Bình giảng đoạn thơ Kiều ở lầu Ngưng Bích (bài 2).

Thiết tưởng không cần chú giải, chỉ đọc những câu thơ ấy, đã thấy tất cả cái heo hút mênh mông của cảnh; cái cô đơn và những ngổn ngang, bề bộn của tâm tư con người.

      Nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng viết: "Tiếng nói Việt  Nam trong Truyện Kiều như làm bằng ánh sáng vậy, nó trong suốt như dòng suối, dòng suối long lanh đáy nước in trời".., Dòng suối ấy hòa tan và làm trong trẻo cả những điển tích, những từ Hán Việt xa lạ để biến nó thành thơ, thành nhạc trong tiếng nói Việt Nam. Đặc biệt ở những đoạn diễn tả trực tiếp tâm trạng, những tình cảm sâu sắc, chân thực của con người, lời thơ càng giản dị truyền cảm:

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.

Bốn bề bát ngát xa trông,

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng..."

         Thiết tưởng không cần chú giải, chỉ đọc những câu thơ  ấy, đã thấy tất cả cái heo hút mênh mông của cảnh; cái cô đơn và những ngổn ngang, bề bộn của tâm tư con người. Kiều ở lầu Ngưng Bích do sự sắp xếp của Tú bà, sau sự việc xảy ra ở lầu xanh, khi Kiều tự vẫn vì biết mình bị lừa, không phải “được” mang về làm vợ lẽ Mã Giám Sinh mà chỉ là một món hàng mua bán và bị làm nhục. Ngay lúc Tú bà xưng với Kiều là “mẹ", bắt nàng gọi Mã là "cậu mày bên kia", Kiều đã ngơ ngác "ngây thơ chẳng biết là danh phận gì?" Đến bây giờ, dù Tú bà đã dỗ dành, lừa dối nàng ra ở lầu Ngưng Bích là “khóa xuân” để đợi ngày lấy chồng, để “tìm nơi xứng đáng làm con cái nhà”, nàng vẫn thấy ngơ ngác, dở dang về “danh phận", về thân phận của mình. Nàng ở lầu Ngưng Bích không phải là với tư cách một người "con" của Tú bà như mụ hứa - hàn thế - mà cũng không phải là một tù nhân: nàng như một người bị giam lỏng, ở trong một tình cảnh trớ trêu, trước một tương lai mù mịt. Và nàng chỉ có một mình, hoàn toàn cô đơn giữa quê người đất khách.

         Hình như đây chính là một dụng ý, một âm mưu được tính toán trước của Tú bà. Kiều càng bị giam lỏng, cô đơn, cách biệt với mọi người, nàng sẽ càng khao khát trở về với cuộc sống bình thường và càng dễ hị rơi vào bẫy của Sở Khanh, chính là của mụ. Vì vậy tâm trạng của Kiều thật là "ngổn ngang trăm mối” và ta có thể đọc thấy ngay từ những câu thơ khi mờ khi tỏ tả cảnh lầu Ngưng Bích đẹp đẽ và heo hút này.

         Thiên nhiên có tác động rất lớn đến tâm hồn con người, là hình ảnh phản chiếu tâm hồn con người – Nguyễn Du từ thời đó đã nói với chúng ta như thế. Ở lầu Ngưng Bích, chỉ có mình Kiều với thiên nhiên. “Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung”... không phải là "dãy núi và mảnh trăng như ở cùng trong một vòm trời,  như  trong cùng một bức tranh" (Văn 9 - phần chú giải) mà là “ở chung" với nàng Kiều. Nói vậy có vẻ như thô thiển, nhưng nếu phải tìm hiểu tận cùng ngữ nghĩa, thì đúng là nàng Kiều chỉ có thiên nhiên làm bầu bạn. Tất cả mọi dáng vẻ của thiên nhiên: xa mờ như sắc núi có thể nhìn thấy lúc ban ngày đẹp trời, gần gũi như mảnh trăng lúc ban đêm... sớm lại chiều, ngày này qua ngày khác, nhìn thấy được nhưng không thể cùng nàng chuyện trò, chia sẻ... Lầu Ngưng Bích hẳn ở một nơi hoang vắng, ít người qua lại, khắp "bốn bề" và cho đến tận "xa trông", về phía nào cũng chỉ thấy bụi cây, cồn cát. Mỗi câu thơ là một cặp đối xứng: vẻ non xa - tấm trăng gần mờ ảo; cát vàng cồn nọ - bụi hồng dặm kia tầng tầng lớp lớp; mây sớm - đèn khuya vắng lặng cô đơn... Cái vẻ đối xứng tạo nên cảm giác trùng lập của hình ảnh ấy, chính là những nỗi ngổn ngang, bề bộn trong lòng nàng Kiều, không dám hi vọng, tin tưởng mà cũng không hoàn toàn là tuyệt vọng đớn đau. Vì nàng còn quá trẻ, vì dù gặp tai biến, cuộc đời cũng mới chỉ bắt đầu. Nhưng nếu nàng vừa hi vọng, dù chỉ mơ hồ, thấp thoáng, thì lại không tránh khỏi "bẽ bàng" tội nghiệp ngay trong vô vọng. “Nửa tình, nửa cảnh", buồn rồi nhớ, đợi chờ, hi vọng rồi thất vọng “như chia tấm lòng ". nối nhau đến rồi đi trong lòng nàng như thế.

         Trong tình cảnh đó, người mà nàng nhớ đến trước hết là chàng Kim Trọng, người đã cùng nàng gắn bó “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng. Tin sương luống những rày trông mai chờ". Sách Văn 9 đã chú giải rất đúng về câu thơ này. Không phải là nàng Kiều mong chờ “tin sương" của Kim Trọng, mà chính là nàng đang hình dung ra Kim Trọng trong nỗi "rày trông mai chờ'" nàng. Từ lúc phải cân nhắc “bên tình bên hiếu" và quyết định "đệ lời thề hải minh sơn" sang một bên mà bán mình chuộc cha, nàng đã xác định với mình để không bao giờ còn đợi chờ, hi vọng. Huống chi bây giờ thân nàng đã rơi vào tay bọn Tú bà và họ Mã. Nhưng còn chàng Kim chàng đâu đã biết việc nàng gặp tai biến. Ở Liêu Dương xa xôi, chàng vẫn ngày đêm trông chờ để sớm gặp lại nàng (mà dù có về nơi cũ, biết rồi, chàng chắc vẫn mong chờ nàng như thế!). Trong tình yêu cũng như trong cuộc đời, bất cứ lúc nào nàng Kiều cũng nghĩ đến người khác, nghĩ cho người khác trước khi nghĩ đến mình. Riêng đối với chàng Kim, nàng còn mang nặng một nỗi lòng yêu thương, ân hận như mình có lỗi. Để chàng Kim phải nhớ mong, đau khổ, nàng cho là lỗi của mình... Trong suốt 15 năm, mỗi lần nghĩ đến chàng Kim, nỗi đau ấy vẫn làm nàng nhức nhối, và theo thời gian, càng thấm thía những thăng trầm tủi nhục của chính mình, nàng lại càng thương nỗi lòng trông đợi của chàng. Và như vậy, nàng biết rằng nàng sẽ không bao giờ quên được mối tình đối với chàng Kim, dù cuộc đời có lưu lạc nơi "chân trời góc bể”, dù nàng có muốn ''gột rửa", muốn quên lãng nó đi...

         Cũng trong nỗi lòng thương nhớ luôn hướng về người khác ấy, nàng hình dung cha mẹ già "tựa cửa" hôm mai ngóng tin nàng. Nàng hình dung cuộc sống của cha mẹ mà nàng không còn được ở gần để chăm sóc, "‘quạt nồng ấp lạnh", để làm cho mẹ cha vui lúc tuổi già. Duy nhất trong đoạn thơ, chỗ này có dùng điển tích ("Sân Lai...").

         Nghĩ về cha mẹ, nghĩ về Kim Trọng, cuối cùng lại trở về với thiên nhiên mênh mông trước mặt: “Buồn trông cửa bể chiền hôm...". Đã bao lần Kiều ''buồn trông" như thế, nhưng đến đây, những nỗi niềm của nàng trở nên nặng trĩu. Tám câu thơ, bốn cặp lục bát cùng một từ mở đầu, cùng một nỗi buồn, nhưng mỗi cặp câu là một vẻ buồn, một nghĩa buồn khác nhau. (Đoạn thơ cuối này, thực chất là một bài thơ chính nàng Kiều viết, chính là nỗi lòng của nàng lên biến thành thơ - 2 câu liền sau đó mà ở đây không trích, đã nói rõ: “ Xung quang những nước non người/ Đau lòng lưu lạc nên vài bốn câu". Và từ đó mới dẫn đến việc Sở Khanh "họa vần" để làm quen với Kiều).

         "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Cửa bể chiều hôm vốn mênh mông hoang vắng, cánh buồm thấp thoáng đi về chốn xa xôi, bao giờ cũng buồn, càng gợi buồn hơn trong cảnh quê người đất khách. Và bao trùm lên tất cả những hình ảnh diễn tả nỗi buồn ấy, ta có thể đọc thấy một nỗi trông chờ tuyệt vọng, khắc khoải; một sự tìm kiếm, một lời kêu gọi: đi đâu, về đâu, có ai?... Hay tất cả chỉ là sự im lặng hoang vắng? Những vần thơ có sức lay động, khơi gợi sự đồng cảm của con người chính vì lẽ đó, vì nó diễn tả chân thật nỗi khát khao cuộc sống, nỗi khát khao tình người...

HocTot.Nam.Name.Vn

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close