Đề số 12 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) - Ngữ văn 8

Tải về

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 12 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) - Ngữ văn 8

Đề bài

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (2 điểm)

ĐẬP ĐÁ Ở CÔN LÔN 

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,

Lừng lẫy làm cho lở núi non.

Xách búa đánh tan năm bảy đống,

Ra tay đập bể mấy trăm hòn.

Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,

Mưa nắng càng bền dạ sắt son.

Những kẻ vá trời khi lỡ bước,

Gian nan chi kể việc con con!

Phan Châu Trinh, Sách Ngữ văn 8, tập một, Nhà xuất bản Giáo dục ViệtNam, 2015

Em hãy đọc kỹ văn bản trên rồi trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1. Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ.

Câu 2. Em hình dung công việc đập đá của người tù ở Côn Đảo là một công việc như thế nào ? (Không gian, điều kiện làm việc và tính chất công việc.)

Câu 3. Nêu ý nghĩa của bài thơ.

Câu 4. Kể tên các bài thơ và tác giả đã học và đọc thêm trong sách Ngữ văn 8, tập một - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cùng chủ đề với bài thơ này. 

 II. PHẦN LÀM VĂN (8 điểm)

Thuyết minh về một loài hoa hoặc một loài cây ngày Tết ở Việt Nam mà em yêu thích.

Lời giải chi tiết

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1.

Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ.

Phương pháp:

Nhớ lại thông tin tác phẩm

Lời giải chi tiết:

Bài thơ được Phan Châu Trinh làm trong thời gian bị bắt đày ra Côn Lôn (Côn Đảo) (1908-1910)

Câu 2.

Em hình dung công việc đập đá của người tù ở Côn Đảo là một công việc như thế nào? (Không gian, điều kiện làm việc và tính chất công việc.)

Phương pháp:

Tự liên tưởng và hình dung

Lời giải chi tiết:

Trên hòn đảo trơ trọi, giữa nắng gió biển khơi, trong chế độ nhà tù khắc nghiệt của thực dân Pháp, người tù buộc phải làm công việc lao động khổ sai hết sức cực nhọc, không ít người đã kiệt sức và gục ngã…  

Câu 3.

Nêu ý nghĩa của bài thơ.

Phương pháp:

Đọc kĩ bài thơ, từ nội dung, nghệ thuật rút ra ý nghĩa

Lời giải chi tiết:

Nêu ý nghĩa của bài thơ: Bằng bút pháp lãng mạn và giọng điệu hào hùng, bài thơ giúp ta cảm nhận được hình tượng đẹp lẫm liệt, ngang tàng của người anh hùng cứu nước dù gặp nguy nan nhưng vẫn không sờn lòng, đổi chí.

Câu 4.

Kể tên các bài thơ và tác giả đã học và đọc thêm trong sách Ngữ văn 8, tập một - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cùng chủ đề với bài thơ này. 

Phương pháp:

Từ nội dung rút ra chủ đề, nhớ lại một tác phẩm có cùng chủ đề đã được học

Lời giải chi tiết:

3 bài thơ, 3 tác giả: Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu; Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà, Hai chữ nước nhà của Á Nam Trần Tuấn Khải.

II. PHẦN LÀM VĂN

Thuyết minh về một loài hoa hoặc một loài cây ngày Tết ở Việt Nam mà em yêu thích.

Phương pháp:

Nhớ lại nguồn gốc, cấu tạo của một loài hoa, loài cây để thuyết minh

Lời giải chi tiết:

Dàn bài gợi ý (hoa mai)

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về hoa mai

2. Thân bài

a. Nguồn gốc và phân bố

–    Loài hoa thuộc chi Mai, họ Mai.

–   Hoa mai là một loài cây dại, thân gỗ mọc ở rừng sau đó được con người mang về nhân giống, trồng và thành loài cây cảnh như ngày nay.

–   Phân bố: xuất hiện chủ yếu ở nhiều nơi trên khắp đất nước ta nhưng tập trung nhiều hơn cả là ở dãy núi Trường Sơn và các tỉnh từ Quảng Nam, Đà Nẵng cho tới Khánh Hòa.

b. Những đặc điểm của hoa mai

–  Hoa mai được chia làm nhiều loại khác nhau như mai tứ quý, mai vàng, mai chiếu thủy, mai trắng,…

–   Mai là loại cây thân gỗ, thân cây nhỏ có màu nâu sẫm góp phần điểm to cho sự mảnh mai, duyên dáng của cây mai.

–   Lá cây mai màu xanh đậm, nhỏ xinh như lá chanh.

–  Nụ mai thường nhỏ, được che chở, bao bọc bởi những đài hoa. Chúng thường kết lại với nhau tạo thành một chùm từ bảy đến mười nụ.

–  Hoa mai: năm cánh với hương thơm dịu nhẹ lại đua nhau khoe sắc, tỏa hương dưới nắng xuân ấm áp.

c. Cách chăm sóc hoa mai

–  Mai là loài cây khó trồng và khó chăm sóc, bởi vậy đòi hỏi ở những người trồng mai sự hiểu biết, cẩn thận và tỉ mỉ.

–  Để hoa mai nở vào đúng dịp Tết Nguyên đán, người trồng mai thường ngắt sạch lá mai trước tầm nửa tháng

–  Tưới nước: tưới một lượng nước vừa đủ vì nếu tưới quá nhiều nước mai sẽ dễ bị chết úng, chết ngập.

–  Để có một chậu mai thật đẹp, người trông mai thường cắt lá, tỉa và uốn cành thành những hình thù độc đáo và có ý nghĩa to lớn

d. Ý nghĩa và vai trò, vị trí của hoa mai

–  Loài hoa mang đến bình an và may mắn, bởi vậy nó không thể thiếu mỗi dịp đón năm mới

–  Loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm, thanh khiết và đức tính kiên cường, mạnh mẽ của những người con đất Việt

– Hoa mai trở thành nguồn cảm hứng cho thơ, ca nhạc họa với nhiều tác phẩm độc đáo.

–  Được dùng để trang trí lên chiếc áo dài – trang phục truyền thống của phụ nữ Việt, như để điểm tô thêm cho vẻ đẹp đằm thắm, thanh khiết của người con gái Á Đông

–  Hoa mai cũng mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng thu nhập cho những người trồng mai.

3. Kết bài

Khái quát về vai trò, ý nghĩa của hoa mai trong đời sống của người dân đất Việt và nêu cảm nghĩ của bản thân.

Tải về

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close