Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Tổ quốc. Dấu phẩy trang 17 SGK Tiếng Việt 3 tập 2

Giải 1, 2, 3 bài Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Tổ quốc. Dấu phẩy trang 17 SGK Tiếng Việt 3 tập 2. Câu 1. Xếp các từ sau đây vào nhóm thích hợp: đất nước, dựng xây, nước nhà, giữ gìn, non sông, gìn giữ, kiến thiết, giang sơn.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu 1

Xếp các từ sau đây vào nhóm thích hợp: đất nước, dựng xây, nước nhà, giữ gìn, non sông, gìn giữ, kiến thiết, giang sơn.

a) Những từ cùng nghĩa với Tổ quốc : 

b) Những từ cùng nghĩa với bảo vệ : 

c) Những từ cùng nghĩa với xây dựng : 

Phương pháp giải:

Giải nghĩa một số từ trong bài:

- Tổ quốc: đất nước, được bao đời trước xây dựng và để lại, trong quan hê với những người dân có tình cảm gắn bó với nó.

- Bảo vệ: chống lại mọi sự hủy hoại, xâm phạm để giữ cho được nguyên vẹn.

- Xây dựng: làm nên công trình kiến trúc theo một kế hoạch nhất định; làm cho hình thành một chỉnh thể về xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa theo một phương hướng nhất định.

Lời giải chi tiết:

a) Những từ cùng nghĩa với Tổ quốc : đất nước, nước nhà, non sông, giang sơn

b) Những từ cùng nghĩa với bảo vệ : giữ gìn, gìn giữ

c) Những từ cùng nghĩa với xây dựng : dựng xây, kiến thiết

Câu 2

Dưới đây là tên một số vị anh hùng dân tộc có công lao to lớn trong sự nghiệp bảo vệ đất nước. Em hãy nói về một vị anh hùng mà em biết rõ.

Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh, Lý Bí (Lý Nam Đế), Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương), Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lê Hoàn (Lê Đại Hành), Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo), Lê Lợi, Nguyễn Huệ (Quang Trung), Hồ Chí Minh.

Phương pháp giải:

Em tìm hiểu về một số vị anh hùng dân tộc qua sách báo hoặc truyền hình: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Trần Quốc Tuấn, ...

Lời giải chi tiết:

Sau đây là vài điều về anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn :

    Trần Quốc Tuấn, (Trần Hưng Đạo) sinh năm 1226 và mất năm 1300. Vào thế kỉ XIII (13), quân Nguyên Mông đã ba lần hùng hổ sang xâm lấn nước ta. Ông được vua nhà Trần phong tướng và cử cầm quân đánh giặc. Dưới sự lãnh đạo của ông, quân dân nhà Trần đã giành thắng lợi vẻ vang. Ông đã soạn ra sách dạy việc dùng binh gọi là "Binh thư yếu lược" để huấn luyện quân sĩ. Trong quá trình đánh giặc, ông còn viết ra một bài hịch rất thống thiết, hào hùng để khích lệ toàn quân chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù. Đó là bài Hịch Tướng Sĩ mà muôn đời sử sách còn lưu. Khi ông mất đi, nhân dân ta đã tôn vinh ông như một vị thần và lập đền thờ ở nhiều nơi. Nhân dân thường kính cẩn gọi ông là Đức Thánh Trần.

Câu 3

Em đặt dấu phẩy vào chỗ nào trong mỗi câu in nghiêng ?

Lê Lai cứu chúa

     Giặc Minh xâm chiếm nước ta. Chúng làm nhiều điều bạo ngược khiến lòng dân vô cùng căm giận. Bấy giờ ở Lam Sơn có ông Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa. Trong những năm đầu nghĩa quân còn yếu, thường bị giặc vây. Có lần giặc vây rất ngặt, quyết bắt bằng được chủ tướng Lê Lợi. Ông Lê Lai liền đóng giả làm Lê Lợi, đem một số toán quân phá vòng vây. Giặc bắt được ông, nhờ vậy mà Lê Lợi và số quân còn lại được cứu thoát.

Lê Lai (mất 1419): danh tướng của nghĩa quân Lê Lợi. Ba con trai của ông đều là những võ tướng nổi tiếng, hy sinh vì việc nước.

Phương pháp giải:

Em đọc diễn cảm và ngắt các ý trong câu bằng cách thêm dấu phẩy vào vị trí thích hợp.

Lời giải chi tiết:

Lê Lai cứu chúa

     Giặc Minh xâm chiếm nước ta. Chúng làm nhiều điều bạo ngược khiến lòng dân vô cùng căm giận. Bấy giờ, ở Lam Sơn có ông Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa. Trong những năm đầu, nghĩa quân còn yếu, thường bị giặc vây. Có lần, giặc vây rất ngặt, quyết bắt bằng được chủ tướng Lê Lợi. Ông Lê Lai liền đóng giả làm Lê Lợi, đem một số toán quân phá vòng vây. Giặc bắt được ông, nhờ vậy mà Lê Lợi và số quân còn lại được cứu thoát.

Lê Lai (mất 1419): danh tướng của nghĩa quân Lê Lợi. Ba con trai của ông đều là những võ tướng nổi tiếng, hy sinh vì việc nước.

close