Đề thi kì 1 môn Văn lớp 9 năm 2019 - 2020 quận Bắc Từ Liêm

Tải về

Giải chi tiết đề thi kì 1 môn Văn lớp 9 năm 2019 - 2020 quận Bắc Từ Liêm với cách giải nhanh và chú ý quan trọng

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 1 – NĂM HỌC 2019 – 2020

MÔN: NGỮ VĂN 9

Phần I (6 điểm)

            Làng là tác phẩm thành công của nhà văn Kim Lân viết về người nông dân. Trong tác phẩm, nhà văn có viết:

            … “Về đến nhà, ông Hai nàm vật ra giường, mấy đứa trẻ thấy bố hôm nay có vẻ khác, len lét đưa nhau ra đầu hà chơi sậm chơi sụi với nhau.

            Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ra rẻ rúng, hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu… Ông lão nắm chặt hai tay lại và rít lên:

-          Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này.

                                                   (SGK Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục 2014)

1. Đoạn trích trên diễn tả tâm trạng nào của ông Hai? Vì sao ông Hai lại có tâm trạng như vậy?

2. Ghi lại những câu văn có sử dụng hình thức độc thoại nội tâm ở trong đoạn trích trên. Chép chính xác 4 câu thơ khác trong một đoạn trích “Truyện Kiều” mà em đã được học sử dụng hình thức độc thạoi nội tâm này.

3. Dựa vào đoạn trích trên kết hợp với hiểu biết về tác phẩm “Làng”, em hãy viết đoạn văn tổng – phân – hợp (khoảng 12 câu) phân tích diễn biến tâm trạng của ông Hai từ khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc đến khi tâm sự với người con út (Trong đoạn văn có sử dụng câu bị động và lời dẫn trực tiếp, chú thích rõ)

Phần II (4 điểm): Trong bài thơ “Đồng chí”, nhà thơ Chính Hữu đã viết:

                                      “… Áo anh rách vai

                                      Quần tôi có vài mảnh vá

                                      Miệng cười buốt giá

                                      Chân không giày

                                      Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.

 

                                      Đêm nay rừng hoang sương muối

                                      Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

                                      Đầu súng trăng treo”

                                      (SGK Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục 2014)

1. Bài thơ “Đồng chí” được sáng tác trong hoàn cảnh nào? Kể tên một tác phẩm khác trong chương trình Ngữ văn lớp 9 có cùng đề tài với bài thơ đó, ghi rõ tên tác giả.

2. Các từ vai, miệng, tay, chân, đầu trong đoạn thơ, từ nào được dùng theo nghĩa gốc, từ nào được dùng theo nghĩa chuyển? Nghĩa nào được hình thành theo phương thức chuyển nghĩa ẩn dụ, nghĩa nào đươc hình thành theo phương thức hoán dụ?

3. Một cử chỉ giản dị tay nắm lấy bàn tay đã gợi tình yêu thương, tiếp thêm sức mạnh để những người lính vượt qua khó khăn. Hãy viết một đoạn văn nghị luận khoảng nửa trang giấy thi nêu suy nghĩ của em về sức mạnh của tình yêu thương trong cuộc sống hôm nay.

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM

PHẦN I

Câu 1:

*Phương pháp: Đọc, hiểu

*Cách giải:

- Đoạn trích trên diễn tả tâm trạng đau xót, xấu hổ, tủi thân của ông Hai.

- Ông Hai có tâm trạng như vậy vì ông vừa nghe được tin làng chợ Dầu của ông làm Việt gian theo giặc.

Câu 2:

*Phương pháp: Đọc, tìm ý

*Cách giải:

- Những câu văn sử dụng hình thức độc thoại nội tâm: “Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu…”

- Bốn câu thơ trong “Truyện Kiều” cũng sử dụng hình thức độc thoại nội tâm:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Câu 3:

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận

*Cách giải:

Học sinh nắm chắc kiến thức viết đoạn văn và viết theo yêu cầu đề bài. Gợi ý:

- Yêu cầu hình thức:

+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập đoạn văn.

+ Đoạn văn khoảng 12 câu. Lùi đầu dòng, viết hoa chữ cái đầu tiên và không ngắt đoạn.

+ Có các phần: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn; diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi diễn đạt, ngữ pháp, chính tả.

- Yêu cầu nội dung:

+ Đoạn văn xoay quanh nội dung: phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai từ khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc đến khi tâm sự với người con út.

+ Viết theo lối tổng – phân – hợp: câu chủ đề đặt ở đầu đoạn và có câu kết tổng hợp nội dung.

+ Sử dụng lời dẫn trực tiếp: câu dẫn trực tiếp dẫn nguyên văn và đặt trong ngoặc kép.

+ Sử dụng câu bị động: là câu có chủ ngữ được hoạt động khác hướng vào (thường đi kèm với các từ “bị”, “được”).

- Hướng dẫn cụ thể:

*Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm.

* Giới thiệu sơ lược về hoàn cảnh nhân vật ông Hai.

*Phân tích, bàn luận vấn đề

Tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc

- Khi nghe tin xấu, ông Hai sững sờ, xấu hổ, uất ức:“cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại,da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi tưởng như không thở được”.

- Khi trấn tĩnh lại được phần nào, ông còn cố chưa tin cái tin ấy. Nhưng rồi những người tản cư đã kể rảnh rọt quá, lại khẳng định họ “vừa ở dưới ấy lên” làm ông không thể không tin -> Niềm tự hào về làng thế là sụp đổ, tan tành trước cái tin sét đánh ấy

- Từ lúc ấy trong tâm trí ông Hai chỉ còn có cái tin dữ ấy xâm chiếm, nó thành một nỗi ám ảnh day dứt.

- Về đến nhà ông nằm vật ra giường rồi tủi thân nhìn lũ con “nước mắt ông lão cứ giàn ra”. Ông cảm thấy như chính ông mang nỗi nhục của một tên bán nước theo giặc, cả các con ông cũng sẽ mang nỗi nhục ấy.

- Ông Hai rơi vào tình trạng bế tắc, tuyệt vọng  khi nghĩ tới tương lai. Ông không biết đi đâu, về làng thì không được, vì về làng lúc này là đồng nghĩa với theo Tây, phản bội kháng chiến. Ở lại thì không xong, vì mụ chủ nhà đã đánh tiếng xua đuổi. Còn đi thi biết đi đâu bởi ai người ta chưa chấp dân làng Chợ Dầu phản bội.

-> Nếu như trước đây , tình yêu làng và tình yêu nước hòa quyện trong nhau thì lúc này, ông Hai buộc phải có sự lựa chọn.

- Cuối cùng, ông đã quyết định: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Như vậy, tình yêu làng dẫu có thiết tha, mãnh liệt đến đâu cũng không thể mãnh liệt hơn tình yêu đất nước. Đó là biểu hiện vẻ đẹp trong tâm hồn của con người Việt Nam, khi cần họ sẵn sàng gạt bỏ tình cảm riêng tư để hướng tới tình cảm chung của cả cộng đồng.

- Để ông Hai vơi bớt nỗi đau đớn, dằn vặt trong lòng và yên tâm về quyết định của mình, tác giả đã cho nhân vật trò chuyện với đứa con út -> Đó là một cuộc trò chuyện đầy xúc động nhớ quê, yêu quê, nỗi đau đớn khi nghe tin quê hương theo giặc cứ chồng chéo đan xen trong lòng ông lão. Dường như ông Hai đang nói chuyện với chính mình, đang giãi bày với lòng mình và cũng như đang tự nhắc nhở: hãy luôn “Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh”. Tình quê và lòng yêu nước thật sâu nặng và thiêng liêng.

=> Đau khổ tột cùng khi nghe tin làng mình theo giặc nhưng tấm lòng thủy chung, son sắt với cuộc kháng chiến thì vẫn không hề thay đổi.

*Tổng kết

PHẦN II

Câu 1:

*Phương pháp: nhớ lại kiến thức đọc hiểu của tác phẩm.

*Cách giải:

- Bài thơ “Đồng chí” được sáng tác vào mùa xuân năm 1948, thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, cũng là khi cuộc chiến đang diễn ra vô cùng ác liệt.

- Tác phẩm cùng đề tài: Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật.

Câu 2:

*Phương pháp: đọc, hiểu.

*Cách giải:

- Các từ “miệng”, “chân”, “tay” được dùng theo nghĩa gốc.

- Các từ “vai”, “đầu” được dùng theo nghĩa chuyển: từ “vai” được dùng theo nghĩa hoán dụ, từ “đầu” được dùng theo nghĩa ẩn dụ.

Câu 3:

*Phương pháp: giải thích, phân tích, tổng hợp, bình luận.

*Cách giải:

Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận để tạo lập đoạn văn. Gợi ý:

- Yêu cầu hình thức:

+ Đoạn văn khoảng nửa trang giấy. Lùi đầu dòng, viết hoa chữ cái đầu tiên và không ngắt đoạn.

+ Có các phần: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn; diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi diễn đạt, ngữ pháp, chính tả.

- Yêu cầu nội dung: Đoạn văn xoay quanh nội dung: viết về tình yêu thương của người lính qua đó viết về tình yêu thương đối với con người. Từ đó rút ra bài học cho bản thân về tình yêu thương trong cuộc đời.

- Hướng dẫn cụ thể:

*Giới thiệu vấn đề: tình yêu thương trong đời sống con người.

*Giải thích vấn đề: “Tình yêu thương” là tình cảm cảm yêu thương, chia sẻ, gắn bó giữa con người với nhau -> đây là yếu tố làm nên cuộc sống tốt đẹp.

*Phân tích, bàn luận vấn đề:

+ Tình yêu thương trong bài thơ “Đồng chí” thể hiện qua cái nắm tay của người lính giữa những đêm giá rét ở núi rừng Trường Sơn khắc nghiệt. Và chính những biểu hiện tốt đẹp đó đã kéo những người lính trở thành tri kỉ của nhau.

+ Tình yêu thương trong xã hội biểu hiện rất phong phú và đa dạng dưới nhiều hình thức: qua lời nói, cử chỉ hay những hành động ấm áp.

+ Tình yêu thương xuất hiện ở mọi nơi: trong gia đình, trong nhà trường, trong những nơi công cộng. Sự chia sẻ yêu thương làm cho cuộc sống tốt đẹp và khiến chúng ta hạnh phúc hơn.

+  Mỗi người cần cho đi sự yêu thương nhiều hơn đối với mọi người, đặc biệt là những người kém may mắn.

+ Phê phán những người có lối sống ích kỉ, thiếu tình thương.

* Liên hệ bản thân.

* Tổng kết.

 

HocTot.Nam.Name.Vn

Tải về

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close