Cảm nhận của em về sự tích Bánh chưng bánh giầyTrong truyện cổ dân gian, sự xuất hiện của Thần, Tiên, Bụt, Phật... đã tạo nên yếu tố hoang đường, kì ảo. Những nhân vật siêu nhiên ấy nhằm giúp đỡ, độ trì người nghèo, bênh vực kẻ yếu, ban phép lạ cho người tốt, và trừng phạt những kẻ xấu xa, gian ác
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Dàn ý 1. Mở bài - Bánh chưng, bánh giầy vốn là loại bánh xuất hiện từ rất lâu đời trong văn hóa ẩm thực của người Việt, đặc biệt trong dịp tết Nguyên Đán thì lại càng không thể thiếu. - Truyền thuyết Bánh chưng bánh giầy là câu chuyện giải thích cho sự ra đời của hai thứ bánh với nhiều ý nghĩa tốt đẹp. 2. Thân bài a. Bối cảnh - Đời vua Hùng thứ Sáu, đất nước đã yên bình, nhiệm vụ mới là làm sao duy trì được cảnh thịnh trị, nhân dân ấm no. - Vua Hùng tuổi cao sức yếu, cần một người tài giỏi nối ngôi. - Vua nghĩ ra cuộc thi tài làm cỗ cúng Tiên Vương, với dụng ý mà không ai đoán được. b. Lang Liêu - Hoàn cảnh: Con thứ 18, mẹ mất sớm, bị ghẻ lạnh, quanh năm với ruộng đồng, nhà không có gì ngoài khoai sắn. - Phẩm chất: + Sống giản dị, gần gũi với nhân dân, gắn bó với đồng ruộng, cần cù, chăm chỉ và biết quý trọng những thành quả lao động mình làm ra. + Biết tôn kính tổ tiên, kính trọng cha mẹ. + Được thần tiên giúp đỡ, thông minh, kiên nhẫn, cần cù tạo ra hai thứ bánh ngon và nhiều ý nghĩa dâng lên tổ tiên. c. Ý nghĩa bánh chưng bánh giày - Biểu trưng cho trời và đất song hành, là lòng tôn kính của con cháu với ông bà. - Tượng trưng cho những sản phẩm của nghề trồng trọt và chăn nuôi, là biểu tượng cho những sản vật của nghề nông, là sự đề cao nghề nông nghiệp truyền thống của nước ta. - Thể hiện những phẩm chất cao đẹp của người Việt ta, biết đùm bọc chở che, sống khiêm nhường giản dị. => Bánh chưng, bánh giầy không chỉ quý ở chỗ ngon mà còn quý phần nhiều ở ý nghĩa và công sức sáng tạo của người làm, chứng tỏ được cả cái chí, cái tài và cái nhân phẩm đạo đức đáng quý của Lang Liêu, ngoài chàng ra chẳng ai có thể xứng đáng với ngôi vua hơn cả. 3. Kết Bài - Bánh chưng, bánh giầy là một truyền thuyết vừa hấp dẫn vừa giải thích được sự ra đời đặc biệt của hai thứ bánh truyền thống. - Phản ánh những thành tựu trong nền nông nghiệp của đất nước ta vào những năm đầu dựng nước, ca ngợi tinh thần lao động miệt mài, sự sáng tạo trong công việc, đề cao những đức tính tốt đẹp của con người trong cuộc sống và tục lệ thờ cúng tổ tiên, trời đất. Bài mẫu Trong truyện cổ dân gian, sự xuất hiện của Thần, Tiên, Bụt, Phật... đã tạo nên yếu tố hoang đường, kì ảo. Những nhân vật siêu nhiên ấy nhằm giúp đỡ người nghèo, bênh vực kẻ yếu, ban phép lạ cho người tốt, và trừng phạt những kẻ xấu xa, gian ác. Truyện cổ tích Bánh chưng bánh giầy cũng có hai nhân vật Thần. Thần xuất hiện trong giấc mộng, mách bảo Lang Liêu làm bánh để lễ Tiên Vương. Nói rằng: Nhờ có Thần mách bảo mà Lang Liêu mới được nối ngôi vua tuy đúng, nhưng chưa thật đầy đủ. Đó là vì ý kiến ấy chưa đề cập đến yếu tố con người, vai trò con người. Đó là Lang Liêu và nhà vua. Lang Liêu là một hoàng tử chỉ chăm lo việc đồng áng trồng lúa, trồng khoai... Đó là một hoàng tử giàu lòng nhân đức, rất cần cù, sống gần dân, biết trọng nghề nông là nghề căn bản của dân tộc. Ông mồ côi mẹ, vì thế mà trở nên bị "lép vế" trong hoàng tộc nên mới được Thần hiến kế và độ trì. Chuyện kể Lang Liêu gặp Thần trong giấc mộng, có nghĩa là Lang Liêu được lòng dân, bởi lẽ: Thần bảo như nhân bảo. Lang Liêu là một con người rất sáng tạo. Thần chỉ nói về giá trị của gạo, và mách bảo Lang Liêu nên lấy gạo để làm bánh, chứ không chỉ vẽ cách thức cụ thể làm bánh ra sao. Thế nhưng Lang Liêu đã biết lấy gạo nếp đem vo sạch, lấy đỗ đãi và thịt lợn làm nhân, lấy lá giong gói thành bánh hình vuông đem nấu chín; biết đồ gạo nếp, giã nhuyễn, nặn thành hình tròn. Lang Liêu đã sử dụng chất liệu sẵn có của nhà nông, của quê hương xứ sở, sáng tạo thành hai thứ bánh rất ngon. Anh rất xứng đáng nhận mọi phần thưởng cao quý. Bánh của Lang Liêu sáng tạo nên không chỉ ngon mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu xa, tốt đẹp. Bánh giầy tượng Trời; bánh chưng tượng Đất; thịt mỡ, đậu xanh, lá giong là tượng cầm thú, cây cỏ muôn loài. Có thể nói đó là sự hoà hợp giữa con người với đất trời, thiên nhiên tạo vật. Lá giong bọc ngoài, mĩ vị để trong là ngụ ý đùm bọc nhau. Vua Hùng qua chiếc bánh chưng xanh gói bằng lá giong mà nêu cao bài học thương yêu, đoàn kết. Nhà vua ngầm nhắc các hoàng tử và quần thần bài học giữ nước. Bánh chưng bánh giầy với biểu tượng cao quý ấy đã thể hiện cái tâm và cái tài, nhất là lòng trung hiếu của Lang Liêu. Lang Liêu đã làm vừa ý vua cha, biết nối chí vua cha, xứng đáng dược vua Hùng truyền ngôi báu, có Tiên Vương chứng giám. Truyện cổ tích này đã giải thích nguồn gốc và tính nhân văn của bánh chưng, bánh giầy. Truyện đã biểu lộ niềm tự hào về một nét tuyệt đẹp: hương vị của đất nước ta rất phong phú, hương vị Tết cổ truyền dân tộc rất dậm đà. Đó chính là bản sắc tốt đẹp của nền văn hiến Việt Nam. Sâu xa hơn nữa, sự tích Bánh chưng, bánh giầy còn thể hiện ý thức lấy nước, lấy dân làm gốc, coi trọng nghề nông, quý hạt gạo, biết ơn tổ tiên, kính Trời, Đất với tất cả tấm lòng hồn hậu, chân thành của con người Việt Nam chúng ta.
|