và sáp nhập lãnh thổ nước ta vào lãnh thổ Trung Quốc là mục đích của các triều đại phong kiến phương Bắc để dễ bề cai trị và bóc lột nhân dân ta, nhằm biến nước ta thực sự thành một quận, huyện của Trung Quốc. Chọn: C Câu 5. Phương pháp: sgk trang 82, suy luận. Cách giải: Thủ công nghiệp, thương mại dưới thời kì Bắc thuộc có sự chuyển biến đáng kể: - Nghề cũ phát triển hơn: Rèn sắt, khai thác vàng bạc làm đồ trang sức. - Một số nghề mới xuất hiện như làm giấy, làm thủy tinh. - Đường giao thông thủy bộ giữa các quận, vùng hình thành. Đáp án B: không phải là chuyển biến về kinh tế của Việt Nam thời kì Bắc thuộc. Chọn: B Câu 6. Phương pháp: Phân tích, đánh giá. Cách giải: Các làng xã/ làng xóm Việt Nam có tính khép kín và tính bền vững: - Tính khép kín: các làng xã người Việt có phạm vi nhỏ được bao quanh bởi các “lũy tre làng”, các thành viên có sự cố kết với nhau trong môi trường sống hẹp, dễ dàng liên kết với nhau để chiến đấu. Đây cũng là đơn vị khó quản lí nhất cả dưới thời kì Bắc thuộc cho đến thời kì phong kiến độc lập sau này. - Tính bền vững: các làng xã người Việt có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau và danh giới giữa các làng cũng ít khi có sự thay đổi nếu không có những biến động thực sự lớn hoặc cả một cuộc cải cách hành chính trên quy mô cả nước. Đặc điểm này khiến cho những hoạt động ngầm của người Việt các triều đại phong kiến phương Bắc khó có thể quản lí triệt để. => Như vậy, làng xóm/làng xã mang hai đặc điểm nổi bật này là nhân tố quan trọng biến nơi này trở thành nơi xuất phát của các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Chọn: A II. TỰ LUẬN Phương pháp: sgk trang 80, 81, suy luận. Cách giải: Những chính sách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc đối với nhân dân ta: * Kinh tế: - Thi hành chính sách bóc lột, cống nạp đối với nhân dân ta: bắt nộp những thứ lâm thổ sản quý, cướp ruộng đất lập đồn điền, nắm độc quyền muối và sắt. => Nhằm hạn chế sự phát triển sản xuất, duy trì sự nghèo nàn, lạc hậu. * Văn hóa: - Mở trường dạy chữ Hán, truyền bá Nho giáo vào Việt Nam. - Bắt nhân dân ta thay đổi phong tục theo người Hán. - Đưa người Hán ở lẫn với người Việt. - Áp dụng luật pháp hà khắc, thẳng tay đàn áp các cuộc nổi dậy của nhân dân ta. => Nhằm đồng hóa dân tộc Việt Nam. Nhân dân ta vẫn giữ được tiếng nói, phong tục tập quán của mình trước những âm mưu và thủ đoạn đồng hóa về văn hóa của phong kiến phương Bắc vì: - Tiếp thu những yếu tố tích cực của văn hóa Trung Hoa, đồng thời cải biến cho phù hợp với thực tiễn văn hóa dân tộc Việt. - Ý thức bảo vệ, duy trì và phát triển nền văn hóa dân tộc. HocTot.Nam.Name.Vn
|