Đề kiểm tra học kì 2 lịch sử 8- Đề số 1 có lời giải chi tiếtĐáp án và lời giải chi tiết Đề số 1 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) - Lịch sử 8 Đề bài PHẦN I: TRẮC NGHIỆM Câu 1. Người trực tiếp lãnh đạo Cách mạng tháng Mười Nga 1917 là A. Xta-lin. B. Khơ-ru-xốp. C. Lê-nin. D. Đi-mi-tơ-rốp. Câu 2. Từ hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945), kết luận quan trọng nhất nhân loại rút ra cho mình là gì? A. Coi chiến tranh là mục tiêu của sự phát triển. B. Cần khắc phục hậu quả chiến tranh. C. Chiến tranh là tất yếu không thể ngăn chặn. D. Chiến tranh chỉ đem lại chết chóc và đau thương. Câu 3. Ở Việt Nam, cuối thế kỉ XIX là thời gian tồn tại của triều đình phong kiến nào? A. Nhà Trần. B. Nhà Hồ. C. Nhà Tây Sơn. D. Nhà Nguyễn. Câu 4. Ngày 1/9/1858, mở đầu thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta tại cửa biển A. Huế. B. Đà Nẵng. C. Sài Gòn. D. Hà Nội. Câu 5. “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Câu nói đó của ai? A. Trương Định. B. Nguyễn Đình Chiểu. C. Phan Tôn. D. Nguyễn Trung Trực. Câu 6. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân các tỉnh đồng bằng Bắc Kì (1873 – 1874) tại Phong Doanh – Ý Yên – Nam Định, có căn cứ kháng chiến của A. Nguyễn Tri Phương. B. Phạm Văn Nghị. C. Phan Đình Phùng. D. Cao Thắng. Câu 7. Trong quá trình thực dân Pháp đánh chiếm ra Bắc Kì cuối thế kỉ XIX, quân dân ta hai lần giành thắng lợi vang dội, khiến thực dân Pháp hoang mang còn quân ta thì phấn khởi. Đó là chiến thắng ở A. Cửa Ô Thanh Hà. B. Thành Hà Nội. C. Sơn Tây. D. Cầu Giấy. Câu 8. Lí do chủ yếu khiến triều đình Huế liên tiếp kí với thực dân Pháp các Hiệp ước: Nhâm Tuất (1862), Giáp Tuất (1874), Hác-măng (1883) và Patơnốt (1884) là gì? A. Cả dân tộc ta không còn sức để chiến đấu. B. Để bảo vệ quyền lợi của giai cấp phong kiến và dòng họ Nguyễn. C. Thực dân Pháp là đối thủ quá mạnh, triều đình nhà Nguyễn không đủ sức đương đầu. D. Nhân dân ta đã hạ vũ khí đầu hàng thực dân Pháp. Câu 9. Bức ảnh phản ánh sự kiện lịch sử nào sau đây? A. Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi ra “Chiếu Cần Vương”. B. Trương Định nhận phong soái. C. Ri-vi-e gửi thư cho Tổng đốc Hoàng Diệu.
D. Nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu dùng văn thơ để chiến đấu. Câu 10. Hiệp ước nào đã chấm dứt sự tồn tại của triều đại phong kiến nhà Nguyễn với tư cách là một quốc gia độc lập, thay vào đó là chế độ thuộc địa nửa phong kiến, kéo dài đến Cách mạng tháng Tám năm 1945? A. Hiệp ước Pa-tơ-nốt. B. Hiệp ước Nhâm Tuất. C. Hiệp ước Hác-măng. D. Hiệp ước Giáp Tuất. Câu 11. Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885 – 1895) là ai? A. Phạm Bành, Đinh Công Tráng. B. Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật. C. Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám. D. Phan Đình Phùng, Cao Thắng. Câu 12. Các phong trào yêu nước cuối thế kỉ XIX thất bại vì lí do chủ yếu nào? A. Chưa xác định rõ mục tiêu khởi nghĩa. B. Chưa đoàn kết đứng lên đấu tranh. C. Người lãnh đạo phong trào còn bộc lộ nhiều hạn chế. D. Ngọn cờ cứu nước theo khuynh hướng phong kiến đã lỗi thời lạc hậu. Câu 13. Cuộc khởi nghĩa vũ trang lớn và kéo dài nhất trong phong trào chống Pháp cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX là A. Khởi nghĩa Ba Đình (1886 – 1887). B. Khởi nghĩa Bãi Sậy (1883 – 1892). C. Khởi nghĩa Yên Thế (1884 – 1913). D. Khởi nghĩa Hương Khê (1885 – 1895). Câu 14. Lí do nào khiến những đề nghị cải cách cuối thế kỉ XIX không thực hiện được? A. Không có tiền. B. Không có thời gian. C. Không mang tính thực tiễn. D. Triều đình Huế bảo thủ không cải cách. Câu 15. Những lực lượng xã hội mới xuất hiện ở Việt Nam đầu thế kỉ XX gồm: A. Tư sản, nông dân và tiểu tư sản. B. Tư sản, công nhân và tiểu tư sản thành thị. C. Tư sản, công nhân và địa chủ. D. Tiểu tư sản thành thị, công nhân và địa chủ. Câu 16. Phan Bội Châu là người A. khởi xướng phong trào Đông Du đưa học sinh sang Nhật Bản đầu thế kỉ XX. B. lãnh đạo cuộc vận động Duy Tân đầu thế kỉ XX. C. lãnh đạo phong trào Đông Kinh nghĩa thục đầu thế kỉ XX. D. lãnh đạo khởi nghĩa của binh lính và tù chính trị ở Thái Nguyên đầu thế kỉ XX. PHẦN II: TỰ LUẬN Câu 1. Trình bày những hoạt động của Nguyễn Tất Thành từ 1911 đến 1917? Câu 2. Hướng đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành có gì mới so với các nhà yêu nước chống Pháp trước đó? Lời giải chi tiết ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
Câu 1. Phương pháp: sgk trang 78. Cách giải: Đêm 25-10 (6-11), Lê-nin đến điện Xmô-nưi trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa (Cách mạng tháng Mười Nga). Chọn: C Câu 2. Phương pháp: sgk trang 108, suy luận. Cách giải: Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945) đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề đối với nhân loại: 60 triệu người chết, 90 triệu người bị tàn tật, thiệt hại về vật chất lên gấp 10 lần so với Chiến tranh thế giới thứ nhất, bằng tất cả các cuộc chiến tranh trong hơn 1000 năm trước đó cộng lại. Như vậy, dù là nước thắng trận hay bại trận cũng phải chịu hậu quả nặng nề, tổn thất rất lớn về người và của -> Chiến tranh chỉ đem lại chết chóc và đau thương. Chọn: D Câu 3. Phương pháp: sgk trang 114. Cách giải: Triều đình phong kiến nhà Nguyễn tồn tại từ năm 1802 đến 1945 (khi cách mạng tháng Tám thành công). Đây là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Chọn: D Câu 4. Phương pháp: sgk trang 115. Cách giải: Ngày 1/5/1858, thực dân Pháp nổ súng mở đầu cuộc xâm lược nước ta ở Đà Nẵng. Chọn: B Câu 5. Phương pháp: sgk trang 118, 119. Cách giải: Nguyễn Trung Trực trước kháng chiến ở miền Đông, sau đó sang miền Tây lập căn cứ ở Hòn Chông (Rạch Giá). Bị giặc bắt đem ra chém, ông đã khảng khái nói: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Chọn: D Câu 6. Phương pháp: sgk trang 121. Cách giải: Trong cuộc kháng chiến của nhân dân các tỉnh đồng bằng Bắc Kì (1873 – 1874) tại Phong Doanh – Ý Yên – Nam Định có căn cứ kháng chiến của Phạm Văn Nghị. Chọn: B Câu 7. Phương pháp: suy luận. Cách giải: Trong quá trình thực dân Pháp đánh chiếm ra Bắc Kì cuối thế kỉ XIX, quân dân ta hai lần giành thắng lợi vang dội, khiến thực dân Pháp hoang mang còn quân ta thì phấn khởi. Đó là: - Chiến thắng Cầu Giấy lần 1 (21-12-1873). - Chiến thắng Cầu Giấy lần 2 (19-5-1883). Tuy nhiên, triều đình Huế lại kí với thực dân Pháp Hiệp ước Giáp Tuất (1874) và Hiệp ước Hácmăng (1883). Chọn: D Câu 8. Phương pháp: Phân tích, đánh giá. Cách giải: Vào giữa thế kỉ XIX, đất nước suy yếu, khủng hoảng về mọi mặt. Trong khi đó, thực dân Pháp đang trong thời kì phát triển, cần nguyên nhiên liệu và thị trường để phát triển. Chính vì thế, năm 1858 Pháp đã nổ súng xâm lược Việt Nam. Nhân dân ta đã chiến đấu kiên cường và bền bỉ chống Pháp. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của giai cấp phong kiến và dòng họ Nguyễn, triều đình Huế đã lần lượt kí với Pháp các Hiệp ước: Nhâm Tuất (1862), Giáp Tuất (1874), Hác-măng (1883) và Patơnốt (1884). Sự bảo thủ của triều Nguyễn là nguyên nhân cơ bản nhất khiến Việt Nam rơi vào tay thực dân Pháp. Chọn: B Câu 9. Phương pháp: sgk trang 117. Cách giải: Bức ảnh trên phản ánh sự kiện “Trương Định nhận phong soái”. Chọn: B Câu 10. Phương pháp: sgk trang 124. Cách giải: Hiệp ước Pa-tơ-nốt đã chấm dứt sự tồn tại của triều đại phong kiến nhà Nguyễn với tư cách là một quốc gia độc lập, thay vào đó là chế độ thuộc địa nửa phong kiến, kéo dài đến Cách mạng tháng Tám năm 1945. Chọn: A Câu 11. Phương pháp: sgk trang 129. Cách giải: Lãnh đạo cao nhất của cuộc khởi nghĩa Hương Khê là Phan Đình Phùng. Bên cạnh đó còn có nhiều tướng lĩnh tài ba khác, tiêu biểu là Cao Thắng. Chọn: D Câu 12. Phương pháp: Phân tích, đánh giá. Cách giải: Các phong trào yêu nước cuối thế kỉ XIX thất bại xuất phát từ những lí do sau: - Thiếu đường lối lãnh đạo đúng đắn. Ngọn cờ phong kiến đã lỗi thời, không thể tập hợp, đoàn kết để tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân chống Pháp. - Thiếu sự thống nhất, phối hợp giữa các cuộc khởi nghĩa với nhau. - Cách đánh giặc chủ yếu là dựa vào địa thế hiểm trở (như khởi nghĩa Ba Đình, Bãi Sậy, …) - Thực dân Pháp còn mạnh, tương quan lực lượng bất lợi cho ta. -> Trong đó, ngọn cờ cứu nước theo khuynh hướng phong kiến đã lỗi thời, lạc hậu là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến thất bại của phong trào yêu nước cuối thế kỉ XIX, thể hiện sự khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo. Chọn: D Câu 13. Phương pháp: sgk trang 131. Cách giải: Khởi nghĩa Yên Thế là cuộc khởi nghĩa vũ trang kéo dài nhất trong phong trào chống Pháp cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX (từ năm 1884 đến năm 1913). Chọn: C Câu 14. Phương pháp: sgk trang 136, suy luận. Cách giải: Các đề nghị cải cách cuối thế kỉ XIX không thực hiện được là do: triều đình phong kiến Nguyễn bảo thủ, bất lực trong việc thích ứng với hoàn cảnh nên đã không chấp nhận thay đổi và từ chối mọi đề nghị cải cách, kể cả những cải cách hoàn toàn có khả năng thực hiện được. Chọn: D Câu 15. Phương pháp: sgk trang 141, 142, suy luận. Cách giải: - Lực lượng xã hội cũ: nông dân, địa chủ. - Lực lượng xã hội mới ra đời ở Việt Nam do tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 – 1914) gồm: + Giai cấp mới: công nhân + Tầng lớp mới: tư sản, tiểu tư sản thành thị. Chọn: B Câu 16. Phương pháp: sgk trang 144. Cách giải: Đầu năm 1905, Phan Bội Châu sang Nhật nhờ giúp khí giới, tiền bạc để đánh Pháp. Hội Duy tân (thành lập 1904) đã phát động thành viên tham gia phong trào Đông Du. => Phan Bội Châu là người khởi xướng phong trào Đông Du đưa học sinh sang Nhật Bản đầu thế kỉ XX. Chọn: A PHẦN II: TỰ LUẬN Câu 1. Phương pháp: sgk trang 148, 149. Cách giải: - Năm 1911, tại cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), Nguyễn Tất Thành xuống làm phụ bếp cho tàu buôn của Pháp là Đô Đốc La-tu-sơ-Tơ-rê-vin để sang phương Tây. - Từ 1911 - 1917, cuộc hành trình kéo dài 6 năm qua nhiều nước châu Phi, châu Mĩ, châu Âu. - Năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp. Ở đây, Người làm nhiều nghề, tích cực tham gia phong trào công nhân Pháp, … tiếp nhận ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, tư tưởng của Người dần có những chuyển biến. Câu 2. Phương pháp: So sánh, nhận xét. Cách giải: Khác với các bậc tiền bối đi trước hướng về Trung Quốc và Nhật Bản, Nguyễn Ái Quốc quyết định sang phương Tây, đến nước Pháp để tìm hiểu về nước Pháp và các nước khác làm như thế nào rồi trở về giúp đông bào mình. Nguồn: Sưu tầm HocTot.Nam.Name.Vn
|