Đề kiểm tra 15 phút - Đề số 3 - Chương IV - Phần 2 - Lịch sử 10

Đáp án và lời giải chi tiết Đề kiểm tra 15 phút - Đề số 3 - Chương 4 - Việt Nam ở nửa đầu thế kỉ XIX - Lịch sử 10

Đề bài

I. TRẮC NGHIỆM (6 điểm)

Câu 1. Xã hội Việt Nam đầu thời Nguyễn phân chia thành mấy giai cấp chính?

A. Hai.                             B. Ba.

C. Bốn.                           D. Năm.

Câu 2. Ai là người đã lãnh đạo binh lính nổi dậy chống lại triều đình trong năm 1883?

A. Phan Bá Vành.

B. Nông Văn Vân.

C. Cao Bá Quát.

D. Lê Văn Khôi.

Câu 3.

Trên trời có ông sao Tua

Ở làng Minh Giám có vua Bá Vành

Câu ca dao trên nhắc đến cuộc khởi nghĩa nào?

A. Phan Bá Vành.

B. Cao Bá Quát.

C. Lê Văn Khôi.

D. Nông Văn Vân.

Câu 4.

 “Con ơi mẹ bảo con này

Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”

Câu ca dao trên phản ánh thực trạng gì dưới triều Nguyễn nửa đầu thế kỉ XIX?

A. Tệ tham qua ô lại phổ biến.

B. Ví quan lại như bọn giặc cướp.

C. Tình trạng bóc lột nhân dân tàn bạo.

D. Tình yêu thương con của bà mẹ.

Câu 5. Nhà Nguyễn đã có hành động quan trọng nào để ứng phó với cuộc khủng hoảng xã hội nửa sau thế kỉ XVIII?

A. Xu hướng thân phương Tây của triều đình.

B. Tăng cường tính chuyên chế, củng cố quan hệ sản xuất phong kiến.

C. Tăng cường đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân.

D. Xu hướng thần phục nhà Thanh của triều đình.

Câu 6. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thất bại của các phong trào đấu tranh đầu thế kỉ XIX là gì?

A. Triều đình Nguyễn câu kết với thực dân Pháp để đàn áp.

B. Mang tính tự phát, thiếu một đường lối đấu tranh đúng đắn.

C. Triều đình Nguyễn tiến hành chia rẽ, mua chuộc.

D. Sự hùng mạnh của quân đội triều đình.

II. TỰ LUẬN (4 điểm)

Em nghĩ thế nào về cuộc sống của nhân dân ta dưới thời Nguyễn? So sánh với thế kỉ XVIII?

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

I. TRẮC NGHIỆM

1. A

2. D

3. A

4. A

5. B

6. B

Câu 1.

Phương pháp: sgk trang 130.

Cách giải:

Đầu thời Nguyễn, xã hội phân chia thành hai giai cấp là:

- Giai cấp thống trị: vua, quan lại, địa chủ và cường hào.

- Giai cấp bị trị: các tầng lớp nhân dân lao động mà tuyệt đại đa số là nông dân.

Chọn: A

Câu 2.

Phương pháp: sgk trang 132.

Cách giải:

Người lãnh đạo cuộc nổi dậy của binh lính chống triều đình là Lê Văn Khôi. Trong quá trình đàn áp các cuộc khởi nghĩa theo lệnh của triều đình Nguyễn, nhiều binh sĩ bất bình đã nổi dậy chống đối. Năm 1833, ở Phiên An - Gia Định đã nổ ra cuộc khởi nghĩa lớn của binh lính do Lê Văn Khôi lãnh đạo. Được sự ủng hộ của binh lính và nông dân nhiều nơi, nghĩa quân đã có lúc làm chủ được các tỉnh Nam Kì, nhưng đến năm 1835 thì bị đàn áp.

Chọn: D

Câu 3.

Phương pháp: sgk trang 131.

Cách giải:

Câu ca dao trên dân gian muốn nhắc đến cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành.

Chọn: A

Câu 4.

Phương pháp: sgk trang 130, suy luận.

Cách giải:

Hai câu ca dao trên phản ánh tệ tham qua ô lại dưới triều Nguyễn. Một giám mục người Pháp khi đến Việt Nam đã nhận xét về hiện tượng này như sau: “Dân chúng hết sức khốn khổ, vua và quan lại làm khổ dân một cách kì lạ, công lý này thuộc về tiền bạc, kẻ giàu có thể đánh đập người nghèo mà không sợ bị trừng phạt gì, vì họ tin chắc nhờ tiền bạc họ sẽ thắng kiện”.

Chọn: A

Câu 5.

Phương pháp: sgk trang 130, suy luận.

Cách giải:

Cuộc khủng hoảng xã hội ở nửa sau thế kỉ XVIII đã khiến nhà nước chuyên chủ phong kiến thời Nguyễn tăng cường tính chuyên chế, củng cố quan hệ sản xuất phong kiến để tạo ra hàng rào, bệ đỡ bảo vệ chế độ phong kiến và quyền lợi của dòng họ. Tuy nhiên, biện pháp ứng phó này trên thực tế không thể mang lại hiệu quả, tệ tham quan ô lại vẫn diễn ra, địa chủ, cường hào vẫn tiếp tục hoành hành, áp bức nhân dân ở nông thôn.

Chọn: B

Câu 6.

Phương pháp: Nhận xét, đánh giá.

Cách giải:

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thất bại của các phong trào đấu tranh của nhân dân đầu thế kỉ XIX các cuộc khởi nghĩa còn mang tính tự phát, địa phương, riêng rẽ, chưa có sự đoàn kết, trang bị vũ khí thô sơ, chưa có đường lối đúng đắn nên quân đội triều đình có thể dễ dàng đàn áp.

Chọn: B

II. TỰ LUẬN

Phương pháp: sgk Lịch sử 10 trang 130, 131, nhận xét, so sánh.

Cách giải:

- Dưới thời Nguyễn nhân dân phải chịu nhiều gánh nặng:

+ Phải chịu cảnh sưu cao, thuế nặng.

+ Chế độ lao dịch nặng nề.

+ Thiên tai, mất mùa, đói kém thường xuyên xảy ra.

- Đời sống của nhân dân cực khổ hơn nhiều so với thế kỉ XVIII.

HocTot.Nam.Name.Vn

2k8 Tham gia ngay group chia sẻ, trao đổi tài liệu học tập miễn phí

close