Bài 9: Đấu tranh bảo vệ tổ quốc từ sau tháng 4 năm 1975 đến nay. Một số bài học lịch sử của cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc từ năm 1945 đến nay SGK lịch sử 12 Chân trời sáng tạo

Trình bày khái quát bối cảnh lịch sử của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4-1975 đến nay?

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 12 tất cả các môn - Chân trời sáng tạo

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

? mục 1

Trình bày khái quát bối cảnh lịch sử của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4-1975 đến nay?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần 1. Bối cảnh lịch sử của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4-1975 đến nay ( SGK trang 57) 

- Chỉ ra bối cảnh lịch sử của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4-1975 đến nay.

Lời giải chi tiết:

- Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Việt Nam bước vào thời kì độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, hậu quả của 30 năm chiến tranh trên cả nước còn rất nặng nề.

- Việt Nam bị Mỹ cấm vận, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Cam-pu-chia có dấu hiệu bất ổn.

- Trong xu thế hòa hoãn Đông - Tây của thế giới, các cường quốc (Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc,...) và các nước trong khu vực Đông Nam Á có nhiều thay đổi, ảnh hưởng đến tình hình Việt Nam, nhưng tình trạng bất ổn, xung đột vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.

? mục 2 a

Trình bày khái quát diễn biến chính của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần 2a. Cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam ( SGK trang 57) 

- Chỉ ra diễn biến chính của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam.

Lời giải chi tiết:

- Ngay sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân dân Việt Nam phải tiếp tục cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam chống lại sự xâm lược của tập đoàn Khơ-me đỏ do Pôn Pốt cẩm đầu.

- Từ sau ngày 30 - 4 - 1975 đến tháng 4 - 1977: Quần Pôn Pốt liên tục khiêu khích, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, gây xung đột ở biên giới.

- Đêm 30-4 -1977: Quân Pôn Pốt tấn công và gây ra các vụ thảm sát ở Ba Chúc - An Giang, Tân Lập - Tây Ninh,... Quân và dân các tỉnh biên giới Tây Nam đánh đuổi quân xâm lấn, bảo vệ nhân dân, bảo vệ biên giới.

- Cuối tháng 12- 1978: Quân Pôn Pốt huy động 19/23 sư đoàn tiến công xâm lược toàn tuyến biên giới Tây Nam Việt Nam. Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, quân dân Việt Nam mở cuộc tổng phản công tiêu diệt và quét sạch quân xâm lược khỏi nước ta.

- Đầu năm 1979: Theo yêu cầu của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với quân dân Cam-pu-chia chiến đấu, lật đổ chế độ diệt chủng Khơ-me đỏ, giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh (ngày 07 - 01 - 1979), thiết lập lại quan hệ láng giềng.

? mục 2 b

Trình bày khái quát diễn biến chính của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần 2b. Cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc( SGK trang 58) 

- Chỉ ra diễn biến chính của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc.

Lời giải chi tiết:

- Từ giữa năm 1975, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trở nên căng thẳng. Sau đó, Trung Quốc đơn phương chấm dứt các viện trợ kinh tế, kĩ thuật, gây ra vấn đề người Hoa ở Việt Nam, khiêu khích xâm phạm biên giới phía Bắc của Việt Nam.

- Sáng ngày 17 - 02 - 1979, Trung Quốc huy động 32 sư đoàn (60 vạn quân), tiến công sang toàn bộ sáu tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu). Để bảo vệ Tổ quốc, quân dân Việt Nam, trực tiếp là quân dân sâu tỉnh biên giới phía Bắc đã đứng lên chiến đấu.

- Trước cuộc chiến đấu ngoan cường của quân dân Việt Nam và sự phản đối của dư luận quốc tế, ngày 05 - 3- 1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân.

- Tuy nhiên, tình hình trên tuyến biên giới phía Bắc vẫn tiếp tục căng thẳng kéo dài đến năm 1989, đặc biệt là ở Vị Xuyên (Hà Giang).

? mục 2 c

Trình bày những hoạt động bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên Biển Đông?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần 2c. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông( SGK trang 59) 

- Chỉ ra những hoạt động bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên Biển Đông.

Lời giải chi tiết:

- Sau Đại thắng Xuân 1975, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quản lí toàn bộ lãnh thổ đất nước, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Trong các năm 1979, 1981, 1988, Việt Nam liên tục công bố Sách trắng khẳng định chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam.

- Năm 1982, Việt Nam thành lập huyện đảo Hoàng Sa (thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) và huyện đảo Trường Sa (thuộc tỉnh Đồng Nai). Ngày 28 - 12 - 1982, Quốc hội khóa XII ra Nghị quyết sáp nhập huyện Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh. Tháng 7 - 1989, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng, huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.

- Để bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, Việt Nam triển khai nhiều hoạt động thực thi chủ quyền ở huyện đảo Hoàng Sa và huyện đảo Trường Sa: triển lãm các hiện vật, xây dựng bia chủ quyền, thiết lập ngọn hải đăng, xây chùa, trường học, bưu điện, hỗ trợ cuộc sống người dân,....

- Việt Nam đã xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng và an ninh.

- Việt Nam tăng cường xây dựng lực lượng quản lí, bảo vệ biển, đảo vững mạnh về mọi mặt; kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống các mưu đồ xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông; thực hiện công tác đối ngoại quốc phòng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

- Việt Nam kiên quyết, kiên trì giải quyết tranh chấp biển, đảo bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế (đưa công hàm phản đối Trung Quốc về đường chín đoạn ở Biển Đông, phản đối xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, ngăn chặn các hành vi lợi dụng ấn phẩm văn hóa xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam,..)

- Ngày 14 - 3 - 1988, quân Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao của Việt Nam. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biển đảo, hàng chục chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hi sinh. Chính phủ Việt Nam đã thông báo cho Liên hợp quốc về vấn để này.

? mục 3

Nêu ý nghĩa của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4-1975 đến nay?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần 3. Ý nghĩa của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4-1975 đến nay ( SGK trang 60) 

- Chỉ ra ý nghĩa của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4-1975 đến nay.

Lời giải chi tiết:

- Cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc là chiến tranh tự vệ chính đáng của Việt Nam, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc của Việt Nam; góp phần bảo vệ hòa bình ổn định trong khu vực Đông Nam Á.

- Chiến đấu bảo vệ và giữ gìn biển đảo khẳng định chủ quyền thực tế của Việt Nam trên Biển Đông. Đó là cuộc đấu tranh chính nghĩa, phù hợp với truyền thống anh dũng, bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc, tuân thủ đúng luật pháp quốc tế; thể hiện ý chí quyết tâm của Việt Nam đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp bảo vệ chủ quyền, giữ gìn hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

? mục 4

Phân tích giá trị thực tiễn của một bài học lịch sử trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần 4. Một số bài học lịch sử của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay ( SGK trang 61) 

- Chỉ ra giá trị thực tiễn một bài học lịch sử trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay.

Lời giải chi tiết:

- Luôn nêu cao tinh thần yêu nước và lòng nhân đạo cao cả của con người Việt Nam

Truyền thống yêu nước và lòng nhân đạo cao cả của người Việt Nam là truyền thống và cũng là bài học lịch sử của cha ông trong đánh giặc giữ nước, đã phát huy trong kháng chiến trường kì chống thực dân đế quốc xâm lược, nay tiếp tục phát huy trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ mối quan hệ lâu đời giữa các nước anh em.

- Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc

Thực tiễn cách mạng Việt Nam muốn thắng lợi cần phát huy vai trò của Mặt trận dân tộc thống nhất nhằm tập hợp các lực lượng của cả dân tộc vào việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

- Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của khu vực, quốc tế

Trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay, việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là nhân tố quan trọng đưa đến thắng lợi. Biểu hiện thông qua việc tổ chức, phát huy nội lực của toàn dân; đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

- Vận dụng sáng tạo và phát huy nghệ thuật lãnh đạo chính trị và quân sự toàn diện, thống nhất trong cả nước

Đó là bản lĩnh bình tĩnh, khôn khéo, thực hiện phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Vận dụng sáng tạo, linh hoạt nghệ thuật lãnh đạo chính trị và quân sự, thể hiện qua đường lối và sách lược cách mạng của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của từng thời kì: vừa kháng chiến, vừa kiến quốc trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tiến hành đồng thời hai cuộc cách mạng (cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Về nghệ thuật quân sự, tiền hành chiến tranh nhân dân, kết hợp ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận), kết hợp chặt chế ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích), phối hợp chiến trường,....

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

close