Bài tập cuối tuần Tiếng Việt 5 tuần 18 - Đề 2 (Có đáp án và lời giải chi tiết)

Bài tập cuối tuần 18 - Đề 2 bao gồm các bài tập chọn lọc với dạng bài tập đọc hiểu và trả lời câu hỏi giúp các em ôn tập lại kiến thức về tập đọc, chính tả, luyện từ và câu, tập làm văn đã được học trong tuần

Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 5 tất cả các môn

Toán - Văn - Anh

Đề bài

A. Kiểm tra Đọc

I/ Đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi  (5 điểm)

Đọc một trong số các đoạn trích dưới đây trong bài Tập đọc đã học (SGK) và trả lời câu hỏi (TLCH); sau đó tự đánh giá, cho điểm theo hướng dẫn ở Phần 2 (Giải đáp - gợi ý)

(1) Mùa thảo quả (từ Sự sống cứ tiếp tục đến nhấp nháy vui mắt)

TLCH: Khi thảo quả chín, rừng có những nét gì đẹp?

(2) Hành trình của bầy ong (2 khổ thơ cuối)

TLCH: Hai dòng thơ cuối bài nói gì về công việc của loài ong?

(3) Hạt gạo làng ta (3 khổ thơ đầu)

TLCH: Những điệp từ trong khổ thơ đầu nhằm nhấn mạnh điều gì?

(4) Về ngôi nhà đang xây (3 khổ thơ đầu)

TLCH: Những chi tiết nào vẽ nên hình ảnh một ngôi nhà đang xây?

(5) Thầy thuốc như mẹ hiền (từ Hải Thượng Lãn Ông đến cho thêm gạo, củi)

TLCH: Những chi tiết nào cho thấy lòng nhân ái của Lãn Ông?

II/ Đọc thầm và làm bài tập (5 điểm)

Lòng nhân ái thật sự

         Một cơn bão vừa tàn phá thị trấn nhỏ ở gần thành phố của chúng tôi làm nhiều gia đình phải sống trong cảnh khốn khó. Tất cả các tờ báo địa phương đều đăng hình ảnh và những câu chuyện thương tâm về một số gia đình mất mát nhiều nhất. Có một bức ảnh làm tôi xúc động. Một phụ nữ trẻ đứng trước ngôi nhà đổ nát của mình, gương mặt hằn sâu nỗi đau đớn. Đứng cạnh bà là một cậu bé chừng 7 hay 8 tuổi, mắt nhìn xuống. Đứa con gái nhỏ bám chặt quần mẹ, nhìn chằm chặp vào máy ảnh, mắt mở to vẻ bối rối và sợ hãi. Bài báo đi kèm kêu gọi mọi người giúp đỡ những người trong gia đình đó. Tôi nhận thấy đây sẽ là một cơ hội tốt để dạy các con mình giúp đỡ những người kém may mắn hơn.

        Tôi đưa tấm ảnh gia đình đó cho các con tôi xem, giải thích nỗi khổ của họ cho hai đứa con trai sinh đôi 7 tuổi và đứa con gái 3 tuổi. Tôi bảo chúng: “Chúng ta có quá nhiều trong khi những người này bây giờ không còn gì cả. Chúng ta hãy chia sẻ với họ những gì mình có.”. Tôi và hai con trai chất vào thùng cứu trợ nào đồ hộp và xà bông, mì gói,… Tôi cũng khuyến khích chúng chọn ra một số đồ chơi mà chúng không chơi nữa. Đứng nhìn hai anh sắp xếp mọi thứ, con gái tôi có vẻ nghĩ ngợi. Tôi nói với con: “Mẹ sẽ giúp con tìm một thứ gì đó cho em bé trong ảnh.”.

        Trong lúc hai anh mình đặt những món đồ chơi cũ chúng đã chọn vào thùng, con gái tôi đi vào, tay ôm chặt con búp bê cũ kĩ nhạt màu, tóc rối bù, nhưng là món đồ chơi nó yêu thích nhất. Nó ôm hôn con búp bê lần chót trước khi bỏ vào thùng. Tôi nói: “Con không cần phải cho nó, con thương nó lắm mà.”.

        Con gái tôi gật đầu nghiêm trang: “Nó đem lại niềm vui cho con mẹ ạ, có lẽ nó cũng sẽ đem lại niềm vui cho bạn kia.”

      Tôi nhìn sững con, chợt nhận ra rằng bất cứ ai cũng có thể đem cho những thứ mình bỏ đi, nhưng lòng nhân ái thật sự là đem cho những gì mình yêu quý nhất.

(Theo báo điện tử - hoathuytinh.com)

Câu 1. Điều gì đã khiến người mẹ trong câu chuyện cảm thấy xúc động?

a - Bức ảnh trên báo đăng hình một gia đình bị bão tàn phá rất thương tâm

b - Cơn bão vừa tàn phá một thị trấn làm nhiều gia đình phải sống khốn khó

c - Bài báo kêu kêu gọi mọi người giúp đỡ những người trong gia đình bị gặp nạn

Câu 2. Người mẹ muốn dạy các con mình điều gì?

a - Biết cho đi những thứ mà mình không cần dùng nữa trong cuộc sống

b - Biết nhận ra mình là người may mắn và giúp đỡ người gặp khó khăn

c - Biết chia sẻ với những con người đã gặp hoàn cảnh không may mắn

Câu 3. Cô bé 3 tuổi đã gửi bạn gái trong bức ảnh cái gì?

a - Rất nhiều đồ hộp, xà bông, mì gói và đồ chơi cũ

b - Con búp bê cũ nhưng là đồ chơi bé yêu thích nhất

c - Con búp bê cũ là đồ chơi bé không thích chơi nữa

Câu 4. Câu nói của cô con gái 3 tuổi làm người mẹ sững người và nhận ra điều gì?

a - Đem cho tất cả những gì mình có mới là lòng nhân ái thực sự

b - Đem cho những thứ mình yêu quý nhất mới là lòng nhân ái thực sự

c - Đem cho bất cứ cái gì của mình cũng thể hiện lòng nhân ái

Câu 5. Dòng nào dưới đây gồm 3 từ đồng nghĩa với từ nhân nghĩa?

a - nhân đức, nhân hậu, thiện chí

b - nhân đức, nhân từ, lương thiện

c - nhân đức, nhân hậu, nhân từ

Câu 6. Dòng nào dưới đây gồm 3 từ trái nghĩa với từ nhân nghĩa?

a - độc ác, hung bạo, bất lương

b - hung bạo, ác nghiệt, bất tử

c - ác nghiệt, hung tàn, dữ dội

Câu 7. Dòng nào dưới đây có từ đồng âm?

a - bàn bạc / bàn cãi

b - bàn chân / bàn công việc

c - bàn tay / bàn học

Câu 8. Dòng nào dưới đây ghi đúng 3 đại từ xưng hô trong 2 câu “Ta băn khoăn tìm cách cứu dân khỏi cảnh hạn hán. Con có thể cùng thầy bàn mưu cứu trăm họ được không?”

a - ta, dân, thầy

b - con, thầy, họ

c - ta, con, thầy

Câu 9. Câu “Tất cả các tờ báo địa phương đều đăng hình ảnh và những câu chuyện thương tâm về một số gia đình mất mát nhiều nhất.” thuộc kiểu câu nào em đã học?

a - Ai làm gì?

b - Ai thế nào?

c - Ai là gì?

Câu 10. Bộ phận chủ ngữ trong câu “Nó ôm hôn con búp bê lần chót trước khi bỏ vào thùng.” Là từ ngữ nào?

a - Nó

b - Nó ôm hôn

c - Nó ôm hôn con búp bê lần chót

B. Kiểm tra Viết

I/ Chính tả nghe – viết (5 điểm)

Mùa xuân

      Lá cứ lặng lẽ rụng. Chim cứ lặng lẽ chuyền cành. Các giống hoa cứ lặng lẽ đơm nụ. Thời gian thầm thì gọi mùa xuân đến, không vội vàng mà chắc chắn.

      Bỗng một buổi sớm, tiếng chích chòe vang lên lảnh lót, hương hoa bưởi lan tỏa khắp vườn. Những chú ong mật tíu tít bay đến những chùm hoa chúm chím. Cây đào lốm đốm những nụ phớt hồng. Mùa xuân đã đến rồi đấy, thật bất ngờ như đã được mong đợi từ lâu.

(Theo Vũ Nam)

Chú ý: HS nhờ người khác đọc từng câu để viết bài chính tả trên giấy kẻ ô li.

II/ Tập làm văn (5 điểm)

Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 15 câu) tả một người thân của em.

(Chú ý: HS viết bài tập làm văn vào giấy kẻ ô li)

Lời giải chi tiết

A. Kiểm tra đọc

I/ Đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi

(1) Mùa thảo quả (từ Sự sống cứ tiếp tục đến nhấp nháy vui mắt)

TLCH: Khi thảo quả chín, rừng có những nét gì đẹp?

-> TRẢ LỜI:

 - Những chi tiết miêu tả những nét đẹp của cánh rừng khi thảo quả chín:

+Dưới đáy rừng, tựa như đột ngột, bỗng rực lên những chùm thảo quả đỏ chon chót, như chứa lửa, chứa nắng.

+Rừng ngập hương thơm.

+Rừng sáng như có lửa hắt lên từ dưới đáy rừng.

+Rừng say ngây và ấm nóng.

+Thảo quả như những đốm lửa hồng, ngày  qua ngày lại thắp thêm nhiều ngọn mới, nhấp nháy vui mắt.

(2) Hành trình của bầy ong (2 khổ thơ cuối)

TLCH: Hai dòng thơ cuối bài nói gì về công việc của loài ong?

-> TRẢ LỜI:

Hai dòng thơ cuối bài nói về công việc của loài ong như sau:

- Công việc của bầy ong có ý nghĩa thật đẹp và lớn lao

- Ong giữ hộ cho người những mùa hoa đã tàn nhờ đã chắt được trong vị ngọt, mùi hương của hoa những giọt mật tinh túy.

- Thưởng thức mật ong, con người như thấy những mùa hoa sống lại, không phai tàn

(3) Hạt gạo làng ta (3 khổ thơ đầu)

TLCH: Những điệp từ trong khổ thơ đầu nhằm nhấn mạnh điều gì?

-> TRẢ LỜI: Những điệp từ trong khổ thơ đầu nhằm nhấn mạnh hạt gạo được làm nên từ tinh túy của đất (có vị phù sa); của nước (có hương sen thơm trong hồ nước đầy); và công lao của con người, của cha mẹ - có lời mẹ hát ngọt bùi đắng cay

(4) Về ngôi nhà đang xây (3 khổ thơ đầu)

TLCH: Những chi tiết nào vẽ nên hình ảnh một ngôi nhà đang xây?

-> TRẢ LỜI: Những chi tiết vẽ lên hình ảnh một ngôi nhà đang xây là:

- Giàn giáo tựa cái lồng

- Trụ bê tông nhú lên như mầm cây

- Bác thợ nề cầm bay làm việc

- Ngôi nhà có mùi vôi vữa nồng hăng

- Ngôi nhà còn nguyên màu vôi, gạch

- Những rãnh tường chưa trát vữa

(5) Thầy thuốc như mẹ hiền (từ Hải Thượng Lãn Ông đến cho thêm gạo, củi)

TLCH: Những chi tiết nào cho thấy lòng nhân ái của Lãn Ông?

-> TRẢ LỜI:

* Những chi tiết nói lên lòng nhân ái của Lãn Ông trong việc ông chữa bệnh cho con người thuyền chài là:

- Lãn Ông nghe tin con của người thuyền chài bị bệnh đậu nặng, tự tìm đến thăm.

- Ông tận tình chăm sóc người bệnh suốt một tháng hè trời nóng nực mà không hề ngại khổ, ngại bẩn.

- Lúc ra về, ông  không những không lấy tiền mà còn cho thêm gạo, củi.

* Tấm lòng nhân ái của Lãn Ông thông qua việc chữa bệnh cho người phụ nữ được thể hiện ở: Lãn Ông tự buộc tội mình về cái chết của một người bệnh không phải do ông gây ra. Điều đó chứng tỏ ông là một thầy thuốc rất có lương tâm và trách nhiệm.

 

II/ Đọc thầm và làm bài tập

Câu 1: Điều đã khiến người mẹ trong câu chuyện cảm thấy xúc động là: Bức ảnh trên báo đăng hình một gia đình bị bão tàn phá rất thương tâm.

Chọn đáp án: a

Câu 2: Người mẹ muốn dạy các con mình bài học biết chia sẻ với những con người đã gặp hoàn cảnh không may mắn.

Chọn đáp án: c

Câu 3: Cô bé 3 tuổi đã gửi bạn gái trong bức ảnh con búp bê cũ nhưng là đồ chơi bé yêu thích nhất.

Chọn đáp án: b

Câu 4: Câu nói của cô con gái 3 tuổi làm người mẹ sững người và nhận ra rằng đem cho những thứ mình yêu quý nhất mới là lòng nhân ái thực sự.

Chọn đáp án: b

Câu 5: Dòng có chứa ba từ đồng nghĩa với từ nhân nghĩa đó là: nhân đức, nhân hậu, nhân từ.

Chọn đáp án: c

Câu 6: Dòng chứa ba từ trái nghĩa với từ nhân nghĩa đó là: độc ác, hung bạo, bất lương

Chọn đáp án: a

Câu 7: Dòng có chứa từ đồng âm đó là: bàn chân / bàn công việc

Chọn đáp án: b

Câu 8: Dòng ghi đúng ba đại từ xưng hô có trong câu đó là: ta, con, thầy

Chọn đáp án: c

Câu 9: Câu đã cho thuộc kiểu câu Ai làm gì?

Chọn đáp án: a

Câu 10: Bộ phận chủ ngữ của câu đã cho là: Nó

Chọn đáp án: a

 

B. Kiểm tra Viết

I/ Chính tả

II/ Tập làm văn

Bài văn tham khảo tả bà:

            Trong gia đình, người gần gũi và thân thiết nhất với em là bà nội. Ngay từ khi còn nhỏ, tuổi thơ của em đã luôn có bà bên cạnh. Mỗi một kỉ niệm, mỗi một cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời em đều có hình bóng bà kề bên.

            Bà nội em năm nay đã gần 80 tuổi. Đôi mắt bà đã mờ đục, mái tóc đã bạc và mỏng đi nhiều. Mỗi lần chải tóc cho bà em đều cảm thấy xót xa, cố gắng chải nhẹ nhàng nhất có thể. Làn da của bà đã hằn in bao dấu vết của thời gian, nhăn nheo, chảy xệ và điểm cả những đốm đồi mồi.

            Tuy đã nhiều tuổi rồi nhưng bà vẫn rất thích làm việc nhà. Mới sáng sớm, khi em còn chìm đắm trong giấc ngủ bà đã thức dậy dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vườn rau sau nhà. Vườn rau nhỏ xinh đầy những rau xanh như rau muống, rau cải, mướp, cải bắp, su hào,… đều do một tay bà và mẹ em vun trồng và chăm sóc. Đối với mỗi công việc nhà, bà đều tỉ mỉ, cẩn thận  làm từng chút một. Những lúc không phải học bài em thường thích loanh quanh bên bà, phụ giúp bà những công việc nhà. Em rất thích ngồi hàng giờ trò chuyện với bà. Phần vì em biết người già rất thích có người bên cạnh trò chuyện cùng, phần vì em cũng rất thích lắng nghe bà nói. Bà hay kể cho em nghe những câu chuyện xa xưa, em ngoan ngoãn ngồi bên bà như chú mèo nhỏ. Mỗi lúc như thế đôi mắt đục mờ của bà lại nhìn xa xăm vào khoảng không phía trước, có chút gì đó rưng rưng. Em có thể thấy được từ trong đôi mắt đó bao nhiêu cảm xúc đang ùa về. Nhưng mỗi lúc em kể cho bà nghe những câu chuyện ở lớp với thầy cô, bạn bè của em thì đôi mắt ấy lại sáng và linh động tới kì lạ. Đôi mắt chuyển động theo từng lời kể của em, lúc thì dãn ra, khi lại híp lại, thỉnh thoảng bà lại bật cười xoa đầu em. Em thấy được từ trong đôi mắt ấy bao nhiêu là yêu thương và trìu mến mà bà dành cho em.

            Những ngày ấu thơ em thích lười biếng nằm trong lòng bà, nắm đôi bàn tay nhăn nheo của bà. Cảm thấy ấm áp tới vô cùng. Bố mẹ thường xuyên đi làm xa, chỉ có bà ở bên cạnh bầu bạn, chăm chút cho em từng li từng tí một. Hình ảnh của bà bao trùm trọn vẹn cả tuổi thơ của em.

            Bà là người mà em vô cùng yêu quý. Em mong bà mạnh khỏe, sống thật lâu với các con các cháu. Em sẽ học thật giỏi, thật ngoan, thường xuyên ở bên bà để bà vui lòng.

HocTot.Nam.Name.Vn

Tham Gia Group Dành Cho 2K13 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close