Bài văn tả con đường đến trường của emMỗi buổi đến trường, em đi trên đoạn đường Bà Huyện Thanh Quan. Đối với thành phố Hồ Chí Minh quê em, đây là con đường êm đềm và hiền dịu nhất.
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Dàn ý A. Mở bài: Giới thiệu về con đường sẽ tả: Nằm ở vị trí nào? Tên đường? Có gì đặc biệt? B. Thân bài: - Tả bao quát về con đường: + Chạy qua những đâu? + Thuộc loại đường đất hay đá hay tráng nhựa? + Tình trạng chung của con đường? + Đặc điểm nổi bật của con đừơng? - Tả cụ thể: Những đoạn chính của con đường? Những nét nổi bật (về hình dáng, kích thước, dáng vẻ, cảnh vật) về đoạn đường có nhiều kỉ niệm đối với em? C. Kết bài: cảm nghĩ của em về con đường. Bài siêu ngắn Từ nhà đến trường, tôi có thể đi men theo rất nhiều ngả đường. Nhưng con đường tôi yêu thích, thường đi là con đường Nguyễn Thị Lựu. Con đường lát nhựa đen bóng, rộng đủ cho hai chiếc ô tô tải tránh nhau. Bên trái là nhà dân và mấy hiệu sách hai ba tầng san sát. Bên phải là một số trường học và cơ quan nhà nước. Hai bên đường có vỉa hè rộng. Những tia nắng tinh nghịch trốn mẹ đi chơi chiếu lên mặt đường thành những đốm sáng lung linh. Những chiếc khăn quàng đỏ tung bay tô điểm thêm vẻ đẹp cho con đường. Thêm vào đó là tiếng gọi nhau í ới của mấy bạn học sinh nhỏ. Hai bên đường, hai hàng cây xanh um vẫy những chùm lá tươi non như những bàn tay trẻ con bé xíu. Thỉnh thoảng, những chiếc xe máy vùn vụt chạy qua. Các chị học sinh trung học với tà áo dài duyên dáng đang rảo bước tới trường. Trên cành cây những cô hoạ mi cãi nhau om sòm, những nhạc sĩ ve sầu tấu một ban hoà ca lảnh lót. Tôi vui vẻ cắp sách tới trường. Làn gió nhẹ thổi qua. Ôi! Trường tôi đây rồi! Chào đường nhé, tôi vào học đây. Con đường Nguyễn Thị Lựu đối với tôi như người bạn thân, cùng chia sẽ ngọt bùi, ngày mưa cũng như ngày nắng. Nó gắn liền với thời thơ ấu của tôi. Sau này, dù đi đâu về đâu tôi cũng không quên được con đường này. Các bài tham khảo Bài tham khảo 1: Mỗi buổi đến trường, em đi trên đoạn đường Bà Huyện Thanh Quan. Đối với thành phố Hồ Chí Minh quê em, đây là con đường êm đềm và hiền dịu nhất. Đường Bà Huyện Thanh Quan không phải là đường buôn bán. Không có những hiệu buôn sang trọng, đông vui. Đây thuộc khu nhà ở. Những ngôi nhà ở hai ba tầng lầu, xây cất kiểu biệt thự, quét vôi trắng, vàng lấp ló sau hàng cây xanh tươi, nằm lùi sâu sau mảnh vườn nhỏ, ngăn cách với hè đường bằng một hàng rào song sắt. Cũng có những nhà một tầng bé nhỏ, khiêm tốn ẩn mình sau rào sắt, cứa kính phủ rèm thưa đầy vẻ ấm cúng. Nhiều hơn là những căn nhà nhỏ, nằm sát hè phố, không có mảnh vườn phía trước, cửa thường đóng kín vì không buôn bán gì. Nổi bật trên đường phố vắng vẻ, yên tĩnh này là tòa nhà lầu đồ sộ, quét vôi vàng của trường trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai. Những tà áo trắng thướt tha của các chị học sinh trung học vào ra nườm nượp đem lại sự tươi mát, rộn ràng cho con đường yên tĩnh này. Đối diện với khu trường náo nhiệt này là nơi mà hàng ngày đến trường em thường ghé như một trạm nghỉ chân của một cung đường dài. Đó là ngôi chùa Xá Lợi. Em đã từng ngắm nhìn không chán những ngọn tháp cao được trang hoàng rực rỡ. Em đã từng sờ tay lần theo từng đường chạm khắc hình rồng phượng nơi cột và cổng chùa. Đối với em, chùa Xá Lợi như một cung điện. Không phải là đường phố buôn bán, lại không nằm trên trục đường chính của thành phố nên đường Bà Huyện Thanh Quan ít xe cộ qua lại. Ngay cả những giờ cao điểm trong ngày, đoạn đường này cũng rất yên tĩnh, đến độ tiếng bước chân em trên hè phố cũng nghe rõ mồn một. Chỉ đôi lúc mới có một chiếc xe gắn máy chạy qua. Sau tiếng máy nổ inh ỏi đó lại là một sự yên tĩnh kéo dài. Suốt dọc đoạn đường hàng cây hai bên hè phố chụm đầu trên không và lúc nào cũng rì rào, thầm thì trò chuyện cùng em. Ngay cả giữa trưa nắng gắt, em cũng được hàng cây tỏa bóng râm mát đưa em tới trường. Đã bốn năm rồi, hàng ngày em đi trên đoạn đường này đến trường. Và hôm nay đây, đoạn đường đang đưa em đến kì thi tốt nghiệp cấp I. Em ngắm nhìn đoạn đường và thầm hứa sẽ cố gắng học tập thật giỏi để góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Bài tham khảo 2: Ngày nào đến trường em cũng đi về trên con đường quen thuộc ấy. Đến nỗi, nếu nhắm mắt lại là em có thể hình dung rõ mồn một ngay từng cảnh sắc. Đó là một con đường làng rải đá đỏ đơn sơ cũng như bao con đường làng không tên khác. Tuy không rộng lắm, lại gồ ghề, lồi lõm nhưng con đường này cũng đủ thênh thang cho những bước chân nhún nhảy như chim sẻ của chúng em từng ngày lớn lên. Sáng ra, từ đầu ngõ, em bước vào con đường là đã gặp ngay một cây bàng già đứng giương dù che nắng, bốn mùa lích chích tiếng chim. Từ đó, hai bên đường, hai hàng khuynh diệp chạy dài thẳng tắp một màu xanh ngút ngát. Thấp thoáng sau hai hàng cây là hàng rào của hai dãy nhà ven lộ, có hàng rào dâm bụt được cắt xén phẳng phiu. Cũng có hàng rào tre hoặc hàng rào tường xây dây kẽm gai kiên cố. Tuy vậy, đi trên đường vẫn nhìn thấy rõ những ngôi nhà xinh xắn giữa một màu xanh vườn tược mượt mà. Ngay từ khi mặt trời vừa nhô lên nhóm lửa ở đằng đông, những ngọn cau, ngọn dừa trong các khu vườn bên cạnh đường đã lấp lánh hồng lên. Con đường làng cũng bừng dậy. Người đi trên đường càng lúc càng đông. Trẻ em đến trường. Người lớn ra đồng. Kẻ buôn bán về huyện, lên tỉnh. Xe đạp, xe gắn máy, máy cày chen chúc ngược xuôi. Tiếng cười nói, hỏi thăm, trò chuyện, tiếng máy, tiếng xe hoà lẫn nhau tạo thành một dàn đồng ca vui vẻ. Đến mút xóm nhà, con đường làng rẽ phải. Đến đây chúng em đã nhìn thấy ngôi trường quen thuộc của mình hiện ra với hình ảnh cây phượng già tán lá xanh um che rợp cổng. Những năm sắp tới, có thể em sẽ đi tiếp con đường này lên huyện, lên tỉnh để nối tiếp việc học hành. Nhưng dù đi đâu, đặt chân lên con đường xinh đẹp mới mẻ nào nhưng cũng không dễ gì quên con đường tuổi thơ đơn sơ này được. Bài tham khảo 3: Nhà em cách trường không xa mấy, chỉ vượt qua một đoạn của con đường Điện Biên Phủ, Cao Thắng, Nguyễn Đình Chiểu là tới. Đoạn đường này đối với em thật là quen thuộc. Nhưng thân thiết nhất vẫn là đoạn đường Cao Thắng. Lòng đường khá rộng, trải nhựa phẳng phiu, thật thích mắt. Xe chạy ngược xuôi tấp nập, nhưng không bao giờ có cảnh kẹt xe, vì ở mỗi ngã tư đều có hệ thống đèn báo hiệu hướng dẫn xe cộ lưu thông. Chúng em đi học rất thoải mái trên lề đường tráng xi măng. Dọc theo lề đường có những hàng cây sao cao vút, tỏa bóng râm mát cho đường phố ngay cả vào những trưa nắng gắt. Mỗi khi cơn gió thổi qua, lá cây xào xạc nghe như tiếng hát ru, thật vui tai. Nhà cửa bên đường hầu hết là cửa hiệu buôn bán, thi thoảng lạc lõng chen vào một ngôi nhà biệt thự. Cửa hiệu thì đủ loại: có tiệm may, có cửa hàng bán vật liệu xây dựng, có tiệm ăn, khách sạn. Lại có cả phòng khám bệnh, phòng chữa răng...Ngoài ra còn có cả một ngôi chùa và một rạp hát. Mỗi buổi đến trường, em thường ghé rạp hát. Chẳng phải đế coi hát, xem phim mà chỉ để nghiêng ngó, ngắm nghía các biểu ngữ, các hình quảng cáo phim mới thật vui mắt. Tạt qua rạp hát, em còn được hòa mình vào cái náo nhiệt của các bài ca, điệu nhạc từ các loa phóng thanh đưa ra. Và đôi khi, còn để mua quà bánh từ những hàng bán nhan nhản quanh rạp hát. Trên đoạn đường Cao Thắng, xe cộ qua lại tấp nập như mắc cửi, nhất là giờ đi làm, đi học buổi sáng, hoặc giờ tan sở, tan trường buổi chiều. Các xe hai bánh, bốn bánh nối đuôi nhau, chen chúc nhau chạy. Tiếng còi xin đường inh ỏi. Các bạn học sinh mặc đồng phục tung tăng đi từng nhóm trên hè đường. Các bạn thường dừng lại trước nhà bưu điện Băn Cờ xem các bưu thiếp bày trong tủ kính. Ngày tháng trôi qua, con đường đến trường đã trở nên thân thuộc với em ở từng góc nhỏ, từng ngôi nhà cho đến từng chỗ mấp mô dưới lòng đường và trên lề đường. Con đường đã gắn liền với ngôi trường Lương Định Của thân yêu của em. Em yêu trường, và em cũng yêu con đường đã dẫn em đến với ngôi trường của em.
|