Lý thuyết khối lượng - đo khối lượng

Khối lượng. Đơn vị đo khối lượng.

KHỐI LƯỢNG - ĐO KHỐI LƯỢNG

1. Khối lượng. Đơn vị đo khối lượng

- Khối lượng: Mọi vật đều có khối lượng.

Ví dụ: Khối lượng sữa trong hộp, khối lượng bột giặt trong túi,... chỉ lượng sữa trong hộp, lượng bột giặt trong túi,...

=> Khối lượng của một vật chỉ lượng chất tạo thành vật đó.

- Đơn vị đo khối lượng: Đơn vị của khối lượng là kilôgam (kg).

Lưu ý về đơn vị đo khối lượng: Trong hệ thống đo lường hợp pháp của nước Việt Nam, đơn vị khối lượng là kilôgam (kg). Ngoài kilôgam người ta còn dùng các đơn vị khác thường gặp như gam (g), miligam (mg), héctôgam (còn gọi là lạng), tạ, tấn (t).

Cần nắm được cách chuyển đổi các đơn vị trên như sau:

1 tấn = 10 tạ = 1000 kg = 10 000 lạng = 1 000 000 g = 1000 000 000 mg.

2. Đo khối lượng:

- Đo khối lượng của một vật là so sánh khối lượng của vật đó với khối lượng của một vật được chọn làm đơn vị. 

- Người ta dùng cân để đo khối lượng. Một số cân thường dùng là: Cân đòn (cân treo), cân tạ, cân đồng hồ, cân tiểu li, cân y tế, cân Rô-béc-van…

* Tìm hiểu cân Rô-béc-van

- Cấu tạo gồm các bộ phận sau: Đòn cân, đĩa cân, kim cân, hộp quả cân, ốc điều chỉnh, con mã.

- Cách dùng cân Rô-béc-van để cân một vật:

      + Điều chỉnh sao cho khi chưa cân đòn cân nằm thăng bằng, kim cân chỉ đúng vạch giữa. Đó là việc điều chỉnh số 0.

      + Đặt vật đem cân lên đĩa cân bên trái, đặt lên đĩa cân bên kia một số quả cân có khối lượng phù hợp sao cho đòn cân nằm thăng bằng, kim cân nằm đúng giữa bảng chia độ.

      + Tổng khối lượng của các quả cân trên đĩa cân cộng với số chỉ của con mã sẽ bằng khối lượng của vật đem cân.

Lưu ý: Cân Rô-béc-van cũng có loại không có thanh chia độ thì GHĐ của cân là tổng số giá trị ghi trên các quả cân có trong hộp quả cân và ĐCNN của cân là giá trị ghi trên quả cân nhỏ nhất ở trong hộp.

Lưu ý về sử dụng cân để đo khối lượng: 

+ Học sinh cần biết được một số cân thông dụng để đo khối lượng như: cân đòn (Hình 5.5 SGK), cân đồng hồ (Hình 5.6 SGK), cân tạ (Hình 5.4 SGK), cân y tế (Hình 5.3 SGK), cân Rô-béc-van(Hình 5.2 SGK).

+ Để đo khối lượng được chính xác ta cần tuân thủ các quy tắc sau: Ước lượng khối lượng cần đo; chọn cân có GHĐ và ĐCNN thích hợp. Đối với cân Rô-bec-van không có đòn cân phụ để cần những khối lượng nhỏ thì ĐCNN chính là khối lượng quả cân nhỏ nhất của cân, GHĐ của cân chính là tổng khối lượng các quả cân trong hộp quả cân.

HocTot.Nam.Name.Vn

Tham Gia Group Dành Cho 2K13 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close