Văn bản Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc
Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn của nước ta, đáng lẽ phải sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ của dân tộc, nhất là trong lúc này. Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng.
- - Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc
- - Soạn bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc – siêu ngắn
- - Soạn bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc – chi tiết
- - Tác giả tác phẩm văn bản Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc
Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc
Phạm Văn Đồng
Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn của nước ta, đáng lẽ phải sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ của dân tộc, nhất là trong lúc này. Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng.
Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy. Có người chỉ biết Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của Lục Vân Tiên, và hiểu Lục Vân Tiên khá thiên lệch về nội dung và về văn, còn rất ít biết thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, khúc ca hùng tráng của phong trào yêu nước chống bọn xâm lược Pháp lúc chúng đến bờ cõi nước ta cách đây một trăm năm !
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước mà tác phẩm là những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống bọn xâm lược phương Tây ngay buổi đầu lúc chúng đặt chân lên đất nước chúng ta. Nguyễn Đình Chiểu vốn là một nhà nho, nhưng sinh trưởng ở đất Đồng Nai hào phóng, lại sống giữa lúc nước nhà lâm nguy, vua nhà Nguyễn cam tâm bán nước để giữ ngai vàng, nhưng khắp nơi, nhân dan và sĩ phu anh dũng đứng lên đánh giặc cứu nước. Vì mù cả hai mắt, hoạt động của người chiến sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu chủ yếu là thơ văn. Và những tác phẩm đó, ngoài những giá trị văn nghệ, còn quý giá ở chỗ nó soi sáng tâm hồn trong sáng và cao quý lạ thường của tác giả, và ghi lại lịch sử của một thời khổ nhục nhưng vĩ đại ! “Kiến nghĩa bát vi vô dõng dã !”. Đời sống và hoạt động của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương anh dũng. Cảnh đất nước cũng như cảnh riêng càng long đong, đen tối, thì khí tiết của người chí sĩ yêu nước càng cao cả, rạng rỡ:
Sự đời thà khuất đôi tròng thịt
Lòng đạo xin tròn một tấm gương!
Cuộc đời và thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là của một chiến sĩ hi sinh phấn đấu vì một nghĩa lớn. Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là thơ văn chiến đấu, đánh thẳng vào giặc ngoại xâm và tôi tớ của chúng:
Học theo ngòi bút chí công
Trong thi cho ngụ tấm lòng Xuân thu!
và :
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
Đối với Nguyễn Đình Chiểu, cầm bút, viết văn là một thiên chúc. Và Nguyễn Đình Chiểu trọng chức trách của mình chừng nào thì càng khinh miệt bọn lợi dụng văn chương để làm việc phi nghĩa chừng nấy :
Thấy nay cũng nhóm văn chương
Vóc dê da cọp khôn lường thực hư !
Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu làm sống lại trong tâm trí của chúng ta phong trào kháng Pháp oanh liệt và bền bị của nhân dân Nam Bộ từ 1860 về sau, suốt hai mươi năm trời. Quân của triều đình dưới sự chỉ huy của một danh tướng lúc bấy giờ, Nguyễn Tri Phương, đã đánh thua ở Sài Gòn, Tự Đức vội vã đầu hàng, năm 1862 cắt ba tỉnh miền Đông, năm 1867 cắt ba tinh miền Tây cho giặc. Mặc dầu nước nhà gặp cảnh hiểm nghèo và khổ nhục như vậy, các tầng lớp nhân dân Nam Bộ lúc bấy giờ, nhân dân lao động và các bậc sĩ phu đều kiên quyết vùng dạy đánh giặc cứu nước. “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh !”. Phong trào bắt đầu dấy lên ở miền Đông, sau lan rộng khắp nơi ở “Lục tỉnh”, biến thành cuộc chiến tranh nhân dân rộng lớn, nhiều nơi, nhiều lúc sôi nổi và mạnh mẽ lạ thường, khiến cả kẻ thù cũng không tiếc lời tỏ lòng khâm phục (theo nhiều sách của người Pháp trong cuộc viết về cuộc chiến tranh xâm lược Nam Bộ) : Khởi nghĩa Trương Định ở Gò Công, Thủ khoa Huân ở Mĩ Tho, Phan Liêm và Phan Tôn ở Bến Tre, Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá, Đỗ Thừa Lương và Đỗ Thừa Tự ở Càn Thơ, Nguyễn Văn Bường và Quản Hớn ở Hóc Môn, Bà Điểm v.v... Làm sao sưu tầm tài liệu về những trang sử oanh liệt này, về biết bao cuộc chiến đấu anh dũng ở khắp nơi, về biết bao chiến công của biết bao anh hùng liệt sĩ, để đánh giá đúng tầm rộng lớn và sức mạnh của phong trào kháng Pháp lúc bấy giờ, một phong trào bắt nguồn từ lòng căm thù vô hạn của quần chúng nhân dân đối với giặc ngoại xam, nguyện hi sinh tất cả và chiến đấu đến cùng để cứu nước, cứu dân. Chúng ta hãy nghe một đôi đoạn trong một bài hịch phổ biến lúc bay giờ :
Bớ các quan ơi, chớ thấy chín trùng hoà nghị mà tấm lòng địch khái nữ phôi pha, cho rằng ba tỉnh giao hoà mà cái việc cừu thù đành lơ lảng !
Bớ các làng ơi, chớ thấy đồn dưới Gò Công thất thủ mà trở mặt hại nhau,
chớ nghe bảo trên Bến Nghé phân cư mà đành lòng theo mọi !
Hỡi ơi, oán nhường ấy, hận nhường ấy, cừu thù nhường ấy, làm sao trả đặng mới ưng ! Công bấy lâu, nghiệp bấy lâu, lao khố bấy lâu, bao đành bỏ qua sao phải ?
Hồi tưởng cuộc chiến đấu anh dũng vô song của dân tộc Việt Nam ta ở Nam Bộ lúc bấy giờ, ruột gan chúng ta đau như cắt xé. Giá như triều đình lúc bấy giờ không phải ở trong tay bọn vua chúa nhà Nguyễn phản bội và đầu hàng mà ở trong tay những người kế tục sự nghiệp của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, kế tục sự nghiệp yêu nước và anh dũng của Nguyễn Huệ, thì phong trào kháng Pháp lúc bấy giờ ở Nam Bộ chắc còn mạnh mẽ hơn nhiều, nhất là đã được lãnh đạo thống nhất và kiên trì đấu tranh cho đến thắng lợi, đồng thời phong trào ấy chắc được sự ủng hộ kiên quyết của cả nước, như vậy đất Đồng Nai anh dũng từ đó đã trở nên bức thành đồng ngăn chặn bọn cướp nước phương Tây xâm phạm đất nước chúng ta ở Nam Bộ, và do đó, đã bảo vệ vẹn toàn độc lập và thống nhất của Tổ quốc !
Cho nên không phải ngẫu nhiên mà thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, một phần lớn là những bài văn tế, ca ngợi những người anh hùng suốt đời tận trung với nước, và than khóc những người liệt sĩ đã trọn nghĩa với dân.
Ngòi bút, nghĩa là tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả, thật là sinh động và não nùng, cảm tình của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa quan, vốn là người nông dân, xưa kia chỉ quen cày cuốc, bỗng chốc trở thành người anh hùng cứu nước.
Chúng ta hãy đọc lại nhiều đoạn trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc :
Hỡi ơi !
Súng giặc đất rền ; lòng dân trời tỏ.
Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tinh chúng đều khen ; thác mà ung đình miếu để thờ, tiếng ngay trải muon đời ai cũng mộ...
Bài ca của Nguyễn Đình Chiểu làm chúng ta nhớ bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Hai bài văn : hai cảnh ngộ, hai thời buổi, nhưng một dân tộc. Bài cáo của Nguyễn Trãi là khúc ca khải hoàn, ca ngợi những chiến công oanh liệt chưa từng thấy, biểu dương chiến thắng làm rạng rỡ nước nhà. Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca những người anh hùng thất thế, nhưng vẫn hiện ngang : “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc... muôn kiếp nguyện được trả thù kia...”.
Có lẽ dưới suối vàng, linh hồn của Nguyễn Đình Chiểu và những nghĩa quân lúc bấy giờ, ngày nay phần nào đã được hả dạ !
Trong thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu còn có những đoá hoa, những hòn ngọc rất đẹp, như bài Xúc cảnh :
Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông.
Chúa xuân đâu hỡi có hay không ?
Mây giăng ải bắc trong tin nhạn,
Ngày xế non nam bặt tiếng hồng
Bờ cõi xưa đà chia đất khác,
Nắng sương nay há đội trời chung!
Phong trào kháng Pháp khắp nơi soi nổi và mạnh mẽ lúc bay giờ ở Nam Bộ, làm nảy nở nhiều nhà văn, nhà thơ, tài năng xuất chúng, bản lĩnh phi thường, mà tác phẩm là những bông hoa của một thời buổi oanh liệt và đau thương : Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Văn Lạc, Nguyễn Hữu Huân, Hồ Huân Nghiệp.... Thật rất khó chọn một bài để thí dụ trong rất nhiều bài đều hay, đều có ý nghĩa và hương vị. Xin trích mấy câu trong bài thơ của Nguyễn Tư Giản tiền Nguyễn Thông về Bình Thuận (nguyên văn chữ Hán, dưới đây là văn dịch) :
Bao giờ Bến Nghé lại trong,
Cho dòng sông Nhị vang lừng khải ca ?
Cưỡi thuyền lên tận Ngân Hà,
Biển xanh ra ngắm, trăng ngà sáng soi.
Cảnh tình nghĩ lại chưa vui,
Núi sông còn gánh hai vai nặng nề.
Bây giờ xin nói về Lục Vân Tiên, tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu, rất phổ biến trong dân gian, nhất là ở miền Nam. Phải hiểu đúng Lục Vân Tiên thì mới thấy hết giá trị của bản trường ca này. Đúng, đây là một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa ! Tất nhiên những giá trị luan lí mà Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi, ở thời đại chúng ta, theo quan điểm của chúng ta thì có phần đã lỗi thời. Nhưng Nguyễn Đình Chiểu cũng như nhiều bạc hiền triết ngày xưa ở phương Đông hoặc phương Tây, vẫn để lại cho đời sau những điều giáo huấn đáng quý trọng. Lại thêm Nguyễn Đình Chiểu suốt đời sống trong lòng của quần chúng nhân dân, giữa lúc nhân tình thể thái là sự mỉa mai đối với triết lí Khổng – Mạnh. Chính Nguyễn Đình Chiểu phải viết câu : “Trượng phu có chí ngang tàng !” không thể tự trói mình trong khuôn khổ của đạo lí cổ truyền. Cho nên các nhân vật của Lục Vân Tiên : Lục Vân Tiên, Nguyệt Nga, Tiểu đồng. ... là những người đáng kính, đáng yêu, trọng nghĩa, khinh tài, trước sau một lòng, mặc dầu khổ cực, gian nguy, quyết phấn đấu vì nghĩa lớn. Họ là những nhân vật của một thuở đã qua, điều đó không cần phải nói. Nhưng họ là những con người có ruột gan, xương thịt. Họ sống trong một xã hội cũng như biết bao xã hội từ xưa đến nay – có người tốt kẻ xấu, người ngay kẻ gian, có nhiều đau khổ, bất công – họ đã đấu tranh không khoan nhượng chống mọi gian dối, bất công và họ đã thắng. Họ là những tấm gương dũng cảm. Vì những lẽ đó họ gần gũi chúng ta và câu chuyện của họ làm chúng ta cảm xúc và thích thú.
Về văn chương của Lục Vân Tiên, phải để ý đây là một chuyện “kể”, chuyện “nói”. Tác giả cố ý viết một lối văn “nôm na”, dễ hiểu, dễ nhớ, có thể truyền bá rộng rãi trong dân gian. Có người hay hạch những chỗ lời văn không hay lắm ; ở đây phải nhớ rằng Nguyễn Đình Chiểu vì mù nên chỉ có thể đọc cho người khác viết, và như vậy, thật khó sửa chữa và duyệt lại nguyên bản !
Lại thêm, đến nay chẳng ai biết nguyên bản ấy là bản nào ! Và hiện nay máy bản sao mà người ta có thể căn cứ đều có chỗ khác nhau ! Dẫu sao đôi chỗ sơ sót về văn chương không thể làm giảm giá trị văn nghệ của bản trường ca thật là
hấp dẫn từ đầu đến cuối. Tôi không nhớ tôi đọc Lục Vân Tiên lúc nào, song đến nay tôi còn thuộc lòng nhiều vàn thơ rất hay :
Kim Liên ơi hỡi Kim Liên,
Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê.
Vân Tiên đầu đội kim khôi,
Tay cầm siêu bạc, mình ngồi ngựa ô.
Trong dân gian miền Nam, người ta thích Lục Vân Tiên, người ta say sưa nghe kể Lục Vân Tiên, không chỉ vì nội dung câu chuyện, còn vì văn hay của Lục Vân Tiên.
Tóm lại Nguyễn Đình Chiểu là một người chí sĩ yêu nước, một nhà thơ lớn của nước ta. Đời sống và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, nêu cao địa vị và tác dụng của văn học, nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá và tư tưởng.
Nhân kỉ niệm ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu (ngày 3 tháng 7 năm 1888), trong lòng chúng ta, chúng ta hãy đốt một nén hương để tưởng nhớ người con quang vinh của dân tộc !
(Tạp chí văn học, tháng 7 – 1963)
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 12 - Xem ngay