Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo trong bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá của Đỗ Phủ.

Dù đã qua đi hơn mười hai thế kỷ nhưng bài thơ này vẫn giữ được cho mình chỗ đứng trong trái tim mỗi chúng ta bởi vì giá trị hiện thực và tính nhân đạo bao la luôn toả sáng trong đó.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở Bài
- Khái quát đôi nét về tác giả, tác phẩm
- Nêu luận đề: cảm nhận giá trị hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm

2. Thân Bài
a. Giải thích về giá trị hiện thực và nhân đạo
- Tính hiện thực được hiểu là những bức tranh đời sống và con người mà các nhà nghệ sĩ thể hiện trong tác phẩm của mình.
- Tính nhân đạo: Là sự đồng cảm sâu sắc của người cầm bút đối với những số phận, những cảnh huống bất hạnh trong cuộc sống. Từ đó lên tiếng tố cáo cái xấu, cái ác, cái bất công và bênh vực những con người nhỏ bé, yếu đuối.
b. Cảm nhận giá trị hiện thực trong bài thơ
- Cuộc sống khốn khổ của nhà thơ nói riêng và của nhân dân Trung Quốc nói chung dưới chế độ phong kiến nhà Đường thế kỉ thứ tám.
- Bức tranh hiện thực còn thể hiện ở cảnh cướp tranh của bọn trẻ thôn nam
→ Dùng chính cảnh nhà mình để phản ánh tình hình đất nước, thời đại làm cho bài thơ có tính chân thực rất cao.
c. Cảm nhận giá trị nhân đạo trong bài thơ
- Ngay giữa cảnh ngộ khốn cùng của bản thân, ông vẫn nghĩ đến biết bao cảnh ngộ khác trên đời.
- Đỗ Phủ có ý nguyện hi sinh bản thân mình để cầu ước cho những kẻ sĩ khác được may mắn hơn, êm ấm hơn.

3. Kết Bài
Tổng kết các nội dung và nêu cảm nghĩ của người viết.

Bài mẫu

       Đỗ Phủ là cây đại thụ của nền văn học cổ điển Trung Hoa, ông sống vào giai đoạn cực thịnh sau đó là suy vong của đời Đường, nên đã chứng kiến tận mắt chiến tranh liên miên, thiên tai địch hoạ, bao cảnh thương tâm, khổ cực của dân chúng dưới chế độ phong kiến đương thời. Tất cả những cảnh ngộ éo le ấy trong đó có bản thân nhà thơ đều được ghi lại đầy đủ và rõ nét trong hầu hết thơ của ông. Ngoài giá trị hiện thực lịch sử to lớn, còn thể hiện cái nhìn yêu thương đối với nhân dân lao động. Bài Bài ca nhà tranh bị gió thu phá đã phản ánh được điều này.

       Bài thơ này được xếp vào những bài thơ hay nhất của ông. Vào những năm cuối đời sau khi đã nếm trải đủ những tủi cực, đắng cay của cuộc đời bôn ba thiên hạ. Ông trở về sống ở Thành Đô, gia cảnh của ông vẫn cực khổ bần hàn, nghèo túng. Được bạn bè giúp đỡ, ông đã có một căn nhà tranh bên cạnh Khe Cán Hoa phía Tây Thành Đô.

       Căn nhà tranh ấy là đối tượng miêu tả trong sự chống đỡ, vật lộn với trận thu phong.

Tháng tám, thu cao, gió thét già,

Cuộn mất ba lớp tranh nhà ta

Tranh bay sang sông rải khắp bờ,

Mảnh cao treo tót ngọn rừng xa

Mảnh thấp quay lộn vào mương xa.

       Đoạn thơ là bức tranh về một trận thu phong vào tháng tám Gió thét già. Qua cách kể của tác giả ta hình dung trận gió thu rất mạnh, trong phút chốc những tấm tranh kia bị lật tung bay khắp mọi nơi. Có mảnh tốc bay cao, bay thấp, bay xa, bay gần rải khắp bờ, treo tót ngọn cành cây, quay lộn vào mương... Thật là trớ trêu cho cảnh ngộ của ông già Đỗ Phủ, ngước mắt nhìn theo những tấm tranh bị gió cuốn mà lòng xót xa và bất lực. Vậy là thiên nhiên vô tình cũng chẳng buông tha cho người áo vải bao năm tháng bôn ba mưu sinh giờ đây mới có được ngôi nhà tranh trú mưa trú nắng.

       Những năm đó loạn An Sử vẫn còn rất khốc liệt, đời sống nhân dân vô cùng cơ cực, li tán, chết đói đẫy rẫy. Nhà nhà, người người bị ném vào cuộc chiến tranh phi nghĩa. Có những gia đình mà đến hơn một nửa bị chết trong khói lửa sa trường.

Van rằng: có ba trai

Nghiệp thành đều đi thứ

Một đứa gửi thư nhắn

Hai đứa vừa chết trận

Đứa chết đành thôi rồi

Đứa còn đâu chắc chắn.

(Viên Lại ở Thạch Hào)

       Có ba trai phải tòng quân, hai đứa chết trận, đứa còn biết sống chết ra sao. Rồi cả bà lão đã gần đất xa trời cũng phải ra chốn Hà Dương. Nghèo khổ, túng bấn cả con dâu không còn quần áo lành lặn. Hiện thực xã hội là như vậy. Một xã hội mà đảo điên, loạn li như vậy thì chắc chắn đạo đức suy đồi xuống cấp nghiêm trọng. Căn nhà đã bị gió thu phá sạch, lũ trẻ thôn Nam nghịch ngợm quá mức kéo nhau đến cướp tranh đi mất. Nhà thơ già yếu, chân chậm mắt kém làm sao đuổi được.

Môi khô, miệng cháy gào chẳng được

Quay về, chống gậy lòng ấm ức!

       Cảnh ngộ cười ra nước mắt, chống gậy quay về ngôi nhà tuềnh toàng mà lòng đau đớn, xót xa. Những bước chân mỏi mệt, đắng cay và bất lực, tràn lên tận cuống họng mà không nói thành lời.

       Trong lòng tác giả đang oán hận và trách móc, có chăng lũ trẻ tinh nghịch, đói nghèo thất học tràn lan. Lấy ai nuôi dạy chúng khi:

Ngoài biên máu chảy thành biển đỏ,

Mở cõi nhà Vua ý chưa bỏ...!

       Hay:

... Cửa son rượu thịt ôi,

Ngoài đường, xương chết buốt!

       Sự trớ trêu trong cảnh ngộ của Đỗ Phủ không chỉ là thu phong tốc mái căn nhà tranh mà về đêm thêm một tai hoạ mới. Mưa thu dầm dề, sùi sụt, dai dẳng kéo dài suốt đêm, kéo theo cái lạnh càng thêm lạnh. Nhà dột lung tung khác chi ở ngoài trời. Chăn, mền cũ, bị con quẫy đạp rách. Mãi chưa sáng... mưa mãi không tạnh... làm sao nhà thơ có thể ngủ được. Ông trằn trọc suốt đêm trong mệt nhọc, đói rét, lo lắng, buồn rầu, thương vợ, thương con.

Từ trải cơn loạn ít ngủ nghê,

Đêm dài ướt át sao cho trót.

       Đêm dài như dài thêm, ông già cũng chỉ đành cay đắng, ấm ức và bất lực ngồi đếm từng nhịp trống canh.

       Ta thấy hiện lên trên khuôn mặt nhà thơ sự đau khổ, cay đắng. Một kẻ sĩ có học thức mà công danh thì lận đận, cuộc đời thì long đong, túng bấn khổ cực. Ông trách mình đã chẳng giúp gì cho vợ con và gia đình trong cảnh nghèo khổ ấy. Băn khoăn trăn trở hơn là kẻ sĩ mà chẳng giúp gì được cho đời, chiến tranh liên miên, dân chúng loạn lạc cực khổ. Càng nghĩ ông càng phê phán và lên án chiến tranh, lên án xã hội phong kiến gây bao cảnh đời vất vả như chính gia đình tác giả. Nỗi khổ về vật chất và tinh thần của Đỗ Phủ cũng là cái khổ chung của nhân dân lao động, của các nhà nho, trí thức thời đó. Sự khốn cùng của gia đình tác giả là chứng tích cho một thời kỳ lịch sử xã hội Trung Quốc hay đó chính là xã hội thời Đường thu nhỏ lại. Chỉ đơn thuần là nhà bị gió phá, mưa dột nghèo túng nhưng bài thơ có giá trị hiện thực to lớn, phản ánh nhiều mặt đang nóng bỏng của xã hội Trung Quốc lúc đó. Những nỗi đau của dân đen ông cũng đã từng chứng kiến nếm trải để rồi từ hiện thực của gia đình, xã hội, nhà thơ thể hiện khát vọng hoà bình, dân chúng ấm no:

Ước được nhà rộng muôn ngàn gian

Che khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo đều hân hoan

Gió mưa chẳng núng, vững vàng như thạch bàn!

Than ôi! bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt

Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được!

       Cùng với giá trị hiện thực sâu sắc của bài thơ, khổ thơ cuối thể hiện sâu sắc khát vọng cao đẹp, ước mơ cao cả, vị tha. Nhà mình thì dột nát, sắp đổ đến nơi, biết bao giờ dựng lại được? Vậy mà ông luôn nghĩ tới tương lai, không hề nghĩ cho mình, gia đình, lại nghĩ đến ngôi nhà chung, to cao, rộng rãi, vững chắc muôn nghìn gian, bất chấp mưa nắng, vững như thạch bàn dành cho muôn nghìn dân đang đói rách, cơ cực bần hàn trú ngụ. Dù đau khổ chất chồng, nhưng không dập tắt được nhân tính, không làm mất được niềm tin, con người không bị hoàn cảnh đè bẹp mà ngạo nghễ vượt lên trên hoàn cảnh. Thương người là nhân, yêu người là ái. Lòng nhân ái của Đỗ Phủ thật cảm động và thiết thực cụ thể. Điều cao cả và đáng kính trọng hơn nữa là ở chỗ mơ ước ấy mang tinh thần vị tha tới mức xả thân vì người khác. Ông vui lòng chịu chết cóng, chết rét để có được ngôi nhà trong mơ ấy.

       Thực tế xưa nay không có ngôi nhà rộng muôn ngàn gian như thế. Khổ thơ được sáng tạo bằng biện pháp tu từ so sánh và thậm xưng đế diễn tả ước mơ to lớn và cảm hứng lãng mạn dạt dào, làm sáng bừng lòng nhân ái bao la của một con người từng trải qua bao bất hạnh giữa thời loạn lạc. Vì vậy nhà thơ mong mỏi ai ai cũng được sống cuộc sống yên ấm hạnh phúc.

       Dù đã qua đi hơn mười hai thế kỷ nhưng bài thơ này vẫn giữ được cho mình chỗ đứng trong trái tim mỗi chúng ta bởi vì giá trị hiện thực và tính nhân đạo bao la luôn toả sáng trong đó.

HocTot.Nam.Name.Vn

Tham Gia Group Dành Cho 2K12 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close