Cây lúa trong đời sống người Việt Nam ( Bài 4 )Cây lúa đã từ lâu gắn bó với người dân Việt Nam. Nó không chỉ tượng trưng cho một nền nông nghiệp, một nền văn minh lúa nước phát triển mà nó còn là hiện thân tinh thần trong đời sống của người dân Việt Nam. Cây lúa đã từ lâu gắn bó với người dân Việt Nam. Nó không chỉ tượng trưng cho một nền nông nghiệp, một nền văn minh lúa nước phát triển mà nó còn là hiện thân tinh thần trong đời sống của người dân Việt Nam. Có lẽ đi khắp Việt Nam, nơi đâu ta cũng có thể bắt gặp những cánh đồng lúa rộng bát ngát. Từ những cánh đồng lúa ven châu thổ sông Hồng, ngày ngày được phù sa bồi đắp cho đến những ruộng lúa hình bậc thang, tạo thành một vòng cung xanh mướt. Mỗi vùng lại trồng một giống lúa khác nhau, có những giống lúa rất độc đáo như lúa nổi, lúa trời... cho thấy sự phong phú của đồng đất quê hương. Lúa là cây lương thực chính của Việt Nam. Từ xa xưa đã có truyền thuyết Bánh chưng, Bánh giầy kể về chàng Lang Liêu được thần báo mộng, đem gạo ra làm hai loại bánh có tên là bánh chưng, bánh giầy để biếu vua cha. Giữa biết bao sơn hào hải vị, hai thứ bánh dân dã đó đã được chọn để cúng trời đất như muốn tôn vinh giá trị của hạt gạo, giá trị của cây lúa trong đời sống của dân tộc Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến là giá trị về vật chất. Từ biết bao nhiêu năm nay, cây lúa được coi là nguồn lương thực chính. Nhờ có hạt gạo, nhờ có cây lúa mà Việt Nam không những đã đáp ứng đầy đủ vấn đề lương thực trong nước mà còn là nước đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo. Không chỉ có vậy, cây lúa còn cung cấp hạt gạo để chế biến ra nhiều món ăn nổi tiếng, đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Từ bánh chưng, bánh giầy cho đến sợi bún, cơm lam... tất cả đều được làm từ hạt gạo dẻo bùi. Chúng ta ăn một miếng bánh chưng hay một bát bún nhưng dường như đã gói trọn tất cả hương thơm, vị dẻo bùi của hạt gạo. Cây lúa không chỉ góp phần xây dựng đời sống của người dân Việt Nam mà còn mang một ý nghĩa tinh thần hết sức to lớn. Nhắc đến cây lúa là nhắc đến những món ăn thơm thảo dùng để cúng tổ tiên. Câu chuyện của Lang Liêu lấy gạo làm bánh đã trở thành một phong tục đẹp của người dân Việt Nam. Mỗi dịp Tết, lễ đặc biệt là Tết Nguyên đán, nhà nào cũng phải có một cặp bánh chưng như thể muốn dâng lên tổ tiên tất cả tinh hoa của trời đất, của thiên nhiên trong từng hạt gạo trắng ngần. Quả thực, cây lúa đã xây dựng nên một nền ẩm thực đặc sắc của Việt Nam. Nếu như mùa xuân đã có bánh chưng, bánh giầy thì đến mùa hạ, người ta lại được thưởng thức vị dẻo bùi của hạt gạo, vị thơm ngon của bún trong bát bún riêu cua. Mùa thu đến nhắc người ta nhớ tới một món quà đặc biệt, đó là cốm. Ăn chuối chấm cốm làm ta được tận hưởng vị ngọt ngào của trái cây xen lẫn hương thơm của những hạt cốm ấp ủ trong chiếc lá sen. Đến mùa đông, một bát xôi nóng làm ta quên đi cái lạnh giá của thời tiết. Cây lúa không chỉ xây dựng nên một nền ẩm thực phong phú mà nó còn là tượng trưng của một nền văn minh lúa nước lâu đời. Cây lúa còn là một đề tài sáng tác, đã đi vào biết bao lời ru, câu hát... Suốt mấy chục năm qua, cây lúa đã gắn liền với đời sống vật chất cũng như góp phần làm đẹp thêm giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam. Đất nước ta đang tiến dần đến công nghiệp hoá nhưng đừng quên những cánh đồng lúa rộng lớn mênh mông, những cánh đồng đi suốt cuộc đời của mỗi người dân Việt Nam. Loigiaihhay.com
|