Chứng minh rằng văn học của dân tộc ta luôn ca ngợi những ai biết “Thương người như thể thương thân ” và nghiêm khắc phê phán những kẻ thờ ơ, dửng dưng trước người gặp hoạn nạn.Soạn bài Viết bài tập làm văn số 7 - Văn nghị luận - Ngữ văn 8 tập 2. Đề 2.
Lòng nhân ái là một chủ đề in sâu, in đậm trong nền văn học của dân tộc ta. Con người Việt Nam giàu tình thương nên văn học dân tộc mới có nhiều tác phẩm ca ngợi tình thương một cách thật hay, thật cảm động như thế. Tình cha con, mẹ con, tình anh em chị em ruột thịt, tình bè bạn, tình yêu đồng loại... như những ngọn lửa ấm áp làm bừng sáng câu thơ, bài văn, làm cho người đọc không khỏi bồi hồi xúc động. “Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ...”, “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”, “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”... Những câu hát câu ca đã cùng lời ru tiếng hát của bà, của mẹ thấm sâu vào hồn tuổi thơ, mà mỗi chúng ta sẽ mang theo suốt cuộc đời: Mẹ ru cái lẽ ở đời Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn Bà ru mẹ, mẹ ru con Liệu mai sau các con còn nhớ chăng? Từ mái nhà êm ấm mẹ cha, ta mang theo tình thương anh, thương chị, thương em, ta biết “Chị ngã, em nâng”, ta nhớ “Anh em như thể tay chân”,... để bước vào đời, sống giữa tình thương bao la của đồng bào, đồng chí, đồng loại. Thầy, cô giáo dạy ta bài học “Thương người như thể thương thân”, nhắc ta biết ăn, ở có tình nghĩa thuỷ chung: “Bầu ơi, thương lấy bí cùng, Tuy rằng khúc giống nhưng chung một giàn ”, hoặc: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng ” Truyện Trung đại viết bằng chữ Hán đã ngợi ca những con người giàu tâm đức. Bà đỡ Trần giúp hổ cái vượt qua cơn đau đẻ được mẹ tròn con vuông, bác tiều phu ở Lạng Giang đã thò tay vào miệng hổ cứu hổ bị hóc xương. Người thì được hổ đền ơn 10 lạng bạc, người thì được hổ biếu lợn, nai, lúc qua đời được hổ đến đưa tang. Quan ngự y Phạm Bân đã dựng nhà thương, phát cơm cháo, thuốc men, cứu chữa hàng nghìn người nghèo khó vượt qua cơn dịch bệnh, được người đời ngợi khen là “bậc lương y chân chính, đã giỏi về nghề nghiệp lại có lòng nhân đức”. Vũ Trinh và Phạm Đình Hổ đã để lại bao trang văn, bao hình ảnh, bao câu chuyện nói về tình thương, ca ngợi tình thương rất giàu ý nghĩa và có tác dụng giáo dục sâu sắc. “Truyện Kiều ” của thi hào Nguyễn Du và “Truyện Lục Vân Tiên ” của nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu là hai kiệt tác bằng chữ Nôm giàu giá trị nhân đạo. Hai cụ đã dành những vần thơ đẹp nhất ca ngợi tình yêu chung thuỷ của lứa đôi, đồng thời nói lên chữ nhân, chữ nghĩa thật sâu sắc, cảm động. Vai Giác Nguyên, mụ Quản gia, Tiểu đổng, Lão bà, Vương Tử Trực,... là những con người đẹp mãi, sống mãi trong lòng người bởi tình thương. Người đọc có bao giờ quên lời Kiều nói trong buổi báo ân báo oán: “Nhớ khi lỡ bước sẩy vời, Non vàng chưa dề đền bồi tấm thân Nghìn vàng gọi chút lễ thường Mà lòng Phiếu mẫu mấy vàng cho cân! (Truyện Kiều) Coi những nhân vật như Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Trịnh Hâm,... lũ bạc ác tinh ma ấy sẽ bị thế gian muôn đời nguyền rủa và phỉ nhổ. Bên cạnh những con người nhân đức biết san sẻ cưu mang “lá lành đùm lá rách” lại có những kẻ lòng dạ đóng băng, dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại, sống vô cảm, vô tình, “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”. Những kẻ ấy ai đoái, ai nhìn, ai trọng, ai gần? Tôi rất thích chữ “thương” trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu: “Áo anh rách vai / Quần tôi có vài mảnh vá / Miệng cười buốt giá / Thương nhau tay nắm lấy bàn tay. Tôi nhớ mãi chữ “thương ” trong câu thơ của Tố Hữu: “ Thương nhau chia củ sắn lùi, Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng" Tóm lại, lòng nhân ái, chữ thương, chữ tình, chữ nghĩa trong thơ văn của dân tộc đã ướp thơm hồn người, đã truyền cho ta sức mạnh để sống đẹp hơn, để vượt qua mọi thử thách khó khăn trong cuộc đời, để sống gần người hơn, nhân ái hơn. HocTot.Nam.Name.Vn
|