Ảnh hưởng của các nhân tố sinh thái lên đời sống sinh vật (tiếp)Ảnh hưởng của các yếu tố độ ẩm, không khí, lửa và sự thích nghi của sinh vật. Độ ẩm giữ vai trò quan trọng quyết định đến sự phân bố, mức độ phong phú của các loài sinh vật. Liên quan tới độ ẩm, sinh vật được chia thành 3 nhóm: ưa ẩm, ưa ẩm vừa và nhóm chịu hạn. Sống ở nơi khô hạn, sinh vật có những khả năng thích nghi đặc biệt: tích trữ nước, giảm sự thoát hơi nước, tăng khả năng tìm nước và trốn hạn. Nhiệt - ẩm quy định sự phân bố của các loài trên hành tinh. Nhiệt - ẩm tạo ra vùng sống của sinh vật, gọi là thủy nhiệt đồ. Không khí là chỗ dựa để các loài vận động trong không gian, giúp cho một số loài thực vật tự thụ phấn và phát tán nòi giống. Nhiều loài động vật, thực vật có những biến đổi về hình thái để sống ở nơi lộng gió. Nhiều loài thực vật ở những vùng khô hạn, nhiều giông, gió, hay xảy ra cháy có lớp vỏ chịu nhiệt hoặc có thân ngầm dưới mặt đất, mặt nước để thích nghi với lửa cháy tự nhiên. Sinh vật không chỉ chịu ảnh hưởng của các nhân tố sinh thái mà còn tác động trở lại, làm cho môi trường biến đổi, sự biến đổi càng mạnh khi sinh vật sống trong các tổ chức càng cao (quần thể, quần xã).
|