Đề kiểm tra 15 phút chương 1 phần 2 lịch sử 7 - Đề số 4 có lời giải chi tiết

Đề kiểm tra 15 phút chương 1 phần 2 lịch sử 7 - Đề số 4 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Đề bài

Câu 1. Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế vào năm nào? Đặt tên nước là gì?

A. Năm 967, đặt tên nước là Đại Cổ Việt.

B. Năm 968, đặt tên nước là Đại Việt.

C. Năm 968, đặt tên nước là Đại Cồ Việt.

D. Năm 969, đặt tên nước là Đại Việt.

Câu 2. Dưới thời nhà Đinh, kinh đô nước ta đóng ở đâu?

A. Đại La.                       B. Cổ Loa.

C. Hoa Lư.                      D. Thăng Long.

Câu 3. Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, nối tiếp sự nghiệp của nhà Đinh là triều đại nào?

A. Nhà Lý.                   B. Nhà Tiền Lê.

C. Nhà Trần.                D. Nhà Hậu Lê.

Câu 4. Thời Tiền Lê chia đất nước như thế nào?

A. 13 đạo, phủ, châu, huyện, xã.

B. 13 đạo, lộ, phủ, châu, huyện.

C. 10 lộ, dưới lộ có phủ, châu.

D. Lộ, châu, phủ, huyện, xã.

Câu 5. Quân Tống do ai chỉ huy tiến vào xâm lược nước ta?

A. Ô Mã Nhi.              B. Triệu Tiết.

C. Hoằng Tháo.          D. Hầu Nhân Bảo.

Câu 6. Thời Tiền Lê, ai là người trực tiếp tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tống?

A. Lê Hoàn.             B. Ngô Quyền.

C. Đinh Toàn.           D. Nguyễn Bặc.

Câu 7. Việc Đinh Bộ Lĩnh xưng là hoàng đế có ý nghĩa như thế nào?

A. Đinh Bộ Lĩnh muốn khẳng định năng lực của mình.

B. Đinh Bộ Lĩnh muốn khẳng định nước ta độc lập và ngang hàng với Trung Quốc.

C. Đinh Bộ Lĩnh muốn ngang hàng với các hoàng đế Trung Quốc.

D. Đinh Bộ Lĩnh không muốn bắt chước Ngô Quyền.

Câu 8. Tại sao Đinh Bộ Lĩnh chọn Hoa Lư làm kinh đô?

A. Hoa Lư là nơi có nhiều cảnh đẹp, là nơi vua có thể sống gần gũi với thiên nhiên.

B. Hoa Lư là trung tâm của đất nước, nhiều đồng bằng, thuận lợi buôn bán.

C. Hoa Lư vừa là quê hương của Đinh Bộ Lĩnh và tạo thế phòng thủ, xây dựng đất nước.

D. Hoa Lư là nơi tập trung nhiều nhân tài, có thể giúp vua xây dựng đất nước.

Câu 9. Ý nào dưới đây lí giải không đúng nguyên nhân các tướng lĩnh suy tôn Lê Hoàn làm vua?

A. Ông là người có tài thao lược, có trí lớn.

B. Được các tướng lĩnh nể phục.

C. Ông đang giữ chức Thập đạo tướng quân, được lòng người quy phục.

D. Ông ép buộc nhân dân và các tướng lĩnh ủng hộ việc lên làm vua.

Câu 10. Dưới triều Tiền Lê, quân địa phương ở các lộ luân phiên vừa luyện tập, vừa làm ruộng mang lại tác dụng như thế nào?

A. Vừa đảm bảo sản xuất nông nghiệp, vừa bảo vệ được an ninh quốc phòng.

B. Đảm bảo phát triển thủ công nghiệp và thương nghiệp trong nước.

C. Tránh được nhà Tống sang xâm lược.

D. Kết hợp với quân ở triều đình bảo vệ nhà vua.

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

1.C

2.C

3.B

4.C

5.D

6.A

7.B

8.C

9.D

10.A

Câu 1.

Phương pháp: sgk trang 28

Cách giải:

Năm 968, công cuộc thống nhất đất nước đã hoàn thành, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng), đặt tên nước là Đại Cồ Việt (nước Việt lớn).

Chọn đáp án: C

Câu 2.

Phương pháp: sgk trang 28

Cách giải:

Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đóng đô tại Hoa Lư (Ninh Bình).

Chọn đáp án: C

Câu 3.

Phương pháp: sgk trang 29 - 30

Cách giải:

- Cuối năm 979, nội bộ triều Đinh xảy ra một số biến cố. Đinh Tiên Hoàng và con trai là Đinh Liễn bị ám hại. Vua mới còn nhỏ, Lê Hoàn được cử làm phụ chính. Một số tướng dấy binh chống lại, đã bị Lê Hoàn đánh bại. Nhân cơ hội đó, nhà Tống lăm le xâm phạm bờ cõi Đại Cồ Việt.

- Trước tình thế hiểm nghèo, các tướng lĩnh và quân đội đồng lòng suy tôn Lê Hoàn lên làm vua để chỉ huy kháng chiến.

- Lê Hoàn (Lê Đại Hành) đổi niên hiệu là Thiên Phúc, lập nên nhà Lê, gọi là nhà Tiền Lê

=> Như vậy, nối tiếp sự nghiệp của nhà Đinh là nhà Tiền Lê.

Chọn đáp án: B

Câu 4.

Phương pháp: sgk trang 30

Cách giải:

Về đơn vị hành chính, nhà Tiền Lê chia đất nước cả nước được chia làm 10 lộ. Dưới lộ có phủ và châu. Hầu hết quan lại đều là võ tướng. Các quan lại địa phương chưa được sắp xếp đầy đủ.

Chọn đáp án: C

Câu 5.

Phương pháp: sgk trang 30

Cách giải:

Đầu năm 981, quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy theo hai đường thuỷ, bộ tiến đánh nước ta: quân bộ theo đường Lạng Sơn, còn quân thuỷ theo đường sông Bạch Đằng.

Chọn đáp án: D

Câu 6.

Phương pháp: sgk trang 30

Cách giải:

Sau khi lên ngôi, Lê Hoàn là người trực tiếp tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến. Ông cho quân đóng cọc ở sông Bạch Đằng để ngăn chặn chiến thuyền địch. Nhiều trận chiến đấu ác liệt đã diễn ra trên sông Bạch Đằng, cuối cùng thuỷ quân địch bị đánh lui.

Chọn đáp án: A

Câu 7.

Phương pháp: sgk trang 28, lý giải, loại trừ.

Cách giải:

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Hoàng đế. Việc Đinh Bộ Lĩnh xưng đế có ý nghĩa rất quan trọng: Khẳng định sự độc lập của nước Việt, từ nay nước Việt đã có thể kiêu hãnh đứng ngang hàng với người Trung Quốc sau 1000 năm Bắc thuộc.

Chọn đáp án: B

Câu 8.

Phương pháp: sgk trang 28, suy luận, lý giải.

Cách giải:

Có hai lí do chính mà Đinh Bộ Lĩnh chọn Hoa Lư làm kinh đô:

- Hoa Lư là quê hương của Đinh Bộ Lĩnh.

- Hoa Lư được miêu tả: “Là nơi núi non trùng điệp, núi trong sông, sông trong núi. Căn cứ thủy bộ rất thuận tiện. Sau lưng là rừng, trước là đồng bằng, xa nữa là biển... Nơi đây non sông tráng lệ, phong thủy hài hòa, xứng được chọn để dựng đô”.

=> Là nền tảng để xây dựng đất nước, nhiều đồi núi tạo ra thế phòng thủ trước kẻ thù xâm lược.

Chọn đáp án: C

Câu 9.

Phương pháp: sgk trang 29-30, lý giải, loại trừ

Cách giải:

- Lê Hoàn được các tướng lĩnh suy tôn lên làm vua là bởi vì: ông là người có tài thao lược, có trí lớn, dũng cảm vô song, có lòng thương yêu binh sĩ, được họ kính yêu sâu sắc.

- Khi Đinh Tiên Hoàng qua đời, triều đình cử ông làm phụ chính, giúp vua trông coi việc nước (vì Đinh Toàn lên ngôi còn nhỏ tuổi). Lúc này ông đang giữ chức Thập đạo tướng quân, Điện tiền chỉ huy sứ, được lòng người quy phục. Trước nguy cơ xâm lược của quân Tống, Thái hậu họ Dương, quan lại đồng tình suy tôn ông làm vua.

=> Loại trừ đáp án D: Ông ép buộc nhân dân và các tướng lĩnh ủng hộ việc lên làm vua.

Chọn đáp án: D

Câu 10.

Phương pháp: sgk trang 30, suy luận, lý giải.

Cách giải:

Dựa trên sự phân công quân đội thời Tiền Lê:

Nhà Tiền Lê chú ý xây dựng một đội quân mạnh để bảo vệ chính quyền trung ương.

- Quân đội gồm 10 đạo và hai bộ phận:

+ Cấm quân (quân của triều đình) bảo vệ vua và kinh thành.

+ Quân địa phương đóng tại các lộ, luân phiên nhau vừa luyện tập vừa làm ruộng. => Có tác dụng vừa đảm bảo được sản xuất nông nghiệp ở các địa phương, binh lính vẫn sẽ được luyện tập võ nghệ, đảm bảo được an ninh quốc phòng của đất nước.

Chọn đáp án: A

HocTot.Nam.Name.Vn