Tính sử thi của tác phẩm Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành

Một tác phẩm tiêu biểu có thể minh hoạ cho sự tồn tại của “nền văn học sử thi” trong văn học Việt Nam 1945 – 1975, tiêu biểu là “Rừng Xà Nu” của Nguyễn Trung Thành.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả và tác phẩm Rừng xà nu

- Nêu vấn đề cần nghị luận

2. Thân bài

a) Khái quát chung về tính sử thi

- Nội dung:

+ Phản ánh những sự kiện mang tính chất trọng đại, có tính cộng đồng toàn dân tộc, có quy mô hoành tráng

+ Ca ngợi những người anh hùng có sức mạnh thần kì, mang những phẩm chất tốt đẹp cũng như khát vọng của toàn dân tộc

- Nghệ thuật: 

+ Hệ thống ngôn từ độc đáo, mang tính biểu tượng

+ Bút pháp sử thi đặc sắc

b) Cảm hứng sử thi trong tác phẩm Rừng xà nu

* Đề tài: Chiến tranh vệ quốc

* Hoàn cảnh sáng tác đặc biệt: 

- Nguyễn Trung Thành viết Rừng xà nu năm 1965, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất của quân dân ta với giặc Mỹ. Khi đó, đế quốc Mỹ đang tiến công mạnh mẽ đánh chiếm miền Nam đồng thời cho quân đánh phá miền Bắc, cả đất nước sôi sục tinh thần đoàn kết đứng lên chống thù

- Tác giả mượn hình ảnh làng Xô-man để qua đó đề cập đến tình trạng những tháng ngày đen tối của đất nước lúc bấy giờ và cách để thoát khỏi nỗi đau khổ đó chỉ có thể là vùng lên chống lại kẻ thù. 

=> Tác phẩm tự thân đã mang cái không khí sử thi hào hùng của dân tộc.

* Nhân vật chính của truyện: Tnú - một người con của làng Xô-man, của núi rừng Tây Nguyên, cùng dân làng đứng lên chống Mỹ bằng những vũ khí thô sơ nhất và tinh thần bất khuất, kiên cường nhất.

* Các hình ảnh mang đậm chất sử thi trong tác phẩm 

- Bức tranh thiên nhiên núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, tráng lệ, nên thơ, tạo nên chất sử thi riêng của tác phẩm. Hình ảnh rừng xà nu được lặp đi lặp lại nhiều lần: 

+ Mở đầu tác phẩm bằng hình ảnh cánh rừng xà nu "đứng trên rừng xà nu ấy trông ra xa... chân trời"; kết thúc tác phẩm bằng hình ảnh cánh rừng xà nu "đến hút tận chân trời" 

+ Cả cánh rừng xà nu "nằm ngay trong tầm ngắm đại bác của đồn giặc", "không cây nào là không bị thương", "bị phạt ngang cây, đổ rạp xuống, tuôn nhựa tràn trề"

+ Sức sống tràn trề mãnh liệt: Một cây ngã xuống thì "đã có bốn năm cây con mọc lên", "ít có loài cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy", "vô số cây con mọc lên"; ham ánh sáng "phóng lên rất nhanh... thẳng tắp"

+ Chúng vẫn luôn "ưỡn tấm ngực lớn để bảo vệ ngôi làng"

=> Hình ảnh cây xà nu biểu tượng cho người Xô-man nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung, đồng thời khung gian hùng vĩ nên thơ đó tạo nên cảm hứng sử thi cho tác phẩm.

- Hình tượng người anh hùng sử thi - Tnú:

+ Là người mang số phận của cả cộng đồng: Tnú là nạn nhân cũng là người trực tiếp chịu đựng những tổn thương do kẻ thù gây ra: Ngày nhỏ mồ côi, được dân làng nuôi nấng dạy dỗ; lớn lên làm cách mạng bị giặc bắt nhiều lần; vợ con bị giặc giết chết; bản thân bị giặc tẩm dầu xà nu đốt 10 đầu ngón tay.

+ Là hiện thân của một người con mang lí tưởng của đất nước: Từ nhỏ đã tự nguyện tham gia cách mạng; lớn lênvượt ngục về làng lãnh đạo nhân dân Xô-man làm cách mạng; khi tính mạng bị đe dọa cũng chỉ nghĩ đến việc "mình sẽ chết nhưng ai sẽ thay mình lãnh đạo dân làng"

+ Mang những phẩm chất tiêu biểu của người Tây Nguyên: Gan dạ, dũng cảm, quyết đoán hơn người...; yêu quê hương, yêu đồng bào, yêu thương vợ con. 

=> Hình tượng Tnú được xây dựng dựa trên cảm hứng sử thi rất đặc trưng, tạo nên nét đặc sắc riêng của người anh hùng núi rừng Tây Nguyên

- Hình tượng những con người trong cộng đồng làng Xô-man:

+ Cụ Mết: Già làng, lớp người đi trước luôn truyền dạy cho con cháu tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng, "Đảng còn thì núi nước này còn", "chúng nó cầm súng thì mình cầm giáo"

+ Dít: Cô bí thư chi bộ Đảng, lớp thanh niên kế cận tiếp nối con đường cách mạng của làng Xô-man, nòng cốt của cuộc kháng chiến

+ Bé Heng: Cậu bé giao liên, kế tiếp công việc liên lạc của Tnú thuở nhỏ, với "chiếc áo bà ba dài phết mông, vẫn đóng khố" nhưng có ý thức cách mạng lớn

+ Hình ảnh dân làng: Tụ tập nhau ở nhà cụ Mết, nghe cụ kể về cuộc đời người anh hùng Tnú "Cơm nước xong, từ phía nhà ưng,... lũ lượt kéo tới nhà cụ Mết"

=> Tinh thần đoàn kết tập thể, tinh thần cộng đồng truyền từ đời này sang đời khác tạo nên tinh thần dân tộc bất diệt. 

* Đặc sắc nghệ thuật tác phẩm Rừng xà nu

- Giọng kể chuyện: Trang trọng, hào hùng, tráng lệ những cũng không kém phần lãng mạn

- Các biện pháp nghệ thuật đặc tả: Cường điệu, so sánh, nhân hóa, ẩn dụ,...

- Kết cấu truyện đầu cuối tương ứng: Mở đầu là hình ảnh rừng xà nu, kết thúc cũng là hình ảnh rừng xà nu.

=> Góp phần tăng tính sử thi cho tác phẩm.

3. Kết bài

- Khái quát lại vấn đề

 

Bài mẫu

Bài tham khảo số 1

Bài làm

        Một tác phẩm tiêu biểu có thể minh hoạ cho sự tồn tại của “nền văn học sử thi” trong văn học Việt Nam 1945 – 1975, tiêu biểu là “Rừng Xà Nu” của Nguyễn Trung Thành. Là một truyện ngắn mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn đã trở thành một phần tất yếu của nó. Tính sử thi của Rừng xà vu mang đậm tính chất toàn dân. Những chuyện xảy ra với làng Xôman hoàn toàn không có ý nghĩa cá biệt. Chúng là chuyện chung của cả Tây Nguyên, cả miền Nam, cả nước trong những ngày chiến đấu chống đế quốc Mĩ. Tính thế bị o ép của làng Xô Man trước ngày đồng khởi là bức tranh sinh động về cuộc sống đau thương của đồng bào miền Nam trong những ngày Mĩ – Diệm thi hành luật 10-59, khủng bố dữ dội những người yêu nước, những người kháng chiến cũ. Khi làng Xô Man đứng dậy thì gương mặt của làng lúc này lại chính là gương mặt của cả nước trong những ngày quyết tâm đánh Mĩ và thắng Mĩ – một gương mặt rạng rỡ, tự tin, điềm tĩnh đón nhận những thử thách mới.

        Rừng xà nu là truyện ngắn đã xây dựng thành công hình tượng một tập thể anh hùng. Những anh hùng được kể tới trong đó đều có tính đại diện cao, mang trong mình hình ảnh của cả một dân tộc. Tập thể anh hùng trong Rừng xà nu là tập thể đa dạng về lứa tuổi và giới tính. Mỗi gương mặt anh hùng đều có những nét riêng, thể hiện một số phận riêng trong cuộc đời chung. Tất cả họ đều giống nhau ở những phẩm chất cơ bản : gan dạ, trung thực, một lòng một dạ đi theo cách mạng. Chiến công của mỗi người tuy đa dạng mà thống nhất. Cuốn sử vẻ vang của làng Xô Man, của Tây Nguyên không phải do riêng một người mà do tất cả mọi người viết ra. Bản trường ca của núi rừng không chỉ trỗi lên một giọng mà là sự tổng hoà của nhiều giọng. Anh Quyết, cụ Mết, anh Tnú, chị Mai, cô Dít, bé Heng là những nhân vật tiêu biểu, nhưng bên cạnh họ, đằng sau họ còn có bao người khác nữa cũng không chịu sống mờ nhạt, vô danh. Tất cả họ đều thi đua lập công, đều muốn góp phần mình vào sự nghiệp vĩ đại của dân tộc. Truyện ngắn Rừng Xà Nu lấy cảm hứng hướng về cái chung đã chi phối sự thống nhất giữa cái cá biệt và cái phổ quát.

        Truyện ngắn mang đậm tính chất sử thi đã miêu tả các sự kiện, các nhân vật anh hùng từ một cái nhìn chiêm ngưỡng, khâm phục. Các chi tiết đời thường ít được nhắc tới. Nhà văn tâm đắc với những chi tiết có khả năng làm phát lộ được phẩm chất anh hùng của nhân vật. Tả cụ Mết, nhà văn chú ý tới giọng nói “ồ ồ dội vang trong lồng ngực” của cụ. Tưởng như trong tiếng cụ nói có âm vang của tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng của núi rừng, của lịch sử. Và quả thật, cụ là hình ảnh tượng trưng của truyền thống vững bền. Mỗi lời cụ thốt ra kết tinh trải nghiệm của cả một dân tộc. Nó cô đúc, sâu sắc, vang vọng như những chân lí. Chả thế mà cả làng Xô Man nghe như uống từng lời cụ nói và cả Rừng Xà Nu cũng “ào ào rung động” như một sự hoà điệu, một sự tạo nền. Ngay cuộc đời của Tnú, một cuộc đời trải ra trong chính thời hiện tại cũng đã được lịch sử hoá và nhuốm màu huyền thoại. Đêm đêm bên bếp lửa nhà ưng, cụ Mết đã kể chuyện anh cho lũ làng, cho thế hệ con cháu nghe. Anh đã trở thành niềm tự hào của làng, là một biểu tượng sống động của người anh hùng được tất cả ngưỡng vọng, học tập.

        Tính sử thi còn thể hiện ở giọng văn tha thiết, trang trọng mà tác giả đã sử dụng khi kể về sự tích của làng Xô Man. Giọng văn ấy cũng thấm đượm trong việc miêu tả thiên nhiên, khiến cho hình ảnh rừng xà nu bỗng thổi tới trong lòng người đọc một cảm giác say sưa. Ta bị cuốn theo câu chuyện không gì cưỡng nổi, tưởng mình đang được tắm trên một dòng sông mênh mang, tràn trề sinh lực, hoặc tưởng mình đang bị thôi miên bởi một bản nhạc giao hưởng hùng tráng.

         Có thể nói, Rừng xà nu là một thành tựu xuất sắc của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Cùng với tiểu thuyết Đất nước đứng lên, nó đã khái quát được hiện thực đau khổ nhưng vĩ đại của dân tộc. Nguyên Ngọc đã thành công trong việc chạm khắc tượng đài kì vĩ, chói lọi của các anh hùng cách mạng: Núp (chông thực dân Pháp), Tnú (chống đế quốc Mĩ)… Tác dụng to lớn của hai sáng tác này là cổ vũ chiến đấu, lưu giữ lại âm hưởng hùng tráng một thời của dân tộc và góp phần giáo dục tình cảm yêu nước cho các thế hộ sau. Bởi vậy, có thể coi đây là những bản hùng ca mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn vẻ cuộc chiến đấu của đồng bào Tây Nguyên, nói rộng ra là về hai cuộc chiến tranh nhân dân kì diệu của dân tộc ta.

Xem các bài tham khảo khác tại đây:

Bài tham khảo số 2

Bài tham khảo số 3

Bài tham khảo số 4

 HocTot.Nam.Name.Vn

  • Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

    Rừng xà nu chỉ là một truyện ngắn nhưng dung lượng hiện thực của nó thật lớn lao. Đó là bản anh hùng ca về cuộc chiến đấu anh hùng của đồng bào Tây Nguyên với sự trường thành của một thế hệ cách mạng mới, trẻ trung, nhiệt tình, mưu trí và kiên trung.

  • So sánh Tnú và Việt – Cụ Mết và chú Năm

    Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 đã đạt nhiều thành tựu lớn, đặc biệt là trong mảng tác phẩm thể hiện phẩm chất anh hùng của con người Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống lại kẻ thù xâm lược thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

  • Chất sử thi trong truyện ngắn Rừng xà nu

    Rừng xà nu được viết ra vào giữa năm 1965, trong những ngày bắt đầu cuộc chiến tranh cục bộ của Mĩ ở miền Nam nước ta.

  • Phân tích nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

    Vào một đêm ngoài rừng mưa rì rào như gió nhẹ, dưới ánh lửa xà nu bập bùng, tất cả dân làng Xô man già trẻ gái trai nghe cụ Mết, một già làng có thân hình vạm vỡ quắc thước, mắt sáng xếch ngược, râu rài ngang ngực kể về cuộc đời đầy bi hùng của Tnú.

  • Chủ nghĩa anh hùng qua Rừng xà nu và Những đứa con trong gia đình

    Văn học Việt Nam giai đoạn 1945–1975 đã đạt nhiều thành tựu lớn, đặc biệt là trong mảng tác phẩm thể hiện phẩm chất anh hùng của con người Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống lại kẻ thù xâm lược thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

close